1. Một trong những nhận thức sai lầm của cha mẹ trong việc dạy con là phải cho chúng học nhiều tri thức mới, không có trong trường phổ thông. Tất nhiên sai lầm này bắt nguồn từ nhận thức sai về giáo dục của xã hội, các học giả lớn và các nhà quản lý có tầm ảnh hưởng quyết định.
2. Tôi quan niệm dạy cái gì chưa phải quan trọng, nếu có thừa một chút cũng không sao, nếu thiếu bổ túc thêm cũng dễ dàng. Điều quan trọng của dạy cũng như xây tháp, nếu không có hàng có lối, có đế vững, kết nối giữa các thành phần lỏng lẻo, thì khó xây cao, có thể sụp đổ. Thực tế, kiến thức phổ thông có 2 chức năng: một là cung cấp hệ thống khái niệm cơ sở, hai là có dữ liệu để vận dụng các kỹ năng cơ bản. Đối với chức năng thứ hai nội dung giảng dạy chỉ để cung cấp các vấn đề, bài toán để trẻ rèn luyện phương pháp tư duy, vốn không thể học bằng lý luận suông. Đối với chức năng thứ nhất, theo tôi chương trình hiện nay có thể đáp ứng tới 60-70% số lượng cần thiết, bổ túc thêm không khó, nhất là đối với các trẻ có khả năng tự học, nghiên cứu.
3. Một số môn, trong đó có lịch sử, sở dĩ gây cho trẻ cảm giác vô dụng và chán trước hết là không được thiết kế để dạy kỹ năng. Môn học đơn thuần chỉ nhồi sọ kiến thức mà không dạy các kỹ năng vận dụng chắc chắn sẽ không thách thức, khêu gợi tò mò. Kỹ năng cho môn lịch sử cần gồm có:
a. Kể chuyện (bao gồm cả kể lại với các tình tiết mới và các hạn chế mới)
b. Liên tưởng kết nối các sự kiện, tìm ra các mối quan hệ ẩn, kể cả các quan hệ nhân quả.
c. Sử dụng bản đồ để theo dõi sự vận động, nghiên cứu địa hình.
d. Nghiên cứu các đề tài liên ngành, địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, kể cả khoa học công nghệ.
Bên cạnh việc dạy cách kể chuyện, cần có các dự án nghiên cứu với những giả thuyết mới và kích thích việc quan sát, tham quan các địa danh, di tích. Tìm các địa danh cổ và mối quan hệ của chúng với các sự kiện lịch sử, cần được dạy ngay từ nhỏ, bắt đầu từ lịch sử địa phương và các di tích ở gần.
4. Nếu được dạy tốt, đúng cách, học lịch sử, giáo dục công dân, đạo đức, mỹ thuật, cũng có thể giúp ta giỏi học Toán, Công nghệ. Không cần nhồi sọ lập trình từ Tiểu học làm gì.
No comments:
Post a Comment