Wednesday, August 5, 2020

Hồ Chí Minh – Một cuộc đời: Phần 3

 Nhà cách mạng tập sự

Năm 1923, Nước Nga đang phục hồi từ 7 năm chiến tranh, cách mạng và nội chiến. Ngoài Moscow, Petrograd và một số thành phố lớn thuộc phần lãnh thổ châu Âu, cuộc cách mạng tháng 10 vẫn chỉ là cuộc “Cách mạng trên điện báo” (theo lời của Leo Trotsky). Trên những cánh đồng Nga mênh mông, gần 50 000 đảng viên Bolsheviks đang tìm cách thuyết phục hàng chục triệu nông dân Nga, vốn chẳng biết gì về những ý tưởng của Karl Max, lại càng không quan tâm đến số mệnh của cách mạng vô sản thế giới. Để điều chỉnh lại chính sách cưỡng đoạt mà nhà nước Bolshevik đã sử dụng để thiết lập quyền lực của mình trong cuộc nội chiến, Lenin đã buộc phải thừa nhận rằng nước Nga xô viết phải đi qua giai đoạn quá độ của chủ nghĩa tư bản. Năm 1921, Lenin tung ra chính sách kinh tế mới NEP, công nhận quyền tư hữu ruộng đất, áp dụng chế độ thuế thay cho trưng thu, nhà nước chỉ kiểm soát những ngành công nghiệp quan trọng. Những cảm tưởng đầu tiên của NAQ tại thiên đường của CNXH, cái mà anh đã từng tô màu rực rỡ trong những bài báo hồi còn ở Pháp, không được dễ chịu cho lắm. Q bị giữ lại mấy tuần trong không khí căng thẳng, cho đến khi có một đại diện của FCP đến nhận diện. Sau đó Q được phân làm việc tại văn phòng Viễn Đông của QTCS (gọi tắt là Dalburo)

Dalburo được thành lập tháng 6/1920 theo sáng kiến của Maring (Người Hà lan tên thật là Hendrik Sneevliet, sau này trở thành cố vấn thường trực cho Đảng CS Trung quốc), do nhà Đông phương học người Nga, Safarov lãnh đạo. Mục tiêu là tuyên truyền cho tư tưởng cách mạng tại vùng Trung đông và Viễn đông. Maring còn đề nghị thành lập các trường học để huấn luyện cho những hạt nhân cách mạng từ châu Á và châu Phi. Vô cùng nhanh nhạy trong việc gây ấn tượng, mới chân ướt, chân ráo đến nơi Q đã viết thư cho ban chấp hành trung ương FCP, đả kích cơ quan này đã không thực hiện đúng nghị quyết của đại hội 4 QTCS về việc mở rộng các hoạt động liên quan đến các vấn đề thuộc địa. Anh nhấn mạnh “nhân dân thuộc địa được hứa hẹn mà không thấy có hành động, tự nhiên sẽ đặt câu hỏi, liệu các đồng chí cộng sản là nghiêm túc hay lừa bịp”. Cuối thư Q nhắc lại, điều kiện tiên quyết để gia nhập QTCS là cam kết tiến hành một cách có hệ thống các hoạt động tuyên truyền để hỗ trợ giải phóng các dân tộc thuộc địa. Q cũng viết thư cho chủ tịch đoàn chủ tịch QTCS, trình bày các ý tưởng của mình để ủng hộ cuộc đấu tranh ở Đông Dương. NAQ miêu tả Việt nam như một thuộc địa chỉ có 2% vô sản mà lại vô tổ chức, tầng lớp trung lưu bé tí tập trung ở vài thành phố lớn, giai cấp tiểu tư sản ủng hộ độc lập nhưng không có chủ kiến chính trị rõ ràng, nông dân thì đông, bị áp bức và nếu được tổ chức tốt sẽ có tiềm năng lớn. Q cũng nhấn mạnh, động lực cách mạng chủ yếu bây giờ nằm trong tay các trí thức và nhà nho yêu nước. Bởi thế Q cho rằng mục tiêu đầu tiên là phải có hành động chung giữa các lực lượng cách mạng dân tộc và Đảng cộng sản.

Tư tưởng của NAQ chính là tư tưởng của Lenin trong “Luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Mặc dù những tư tưởng đó không còn là rất mốt như thời sau đại hội 2 của QTCS, nhưng các nhà lãnh đạo xô viết buộc phải chú ý đến chàng thanh niên châu Á đầy tham vọng này và tính đến anh trong các nước cờ lâu dài ở châu Á.

Năm 1923, quan điểm của Lenin về một nhà nước công nông trong các xã hội chưa qua cuộc cách mạng công nghiệp lại được khuấy lên. Năm 1922, một số kẻ theo chủ nghĩa dân túy đã lập nên “Quốc tế xanh” ở Prague, khuyến khích thành lập các đảng nông dân với đường lối chính trị mới. Các phần tử cấp tiến Đông Âu, do Dombal (đảng viên cộng sản người Balan) khởi xướng, cũng muốn QTCS phải có một tổ chức tương tự để lôi kéo sự ủng hộ của nông dân. Tuy không hào hứng lắm nhưng ban chấp hành QTCS cũng quyết định lợi dụng Triển lãm nông nghiệp quốc tế tại Moscow để tổ chức hội nghị Nông dân quốc tế vào ngày 10/10/1923. Những nhà tổ chức cũng gom được khoảng 150 đại biểu từ các nước tham dự triển lãm. NAQ được bầu đại diện cho Đông dương. Trong bài phát biểu của mình vào ngày 13, NAQ, qua các ví dụ và sự kiện đơn giản, đã chỉ ra rằng nông dân là nạn nhân bần cùng nhất của chủ nghĩa đế quốc. Bởi thế, Q kết luận QTCS chỉ có thể là QTCS chân chính nếu có được sự tham gia tích cực của nông dân châu Á. Hội nghị đã quyết định thành lập Quốc tế Nông dân do A. Smirnov làm tổng thư ký. NAQ được bầu làm 1 trong 11 thành viên chủ tịch đoàn của Hội đồng Nông dân quốc tế.

Tháng 12/1923. NAQ nhập học tại Đại học Cộng sản cho những người bị áp bức phương Đông. Trường này do Lênin lập ra từ năm 1921, nhưng lại đặt dưới quyền của Stalin nên còn được gọi là trường Stalin, chuyên dạy cho các học viên từ các nước châu Á và các học viên không phải dân Bạch Nga từ miền đông nước Nga. Một trường khác, gọi là trường Lênin, chuyên đào tạo cán bộ cho châu Âu (1)

Trường có khoảng 1000 học viên từ 62 dân tộc khác nhau, trong đó 900 là đảng viên cộng sản, 150 là phụ nữ, khoảng một nửa xuất thân từ nông dân, số còn lại là công nhân và “trí thức vô sản”. Có vẻ NAQ là học viên đầu tiên từ Đông Dương.

Khoảng 150 giáo viên dạy đủ các môn từ Toán học cho tới Lịch sử phong trào cách mạng và công nhân cũng như chủ nghĩa Max, trong ngôi nhà số 10 trên phố Tverskaya. Học viên còn được học các hoạt động cách mạng như tổ chức biểu tình, rải truyền đơn. Học viên đều dùng bí danh trong sinh hoạt. Các môn học được dạy bằng tiếng Pháp hoặc tiếng mẹ đẻ. Tiếng Nga được khuyến khích sử dụng trong giao tiếp. Năm học kéo dài từ tháng 9 tới tháng 7 với 3 tuần nghỉ Noel, 1 tuần nghỉ Xuân và nghỉ Hè. Trường có hai trại hè ở Crưm. Vào các kỳ nghỉ, học viên được huy động tham gia tăng gia sản xuất. Điều kiện học tập ở đây khá lý tưởng, trường có 2 thư viện với gần 47000 đầu sách. Mỗi dân tộc lớn đều có phòng riêng với các sách báo bằng tiếng mẹ đẻ.

Ngay sau lễ kỷ niệm 3 năm ngày thành lập trường, Q đã viết thư cho Petrov, bí thư Dalburo, phàn nàn là hầu như chẳng có người Việt nam nào học ở đây cả. Q đề xuất trường Stalin đặc biệt quan tâm đến đào tạo đội ngũ cán bộ thế hệ mới cho châu Á tiến tới thành lập Liên bang Cộng sản Phương Đông.

Trường Phương Đông có hai mức: căn bản 3 năm và tại chức 7 tháng. Nhiều khả năng là Q học lớp 7 tháng vì anh còn phải làm việc tại QTCS. Lãnh đạo QTCS coi Q là một thành phần quan trọng, thêm đại diện cho các nước châu Á và thuộc địa trong vô khối những tổ chức quốc tế được thành lập thời bấy giờ. Anh được mời đến quảng trường Đỏ dự miting và phát biểu trong ngày quốc tế lao động với tư cách là thành viên của Quốc tế lao động Đỏ. Q còn dự đại hội của Quốc tế phụ nữ và nói chuyện với vợ goá của Lenin: Krupskaya.

Bằng vô số cách khác nhau, Q dần dần trở thành một nhân vật nhẵn mặt trong giới lãnh đạo QTCS và quen thân với các cây đa cây đề như Bukharin, Dmitrov, Thalemann, Kuusinen. Q còn chơi với một số bạn bè Trung quốc học cùng trường như Chu Ân Lai. Q cũng gặp Tưởng Giới Thạch khi ông này thăm Nga 3 tháng cuối hè năm 1923. Có vẻ như mọi người đều thích Q. Ruth Fischer, một nhà cộng sản gạo cội người Đức nhận xét: “NAQ không gây ấn tượng từ lần gặp đầu tiên, anh ta chinh phục bằng lòng hào hiệp và sự giản dị“. Là một người thực tế, không tham gia các cuộc tranh luận vô bổ về học thuật, Q đã tránh được sự bất đồng đang hình thành lúc đó trong giới lãnh đạo xô viết, dẫn đến sự méo mó của Đảng Bolsevic và QTCS trong thập kỷ tiếp theo.

Nhà báo Ossip Mandelstamd, người đã phỏng vấn Q tháng 12 năm 1923 cho báo “Ngọn lửa nhỏ” viết về Q:

Một người trẻ tuổi mảnh dẻ, thấm đẫm những triết lý của đạo Khổng, với cặp mắt to và xuyên thấu. Khi anh ta nói về đất nước mình, cả người anh như co giật, mắt anh chói lên những tia sáng. Anh ta phát âm từ “văn minh” với một sự ghê tởm lộ rõ, và đặc biệt phẫn uất với việc nhà thờ Thiên chúa chiếm mất 1/5 đất trồng trọt của đồng bào anh. 

Boris Souvarin, người sau này đã rời bỏ FCP, tuyên bố: “Q đã trở thành một người Stalinist hoàn hảo"

Chỉ có một người không mấy ấn tượng với Q. Đó là M. Roy, một đảng viên cộng sản Ấn. Ông này cho rằng Q là một người yếu đuối cả về thể xác và tư tưởng. Trớ trêu thay, chính Q là một trong số ít người ủng hộ luận điểm của Roy cho rằng các nước châu Á cũng có thể làm cách mạng. Roy sau này trở thành đặc phái viên của QTCS tại Trung quốc và theo nhiều nhà quan sát, chính sự yếu kém của ông này đã làm Đảng cộng sản Trung quốc thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực năm 1927.

Quốc còn dành nhiều thời giờ để viết cho các báo cánh tả ở Pháp cũng như Inprecor (cơ quan ngôn luận của QTCS). Chủ đề của ông rất rộng: từ chủ nghĩa đế quốc ở Trung quốc, 3K ở Mỹ, thiên đường Liên xô đến sự cùng khổ của nhân dân Đông dương. Cùng với các bạn Trung quốc tại trường Stalin, Q viết một cuốn sách nhỏ: “Trung quốc và thanh niên Trung quốc” xuất bản bằng cả tiếng Nga, Trung và Anh. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Q trong thời kỳ ở Nga, và có lẽ trong cả cuộc đời là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”, được xuất bản ở Paris năm 1926 (SGK “pháp lệnh” của chúng ta nói là 1925). Tác phẩm chủ yếu đả kích chế độ thực dân Pháp tại Đông dương, tuy cũng có vài dẫn chứng khác tới các thuộc địa châu Phi. Tuy nhiên cách hành văn dông dài cũng như trình bày cẩu thả làm có nhà nghiên cứu cho rằng, có lẽ ai đó đã mượn tên Q để xuất bản. Tuy nhiên nếu xét kỹ giọng điệu và văn phong, có vẻ như vẫn là Q. Chắc chắn là cuốn sách đã được ra đời một cách vội vàng (2). Một điều dễ nhận thấy trong các bài viết của Q là niềm tin “ngây thơ” với Liên xô và đặc biệt là tình cảm với Lênin. Có lẽ thất vọng lớn nhất trong đời Q là không được gặp Lenin. Năm 1923, khi được hỏi mục đích đến Liên xô, Q đã trả lời: để gặp Lenin. Rất tiếc tháng Giêng năm 1924, Lenin qua đời. Giovani Germanetto, một người quen Italia của Q kể lại: “Matxcova, tháng giêng 1924, lạnh buốt, nhiệt độ xuống dưới -40. Lenin mất mấy ngày trước đó. Có tiếng gõ nhẹ vào cửa phòng chúng tôi ở khách sạn Lux. Một người thanh niên châu Á mảnh dẻ bước vào tự giới thiệu là NAQ. Anh nói muốn đi tiễn đưa Lenin. Tôi khuyên anh nên ở nhà đợi thêm một chút vì thấy anh ta ăn mặc rất mỏng manh. Chúng tôi uống chè rồi Q về phòng mình.

Quãng 10h đêm lại thấy có tiếng gõ cửa. Vẫn đồng chí Q. Mặt, tay, mũi, tai tím ngắt vì lạnh. Anh lập cập nói đã đến thăm Lenin. Anh không thể đợi được đến ngày mai để viếng người bạn tốt nhất của các dân tộc bị áp bức trên thế giới…. Cuối cùng anh xin chúng tôi một chén trà nóng”

Theo Yevgeny Kobelev, sau khi dự đám tang Lenin, Q đã giam mình vào trong phòng và viết: “Người là cha, anh, thầy, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Người là ngôi sao dẫn đường cho các dân tộc bị áp bức. Người sẽ sống mãi trong hành động của chúng ta” (3). Tuy nhiên nếu để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt, dễ nhận thấy là không phải cái gì tại nước Nga xôviết cũng làm Q dễ chịu. Tháng 12/2003, người ta phân cho Q vào 1 buồng của khách sạn Lux với 4-5 anh bạn nữa. Và có vẻ mấy anh này không phải là những người đồng phòng dễ chịu. Tháng 3, Q viết thư kêu cứu: “ban ngày tôi không ngủ được vì ồn, ban đêm tôi không ngủ được vì rận/rệp” Cuối cùng Q được chuyển sang một phòng khác.

Về chiến lược đường lối cách mạng, cũng chẳng phải mọi thứ đều suôn sẻ. Từ khi đặt chân đến Nga, Q liên tục thả bom xuống những người bạn có thế lực của mình về các vấn đề thuộc địa. Trong một bức thư viết tháng 2/1924 cho người bạn tại Trung ương QTCS (chắc là Manuilsky), Q cảm ơn bạn đã nêu vấn đề thuộc địa tại hội nghị của FCP ở Lyon. Cũng ngày đó, Q viết thư cho Tổng thư ký QTCS Grygori Zinoviev đòi được gặp mặt thảo luận về vấn đề thuộc địa. Không được trả lời, Q viết lá thư thứ hai kêu ca là tại sao không trả lời lá thư thứ nhất. Zinoviev quyết định lờ đi.

Chẳng biết Q định thảo luận gì với Zinoviev, nhưng tháng Tư, Q công bố bài báo: “Đông dương và Thái bình dương” trong tạp chí Inprecor. Ông tuyên bố giai cấp vô sản châu Âu thực là ngây thơ khi cho rằng các vấn đề châu Á chẳng liên quan gì đến họ. Sự bóc lột các thuộc địa không những đang làm giàu cho các nhà tư bản và các chính trị gia vô liêm sỉ mà còn dẫn đến hiểm hoạ chiến tranh đế quốc. Khi đó thì công nhân châu Á và Đông dương chết, giai cấp vô sản châu Âu cũng bị hiểm hoạ. Tầm quan trọng của “vấn đề phương Đông” đã được Roy nêu lên từ Đại hội 2 năm 1920 nhưng bị các đồng chí châu Âu gạt đi. Họ cho rằng, trước hết các Đảng châu Âu phải dành được chính quyền trước. Các đồng chí châu Á cứ đợi đã! Thoạt đầu quan điểm châu Á được sự ủng hộ từ các cấp cao nhất: Lenin và cả Stalin. Tuy nhiên sau khi Lenin chết đi, Stalin chuyển trọng tâm sang đấu đá để dành quyền lực tại Moscow. Zinoviev tìm cách lảng tránh. Maring bỏ QTCS chạy lấy người, thậm chí Manuilsky, vì thiếu các thông tin thực tế, đành tập trung vào các điều kiện tại Balkans.

Vai trò của nông dân còn thấp kém nữa. Thậm chí Bukharin còn chế nhạo Thomas Dombal là: “Một người nông dân hão huyền”. NAQ không chịu đầu hàng, phát biểu tại hội nghị Quốc tế nông dân tháng 6/1924. Tuy nhiên ông cũng phải thừa nhận với một người bạn đó chỉ là: “tiếng kêu cứu giữa hoang mạc“.

Đại hội lần thứ 5 của QTCS tại Matxcova vào ngày 17 tháng 6 năm 1924 là cơ hội tuyệt vời để Q chiếm lĩnh diễn đàn về vấn đề thuộc địa. Đó cũng là mục tiêu của chuyến đi Nga của ông theo lời mời của Manuilsky. Vì lúc đó chưa có đảng cộng sản tại Đông dương, Q nằm trong thành phần của FCP. Hơn 500 đại biểu từ khoảng 50 nước tham dự. Mặc dù chương trình nghị sự có hẳn một phiên họp về vấn đề thuộc địa và các dân tộc ngoài Nga, các thủ lĩnh của CPSU đang bù đầu với cuộc đấu đá giữa Stalin và Trotsky, bởi thế các đồng chí châu Á cũng chẳng được quan tâm lắm.

Ngay tại phiên họp đầu tiên, Q đã làm cho mọi người chú ý. Khi đại biểu Koralov đang đọc dự thảo nghị quyết để công bố, Q đã đứng lên hỏi: liệu văn kiện này có nhắm tới nhân dân các nước thuộc địa không. Koralov bực tức trả lời, đã có phiên họp riêng về vấn địa thuộc địa, cần gì phải bàn ở đây. Q không chịu và yêu cầu đại hội phải đề gửi nhân dân các nước thuộc địa trong tất cả các văn kiện của mình. Ngày 23/6, đến phiên Q phát biểu. Người thanh niên Việt nam mảnh dẻ dõng dạc tuyên bố:

Tôi ở đây để nhắc nhở QTCS về sự tồn tại của các thuộc địa. Có vẻ như các đồng chí không chịu hiểu rằng, số phận của giai cấp vô sản thế giới, đặc biệt giai cấp vô sản ở các nước thực dân gắn chặt với số phận của các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa. Thuộc địa chứa đựng hiểm hoạ cũng như tương lai của cuộc cách mạng thế giới.

Tôi nghe bài phát biểu hùng hồn của nhiều đồng chí ở mẫu quốc, nhưng xin lỗi, các đồng chí định giết con rắn bằng cách dẫm lên đuôi nó. Chúng ta đều biết là sức mạnh và nọc độc của con rắn đế quốc nằm nhiều ở thuộc địa hơn ở mẫu quốc. Thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, binh lính cho chiến tranh. Trong tương lai thuộc địa sẽ là thành trì của phản cách mạng. Nếu muốn phá vở một vật gì đó, các đồng chí đủ thông minh để chọn công cụ thích hợp. Đập trứng thì cần thìa, đập đá cần rìu. Vậy sao các đồng chí lại không muốn sức mạnh, sự tuyên truyền của cách mạng tương xứng với kẻ thù. Trong khi các đồng chí lờ đi các thuộc địa, chủ nghĩa tư bản dùng thuộc địa để hỗ trợ, bảo vệ và đánh lại các đồng chí.

Ngày 1/7, Q phát biểu lần nữa, tiếp sau sự chỉ trích của Manuilsky đối với một số đảng cộng sản châu Âu về vấn đề thuộc địa. Q trực tiếp chỉ ra sự yếu kém của FCP và đảng cộng sản Anh, Hà lan và đưa ra một loạt các biện pháp cải thiện tình hình. Mặc dù chưa dám khẳng định nông dân sẽ đóng vai trò chủ đạo trong cuộc cách mạnh sắp tới, NAQ cũng nhấn mạnh vai trò của họ:

Nạn đói đang hoành hành trên tất cả các thuộc địa Pháp. Nông dân căm thù và sẵn sàng nổi dậy. Nhưng họ không có tổ chức và lãnh đạo. QTCS cần phải giúp họ đứng lên tự giải phóng mình. 

Với những bài phát biểu sắc bén của mình, NAQ đã trở thành một nhân vật gây chú ý với giới lãnh đạo QTCS. Chân dung của Q do hoạ sĩ Nga Kropchenko N.I. vẽ xuất hiện trên Báo Công nhân Nga số cuối tháng Bảy. Báo Pravda chạy một tiêu đề giật gân: “Từ lời nói đến hành động – Diễn văn của đại biểu Đông dương NAQ”. Tuy nhiên, chẳng ai ngờ được, chẳng bao lâu sau quan điểm coi trọng nông dân trong cách mạng châu á sẽ bị coi la dị giáo và sẽ bị Matxcova trừng phạt (4).

Không hiểu có phải vì những lời phê phán của Q mà lãnh đạo QTCS đã chú ý đến việc tuyển mộ nhiều nhà cách mạng trẻ từ châu Á đưa sang Nga để đào tạo. Trong những năm sau đó, chỉ riêng từ Việt nam đã có hơn 100 học viên. Nhóm học viên Việt nam đầu tiên đến qua đường Pháp vào khoảng giữa năm 1925. FCP cũng lẳng lặng sửa sai bằng cách thành lập Uỷ ban thuộc địa do Jacques Doriot lãnh đạo. FCP còn tổ chức một trường đào tạo ở ngoại ô Paris dành cho các học viên từ các nước thuộc địa trước khi chuyển tiếp sang trường Stalin ở Nga. Một trong 8 học viên đầu tiên của trường này là người Việt nam.

Với sự xuất hiện tại Đại hội V của QTCS, Q đã chấm dứt giai đoạn “tập sự”, chính thức trở thành nhà lãnh đạo cách mạng châu Á, người phát ngôn cho các vấn đề phương Đông và nông dân. Q cảm thấy đã hoàn tất công việc của mình tại Moscow, sẵn sàng trở về châu Á để bắt tay xây dựng phong trào. Đó cũng là mục đích chính của Q khi rời nước Pháp. Trong lá thư của mình gửi Uỷ ban TƯ của QTCS năm 1924, Q viết: Khi tôi đến Matxcova tôi nghĩ sẽ chỉ ơ đây 3 tháng trước khi sang TQ để liên lạc với đất nước tôi. Bây giờ đã là tháng thứ 9 và tôi vẫn chờ đợi trong vô vọng. Tôi không hề có ý định đưa ra các luận điểm về sự tồn tại hay không tồn tại của các tổ chức công nhân, của các phong trào dân tộc chủ nghĩa hay của những hội nhóm bí mật nào đó. Chúng ta cần nghiên cứu tình hình một cách nghiêm túc và nếu ở đó chưa có gì thì phải THÀNH LẬP MỘT CÁI GÌ ĐÓ.

Chuyến đi của tôi sẽ phải có các nhiệm vụ sau:

– Tạo mối liên lạc giữa Đông dương và QTCS 

– Nghiên cứu tình hình kính tế chính trị xã hội tại thuộc địa 

– Liên lạc với các tổ chức đã có sẵn 

– Tạo cơ sở thông tin và tuyên truyền

Làm thế nào để có thể hoàn thành những nhiệm vụ đó? Trước hết là phải đi Trung quốc. Sau đó thì phải làm bất cứ việc gì mà tình hình yêu cầu. Cần bao nhiêu tiền? Tôi đã trao đổi với các đồng chí Trung quốc, chắc là khoảng US100/tháng (chưa tính thuế), không kể chi phí chuyến đi sang TQ. Tôi nghĩ là chúng ta đã có đủ thông tin căn bản để thảo luận. Nỗi khát khao được trở về của Q được sự ủng hộ của Dalin, đặc vụ của QTCS nằm trong phái đoàn của Borodin trợ giúp Tôn Trung sơn tổ chức lại QDĐ theo đường lối Lenin. Khi về Matxcova Dalin cũng ở khách sạn Lux và có nhiều dịp nói chuyện với Q. Tháng Tư năm 1924, sau khi tháp tùng đoàn đại biểu TQ từ Yakutsk về Matxcova, Q được mời lên phòng làm việc của Manuilsky. “Thế nào, anh bạn trẻ? Anh có sẵn sàng chiến đấu không?”

Manuilsky đồng ý cử Q về Quảng đông với điều kiện Q phải hỗ trợ các dân tộc khác trong vùng. Chẳng bao lâu sau, Q được cử làm thành viên Ban bí thư Viễn đông (Dalburo) của QTCS. Tuy nhiên bộ máy quan liêu đã làm cản trở chuyến đi của anh vì không tìm được công việc thích hợp. Bực mình Q đề nghị chỉ cần chi trả tiền vé, anh sẽ tự lao động để kiếm sống. Cuối cùng, ngày 25/9, Dalburo quyết định: “Đồng chí NAQ sẽ đi Quảng châu” 

Q đã thuyết phục được QTCS cử về quê hương với cái giá khá đắt Vì không có vị trí chính thức, anh phải sống một cách bất hợp pháp trong thành phố đầy rẫy những mật vụ Anh, Pháp. Q còn phải tự kiếm sống trong một đất nước mà anh chưa bao giờ đến. (Trước khi đi anh đã tranh thủ nhận nhiệm vụ với hãng tin ROSTA thỉnh thoảng gửi bài từ TQ về kiếm thêm tí chút) (5).

Q rời Matxcova một ngày tháng 10 trên chuyến tàu xuyên Xiberi khởi hành từ ga Yaroslavskii, sau khi đã nhờ Dombal thông báo với mọi người là bị ốm. Q còn viết một lá thư gửi cho một người bạn Pháp thông báo anh không được phép đi Đông dương, bởi thế sẽ quay về Pháp.

Q ở lại Vladivostock vài ngày rồi lên một con tàu Xoviet. Tàu cập bến Quảng châu ngày 11/11/1924 (6).

------------

1. Một số nhà nghiên cứu Việt nam cho rằng NAQ nhập trường muộn hơn, hè năm 1924. Sokolov còn cho rằng chẳng có bằng chứng nào về việc Q đã từng học ở đây. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn một tờ báo Italia, tháng 3/1924 Q đã xác nhận mình là học viên.

2. Bản án chế độ Thực dân Pháp.

3. Đám tang Lenin.

4. ủng hộ nông dân.

5. Về tung hoả mù trước chuyến đi TQ.

6. Đến Quảng châu.

No comments:

Post a Comment