1. Phiếm thần hiện nay thường được mặc định cho là niềm tin không có thần, do chữ "phù phiếm" mang nghĩa như là "giả tưởng", tưởng là có nhưng thực ra là không phải.
2. Nhiều người giả định Đạo Phật, với niềm tin không dựa trên sự tồn tại của thần thánh là "phiếm thần". Như vậy "thần" và "ý thức" phải được hiểu là hai khái niệm khác nhau, không đồng nhất, tuy ít ai nghĩ chuyện phân tích minh bạch. Cũng là "phép đặt tên có chủ đích" như Triết học mà thôi.
3. Thực ra Đạo Phật có thể nói thẳng là "vô thần" (antheism). Tuy nhiên, chữ "vô thần" từ lâu đã mang nghĩa xấu, không có niềm tin và đạo đức. Thậm chí những người theo chủ nghĩa duy vật cũng cảm thấy bị xúc phạm khi bị gọi là "vô thần". Do đó các vị cao tăng cũng lập luận khá buồn cười để "chứng minh" Đạo Phật không phải là "vô thần" và vì thế nhiều người muốn đón nhận khái niệm "phiếm thần" thay cho "vô thần".
4. Thực ra "phiếm thần luận" chính thức xuất hiện trong quan niệm của nhà triết học Spinozza thế kỷ 17. Ông cho rằng Chúa là tổng hòa của mọi vật, như vậy Chúa không phải là một tồn tại siêu nhiên tạo thành mọi vật mà Chúa chính là mọi vật, tương tự như khái niệm Universe ( Do thiếu chữ, chúng ta hay dịch là Vũ trụ cùng với Cosmos, tuy hai chữ này không hoàn toàn như nhau)
5. Giordano Bruno là một vị liệt sĩ khoa học, là một nhà chủ trương phiếm thần luận. Ông không phủ nhận việc có Chúa Trời, nhưng cho Chúa Trời là mọi vật, bao gồm cả Vũ Trụ. Albert Einstein cũng từng tự cho mình là đệ tử của Spinozza, tin rằng Chúa hiện hữu và bao gồm mọi quy luật của tự nhiên. Nói một cách nào đó nhà khoa học không nhất thiết phủ nhận sự tồn tại của Chúa, và có thể là một người theo phiếm thần.
6. Phiếm thần là phủ định của thuyết đơn thần. Thuyết đơn thần tin có Thượng Đế được nhân cách hóa, có quyền năng tuyệt đối, có thể tạo ra, gây ảnh hưởng đến thế giới vật chất, nhưng đứng bên ngoài thế giới đó. Có người tin rằng phiếm thần là tiến hóa của đa thần, một niềm tin sơ đẳng, có thần hay ma tồn tại trong các vật cụ thể. Thực ra phiếm thần là niềm tin cao hơn đa thần, đơn thần kể cả vô thần.
7. Phiếm thần không phủ định Chúa mà đem lại cho Chúa một ý nghĩa mới, vượt hẳn quan niệm Chúa Trời là một người đàn ông đẹp đẽ, có râu, khác với Satan, một con quỷ có sừng. Phiếm thần luận là một cách giải nghĩa tôn giáo hơn là một tôn giáo mới. Như vậy Đạo giáo, Nho Giáo, Đạo Sikh, Ấn độ giáo,.... đều có thể hiểu là phiếm thần. Tôi nghĩ đạo Hồi cũng có thể hiểu là phiếm thần. Những đạo nguyên thủy như đạo Orpheus, Pythagore,.... đều có ý phiếm thần. Tuy nhiên Đạo Phật không phải là phiếm thần. Tuy không phủ nhận phiếm thần một cách quyết liệt, Đạo Phật cũng không có quan điểm phiếm thần rõ ràng. Nhìn chung Đạo Phật là như vậy, không phủ nhận và không khẳng định điều gì, khi bàn đến chuyện A hay B, phương pháp bách chiến bách thắng của Đạo Phật là cho đó là vô minh, vấn đề đó là vô nghĩa. Thậm chí bàn về một vấn đề trong ngàn vạn thiên Tạng, Luận cũng là vô minh.
8. Chúa theo quan niệm phiếm thần, chính là một symbol, để chỉ các quy luật của tự nhiên. Sáng thế là một câu chuyện Fairy Tale dành cho người lớn cũng mang tính biểu tượng như vụ nổ lớn là ngoại suy những gì ta biết được về thế giới. Đó là một mô hình gần đúng, để chúng ta yên tâm, hoàn toàn không thể chứng minh chặt chẽ.
9. Chắc chắn Chúa biết Vật lý, vì khi trước khi ngài sáng thế ngài cũng đã tạo ra các quy luật vật lý trước, để vạn vật ra đời đều tuân theo quy luật. Tuy nhiên không hoàn toàn chắc chắn Chúa có biết Toán hay không. Có 3 khả năng: Chúa cũng tạo ra Toán, Con người tạo ra Toán, và không phải Chúa, không phải Người, tức là Satan tạo ra Toán.
10. Nếu Chúa tạo ra Toán, ắt Ngài phải dùng vì thế các cấu trúc Toán học dù trừu tượng đến mấy cũng sẽ phải tồn tại trong thực tế, có thể ở những chỗ ta chưa biết. Chẳng hạn, mở rộng phương trình Maxwell thành các cấu trúc octonion chắc chắn phải là một thực tại vật lý. Hoặc chúng đang tồn tại trước mẳ mà chúng ta chưa nhận thức được, hoặc chúng tồn tại ở những vùng khác của vũ trụ cách xa chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng. Ngược lại, nếu con người tạo ra Toán học, nó sẽ phải giống như, Tôn giáo, Triết lý, Nghệ thuật, Thơ ca, Máy hơi nước và Blockchain. Bạn có thể tùy chọn lấy một niềm tin.
11. Ý tưởng Satan tạo ra Toán học là một ý tưởng lý thú và ít người nghĩ tới. Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Satan tạo ra Toán học nhằm mục đích gì? Satan có thể giống các nhà Toán học, không có mục đích thực tế, nhưng chắc chắn anh chàng này (đáng lẽ phải gọi là ngài cho trung lập khoa học, nhưng tôi chưa đủ dũng cảm) có một mục tiêu tối thượng là biến các ý định của Chúa thành trò hề. Nếu quả như vậy thì Toán học là cơ sở của việc vi phạm định luật của tự nhiên. Kết luận này khá mạnh mẽ và đáng ngạc nhiên. Tuy vậy cũng nên nghĩ thêm xem sao, trước khi phủ định khả năng này.
12. Chế nhạo và chống báng mạnh nhất chính là bản sao gần đúng. Đó là lý do vì sao Nhà Thờ tàn sát đạo Tin lành mà không hề quan tâm tới những người theo đạo khác. Các quy luật vật lý mô tả bằng các công thức Toán học. Nếu vậy, các công thức sẽ chỉ là gần đúng, là chế nhạo của Satan đối với Chúa trời. Trong cách suy nghĩ này, đối xứng chỉ là phép gần đúng đối với hiện thực, nơi phải có vi phạm đối xứng. Tiếp tục theo quan điểm này, có thể kết luận đối xứng là tác phẩm của Satan, vi phạm đối xứng là tác phẩm của Chúa. Trong trường hợp này vi phạm đối xứng không cần có bản chất Toán học.
13. Một cách nghĩ khác, ngược lại: Đối xứng là tác phẩm của Chúa và chính là quy luật tự nhiên. Khi đó vi phạm đối xứng phải là tác phẩm của Satan. Theo quan điểm này, chúng ta sẽ có một kết luận rất mạnh: vi phạm đối xứng phải dựa trên bản chất Toán học. Chẳng hạn công thức khối lượng của Gell-Mann-Okubo, rút ra từ vi phạm đối xứng dựa trên một giả thiết thuần túy toán học.
14. Có lẽ bức tranh thế giới dựa trên quá trình đấu tay đôi không ngưng nghỉ giữa Chúa và Satan chỉ là một nhận thức sai lầm của con người. Biết đâu họ là một đôi bạn tri kỷ đang uống rượu bày ra những chuyện lắt léo làm chúng ta lao tâm khổ tứ rồi đang cười khà khà.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment