Thủy Tạ và Hồ Gươm,
1. Nhà Thủy Tạ là chỗ ngồi được nhất xung quanh Hồ Gươm. Có thể nhìn phong cảnh Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn và các rặng cây nằm nghiêng xõa tán xuống mặt hồ. Khá mát mắt. Anh bạn tôi nói "Chúng nó phá đến thế mà vẫn còn đẹp. Nhưng phải tranh thủ thưởng thức trước khi nó biến mất. Chỉ tiếc đồ uống dở tệ." Theo tôi đó là một cái sự may, đồ uống dở, bàn ghế cập kênh, mới đến phần mình ngồi ở đây. Không đông như bên Lục Thủy, nói gì cũng phải gào lên, nhiều khi phải ngồi sát lề đường hứng bụi.
2. Trước tiên nói về cái tên Thủy Tạ. Không biết tự khi nào, có lẽ vào thời gian tôi ở nước ngoài, đột nhiên có phong trào gọi nơi này là Thủy Tọa. Nghe nói có các giáo sư Hán Nôm, rồi các giáo sư ngôn ngữ học, giáo sư văn hóa gì đó giải thích Thủy Tọa là ngồi trên nước, dân Hà Nội ngại phải tròn mồm khi phát âm nên nhầm ra thành Thủy Tạ. Người giải thích cho tôi là một giáo sư CNTT uyên bác, nghiêm cẩn, đáng kính có vợ là một nhà ngôn ngữ học danh tiếng. Điều đó làm tôi quá đỗi ngạc nhiên. Sau khi nghiên cứu mới thấy có nhiều bài báo, nhiều đăng đàn hùng biện. Và gần đây hơn, có những người bạn vong niên của tôi, rất cẩn thận chữ nghĩa cũng dùng chữ Thủy Tọa. Với những người đó, nhầm lẫn bé tí như thế đã có sức công phá rất mạnh, vì mọi người đều kính trọng và tuân theo. Thực sự Thủy Tạ là một tòa nhà trên nước, Thủy là tính từ, theo ngữ pháp Hán. "Ngồi trên nước" cũng theo ngữ pháp Hán thì phải là "Tọa Thủy" (Có thể là Tọa Thủy Đình, Tọa Thủy Lâu hoặc .... Tọa Thủy Tạ"). Như vậy, các bạn đọc đến dòng này khỏi lăn tăn, đừng bao giờ dùng chữ Thủy Tọa, càng đừng giải thích bằng chữ Hán nửa mùa.
3. Việc "chúng nó phá đến thế nhưng vẫn còn đẹp" là một sự lạ. Quả thực, Thủy Tạ ngày xưa lãng mạn và đơn sơ hơn. Nếu cho trang điểm những thứ lòe xòe ngày nay, nào là chữ Hán viết theo lối trang trí, chữ Tây viết theo lối chân phương các tông màu trái ngược là "phá" cũng được, nhưng chắc đó là "phá" một cách vô tình, do gout thẩm mĩ hạn hẹp. Nhưng nếu nói về cảnh quan thì đúng là đã "phá" quá nhiều. Trước Thủy Tạ là bãi tập của các võ sĩ quyền Anh, có xà đơn, xà kép, hình như gọi là "bãi võ sĩ Quỳnh". Nhắc về truyền thống Quyền Anh Hà Nội sẽ là một câu chuyện dài. Nghe nói thời Đông Dương, võ sĩ Thái Lan nghe danh võ sĩ Việt Nam là run như cầy sấy. Bây giờ võ sĩ Thái Lan làm mưa gió trên thế giới, cho võ sĩ Tàu, Tây đo ván như cơm bữa, võ sĩ Việt vẫn ở đẳng cấp kém. Ngày nay bãi "võ sĩ Quỳnh" chỉ còn lại một dãy nhà mặt tiền 3m tủn mủn.
3. Bên kia, trước cột đồng hồ cũ ngày xưa là tiệm kem Hồng Vân. Sát với đó, đầu hàng Gai là Cà phê Giảng, nơi phát minh ra cà phê trứng ngày nay, có cửa sổ nhìn về Hồ Gươm. Hồi tôi mới du học về, có thời gian chơi với chị Dung, con gái ông Giảng, nên cũng được tiếp chuyện với ông vài lần, cũng là kỷ niệm đáng quý, bây giờ có mấy ai đã từng trò chuyện với tác giả cà phê trứng, đặc sản Hà Nội. Bây giờ ông Giảng và chị Dung đều đã mất, những truyền nhân trong gia đình mở hai quán cà phê Giảng, một ở phố Yên Phụ, đối diện bến xe Long Biên cũ, một trong một hẻm gần trường Nguyễn Du cũ, trên đường Lý Thái Tổ, một số người thừa hưởng được đôi mắt to, đen. Tôi đã giật mình như thấy lại bác Giảng, chị Dung đang lúc sinh thời. Tiệm kem Hồng Vân là một tòa nhà khá đẹp, vị trí hết sức đắc địa. Tiệm kem này có một lịch sử rất thú vị gắn liền với chủ nhân của nó, hết sức đáng tìm hiểu. Có lẽ tôi sẽ kể chuyện này vào một dịp khác. Điều đáng nói là căn nhà này cơi nới kềnh càng, nhiều biển quảng cáo lòe loẹt, trong khá xấu xí theo quan điểm của cá nhân tôi và anh bạn buộc tội "chúng nó phá". Biết đâu theo ai đó thì lại là đẹp.
4. Đầu đường Đinh Tiên Hoàng nhìn thẳng ra cột đồng hồ, ngày nay gọi là Hàm Cá Mập, là một cấu trúc vô cùng hung tợn, quả thật giống một con cá mập. Ngày xưa là hai cửa hàng bách hóa, một gọi là cửa hàng số 12, nơi tôi được cô ruột dắt đi mua chiếc cặp và những quyển vở đầu tiên. Đối với tôi đó là biểu tượng của học vấn. Ngày nay đè lên đó là các hàng Vua Chả Cá, Lẩu Hồng Công và các loại ăn nhanh, cà phê gì đó. Ôi sức sống dân tộc thực mãnh liệt. Nhìn sang tý nữa là tiệm thuốc Cứu thế với hình ảnh của ông cụ râu dài nghe nói 81 tuổi cưới cô vợ 18 tuổi ngày xưa.
5. Trước cửa hàng số 12 và Tiệm cứu thế là Bến Tàu Điện Hồ Gươm cũ. Đây là một trong hai bến lớn của Hà Nội, là nơi giao của các tuyến Tàu điện về chợ Mơ, đi Hà Đông, đi cầu Giấy, đi Bưởi và đi Yên Phụ. Ngày nay tàu điện đã biến mất không còn tăm tích. Đường ray bị bóc sạch.
7. Chỗ ngã ba là Rạp Hòa Bình, nay là nhà hát rối nước. Góc này ngày xưa bán kẹo kéo, sau đó là thịt bò khô. Sau một dạo bẵng đi, bây giờ bò khô sống lại thành một món khác, phức tạp và chán ngắt, đáng là biếm họa phúng dụ cho thịt bò khô ngày xưa, đi kèm là một thực đơn mấy chục món từ chim quay, mực nướng, pho mai que, thịt xiên,... Hôm vừa rồi tôi nán lại để "hồi tưởng quá khứ" chợt nghe mọi người bảo nhau "ăn để biết Hà Nội ngày xưa", làm tôi cứ tủm tỉm cười. Chắc họ đang nghĩ bụng "anh già hâm" không biết cười gì.
8. Trước đền Ngọc Sơn là Tháp Bút. Nghe nói chữ Tả Thanh Thiên ( Viết lên trời xanh là chữ của Phương Đình Nguyễn Siêu), trong đền có thủ bút của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Ngày nay trông thật nhỏ bé, nhưng ngày xưa tôi thấy nó cao sừng sững, và luôn làm tôi nghĩ tới cú ngã từ trên đỉnh xuống, đập đầu gối xuống nền đá, khóc không ra tiếng, đau đến tận các cơn ác mộng bây giờ vẫn thấy. Trên cầu này có cái ảnh cha mẹ tôi bế tôi khi còn 2-3 tuổi. Bây giờ cầu quá tấp nập, để vào chụp ảnh cũng phải trả tiền.
9. Trước cửa đền Ngọc Sơn là đền Bà Kiệu mà Tam quan ở bên này đường, đền ở bên kia đường, nhắc nhở quá khứ đền này ngày xưa sát vệ hồ. Sát bên đền Bà Kiệu là đài Tưởng Niệm "Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh". Đài này tôi không nhớ xây năm nào, nhưng thời tôi bé chưa có. Tôi dứt khoát ủng hộ việc xây đài tưởng niệm này, và không đồng ý với anh bạn nếu đài tưởng niệm này cũng bị xếp loại "chúng nó phá". Tôi rất yêu lịch sử Hà Nội những ngày Toàn quốc kháng chiến. Theo tôi là một trang sử rất hào hùng với rất nhiều di tích và những câu chuyện xung quanh Hồ Gươm. Đáng có một tượng đài như thế và hơn thế.
10. Chéo bên kia tượng đài, bên cạnh Sở Văn hóa thông tin, là quán Phở Thìn nổi tiếng. Tôi còn nhớ ông Thìn đeo kính gọng vàng, tóc chải ngược, vuốt va dơ lin bóng nhẫy, quần tây, áo sơ mi trắng, đỏm dáng. Mỗi khi có khách vào lại nói "Đi với bạn hay với người yêu." "Yêu là phải rành mạch 2 năm rõ mười nhé" (tức là 2 bát 5 đồng là mười đồng). "Bạn cũng phải dứt khoát 2 năm rõ mười". Rồi "Đói bụng nhớ bác sĩ Thìn, nửa đêm giật mình nhớ bác đẹp giai, như là lai Pháp". "Bác sĩ Thìn chuyên chữa bệnh đói bụng đây." Đại khái tếu táo như thế. Bây giờ vẫn còn quán Phở Thìn, là nơi Phở Thìn duy nhất giữ được vị thanh và nước trong (Hà Nội có dạo có đến 10 quán Phở Thìn tự xưng là con cháu ông Thìn Bờ Hồ, nấu rất lộm nhộm).
11. Tòa nhà của Ủy ban Nhân dân TPHN ngày nay trong rất đồ sộ và quyền uy nhưng thực sự rất xấu, vì không hợp với khung cảnh. Tuy không dám gọi những người phê duyệt xây tòa nhà này là "chúng nó", nhưng tôi xin bầu nhà này đứng đầu trong danh sách "phá". Vườn hoa Chí Linh (ngày nay gọi là Vườn hoa Lý Thái Tổ) sát cạnh đó, ngày nay đẹp hơn ngày xưa, nhưng tôi thích phong cảnh ngày xưa với toàn bộ vườn hoa trải sỏi hơn. Khi đi dạo, tiếng sỏi nghiến dưới chân xào xạo, rất thú vị. Góc vườn có một cây si cổ thụ là cảm hứng cho tôi viết truyện ngắn về mối tình đầu. Nơi đây tôi và cô bạn gái sau này đã cùng nhau đội nón, mặc áo mưa, ngồi suốt một đêm mưa dữ dội năm 1980. Chắc chỉ có 2 đứa trong vườn hoa, thậm chí quanh Hồ Gươm hoặc ngoài trời Hà Nội hôm ấy.
12. Bên cạnh vườn hoa Chí Linh là nhà Bưu điện Bờ Hồ, thông lưng với nhà khách chính phủ là Bắc Bộ Phủ cũ, bây giờ cho thuê đám cưới. Đối với tôi khu vực này hết sức thiêng liêng với câu chuyện "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" của Hà Nội. Câu chuyện về những ngày cuối cùng tử thủ Hà Nội của Tự vệ Thủ Đô. Có một đơn vị trấn giữ Bắc Bộ Phủ đến cùng. Ngày nay có thể suy đoán, đơn vị này chủ yếu là Tự vệ, có một ít bộ đội chính quy, vì Trung Đoàn Thủ Đô đã nhận được lệnh rút hết. Đơn vị tử thủ này đánh cho tới khi hết đạn, người Đại đội trưởng ra lệnh cho đồng đội còn sống sót rút hết và đợi quân Pháp tiến vào ở sảnh Bắc Bộ Phủ với một quả bom. Đơn vị này còn bảo vệ Bưu điện thêm nhiều giờ trước khi nhảy từ tầng hai xuống. Nghe nói có 1-2 anh trốn thoát được. Có thể đó là một cái kết vui. Tôi nghe câu chuyện này một lần và nhớ như in, có thể tưởng tượng từng chi tiết như một cuốn phim. Nếu được tôi muốn dựng tượng đài người Đại đội trưởng và các đồng đội năm đó. Dù là một câu chuyện lãng mạn, thì câu chuyện này cũng ghi lại cốt lõi của cuộc chiến bảo vệ Hà Nội năm đó, đáng đi vào sử sách như một huyền sử. Tôi đã chảy nước mắt nhiều lần nhớ lại chuyện tự vệ Hà Nội đánh nhau với lính lê dương Tây trong chợ Đồng Xuân trên các phản bán thịt. Họ không còn để lại tên tuổi, nhưng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã khắc họa họ là những người dân Hà Nội bình thường, bác phu xe, ông bán tào phớ, anh sinh viên,.... Chúng ta đang sống chưa xứng đáng với cái chết của họ.
13. Đầu ngã tư Hàng Khay, Tràng Tiền, Hàng Bài là nhà Bách Hóa Tổng hợp, ngày nay hoàn toàn khác. Đây là đầu phố nhà tôi, phố Tràng Tiền. Ngày xưa phía bên bờ Hồ là một dãy hàng hoa, bán hoa tươi. Tôi đã buồn phiền khi những ngày vào 1980 người ta bắt đầu phá dỡ nó. Hiệu thuốc Hàng Khay nay là hàng ăn nhanh Mc Donald. Ngày xưa tôi thường ngắm Hồ Gươm từ góc này, để nhìn ra Tháp Rùa, rất nhiều lần thấy các cụ rùa bò lên chân tháp sưởi nắng. Trong những ngày chiến tranh cũng có lần tôi chứng kiến một cụ "hy sinh" vì trúng mảnh rocket. Nhìn Tháp Rùa bao giờ tôi cũng nhớ tới tiểu thuyết Bóng Nước Hồ Gươm của Chu Thiên và nhân vật Bá Hộ Kim, cũng đáng yêu, trái với truyền miệng là một tên địa chủ theo Tây. Kể ra cũng khó tin, nhưng vào khoảng năm 1970-1971, mỗi buổi sáng lúc 4g30 tôi chạy chân trần qua những con đường này, đường nhẵn bóng và sạch đến mức không ngại ngần có thể nằm xuống, và đứng dậy không dính bụi. Ngày nay, đường trở nên thô ráp và đầy rác rưởi.
14. Ít người biết rằng mùa hè và mùa thu vào buổi chiều, trước hoàng hôn, bầu trời Hồ Gươm có màu tím. Tôi chưa thấy Hà Nội có chỗ nào khác có màu tím như vậy. Và cũng chưa thấy ở đâu trên thế giới có màu tím như vậy. Cha tôi kể bầu trời nước Ý cũng có màu tím, chắc ông đọc qua sách vở, tiểu thuyết. Tôi đã đến Ý, từng ngắm hoàng hôn trên biển Adriatic, ở lâu đài Miramare của lãnh chúa Maximilianus lừng danh hay từ quảng trường San Marco ở Venise. Có thể nói đó là màu tím nhưng ngả sang màu xanh biếc rất đặc biệt và xao xuyến lòng người. Nhưng màu tím đó không phải màu tím Hồ Gươm Hà Nội của tôi. Tôi đã có những buổi chiều ngắm nhìn bầu trời tím, có pha những mảng ráng chiều màu đỏ, trong thơ Vương Bột gọi là "lạc hà". Trong chữ Hán có một chữ Hà, khác với chữ Hà là sông, có nghĩa là "ráng đỏ hoàng hôn". Đó là tên của một mái tóc thề từng làm tôi xao xuyến. Chắc ít ai có được cơ hội nhìn cảnh tượng đó, vì tôi nhìn từ nóc nhà nhà tôi ở góc đường Ngô Quyền-Tràng Tiền, vừa đủ xa nhưng không quá gần để chiêm ngưỡng màu tím tuyệt vời, đẹp đến đau lòng, thấy con tim nhói lên, với dự cảm thời gian sẽ đi qua không trở lại. Có lẽ lần cuối cùng tôi lên đó cùng với một cậu bé hàng xóm để chỉ cho cậu thấy cảnh đẹp đó của Hà Nội ít ai được chiêm ngưỡng, mà chỉ mình tôi biết chỗ để ngắm nhìn vưu vật đặc biệt này, trước khi cậu đi chiến trường K và nằm lại đó. Liệu bây giờ bầu trời Hà Nội còn tím như ngày xưa nếu nhìn từ nóc nhà đó? Tôi không biết. Hiếm hoi có buổi hoàng hôn bây giờ nhìn từ Thủy Tạ và vườn Chí Linh, tôi thấy màu trời cũng không còn như ngày xưa.
15. Hôm nay tự nhiên xúc động nhớ ngày xưa cũ, bất giác muốn cầm bút, viết tạm vài dòng. Không lẽ để nó ra đi với thời gian không còn tăm tích.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
10. Khi nào tớ ra HN đến đây ăn phở bác Thìn nhé!
ReplyDeleteThang Nguyen Xuan
ReplyDeleteCó thời gian tôi cũng hay la cà trước Bắc Bộ Phủ, nhìn ngắm những vết đạn xuyên qua các thanh thép hàng rào, có cả viên đạn còn găm sâu ở đấy, tưởng nhớ đến cuộc chiến đã xẩy ra năm 1946.
Aiviet Nguyen
DeleteThang Nguyen Xuan, Bác nhắc tôi mới nhớ, suốt thời tiểu học đi qua đó, bao giờ tôi cũng xem rất kỹ các vết đạn.
11. Hôm nào ra Bờ Hồ dòm thử cái nhà trời ơi này xem nó thế nào.
ReplyDeleteKhanh Phanvan
ReplyDeleteRất mừng là Gs Aiviet Nguyen dạo này có t/g cho việc thưởng thức cảnh phố phường.
Aiviet Nguyen
DeleteKhanh Phanvan, Mắt bão thôi. Chuẩn bị lại chộn rộn.
1. 2 & 3: Hồi chưa sơ tán, mấy cha con tớ sống trong ngõ Hàng Hành (nay thành di tích lịch sử thấy cũng khoái). Vì vậy mà nhà Thủy Tạ là chỗ quen thuộc lắm.
ReplyDeleteVề sau, nhà Thủy Tạ gắn với cô Diệu làm ở đây mà bọn tớ biết. Cô Diệu đẹp người, đẹp nết, rất thùy mị đoan trang đúng là con gái thủ đô thanh lịch. Cô yêu 1 chú phi công lái Mig người miền Nam kết nghĩa chị em với mẹ tớ nên cô ấy rất thương chúng tớ. Thỉnh thoảng cô hay lên Đa Phúc thăm người yêu, nên nhà của chúng tớ ở Đa Phúc thành chỗ hẹn hò của cô và chú. Có dịp được về HN là mấy đứa nhỏ hay được cô đãi ăn uống ở nhà Thủy Tạ. Chúng tôi thích những lúc như thế lắm, vì ai cũng biết đó là nhà hàng nổi tiếng của thủ đô, chỉ cần được ngồi ở đó là sướng rồi.
Vào thời chiến, thực phẩm ở Hà Nội "không được dồi dào". Tại các cửa hàng ăn uống của mậu dịch quốc doanh chỉ có một thứ phở, lại là phở chỉ có bánh không có thịt (dân gọi là "phở không người lái"). Muốn mua còn phải xếp hàng, có khi nửa giờ mới tới lượt. Tuy nhiên, thời đó vẫn tồn tại những quán chui có đủ thứ.
15. Quanh Bờ Hồ còn nhiều thứ thuộc về hồi ức thời chiến được truyền tụng lại cho đến nay.
ReplyDelete"Người Hà Nội hồi đó đều biết thành phố có mấy cửa hàng cung cấp đặc biệt với sổ mua hàng đặc biệt. Cán bộ trung cao cấp mua ở cửa hàng Nhà Thờ, cán bộ tương đương thứ trưởng trở lên thì mua ở cửa hàng Tôn Ðản. Cửa hàng Hàng Trống chỉ phục vụ chuyên gia nước ngoài và cán bộ cao cấp, giám đốc cửa hàng này là bà em ruột Lê Ðức Thọ. Hàng hóa ở các cửa hàng cung cấp đặc biệt phần nhiều là đồ ngoại nhập mua bằng tiền viện trợ, không có bán ở ngoài, đã hiếm lại rẻ. Chỉ ở đây mới có sô-cô-la, phó-mát, vải đẹp, nước hoa vv. Do đó ngoài giá trị thực dụng phiếu mua ở các cửa hàng loại này còn có giá trị như niềm tự hào được khẳng định." (trích hồi ký của Vũ Thư Hiên)
Aiviet Nguyen
DeleteNguyễn Cao Bình, Nghĩ lại thấy việc có chế độ riêng là bình thường. Mà thực ra cũng chẳng có gì to tát.
Aiviet Nguyen, thiếu mới phải thế.
DeleteQuyền lợi và trách nhiệm đi với nhau thôi.
Việc nhà nước nặng lắm.
Giờ thì đâu còn cửa hàng cung cấp nữa, chỉ cần tiền nhiều hơn nữa là ok!
Aiviet Nguyen
DeleteNguyễn Cao Bình, Cụ Hồ ngày xưa có câu "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng." Tao nghĩ "Chỉ sợ thiếu, vì thiếu không bao giờ công bằng. Thừa, mỗi người 1 con gà, mày ăn hai con, tao ăn 1 con đâu có sao.
Camtrinh Nguyen
ReplyDeleteQuá hay. Làm chị nhớ đến Hà nội ngày xưa
Aiviet Nguyen
DeleteCamtrinh Nguyen, Mọi người đều nhớ tới bản thân mình ngày xưa đấy chị ạ.
Camtrinh Nguyen
DeleteAiviet Nguyen, chị rất yêu Hà nội. Ngày xưa vì yêu Hà nội nên chị nhất quyết không về Đà nẵng lập nghiệp. Yêu Hà nội thế nhưng để chỉ ra Yêu ở điểm nào thì chịu không trả lời được. Dù đi đâu chị cũng không tìm thấy được vẻ đẹp của Hà nội, nhưng không chỉ ra được. Nhiều người cũng nói thế. Nhưng Hà nội chỉ đẹp ngày xưa thôi. Bây giờ ra Hà nội chị thấy xô bồ quá. Đường phố thì toàn cầu vượt, nhà cửa cao che hết cả khoảng không gian. Con người cũng không còn là những người thanh lịch của ngày xưa nữa.
Aiviet Nguyen
DeleteCamtrinh Nguyen, "Chúng nó phá thế nhưng vẫn còn đẹp".
Camtrinh Nguyen
DeleteAiviet Nguyen, chị nghĩ chắc mình yêu cái hồn cốt của Hà nội