Monday, November 21, 2022

Có bao nhiêu Hồng Phạm

 Tôi thích dùng chữ Hồng Phạm thay cho Thượng đế, Bề trên, Chúa, Phật hay Ý thức Toàn năng, là các khái niệm phụ thuộc vào văn hóa. Đây là chữ tôi đặt ra để mô tả tới hạn chung của các khái niệm đó.

--------------

 Ý thức, theo cách nhìn của mỗi cá nhân chúng ta bao gồm Chân Ngã và Hồng Phạm. Chân Ngã là ý thức của cá nhân ta, là cái Tôi, điều khiển thân xác, được quan niệm là một thực thể khác với thân xác theo những người tin ở việc Tinh thần không phải là thuộc tính của Vật chất. 

       Tuy vậy ở đây lại có hai ngã rẽ: Có những hiện tượng dường như độc lập với ý chí của Chân Ngã, được cho là chi phối bởi một ý thức khác là Hồng Phạm, nằm ngoài thân xác, nhưng có thể liên hệ với thế giới chúng ta đang sống bằng cách truyền thông tin cho Chân Ngã theo một cơ chế nào đó mà chúng ta chưa biết, tạm gọi là Thông Linh. Tất nhiên, người ta cũng thể đặt câu hỏi tương tự như đã đặt ra với Chân Ngã: Liệu Hồng Phạm có phải là thuộc tính của Chân Ngã. Nói một cách thô thiển hơn thì Hồng Phạm có thể là hoang tưởng của Chân Ngã? 

       Nếu chúng ta tin rằng Hồng Phạm là hiện thực khách quan độc lập với Hồng Phạm chúng ta có thể thấy rằng có nhiều hình ảnh khác nhau về Hồng Phạm, phụ thuộc vào Chân Ngã, phần lớn là mô phỏng hình tượng Con người. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo đó không phải là ảo tượng. Đạo Hồi, không cho rằng ý thức tối thượng của họ, Alah có hình tượng người. Đạo Hindu, lại cho rằng đó là một bộ ba, khi sáng tạo, khi phá huỷ, khi bảo vệ. 

      Điều đó không có nghĩa là Hồng Phạm của những người cùng tôn giáo là như nhau. Nói cách khác Thiên Chúa của những người khác nhau có thể có sự khác biệt. Tôn giáo là thiết chế nhân tạo nhằm tạo khuôn mẫu chung cho nhận thức cá nhân về Hồng Phạm. Nhận thức có thể na ná như nhau, tuy không bao giờ giống hệt, nhưng Hồng Phạm vẫn có thể khác nhau giống như vô số vật khác nhau có thể có cùng hình chiếu trên một trục. Mỗi cá thể có thể kèm theo một Hồng Phạm khác nhau, không chỉ là khác biệt trong nhận thức.

      Nói chung mọi quan niệm chỉ là mô hình để mô tả thế giới. Có thể sự khác biệt chỉ là trò chơi của ngôn ngữ mang tính rhetoric ( tính xảo biện). Quan niệm có nhiều Hồng Phạm có thể quy về một Hồng Phạm duy nhất là hợp nhất của một Hồng Phạm duy nhất, mà khi thể hiện với mỗi cá thể chỉ có một phần của nó như trong truyện Thầy bói sờ voi. Chúng ta có thể cả quyết cái vòi, hay cái đuôi mà Hồng Phạm thể hiện cho chúng ta chính là Hồng Phạm độc lập và khác biệt với cái chân hoặc bộ ngà. Khác biệt hay thống nhất có thể chỉ là ảo tượng của nhận thức.

        Vậy tiêu chí cho việc “là một” hay “khác biệt” là gì? Chẳng hạn bạn và tôi, Đức Chúa và Quỷ Satan liệu có thể coi là hai mặt của cùng một đồng xu? Nếu xét tới thể hợp nhất dường như bất cứ cái gì đều có thể xem là một theo cách cưỡng chế.  

      Có lẽ chúng ta sẽ thêm một tiêu chí “chuyển hoá” hoặc “chia sẻ” để phân biệt một chỉnh thể duy nhất với một hợp nhất cưỡng chế. Đuôi hay tai con voi đều cùng chia sẻ vòi, chân và thân. Cố nhiên đuôi và tai của hai con voi vì thế không thể coi là cùng một chỉnh thể do không chia sẻ chân và vòi. Chuyển hoá có lẽ là một tiêu chí rõ ràng, tuy khó thực thi hơn, do đòi hỏi biết sâu hơn về sự vật. Theo đó các kiếp luân hồi có thể coi là một cá thể nếu có phần chung được chuyển hoá. Tuy vậy, vẫn có thể tranh luận về việc có thể coi là “kiếp sau” (nếu có) có phải là một phiên bản của Chân Ngã hay không. Nếu ý thức còn lại cũng chỉ là một phần lõm bõm của cái Tôi cũ, rất khó nói hậu kiếp và tiền kiếp là một.

      Vậy Hồng Phạm có thể coi là một nhờ chuyển hoá hay chia sẻ? Chúng ta không thể biết về chuyển hoá nếu như chúng ta không thể nhận thức được toàn bộ Hồng Phạm. Dường như Hồng Phạm chia sẻ nhiều cái chung, tuy khó phân định đó là bản thân Hồng Phạm hay do Chân Ngã của chúng ta có cùng một khuôn nhận thức được tập tính từ cách sống với những tiêu chuẩn giống nhau. 

       Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Nếu Chân Ngã là khác biệt, tại sao lại có nhận thức giống nhau? Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này nếu giả thiết có một ý thức tối thượng là Hồng Phạm duy nhất, thể hiện trong mỗi cá nhân dưới dạng các Chân Ngã khác nhau và luôn giữ kết nối với Hồng Phạm. Sự khác biệt chỉ là do hoàn cảnh của cá thể. 

      Tuy nhiên đó chỉ là một mô hình, cũng như các mô hình nhận thức về Ý thức.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment