Tuesday, August 25, 2020

Nhớ lại: Đi học nước ngoài thời chiến tranh

KỶ NIỆM 51 NĂM XUẤT NGOẠI ....BẰNG TÀU THUỶ - Теплоход “ ИЛЬИЧ” -

Ngày này 25-8-1969- cách đây 51 năm - khoảng 1200 cô cậu học trò ở miền Bắc từ Bến Sáu Kho - Cảng Hải Phòng lên Tàu Thuỷ ILICH của Liên Xô - Теплоход “ ИЛЬИЧ” - Lần đầu tiên trong đời đi xuất Ngoại sang Liên Xô và các nước Đông Âu để học Đại học...

Ngày 24-8-1969 từ nhà C9 trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội và trường ĐHKT Quốc Dân - chúng tôi gần một ngàn hai trăm cô cậu học trò của miền Bắc trải qua kỳ kiểm tra văn hóa ( môn Toán, Văn) được hàng chục xe ô tô chở ra ga Hàng Cỏ. Đêm hôm đó chúng tôi lên chuyến tàu hỏa Hà Nội – Hải Phòng. Tôi còn nhớ hôm đó trên sân ga có nhiều người nhà của các bạn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đến tiễn con em mình đi học Đại Học  ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Tôi và nhiều bạn ở miền Trung tuyến lửa và các tỉnh ở xa Hà Nội không có người nhà tiễn nhưng vẫn cảm thấy rất vui. Tàu đưa chúng tôi đến Bến Sáu Kho – cái tên mà chúng tôi được biết qua các giờ học văn, học sử " Bến Sáu kho rộn rã còi tau,,,". Sau đó chúng tôi được đưa lên tàu thủy của Liên Xô - Теплоход “ ИЛЬИЧ”¬. Trước đó chúng tôi đã bị hoãn nhiều lần đi tàu Liên Vận qua Trung Quốc vì lúc đó đang có chiến tranh ở biên giới Nga – Trung. Ngày 25-8-1969 tàu Теплоход ИЛЬИЧ rời Hải Phòng để đến cảng Nakhodka TP Vladivostok.

 Ngày hôm đó đối với đa số chúng tôi có rất nhiều cái "đầu tiên": 

LẦN ĐẦU TIÊN nhìn thấy Tàu Thủy và được đi tàu thủy; LẦN ĐẦU TIÊN  thấy Biển và được lênh đênh trên biển và được biết thế nào là say sóng biển... Tôi còn có thêm một cái đầu tiên là được ăn "Chuối tiêu xanh" vì trước đó tôi chỉ ăn chuối chín màu vàng do ở quê tôi không có chuối chín màu xanh...

Tôi còn nhớ, trên tàu đã tổ chức liên hoan văn nghệ mừng quốc khánh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 2 – 9 -1969. Tối hôm đó tất cả mọi người đều tập trung lên boong tàu để xem nhảy múa, nghe hát rất vui.

 Sau một tuần lênh đênh trên biển qua eo biển Triều Tiên, đi ngang qua đảo Hải Nam, nhìn thấy rất nhiều tàu thủy của các nước trên biển....tàu đưa chúng tôi đến cảng Nakhodka-TP Vladivostok. Sau khi rời tàu tôi vẫn nhớ như in tiếng còi tàu da diết từ biệt chúng tôi của tàu Теплоход “ ИЛЬИЧ” , Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua mà tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng còi tàu vang lên hôm đó... Sau khi rời tàu thuỷ , chúng tôi được "tổng vệ sinh cơ thể" để tìm xem thử có ai không bị ghẻ lở, hắc lào không?... 

 Sau đó chúng tôi lên tàu hỏa để tiến về thủ đô  Moscow. Khi lên tàu 2-9-1969 thì đúng lúc Bác Hồ mất, nhưng chưa được thông báo  nên hôm sau tôi thấy các bạn nữ ở các toa khác do biết tin nên khóc. Trên đường tàu chạy khi đến một số ga đòan tàu dừng lại và chúng tôi xuống tàu cùng các Thiếu Nhi  Liên Xô có những phút mặc niệm tưởng nhớ Bác Hồ của chúng ta,

Sau hơn chục ngày trên tàu hỏa, có những ngày tàu chạy quanh hồ Baikal, tàu đến Moscow thì có rất nhiều xe ô tô nối đuôi nhau đưa chúng tôi đi về các bến tàu để tỏa đi tiếp đên các thành phố khác của liên Xô và sang các nước Đông Âu.

Riêng tôi thì về Baku - Azerbaijan

Qua bài viết này tôi muốn kết nối những ai từng có mặt trong chuyến tàu này : bạn tên gì, ở đâu và đến TP nào sau đó học ở đâu, về VN làm gì hiện ở đâu... Có những kỷ niệm hình ảnh nào trong chuyến tàu này thì vô cùng quý giá , Mong gặp các bạn trên FB và ngoài FB..... Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các bạn về sự kiện này.

Trần Viết Thắng

1 comment:

  1. Chưa từng vượt biển bằng tàu thủy (vì chỉ nằm trong bụng mẹ khi mẹ tôi lên tàu thủy tập kết ra Bắc) nên tôi chưa biết cái cảm giác lênh đênh trên biển ntn.
    Đến khi sang Hungary học (1972) thì chúng tôi được tập trung ở Đại Từ (Thái Nguyên), từ đó đi xe đến 1 bản gần Đồng Đăng nghỉ chân. Rồi rời bản này lúc sáng sớm, khi trời còn tối đen, đi bộ đến Đồng Đăng làm thủ tục xuất cảnh để sang Bằng Tường (TQ).
    Sau đó mới lên tàu chuyên xa đi lên hướng Bắc, dừng lại ở Mãn Châu Lý để chuyển sang tàu LX, tiếp nối hành trình xuyên Siberia tới Matxcơva để nghỉ và chuyển sang tàu liên vận của Hung để đến Budapest. Toàn bộ hành trình khoảng 12 ngày.

    ReplyDelete