LÊ DUẨN (1907 – 1986) –34 năm trước, Kádár János dẫn đầu Đoàn Đảng MSZMP và Chính phủ Hungary đã đến viếng tang Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tháng 10 năm 1975, Lê Duân đã đến Budapest trong chuyến thăm và hội đàm chính thức với các nhà lãnh đạo Hungary. Hai sách của ông đã được xuất bản (một về Cách mạng Việt nam, một tuyển chọn các bài viết và nói về các chủ đề khác).
„Tư liệu ít và không chi tiết!” Sanyi bảo vậy. Anh là cháu của bạn BME cùng năm Feri – lo tìm kiếm tư liệu cho một luận văn lịch sử VN cận đại. Đã mừng chuyển cho Sany bài viết này. „Khá hấp dẫn, nhưng rất cần phân tích thêm các luận điểm khoa học với luận cứ xác thực! – Sanyi trả lới. „Thế mới cần đến sử gia tương lai. Cố gắng và Chúc thắng lợi!”
Chợt nhớ về 34 năm trước …hôm nay ghi lại đây.
Lê Duẩn một trong số ít nhân vật có tầm vóc, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của Vietnam đương đại: nổi bật trong ba nội dung: (1) Xây dựng miền Bắc làm “hậu phương lớn” (2) giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc; (3) hóa giải nhiều mưu đồ và đập tan cuộc xâm lược quy mô lớn của Trung Quốc, thoát khỏi giấc ngủ dài, đầy ác mộng bởi tình bạn “thắm thiết, chí tình” với người láng giềng phương Bắc!
Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, Lê Duẩn (1907 – 1986) là một trong số ít nhân vật có tầm vóc, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của đất nước.
Không giống với các mẫu nhân vật được phản ánh qua sách báo, truyền thông có phần lý tưởng hóa, mang nhiều yếu tố huyền thoại, có vẻ như ông là con người hiện thực hơn, chung đúc, hội tụ được nhiều phẩm chất, tính cách của con người Việt Nam. Điều đó khiến cho ở ông thể hiện rất rõ bóng dáng dân tộc: Vừa gan lì, ý chí, lại vừa giàu cảm xúc, dễ tha thứ. Có vẻ như ông là nhân vật thuần Việt, ít chịu ảnh hưởng bởi nước ngoài, mặc dù vẫn phải chịu tiếng rằng có lúc thân Trung hay thân Xô. Ông cũng là người không có thiên hướng che dấu tình cảm, mà để tính cách bộc lộ. Ông là một trong số hiếm lãnh đạo tối cao ở Việt Nam không để lại hồi ký. Ông mặc cho lịch sử tìm hiểu, phán xét mà không tự cung cấp hay định hướng thông tin cho người đời, cho hậu thế đánh giá về mình.
Tầm ảnh hưởng của ông không chỉ bởi cương vị Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam, rồi sau là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi cương vị này có nhiều người từng nắm giữ, mà bởi khả năng kiểm soát quyền lực, làm chủ tình thế và dẫn dắt lịch sử đi theo mình. Ông là người chủ động, quyết đoán và quyết định vận mệnh của đất nước trong toàn bộ những năm tháng dài lâu (ít nhất là từ năm 1960 đến năm 1986) mà ông nắm giữ quyền lực tối cao.
Vai trò lịch sử của Lê Duẩn
Vai trò của ông trong lịch sử đất nước khiến người ta nghĩ đến những Hồ Quý Ly hay Minh Mạng, thậm chí là Trần Thủ Độ hay Nguyễn Ánh – Gia Long… Mặc dầu mỗi nhân vật có một bối cảnh, sứ mệnh lịch sử riêng, mà sự so sánh có thể là khập khiếng, song cũng giúp ta hình dung tầm vóc, vị trí của họ. Ông không phải là một nhà lập quốc nhưng ông có bản lĩnh và tầm vóc của kiểu người như thế. Ông luôn luôn là một thủ lĩnh thực sự, đúng với nghĩa của từ này, dù ở chiến trường miền Nam (trước năm 1957), hay khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị ký thác, trao giữ cương vị cao nhất của Đảng, kể từ năm 1960.
Nhắc đến Lê Duẩn, người ta thường nhắc đến những sự kiện, những dấu ấn của lịch sử như Đề cương Cách mạng miền Nam (1956), Nghị quyết 15 của BCH TW Đảng Lao động Việt Nam tháng 1/1959 về đường lối cách mạng miền Nam, Chiến dịch Mậu thân – 1968, Chiến dịch Xuân – Hè năm 1972, Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, giải quyết “Vấn đề người Hoa” (1977-1982) và đến cả lý thuyết “Làm chủ tập thể” đầy “ảo vọng” (mà nay không còn được nhắc tới nữa) của ông, trong bão lốc quay cuồng của chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước (1975-1978, 1979), của tình thế đất nước bị bao vây cấm vận và đói khổ tột cùng sau sự nghiệp Thống nhất và trước Đổi mới. Dấu ấn của ông là hiện thực, ngồn ngộn và nổi trội, đầy tính thuyết phục nhưng cũng nhiều luồng dư luận khen, chê, không trộn lẫn với ai được. Song vượt lên trên tất cả, ông là một nhân vật lớn, một tầm vóc lịch sử chỉ đứng sau Hồ Chí Minh ở Việt Nam khoảng giữa và nửa sau thế kỷ 20.
Trên lĩnh vực đối ngoại, Lê Duẩn nổi lên như một nhân vật hàng đầu trong những quyết sách của đất nước, từ những năm 60 của của thế kỷ 20. Nét điển hình trong tư tưởng và hành động của ông, ở phương diện đối ngoại, đặt trên nền cảnh lịch sử đất nước những năm 60, 70 và 80 của thế kỷ 20 có thể tổng kết là: Không sợ Mỹ; không sợ các các nước lớn (gồm cả Liên Xô, Trung Quốc); đặc biệt cảnh giác và kiên quyết với Trung Quốc.
Không sợ Mỹ bởi ông tin vào dân tộc đã từng đánh thắng những đế quốc hung bạo nhất của mọi thời đại, bởi ông rất hiểu Mỹ trong những tình thế cụ thể nhất của tên đế quốc này. Chính những người lãnh đạo như ông, cùng với nhân dân anh hùng, đã tạo nên trên chiến trường miền Nam những câu khẩu hiệu, những phong trào thi đua “giết giặc lập công” nổi tiếng: “Tìm Mỹ mà giết”, “Nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”… độc nhất vô nhị trên hành tinh này. Hãy thử tìm ở những nơi quân Mỹ tham chiến gây tội ác trên thế giới xem, chẳng đâu có những phong trào như vậy. Những tư liệu lịch sử cho thấy, cái khó khăn của Lê Duẩn và nhóm lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Lao động Việt Nam trong cuộc đối đầu với Mỹ không hoàn toàn bởi vũ khí và sức mạnh Mỹ, mà bởi thái độ của những nước đứng sau cuộc chiến của chúng ta, đó là Liên Xô, và đặc biệt là Trung Quốc với những tính toán khó lường của nước này. Song, khó khăn đó đã được ông hóa giải một cách ngoạn mục và mãi mãi là đề tài cho giới nghiên cứu lịch sử về sau.
Không ngại các nước lớn, không chỉ là Mỹ, mà còn là cả Liên Xô và Trung Quốc, hai bậc “đàn anh” trong hệ thống Xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ vị thế và lợi ích của mình, mỗi nước đều tìm cách tác động trực tiếp lên cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Trước đây, mặc dù có những giúp đỡ không nhỏ cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam nhưng Liên Xô và Trung Quốc đã hạn chế nền độc lập của nước ta chỉ ở phần phía Bắc vĩ tuyến 17. Khi Mỹ thay Pháp can thiệp trực tiếp vào Đông Dương, Liên Xô, Trung Quốc lại một lần nữa tìm cách kiềm chế Việt Nam đánh Mỹ, để “đốm lửa nhỏ” Việt Nam không bùng lên thành “đám cháy lớn” nguy hại cho tham vọng của các đàn anh.
Là người thực sự nắm cương vị chủ chốt nhất của Đảng kể từ sau Đại hội III (1960), Lê Duẩn luôn hiểu sâu sắc tình thế bất lợi của cách mạng nước ta, nhưng vẫn tìm được cách tranh thủ sự ủng hộ cao nhất của cả hai nước đứng đầu khối Xã hội chủ nghĩa cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bên cạnh thước đo về tình đồng chí và tinh thần quốc tế vô sản, ông nắm được chìa khóa của sự giúp đỡ từ Liên Xô, Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam chính là những lợi ích của mỗi nước này trong cuộc mặc cả với Mỹ và phương Tây. Khó khăn lớn của cách mạng Việt Nam không chỉ bởi phải đối đầu với Mỹ, mà còn bởi những toan tính của mỗi nước Liên Xô, Trung Quốc trước cuộc chiến ở Đông Dương, và đặc biệt là mối bất hòa ngày càng nghiêm trọng, đi tới thù địch sâu sắc giữa hai nước. Lê Duẩn hiểu rất rõ tình thế ấy và ông đã thông thái đưa ra những xử lý quyết đoán, dũng cảm để hoàn thành mục tiêu độc lập, thống nhất cho nước nhà.
Xử lý mối quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc trong tình thế hai nước mâu thuẫn, thù địch nhau là một bài toán vô cùng khó của những người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam. Giống như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn không cực đoan, cũng không hữu khuynh. Khi trong phong trào Cộng sản quốc tế, người ta cô lập Trung Quốc thì ông gần Trung Quốc, người ta bài Liên Xô thì ông không ngại đứng cạnh Liên Xô. Gần giống với Hồ Chí Minh khi đi tìm đường cứu nước, dù Quốc tế Hai, Hai rưỡi hay Ba cũng được, miễn đó là tổ chức cách mạng bênh vực các dân tộc thuộc địa đấu tranh giành độc lập, ông thân thiện với cả Liên Xô, Trung Quốc đúng nghĩa chủ nghĩa quốc tế vô sản, đồng thời với một mục tiêu duy nhất: Tìm kiếm sự ủng hộ lớn nhất để đánh Mỹ, giải phóng miền Nam.
Cảnh giác và kiên quyết với Trung Quốc, đó cũng là thái độ rõ rệt của Lê Duẩn với sứ mệnh người đứng đầu hệ thống chính trị của Việt Nam trong hơn hai thập kỷ.
So với nhiều nhà cách mạng Việt Nam khác, ông trưởng thành từ cơ sở và là thủ lĩnh của cuộc chiến gian khổ ở miền Nam, hơn là ở chiến khu Việt Bắc. Kỷ niệm Việt Bắc của ông không nhiều, chủ yếu là khoảng thời gian tham dự Đại hội II của Đảng (1951). Ông muộn tiếp xúc với Trung Quốc và không có “duyên nợ” gì với Trung Quốc trong những ngày đầu cách mạng, nhưng lại là người nếm trải sớm nhất cùng với đồng bào miền Nam những đau khổ của cuộc chiến chống Mỹ dai dẳng, mà một trong những kẻ can thiệp để duy trì sự đau khổ đó chính là Trung Quốc thông qua Hiệp định Giơ-ne-vơ. Sau này, qua cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông với Mao Trạch Đông tại Vũ Hán năm 1963 và qua nhiều cuộc tiếp xúc về sau với Mao và các nhân vật hàng đầu khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình…), ông càng nắm rõ tham vọng và dã tâm của Bắc Kinh đối với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Vì sao Hồ Chí Minh chọn Lê Duẩn?
Có người cho rằng Lê Duẩn được Hồ Chí Minh giao trọng trách Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam là muốn gửi gắm ước nguyện giải phóng miền Nam cho ông, bởi ông quyết liệt chống Mỹ (trong khi nhiều người khác quá thận trọng và e ngại Mỹ), đồng thời muốn cân bằng quyền lực Nam – Bắc để người miền Nam yên tâm đánh Mỹ. Song, có lẽ Hồ Chí Minh còn nhìn xa hơn thế, bởi nhận thấy Lê Duẩn không chỉ dám đánh Mỹ, mà còn dám đối diện với Trung Quốc. Ông không mắc nợ gì với Trung Quốc trong những ngày “rau măng cháo bẹ”, và tính cách của ông quyết liệt, lòng tự tôn dân tộc ở ông sáng rõ, mà đó lại là những tố chất cần nhất của một nhà lãnh đạo trong cuộc đối diện với Trung Quốc sau này.
Kinh nghiệm lịch sử cho ta bài học: Gia Long nhờ người Pháp (các sĩ quan hải quân), nhờ giáo sĩ Thiên Chúa để giành lại vương quyền từ tay Nhà Tây Sơn, nhưng cũng dùng Minh Mạng để ngăn chặn Pháp và kiên quyết với đạo Thiên chúa. Với Trung Quốc, Hồ Chí Minh vừa phải dựa vào để cứu nước, vừa lại nhìn rõ tim đen của những người đứng đầu Trung Nam Hải, không khác gì các Hoàng đế Thiên triều khi xưa. Nhưng ông đã quá thân với nhân dân Trung Quốc và bị ràng buộc bởi quá khứ đó. Ông cũng không thể tin tưởng những người đã ít nhiều duyên nợ cách mạng với Trung Quốc, bởi thế ông đã quyết định lựa chọn Lê Duẩn – một nhân cách thích hợp cho cuộc ứng phó với nước láng giềng vĩ đại phía Bắc sau này.
Đó là một sự lựa chọn có tính toán kỹ lưỡng và mang tính lịch sử cuối cùng của Hồ Chí Minh. Sau này, chính Lê Duẩn không chỉ là người lãnh đạo quyết liệt nhất cho ba cuộc tấn công nhằm giải phóng miền Nam: Cuộc tấn công Mậu thân – 1968 (nhưng chưa thành công), cuộc tấn công Xuân – Hè năm 1972 (góp phần buộc Mỹ rút quân) và cuộc tấn công Mùa Xuân năm 1975 (thành công); mà chính Lê Duẩn cũng là người đứng đầu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979, để dạy lại cho Bắc Kinh bài học về bá quyền nước lớn.
Trong những ngày tháng này, khi mà quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn luôn luôn nóng và cực kỳ nhạy cảm, nguy cơ chiến tranh chưa bao giờ nguộn tắt, chúng ta lại càng thấm thía sâu sắc khi đọc lại những gì về Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói, đã hành động kiên quyết với Trung Quốc từ cách đây hơn 3 thập niên.
Có thể nói, Lê Duẩn là nhân vật hàng đầu của Lịch sử Việt Nam hiện đại, nổi bật trong ba nội dung lớn (theo cách nói của sử học trong nước), đó là: (1) Xây dựng (thành công?) miền Bắc (Xã hội chủ nghĩa) làm “hậu phương lớn” cho cách mạng cả nước; (2) giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc; (3) hóa giải nhiều mưu đồ và đập tan cuộc xâm lược quy mô lớn của Trung Quốc, (đưa dân tộc trở về với tâm thế lịch sử vốn có của nghìn năm trước, thoát khỏi giấc ngủ dài, đầy ác mộng bởi tình bạn “thắm thiết, chí tình” với người láng giềng phương Bắc).
Tư tưởng chiến lược và sách lược đối ngoại của ông, đặc biệt là việc xử lý mối quan hệ với Tam cường: Liên Xô – Mỹ – Trung Quốc cho mục tiêu cứu nước và giữ nước là bài học vô giá, còn nguyên độ nóng cho giới lãnh đạo và cho dân tộc Việt Nam hôm nay.
Tuy nhiên, đánh giá về ông là một công việc lớn và khó, đòi hỏi một tinh thần sử học nghiêm cẩn và dũng cảm.
Phạm Quốc Sử
(copy từ FB-Peter Nagy)
No comments:
Post a Comment