1. Tiếng Việt rất giàu đại từ nhân xưng, rất thiếu danh từ, tính từ và động từ. Danh từ chỉ khái niệm, tính từ chỉ thuộc tính, động từ chỉ hành động. Giàu đại từ là do quan tâm quá nhiều tới tôn ti trật tự. Thiếu danh từ là do chưa phân biệt được các khái niệm có chút giống nhau. Thiếu tính từ tức là chưa nhìn thấy phẩm chất của sự việc. Thiếu động từ tức là chém gió (chắc cũng chưa đủ nhiều) không dẫn tới hành động cụ thể.
2. Tại sao lại quan tâm quá nhiều tới tôn ti trật tự? Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy những người nhạy cảm quá mức tới tôn ti trật tự là những người có mặc cảm tự ti, cũng có thể do ký ức tuổi thơ bị áp lực hoặc bị coi thường. Như vậy, chúng ta có thể thông qua hệ thống đại từ, cố gắng xoa dịu mặc cảm bằng cách tạo ra mặc cảm cho những người trẻ hơn. Và cứ thế thành một số phận của dân tộc. Có thể giả thiết này có phần đúng, bởi người Việt vô cùng nhạy cảm về tôn ti và vô cùng thích xúc phạm đến tự tôn của người khác.
3. Có thế có một lý do khác, không phủ định mà cộng hưởng với lý do này, có thể liên quan tới mặt thiếu. Chẳng hạn mặc cảm sợ thiếu tôn ti liệu có phải bởi vì yếu kém về phân biệt sự vật, không đánh giá được chất lượng, không biết hành động? Tại sao chúng ta lại yếu kém về phân biệt sự vật? Có hai lý do chính. Thứ nhất do chiến tranh, lạc hậu và nghèo đói. Đó là lý do có vẻ khách quan và dễ chấp nhận, nếu như chúng ta không hỏi tiếp: vì sao lại hay có chiến tranh, mãi lạc hậu và nghèo đói. Thứ hai là do chính chúng ta không muốn phân biệt các khái niệm. Tất nhiên bạn có thể hỏi "xoáy": tại sao chúng ta không muốn phân biệt các khái niệm? Có thể chính là vì mặc cảm tự ti đấy. Bạn có thể cười tôi lấy hậu quả làm nguyên nhân vì chẳng phải chúng ta đang đi tìm nguyên nhân của mặc cảm tự ti hay sao. Xin thưa, trong tâm lý học hay xã hội học có trường hợp nhân và quả lập thành một vòng kim cô luẩn quẩn làm chúng ta không thoát ra được, không đơn giản như trường hợp nhân quả rạch ròi, chỉ cần thay nhân là hết quả.
4. Tôi rất thán phục người Ấn Độ, bởi vì trong lịch sử họ cũng có chiến tranh, lạc hậu và nghèo đói, như ta, thậm chí hơn ta, nhưng họ có vốn từ rất phong phú. Chẳng hạn một từ tinh thần theo như Sadhguru nói có 16 thành phần. Có nghĩa là họ đã suy nghĩ kỹ về tinh thần đến mức có thể thấy được cả cấu trúc tinh tế của nó. Có lẽ cả nhân loại đều phải học người Ấn về nhận thức. Anh bạn người Ấn của tôi có lần nói, tiếng Ấn có tới 32 từ chỉ trạng thái buồn. Thật là quá tinh tế, sâu sắc, chẳng trách sinh ra Gautama, Tagore và Gandhi.
5. Điều thú vị nữa là đôi khi chúng ta có sẵn từ ngữ phân biệt, vẫn dùng, nhưng không hề biết chúng khác nhau ra sao. Chẳng hạn như "tri thức" và "kiến thức", "thể chể" và "thiết chế". Nói đúng ra chúng ta không cần và không muốn biết các từ này khác nhau ra sao. Đó là khi có người trong chúng ta đã chế tạo, sử dụng và du nhập từ ngữ sẵn, chúng ta nghe sơ sài rồi "đại khái là", "nôm na là",... và dùng bừa phứa không cần phân biệt. Như thế thì giả thiết "chúng ta không muốn phân biệt khái niệm" có vẻ đúng, dù có vẻ hơi xúc phạm.
6. Cố nhiên không phân biệt khái niệm, thì cũng khó nhận biết thuộc tính. Tuy nhiên, trong các thuộc tính của sự vật, chúng ta đặc biệt kém về các thuộc tính về phẩm chất. Trong các thuộc tính về phẩm chất, chúng ta kém nhất về màu sắc và đường nét, khá tinh tế về mùi và vị. Có lẽ do chúng ta ít quan sát, mà chỉ ăn thôi.
7. Phiếm luận vài ý như vậy cho đỡ buồn, nói dài đại thuyết lại thành to chuyện. Mà kể cũng nên to chuyện, nhưng để dịp khác, có thời gian chọn lọc cách nói và từ ngữ cho kín kẽ để khỏi mất lòng mất bề, giải thích mất thời gian.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment