MÙNG 3 TẾT NĂM NÀO
Hơn bốn mươi ba năm rồi trôi qua, bốn mươi ba năm rồi từ ngày nó bỏ nước ra đi. Mùng 3 Tết năm ấy, nó cùng gia đình, đón chiếc xe đò từ Sài Gòn xuống Cà Mau, để bắt đầu cuộc hành trình tha hương vô định.
Trời về chiều, màn đêm bắt đầu phủ xuống. Nó còn nhớ đang ngồi cùng gia đình trên bãi cỏ cạnh ven sông vắng lặng, tối thui, ngồi chờ chiếc ghe đuôi tôm nhỏ bóc người chở ra chiếc ghe đánh cá lớn đang chờ sẳn bên sông. Có lẽ gia đình nó đã ngồi đó cả mấy tiếng đồng hồ rồi. Ngồi đợi trong thấp thỏm, lo âu. Trong bóng tối im lặng đó, chỉ còn tiếng muỗi vo ve bay quanh, bay lên đầu, bay ngang tai rồi im lặng. Nó quơ tay phủi tai, rồi lại ngồi im.
Có tiếng chiếc ghe nhỏ chạy rù rì quanh đây. Tiếng máy đuôi tôm nho nhỏ, văng vẳng bên tai, vang lên rồi lại im. Mẹ nó nói nhỏ, thì thào như vừa đủ cho mấy anh em tụi nó nghe:
- Chuẩn bị đi con!
Mấy anh em nó lò mò lượm lên đôi dép xếp mà đã để dưới mông ngồi cho êm, xỏ vào, lôm khôm đứng dậy, rồi hồi hộp đợi chờ. Hai tay vịn chặt vào cái bị hành lý nho nhỏ mà Mẹ nó đã chuẩn bị sẳn cho mỗi đứa chúng nó đeo theo bên mình. Trong chiếc bị nhỏ này là vài ba bộ đồ, chai dầu gió xanh, và mấy thỏi lương khô Trung Cộng để ăn đỡ đói. Mẹ nó cũng không quên tờ giấy viết địa chỉ và số điện thoại của Ngoại nó bên Mỹ, đã hơ lửa bọc bao nhựa cho khỏi thấm nước. Đó là tấm bùa hộ mệnh lỡ khi gia đình vì hoàn cảnh nào đó mà bị thất lạc nhau.
Lại có tiếng ai đó nói nhỏ trong đêm:
- Từ từ lên nhe... Đi đi...
Lò mò trong bóng đêm, nó đi theo những người đi trước, lội qua con rạch nhỏ bì bõm, rồi thay phiên nhau leo lên chiếc ghe nhỏ chòng chành. Chiếc ghe nhỏ từ từ lao đi trong bóng tối dày đặc của đêm mồng 3 Tết không trăng. Đâu đây lấp lững ngọn đèn dầu hiu hắt. Đâu đây văng vẳng lại câu vọng cổ ai đó hò trong đêm.
Leo lên chiếc ghe lớn, nó chợt nghe Mẹ nó kêu tên từng đứa như để điểm danh. Nó, anh Hai nó, và chú nó thì bị kêu xuống dưới hầm đựng cá ở khoang trước tàu, ngồi chung với cả chục người đàn ông và thanh niên khác đã ngồi sẳn đó tự bao giờ. Mẹ nó và em gái, bấy giờ mới vừa lên 9, cùng với mấy người phụ nữ đồng hành khác, được ở lại trên bong tàu. Nó thấy Ba nó đang đứng trên phòng lái cạnh bong tàu, hai tay đang nắm chặt tay lái. Nó thoáng nhớ lại bức tranh treo trên tường trong nhà mà có người đã tặng cho Ba Mẹ nó. Bức tranh vẽ Chúa Giê-Su đang đứng trên bong con tàu nhỏ, tay chỉ thẳng phía trước. Con tàu nhỏ nhoi đang ngụp lặn giữa những cơn sóng to gió lớn. Trong khoảnh chốc ấy, nó mường tượng Ba nó giống như Chúa Giê-Su đang chuẩn bị dẫn dắt đoàn chiên vượt biển Đông.
Nó leo xuống ngồi cạnh anh nó, và bên tay phải nó là chú nó, tất cả dựa lưng vào khoang tàu, lâu lâu phải xoay người cho lưng đỡ đau, vì sau lưng là những thanh gỗ sườn tàu. Chiếc nắp hầm khoang tàu đóng lại, làm cho không khí trong khoang tàu đã ngột ngạt, khó chịu, lại càng khó thở hơn. Mùi nước biển, mùi dầu máy hôi hôi, mùi cá ươn tanh tanh quyện vào nhau, tạo thành một mùi nồng nặc khó tả.
Ghe đang chạy chầm chậm ra cửa biển, đi ngang đồn công an biên phòng. Nó nghe tiếng ai đó nói từ trên bong tàu vọng xuống:
- Im lặng nhe... sắp sửa đi qua đồn công an. Vái Trời vái Phật cho tụi nó không thấy mình!
Mọi người im lặng hồi hộp. Nó nghe đâu đó có tiếng người đọc kinh nho nhỏ. Nữa tiếng đồng hồ trôi qua trong hồi hộp, rồi bỗng nó nghe tiếng máy tàu nổ lớn hơn, rồ ga chạy hết tốc lực. Ghe đã vượt qua khỏi đồn công an bình an!
Chiếc ghe va phải cơn sóng lớn ngay cửa biển, nhồi lên, rồi lại hụp xuống. Cách nó xa xa, có người vừa ói mữa. Rồi tới phiên người ngồi trước nó, nước mữa văng tứ tung lên chân nó. Rồi bỗng nhiên nó cảm thấy cái gì nghèn ngẹn trong cổ. Rồi nó mữa. Ngưng một lúc, nó lại mữa tiếp. Hơn cả tiếng đồng hồ trôi qua, nó không còn biết ai là ai, và nó là gì nữa. Nó mữa, rồi nó gục xuống, nằm bẹp dưới khoang tàu. Nước dơ hoà cùng nước ói mữa trong khoang tàu văng lên mặt mũi nó, lên người nó, ướt hết áo nó, tóc nó. Nó cũng không màn ngồi dậy, rồi nó thiếp đi...
Khoảng 8g sáng hôm sau, nó được leo lên bong tàu để hít thở khí trời. Chiếc ghe nhỏ bé đang đi giữa lòng đại dương xanh thẳm, màu xanh của lá cây thật đậm. Chung quang là biển, không bến bờ, không một bóng người, không một chiếc ghe hay tàu, ngoại trừ chiếc ghe nhỏ bé của nó đang âm thầm lao về một hướng vô định. Hôm nay, biển lặng không có sóng. Nó nép lại ngồi bên mé ghe, lén nhìn những giòng nước biển văng tung toé bên mang ghe. Mặt biển lặng, nhưng màu xanh đậm cho nó biết lòng đáy sâu lắm. Nó rùng mình ớn lạnh, chợt nghĩ đến vùng biển này đã là mồ chôn của biết bao nhiêu đồng bào của nó trong những cuộc vượt biên không thành.
Một con cá chim bay văng lên ghe và rớt vào chân nó. Nó vội chụp nó lại và cầm lên coi. Lần đầu tiên trong đời nó mới thấy được con cá chim. Rồi một con khác bay văng lên bong tàu. Con cá chim nhỏ bé, thon thon, dài chỉ bằng ngón tay trỏ của nó, hai bên hông có cái cánh xoè ra được, đang ngáp ngáp thở. Nó cầm con cá lên, ngắm lần cuối, rồi vụt nó lại xuống biển.
Nó quay lại nhìn thì thấy Ba nó đang ngồi trong phòng lái của ghe. Nó đi đến gần Ba nó, rồi nhìn chung quanh. Mẹ nó và em gái đang ngồi tựa lưng vào nhau, chung quanh là mấy người đàn bà khác, đang nằm lăn lóc, rũ rượi, sụt sùi. Có lẽ mọi người đang hồi tỉnh lại sau cơn ói mữa khi ghe vừa mới ra cửa biển. Nó hỏi nhỏ Ba:
- Mình ở đâu rồi Ba? Gần tới chưa Ba?
Ba nó trả lời:
- Ra hải phận quốc tế rồi con. Chưa tới đâu, còn xa lắm!
Nó thấy Ba nó đang cầm tay lái chiếc ghe, bẻ qua bẻ lại, lâu lâu lại nhìn vào chiếc hải bàn để kế bên. Nó đảo mắt nhìn quanh Ba nó thì không thấy ai khác ngoài một mình Ba nó đang cầm lái. Có một hai người đàn ông đang nằm gần đó, chăn quấn lên ngang đến cổ, lâu lâu chồm dậy, ói vào một cái lon nhựa để gần. Nó chợt nhận ra đó là ông chủ tàu, người mà nó đã gặp một, hai lần trước ở nhà nó tại Sàigòn. Khi gặp ông, thì Ba Mẹ nó không nói ông là ai mà đến thăm nhà mình. Mãi khi qua đến đảu Pulau Bidong thì nó mới biết đó là ông chủ chiếc ghe đánh cá này. Sau này, Ba nó kể lại là khi ông đến nhà nhờ Ba nó đi với ông, thì ông ra điều kiện là chỉ Ba Mẹ nó, nó và đứa em gái được đi miễn phí, riêng anh nó và người chú thì mỗi người phải trả 2 lượng vàng. Ông nói ông chỉ cần một người biết giỏi về thiên văn và có kinh nghiệm lái tàu để giúp ông lái chiếc ghe đi đến Mã Lai (Malaysia), vì Ba nó trước kia là Sỹ Quan Hải Quân VNCH và có kinh nghiệm đi biển lâu năm. Ông bảo ông chỉ cần người lái ghe khi ra đến hải phận quốc tế, còn đoạn từ sông lớn ra tới hải phận quốc tế thì đích thân ông sẽ cầm lái. Trớ trêu một cái là khi ghe vừa mới ra đến cửa sông lớn, thì ông đã ngã quay lăn lộn, ói mữa, và nằm bệt một góc từ tối đến giờ.
Khoảng trưa thì nó được cho ăn. Nó không nhớ là được cho ăn những gì, nhưng nó đã ăn hết phần lương khô Trung Cộng mà Mẹ nó đã bỏ trong bị hành lý cho anh em nó. Vì ói mữa cả đêm, nó say sưa ăn hết phần lương khô. Đứng lên, lấy tay quẹt miệng, nó bò chậm qua ngồi kế bên anh, rồi ngồi đó nhìn trời, nhìn biển cho qua thời gian.
Biển vẫn âm thầm, không một cơn sóng lớn, không một bóng người...
Đêm thứ 2 trôi qua bình yên. Nó được phép lên nằm trên bong tàu đêm nay. Biển vẫn lặng im, và chiếc ghe nhỏ bé của nó vẫn chòng chành vượt đi trong đêm tối.
Khoảng 2g trưa hôm nay, sau khi được ăn trưa xong, thì nó nhìn thấy một chiếc tàu chở hàng to màu trắng đang chạy xa xa. Mọi người trên ghe mừng rỡ, vẫy tay la lối ra hiệu cho tàu thấy. Những chiếc áo thun trắng được cởi ra, buộc vào những thanh que dài, phất tới phất lui để ra dấu. Chiếc tàu trắng ấy vẫn thản nhiên đi xa, hình như không thấy chiếc ghe nhỏ bé của nó đang vẫy gọi cầu cứu. Hoặc có thể họ đã thấy, nhưng làm ngơ vì không muốn nhận lấy trách nhiệm cưu mang vào bản thân họ, như những chiếc tàu hàng ngoại quốc khác đã quảnh mặt làm ngơ ngay khi chứng kiến những thuyền nhân VN bị nạn.
Nỗi thất vọng hiện rõ trên nét mặt của mọi người trên ghe. Nó không còn nhớ rõ lúc đó nó đã làm gì. Nhưng sau đó một thời gian thì có thêm một chiếc tàu khác nữa hiện ra ở chân trời. Lần này, mấy người đàn ông ở trên ghe xé áo thành những mảnh nhỏ, tẩm dầu máy để đốt dấu làm hiệu. Những bó đuốc dã chiến trong tức tốc được phất qua phất lại trên đầu để cầu cứu. Chiếc tàu hàng thứ 2 cũng bỏ đi trong nỗi hy vọng tuyệt cùng của tất cả mọi người!
Biển hơi có sóng chiều nay, hình như đang báo trước một điềm không lành đang sắp sửa xảy ra...
Trời bắt đầu đổ về chiều. Những cơn sóng bỗng từ đâu đổ tới, không giận dữ, không gào thét, không vội vã, nhưng biển không còn hiền lành như những ngày đã qua. Lúc đó là cũng gần 5g chiều. Hai chiếc tàu hàng ngoại quốc đã bỏ đi, không ngó ngàng gì đến chiếc ghe bé nhỏ đang chơi vơi trong giữa lòng đại dương sâu thẳm, nhỏ nhoi như niềm hy vọng của 35 con người trên chiếc ghe nhỏ bé, loé lên, rồi chợt tắt.
Bỗng nhiên có tiếng người nào đó la lên:
- Có tàu kìa, có tàu kìa...
Mọi người vội nhìn về hướng phát ra tiếng la.
- Đó, đó, nó kìa... thấy không, thấy không?
Những tiếng la ó, tiếng cười rộn rã vang lên. Nó cũng quay lại nhìn theo hướng mà mọi người đang nhìn, và nhận ra có một vật gì nho nhỏ, hiện ra ở chân trời. Hình như vật đó giống như một chiếc tàu. Lâu lâu nhỏm lên khỏi gợn sóng, rồi hụp xuống biến mất. Không biết đó là tàu gì, mà hình như nó đang hướng thẳng đến chiếc ghe của nó. Nỗi mừng khôn tả đến trong lòng nó. Thoáng đâu nó nghe tiếng người nói nhanh:
- Cám ơn Trời Phật! Như vậy là thoát nạn rồi!
Mười mấy phút đồng hồ trôi qua nhanh chóng, nhanh chóng như niềm vui mong manh của tất cả mọi người. Xa xa, nó thấy một chiếc tàu đánh cá thật to, to gấp 5, 10 lần chiếc ghe đánh cá nhỏ của nó, đang chạy thẳng đến. Bổng có tiếng người thét lớn:
- Chết rồi, chết rồi, tàu cướp, tàu cướp Thái Lan!
Nó thấy vài ba người đàn ông trên tàu nhốn nháu chạy lại gần bên Ba nó bàn tán gì đó, rồi những tiếng la lối, cải vã vang lên. Người chủ ghe đang ngồi, vội đứng dậy, chạy vụt vô trong buồng lái, rồi quay trở ra với một số vật lạ, bọc giấy báo chung quanh. Nó nghe tiếng một người nào đó nói lớn:
- Đường cùng rồi, mình không liều thì sẽ chết hết. Thà chết chứ không cho nó cướp!
Một nhóm người đàn ông, trong đó có cả chú và anh nó, tập họp thành một nhóm đông giữa bong tàu. Họ chuyền tay cho nhau những vật lạ mà ông chủ ghe mới vừa mang ra. Những đứa nhỏ tụi nó và tất cả đàn bà con gái bị bắt phải chung xuống khoang tàu trốn. Nó chỉ kịp nhìn thấy anh nó tháo bỏ miếng giấy báo bọc quanh vật gì giống như một thanh sắt mà anh đang cầm trong tay. Rồi tấm giấy báo rớt ra. Trên tay anh nó đang cầm là một con dao mã tấu đen ngòm. Bỗng tiếng Mẹ nó hét lớn bên tai nó:
- Xuống đi... nhanh lên!
Rồi Mẹ nó xô tay đẩy nó xuống hầm tàu, theo sau là đứa em gái nó. Nó lom khom ngồi dựa vào khoang tàu, nét sợ hãi không còn dấu được trên khuôn mặt. Nó lầm thầm cầu nguyện:
- Chúa Giê-Su phù hộ cho gia đình con, giúp cho chúng con qua khỏi những hiểm nghèo. Xin cứu chúng con...
Tiếng đọc kinh vang to lên trong khoang tàu. Đâu đó có tiếng khóc, tiếng cầu cứu, vang giữa những tiếng chửi thề. Nó nhìn quanh và thấy một số người đang dùng lọ nồi quét nhanh lên mặt, múc nước dơ trong khoang tàu xối lên đầu, lên tóc. Nó nhìn qua bên phải thì thấy Mẹ nó đang chấp tay khấn vái nho nhỏ. Hai hàm răng nó tự đánh lập cập vào nhau, không kiềm chế được, trong nỗi sợ hãi mà chưa lần nào nó trãi qua trong đời....
Mười phút trôi qua đi, rồi gần như cả nữa tiếng đồng hồ trôi qua nữa mà nó không nghe thấy gì, ngoài tiếng máy ghe vẫn nổ đều. Bỗng chiếc nắp hầm được mở tung lên và làn gió mát tràn xuống khoang tàu.
- Lên đi mọi người. Tụi cướp bỏ đi rồi!
Nó sững sờ, bàng hoàng như mới vừa tỉnh dậy sau một cơn ác mộng. Nó nghĩ thoáng qua trong đầu:
- Tụi cướp bỏ đi rồi. Tụi cướp bỏ đi rồi ư? Sao lạ thế?
Nó leo phong phóc lên mấy bực thang nhỏ dưới khoang tàu để lên bong. Chiều tối hẳn. Mọi người đang tụm lại bàn tán xôn xao. Nó chạy lại gần Ba nó thì nghe Ba nó đang kể lại với Mẹ:
- Chiếc tàu đánh cá Thái Lan có viết chữ Thái trên mũi, đâm thẳng vào ghe mình. Tụi nó chạy với tốc độ rất nhanh, mới thấy xa tít đó mà Ba quay lưng đi, quay lưng lại thì nó chỉ cách mình có một khoảng, nhắm thẳng vào ghe mình. Ba nghĩ như vậy là bảo đảm chết hết rồi, vì nếu nó đâm thẳng vào ghe mình thì ghe mình sẽ bể và chìm liền, vì tàu nó to quá. Ba nhìn lên tàu nó thì thấy một đám người hùng hổ, ở trần đang chỉ chỏ xuống ghe mình và la hét. Nhưng lạ thay, khi còn cách ghe mình vài chục thước, thì nó bẽ lái quay đi hướng khác. Và biến mất trong vòng tít tắc. Mẹ nó coi dùm Ba tay thằng Phong [anh nó] ra sao? Hồi nãy Ba thấy nó bị chảy máu khi nó tháo mấy tờ giấy báo bọc cái mã tấu nó đang cầm trên tay...
Trời hừng sáng hôm sau, chắc khoảng 5 hay 6g sáng, nó đang ngủ thì bỗng nghe có tiếng người trên ghe lố nhố gọi nhau. Nó chồm người dậy, nhìn về phía chân trời bên tay phải của nó, thì thấy bờ và xa xa có một vài căn nhà. Năm ba chiếc ghe đánh cá nhỏ ở bên tay trái nó, cách xa ghe nó một khoảng xa. Nó tự hỏi đây là đâu?
Ba nó thả máy cho ghe chạy chậm lại, rồi từ từ mon men theo bờ. Nó thấy bờ biển cát không trắng lắm, và nhà cửa lưa thưa, không đông đúc như nó tưởng. Mũi ghe bẻ qua bên phải, rồi qua trái, và tiếng máy tắt đi. Chiếc ghe chạy theo trớn, chòng chành chạm mũi vào bãi cát, rồi dừng lại hẳn. Bà con trên ghe nhốn nháo gọi nhau ơi ới, rồi vài người nhảy trên ghe xuống và lội ngay vào bờ. Mẹ nó bảo nó:
- Nhảy xuống đi con. Coi chừng đó!
Nó nhìn xuống bãi biển, nhưng trời mới vừa hừng sáng, nên không thấy rõ lắm. Nó vớ lấy cái bịch hành lý mà nó đang mang theo bên mình, và trong tư thế như người vận động viên sắp sửa nhảy xuống hồ, nó chấp hai tay ra phía trước, và lao mình chúi xuống. Đầu nó chạm mạnh vào bãi cát kêu cái bịch. Thì ra chiếc ghe của nó đã vào sát bờ rồi mà nó cứ tưởng là còn xa lắm. Lúi cúi đứng dậy, nó xoa đầu và cảm thấy hơi nhưng nhức. Nó phủi mặt cho ráo nước biển mằn mặn, nhìn lên Mẹ nó đang đứng trên ghe, rồi cười toe tét...
Welcome to Freedom! Welcome...
Peter Ly (Trang Văn chương miền Nam)
Bây giờ, người ta vẫn vượt biên, bằng nhiều cách. Vẫn bất chấp nguy hiểm và cái chết.
ReplyDeleteVà cả những người thuộc tầng lớp đại phú mới...
Dui Nguyen
ReplyDeleteNguyễn Cao Bình, Nói chung con người bao giờ cũng muốn vươn tới cái tốt đẹp hơn. Mỗi người, mỗi tầng lớp có nhận thức khác nhau, nhưng cái cơ bản thì nhiều người đều biết phân biệt cái xấu, tốt và cơ bản là cái được và cái mất. Đơn giản nhất là đang bình thường chúng ta bị tai nạn và khi đó chúng ta đều thốt lên rằng: may mà. . không chết.
Dui Nguyen, từ lúc ở bên Hung tôi đã ko muốn về VN, vì biết sẽ phải chịu đựng và chấp nhận sống ko ra con người nữa.
DeleteĐến nay thì vẫn vậy: cái nước mình nó thế!
Dui Nguyen
DeleteNguyễn Cao Bình, Phần lớn phải tuân thủ, vì trong cái mất vẫn còn người. Câu an ủi ngang với an phận.
Dui Nguyen, về là biết sẽ bước vào con đường đau khổ.
DeleteKo ngờ VN có thể hèn hạ như bây giờ. Vinh quang và tự hào chỉ là quá khứ.
Những trò hề nhàm chán vẫn kéo dài ko biết đến khi nào mới chấm dứt???
Dui Nguyen
DeleteVì chúng ta luôn tự hào là CON RỒNG CHÁU TIÊN. Quá khứ đó không ai biết mà ta còn tự hào được, thì đánh Pháp, đuổi Mỹ là rõ mồn một như hôm nay người Ukraine thà hy sinh để chống Nga.
Người VN đang cười người Ukraina vì tiến hành cuộc chiến như mình trước đây.
DeleteNhưng lại được gọi với những cái tên lừng lẫy huy hoàng, còn điều mà người Ukraina làm thì chẳng có gì thần thánh cả.
Thế là thế nào?
Dui Nguyen
DeleteNguyễn Cao Bình, Phần lớn người VN ủng hộ người Nga. Nhưng theo mình nếu Ukraine khôn khéo thì sướng hơn người Việt nhiều. Một kẻ muốn thành anh hùng mà có người dân như cỏ
Dui Nguyen, câu chuyện rất rắc rối.
DeleteTui ko hoàn toàn ủng hộ Putin (đại đế) tuy muốn thế giới tồn tại trong một hệ thống đa cực, ko phải trong trật tự được quy định bởi cường quốc số một!
Nước Nga cần phải đổi mới và phát triển từ con người chứ ko phải cách như hiện nay.
Đó là nhược điểm rất lớn mà Putin ko thể làm nổi?
Và đó là điều làm tôi thất vọng về nước Nga mà tôi từng yêu quý, ngưỡng mộ từ cảm nhận trong thời kỳ LX những năm đầu của thập niên 60.
Dui Nguyen
DeleteNguyễn Cao Bình, Mình rất ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo của L. Xô, Nga không phát huy được nguồn nhân lực của nước họ (ta cũng vậy).
Dui Nguyen, cơ chế nó thế. Phải đổi mới từ gốc rễ!
Delete