CÓ BAO NHIÊU ÔNG PHẠM PHÚ QUỐC?
1. Không lâu sau khi nhận chức (tháng 12/1997), cố TBT Lê khả Phiêu đã có được danh sách của hơn bốn mươi lãnh đạo cao cấp Việt Nam gửi tiền ở ngân hàng nước ngoài. Đây là những lá bài quan trọng của ông Lê Khả Phiêu trong ván bài nhân sự và chống tham nhũng. Nhưng thực tế đã không theo ý muốn của ông Phiêu. Chẳng những không công khai được danh sách để chống tham nhũng, mà còn dẫn đến mâu thuẫn phe nhóm, làm cho ông Lê Khả Phiêu phải rời chức TBT vào tháng 4/2001, nhường chỗ cho ông Nông Đức Mạnh.
Như vậy, Bộ Chính Trị và Ban chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam, ít nhất là từ thời cố TBT Lê Khả Phiêu đến giờ, đều biết một thực tế - là lãnh đạo cao cấp Việt Nam gửi tiền ở nước ngoài. Tiền ấy ở đâu ra? Tại sao phải che giấu ở nước ngoài? Tại sao lại là đảng viên giữ chức vụ cao cấp?
Tại sao cố TBT Lê Khả Phiêu lại bất lực trước làn sóng tham nhũng ở hàng ngũ cán bộ cấp cao?
Đến bây giờ thì quốc nạn tham nhũng ở tầng lớp cán bộ trung cao cấp “đếm không xuể” với phạm vi nhiều lần lớn hơn. Minh chứng cho điều này là các vụ kỷ luật cả gần 100 cán bộ cấp cao trong thời gian vừa qua, trong đó có cả hàng chục tướng lĩnh công an và quân đội.
2. Nhưng sự tha hoá của nhiều cán bộ cao cấp không chỉ là gửi tiền ở nước ngoài. Sự tha hoá đạt đến mức tội phạm, và cả mức ở tội phản bội, khi các tham quan phải trốn chạy khỏi tổ quốc bằng con đường tìm kiếm hộ chiếu nước ngoài.
Phải phân biệt những người muốn có cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài với những kẻ cướp đoạt tiền bạc của nhân dân để trốn chạy ra nước ngoài. Ở đây muốn lưu ý đến 4 nhóm người Việt tìm kiếm cuộc sống ở nước ngoài qua con đường sở hữu hộ chiếu nước ngoài trong 30 năm gần đây.
- Nhóm thứ nhất là những người muốn có một môi trường sống tốt hơn - có thu nhập cao hơn, được thể hiện khả năng tốt hơn, được tôn trọng hơn, được bảo vệ hơn, an toàn hơn, đi lại dễ hơn… Nhu cầu có một môi trường sống tốt hơn là nhu cầu chính đáng. Câu hỏi cần đặt ra là tại sao môi trường sống ở Việt Nam làm cho họ phải ra đi?
- Nhóm thứ hai là nhóm buộc phải đi kiếm sống. Đây là nhóm người mà hoàn cảnh ở Việt Nam buộc họ phải ra đi để có một điều kiện kinh tế tốt hơn cho cá nhân họ và cho cả người thân của họ đang ở Việt Nam. Trong nhóm người này có bao gồm cả những người vượt biên bất hợp pháp, mạo hiểm cả tính mạng chỉ vì kiếm sống. Điển hình bi thương là trường hợp 39 người bị chết ngạt trong công ten nơ năm 2019.
- Nhóm thứ ba là nhóm người buộc phải lưu vong do bất đồng chính kiến.
- Nhóm thứ tư là những quan tham, những kẻ tham nhũng từ cơ chế, những kẻ tội phạm muốn lẩn trốn dưới sự che chở của hộ chiếu nước ngoài. Đây là nhóm tội phạm, dù là tội phạm đã bị vạch trần hay đang được che giấu.
3. Hiện đã biết có 33 người Việt Nam sở hữu hộ chiếu Cyprus. Đó là hai loại người: quan tham và tư bản đỏ tham nhũng.
Còn bao nhiêu người tương tự sở hữu hộ chiếu của các nước khác?
Những quan tham cướp đoạt tiền bạc của nhân dân để trốn chạy ra nước ngoài, đau đớn thay, là những kẻ hàng ngày rao giảng đạo đức, ca ngợi chế độ. Nhưng bên trong thì mục nát, thối rữa, ngấm ngầm tìm cách trốn chạy khỏi chế độ.
4. Trong 496 vị ĐBQH có bao nhiêu ông bà như ông Phạm Phú Quốc?
Trong cả ngàn cán bộ do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý, có bao nhiêu ông bà như bà Hồ Thị Kim Thoa?
Trong hàng chục ngàn doanh nghiệp có bao nhiêu ông bà như ông Trịnh Xuân Thanh?
5. Cuộc trốn chạy bằng con đường nhập quốc tịch nước ngoài của quan tham và tư bản đỏ tham nhũng là nỗi sỉ nhục và nỗi đau của người ở lại.
Bị sỉ nhục là vì: Những kẻ chức cao vọng trọng hàng ngày ngồi lên đầu mình, lãnh đạo mình, rao dạy đạo đức cho mình - cuối cùng thì hoá ra là kẻ tội phạm thối tha đến mức phải trốn chạy khỏi tổ quốc.
Phải đau xót là vì: Tại sao lại đến nông nỗi này?
Nguyễn Ngọc Chu
No comments:
Post a Comment