Wednesday, July 31, 2024

Nghệ sĩ là ai?

Nghệ sĩ là ai? Chắc chắn họ ko phải những người sống bằng danh hiệu?
Họ sống trong lòng người ái mộ!

Monday, July 29, 2024

Thế giới onl

NGHĨ VỀ TÌNH BẠN TRÊN FACEBOOK

Bạn bè trên FB, có thể đã quen nhau từ trước, hoặc biết nhau nhờ qua FB; và đều chọn FB để kết nối. Những tình bạn mà không gian giao tiếp chỉ trong màn hình vài inches hoặc mười mấy inches, nhưng xúc cảm của nó vượt ra khỏi giới hạn của một vật thể được đóng khung hai chiều ngang dọc, vượt ra khỏi sự hữu hạn của con chữ.

Trên FB, người ta có thể kết bạn với nhau mà không cần quá quan tâm đến câu chuyện của đời nhau. Người ta dễ dung hòa những sự khác biệt về cách sống, quan điểm sống.

Trên FB, người ta cũng dễ mở lòng hơn bởi không phải trực tiếp chạm mặt nhau, không phải giao tiếp bằng lời nói, nên người ta có thể buông lỏng bản thân và để mặc những con chữ chảy tràn.

Trên FB, người ta cũng dễ dàng chấm dứt một mối quan hệ hơn: unfollow, unfriend, thậm chí là block. Cũng hệt như tuyệt giao một người nào đó ngoài đời.

Trên FB, người ta cũng dễ dàng thóa mạ nhau hơn. Ai cũng có thể núp sau bàn phím mà hét vào mặt nhau những câu hằn học. Chỉ một vấn đề gây tranh cãi cũng có thể dẫn đến block nhau vĩnh viễn để khỏi còn thấy nhau.

Trên FB, người ta có thể dễ dàng quen thân sau vài lần trò chuyện. Và người ta cũng có thể dễ dàng unfriend ngay sau khi kết bạn vì nhận ra đối phương chẳng có điều gì thú vị.

Tình bạn trên FB cũng mong manh như mọi mối quan hệ ngoài đời. Unfriend, block hay lẳng lặng unfollow; đó là những cách hành xử của chúng ta khi nhận thấy mối quan hệ có nhiều rạn vỡ. Hoặc là khi với ta đó chỉ là những cái nick vô nghĩa nằm trong list có cái tên đôi khi hời hợt: - bạn bè.

Có bao mối quan hệ từ FB bước ra đời thực và trở nên bền chặt?

Có bao người nhờ FB mà tìm lại được nhau?

Có bao người khi chấm dứt một tình bạn thì cũng ngay lập tức unfriend trên FB?

Và sẽ thêm bao tin yêu khác được tạo dựng từ chính thế giới ảo này?

Sau mỗi avatar là một con người bằng xương bằng thịt, trong mỗi con người là một trái tim nóng ấm và đỏ máu. Chỉ cần có sự chân thành, và thêm chút tinh tế, thì ta sẽ biết cách khiến họ mở lòng.

Dẫu ảo dẫu không, thì chúng ta cũng tình cờ "xuất hiện" trong đời nhau, đều bởi một cái duyên gặp gỡ. Dẫu ngắn dẫu dài, thì cũng bước bên nhau một đoạn đời. Chấm dứt một mối quan hệ trên FB cũng có ít nhiều hụt hẫng, hệt như chấm dứt một mối quan hệ ngoài đời thực.

Khi cánh cửa của trái tim là cánh cửa mở bằng cảm ứng vân tay, chúng ta tự khuyên mình luôn biết chạm vào khéo léo và trong bất cứ trường hợp nào, cũng rất nên nhẹ nhàng, nhẹ nhàng...

- Ừ thì người ta không biết viết gì thì người ta post ảnh, mình thích thì mình xem, tiếc gì một cái like mà mình phải căn ke, suy đi tính lại. Còn không thích thì giả vờ như không thấy...

- FB giống như căn nhà riêng của mỗi người... Họ bày biện thứ gì trong nhà của họ thì tùy ý người ta... Chỉ khi nào thấy có gì "quá đáng" hay "sai sót" thì nên nhắn tin góp ý. Họ sẽ biết ơn bạn vì bạn tế nhị không làm "mất mặt" họ.

- FB của họ, bạn đăng cái gì có liên quan đến họ bạn mới "gắn thẻ", "tag" người ta vào. Bài của bạn hay người ta đọc và chia sẻ chứ mắc mớ chi bạn '"tag" cả trăm người vào. Họ "bực mình" nhưng vì tế nhị họ ấm ức yên lặng đó...

Như đã nói ở trên, những ai, khi đọc hay xem hình của họ, thường gây cho mình những cảm giác tiêu cực hay phản cảm thì mình lặng lẽ unfollow, unfriend hay block... và rất không nên ghi những câu đe dọa sẽ unfriend hay block ai đó trên tường nhà, vì nhiều người sẽ nghĩ thằng cha đó/ cô đó là cái "thớ" gì mà "lối" mà "láo" quá dzậy!

Trong bất cứ trường hợp nào, cũng rất nên nhẹ nhàng, nhẹ nhàng...

* Nguồn: VÂN DU (copy từ TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM)

Sunday, July 28, 2024

Đàn ông lịch lãm

 Bất cứ ai, là đàn ông lịch lãm hay ko với phụ nữ, cũng như với hoa: ngắm, ngửi hay ngắt.


Saturday, July 27, 2024

Jó érzés

"Jó érzés egyben lenni. Semmitől sem félni, csak hinni abban, hogy amíg a szíved után mész, minden rendben van, és bármi rád szakadhat, úgyis túléled. Nem árthat senki, mert aki belül erős, annak egy pletyka, mások rosszindulata nem árthat. Egyébként is...Egyetlen mosollyal mindent agyon lehet verni...Mindent."


Márai Sándor

Friday, July 26, 2024

Đại sứ Mỹ tại VN chia buồn về việc TBT Nguyễn Phú Trọng từ trần

ĐẠI SỨ QUÁN VÀ
TỔNG LÃNH SỰ QUÁN HOA KỲ TẠI VIỆT NAM

Tiếng Việt
Danh mục

TUYÊN BỐ CỦA ĐẠI SỨ HOA KỲ TẠI VIỆT NAM MARC E. KNAPPER VỀ VIỆC TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

bởi U.S. MISSION VIETNAM
6 Phút để đọc
THÁNG BẢY 19, 2024
Chúng tôi vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới phu nhân, bà Ngô Thị Mận, cùng gia quyến của ngài, và người dân Việt Nam trong thời điểm khó khăn này.

Trước sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đau buồn khi mất đi một người lãnh đạo có tầm nhìn, người đã làm cầu nối giữa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ.

Hoa Kỳ trân trọng việc Ngài Tổng bí thư đã đưa quan hệ song phương giữa hai nước lên những tầm cao mới. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo Đảng đầu tiên của Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ, thể hiện cam kết to lớn đối với tình hữu nghị, đồng thời định hình mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai quốc gia. Di sản của Ngài càng được củng cố khi quan hệ song phương được nâng cấp lên Đối tác Toàn diện năm 2013 và, một thập kỷ sau đó, lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, cấp độ quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ngài cùng với Tổng thống Biden.

Hoa Kỳ sẽ mãi mãi biết ơn sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong đợi hợp tác chặt chẽ với Chủ tịch nước Tô Lâm cùng với tất cả các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và Quốc hội trong thời gian tới. Chủ tịch nước Tô Lâm đã luôn ủng hộ mạnh mẽ quan hệ song phương giữa hai nước. Với tư cách là Đối tác Chiến lược Toàn diện và bạn bè, chúng tôi luôn sẵn sàng ủng hộ một Việt Nam độc lập, tự chủ, thịnh vượng và có sức chống chịu.

Tôn vinh di sản của Tổng bí thư, quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta sẽ chỉ ngày càng được thắt chặt, mang lại hòa bình và thịnh vượng cho người dân Việt Nam và Hoa Kỳ. Chúng ta một lần nữa khẳng định sự tôn trọng đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau. Khi Tổng thống Biden đến Hà Nội vào tháng 9, Ngài đã trích dẫn đại thi hào Nguyễn Du: “Vinh hoa bõ lúc phong trần. Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày.” Trong thời khắc đau buồn này, chúng ta hãy cùng nhau ghi nhớ tình hữu nghị tốt đẹp giữa người dân hai nước và cùng nhau tiếp tục hành trình này, đoàn kết với cam kết chung hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

 U.S. & Vietnam
 Các bài phát biểu & tuyên bố, Các sự kiện, Ngài Đại sứ, Tin tức
ĐẠI SỨ QUÁN VÀ TỔNG LÃNH SỰ QUÁN HOA KỲ TẠI VIỆT NAM
 
White House 
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 

Thursday, July 25, 2024

Viết từ chuyện người thật việc thật: Ngôi nhà của chúng ta (11)

Quê hương của ai?

30/4/1975 là ngày kết thúc chiến tranh. Nước VN là một, ko còn chia cắt. Nhưng dù giới tuyến 17 ko còn, trong thân phận của con người, sự phân cách vẫn ko thể xóa bỏ được. Đó là câu chuyện đáng buồn của người Việt sau chiến tranh.

Ban đầu, đây là nỗi buồn của những người di tản/vượt biên. Sau đó, nó lan tới những người khác khi phải chọn cho mình 1 con đường, 1 cuộc sống đáng sống hơn. Tất cả đều là người Việt, rất yêu quê hương, nhưng luôn phải trăn trở trước câu hỏi: Đi hoặc về (tùy hoàn cảnh khác nhau của mỗi người)?

Trong số chúng tôi, sau này nhiều người đã chọn cuộc sống mới ở Hungary. Những người gắn bó với các nước Đông Âu khác cũng chọn nơi định cư lâu dài cho mình và gia đình của mình. Tôi trích và đăng lại ở đây những suy nghĩ rất trung thực (khi phải quyết định chọn cuộc sống lưu vong) từ bài viết của tác giả Hai Quê Hương*: ”Bỏ quê hương ra đi luôn là một quyết định đau đớn của mỗi con người. Việc tôi bỏ lại toàn bộ sự nghiệp, đưa vợ con vào một cuộc phiêu lưu có những lý do sâu xa. Vào tuổi 40 tôi không còn mơ mộng mà chỉ muốn sống phần còn lại của cuộc đời bên ngoài những khuôn phép chật hẹp và sự giả dối. Thời trai trẻ tôi đã ở Đông Đức, từng làm việc ở Đài Truyền hình Tây Đức, nên tôi không có quá nhiều ảo tưởng. Nhưng niềm lạc quan về năng lực bản thân là một yếu tố khiến  tôi vững tâm ra đi. Má tôi đã khóc khi bố con tôi ra đi, nhưng Bà hiểu sự bế tắc của tôi .

Anh bộc bạch: “Công bằng mà nói, con đường lập nghiệp của vợ chồng tôi là cuộc đấu tranh của những thân phận cùng đường, tuyệt vọng. Cung cách xây dựng cuộc sống mới của chúng tôi luôn mang dấu ấn của sự manh mún, vô kế hoạch, đôi khi bất minh “ ….” Hành trang của chúng tôi khi sang thế giới mới là lối sống của một xã hội lạc hậu. Nhiều thói quen xấu đã ngấm vào máu nên dù biết cũng không thể sửa được.Chính sự hạn chế này đã làm cho sự thành đạt của chúng tôi cho đến nay vẫn vô cùng khiêm tốn…”

Nhìn những người Việt mình thành đạt ở Mỹ, Úc, Tây Âu và cả ở Đông Âu, Anh nghĩ :”Sự khác biệt của họ chính là không bị kéo níu bởi lối sống lạc hậu, của những toan tính thiển cận đã ăn mòn trong não. Họ mang trong mình một nền văn hóa khác…

"...Tôi bộc bạch bí mật của đời mình không phải để mua vui hoặc câu like, mà chỉ muốn nhắn gửi các bậc cha mẹ: Hãy trút bỏ cho con cái những tảng đá của lạc hậu, thấp hèn trước khi đưa chúng ra biển ….Cho dù khó đến mấy thì cũng chẳng còn con đường nào khác là phải tự thay đổi , nếu không muốn con cháu mình bị tủi hổ … '' 

(còn nữa)

(*): Anh Nguyễn Xuân Thọ đã viết và phát hành cuốn sách của mình ở VN. Anh hiện đang sống ở Đức
Hình ảnh: Chọn từ net

Wednesday, July 24, 2024

Một ngày ko dài

CHÚNG TA AI CŨNG BẬN

Chúng ta ai cũng bận
Vì cuộc sống mưu sinh,
Nhưng hãy dành, nếu được,
Chút thời gian của mình
Để hàng ngày lặng lẽ
Soi gương rồi mỉm cười.
Điều ấy giúp giảm bớt
Những lo âu cuộc đời;
Để đêm nằm chiêm nghiệm
Những việc làm trong ngày,
Rồi tự rút kết luận.
Rất quan trọng điều này;
Để tận hưởng cuộc sống,
Ngắm cây cỏ, thiên nhiên.
Tức là ta một bước
Lại gần hơn Tâm Thiền;
Để tranh thủ đọc sách.
Đọc sách là con đường
Nhanh nhất đến Trí Tuệ,
Tình Yêu và Tình Thương;
Để nhận của ai đó
Chút hơi ấm tình yêu;
Để ta yêu lại họ.
Hạnh phúc vốn hai chiều;
Để chung vai chia sẻ
Đau buồn và khó khăn.
Với mọi người có thể.
Nhất là với người thân…
Một ngày không dài lắm,
Nhưng vẫn là một ngày.
Nếu ta sống ích kỷ,
Tức là phí một ngày.


Thái Bá Tân

Tuesday, July 23, 2024

Viết từ chuyện người thật việc thật: Ngôi nhà của chúng ta (10)

Vùng trời bình yên 

Csilagok útján (Phần cuối)

Thời gian đã xóa dần rất nhiều kỷ niệm, kể cả những điều tưởng chừng ko thể quên được. Với trí nhớ đã lu mờ vì thời gian, tôi cố gắng nhớ lại và suy nghĩ về những gì mình đã làm, đã có và đã mất... về 1 giai đoạn mà với nhiều người trong số LHS chúng tôi, như 1 người anh học Vật lý lý thuyết ở Debrecen gọi là: thời kỳ 'học sinh cấp 4'. 

Hồi đó chúng tôi ko được chọn đất nước mình đến. Nhiều người chỉ mơ ‘’giấc mơ LX’’. Nhưng số phận đã đưa tôi đến với Hungary, cho đến nay, những ngày sống ở Hungary, với tôi vẫn chỉ như mơ trong cảnh thật ở VN lúc này... Khi đó VN phải chiến đấu gần 3 năm nữa thì chiến tranh mới kết thúc. Còn với Hungary thì chiến tranh đã trôi qua gần 30 năm. Nước Hung chào đón chúng tôi thật rộng lòng và đầy thông cảm. Thế nhưng lũ chúng tôi còn ngờ nghệch lắm, ko cảm nhận hết tất cả những điều đó...

Với những cô cậu học sinh còn non choẹt như chúng tôi lúc ấy, Hungary có quá nhiều điều mới lạ và hấp dẫn. Như lời của một bài ca mà Koncz Zsusza đã hát, những cặp mắt háo hức của chúng tôi lúc ấy giống những cái cửa sổ chỉ muốn mở thật lớn để thu hết cả thế giới vào...
Cánh cửa Hungary mở rộng đưa chúng tôi vào một thế giới rộng lớn, giúp chúng tôi "vỡ lẽ"/hiểu được thực chất về vô số thứ còn mù mờ để cảm nhận/thấm thía nhiều điều về cuộc sống và con người.

Dân gian có câu: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Từ quê hương thứ nhất, nơi chúng tôi sống 1 thời đói thiếu nhưng thừa mứa tinh thần cm, sang Hung rồi mới thấy nhiều hơn, mới nhận ra: cuộc sống normal là gì, ntn là con người bình thường với cuộc sống cân bằng hơn so với chúng tôi. Nếu không có những năm tháng sống ở Hung, khát vọng tự do, dân chủ và khát vọng làm người sẽ ko có ở trong tôi. Nhân sinh quan và thế giới quan của tôi hình thành từ những ngày đó để tôi là tôi của ngày hôm nay.

Dù thời gian sống ở Hungary chỉ là một phần nhỏ so với trước đó và sau này, nhiều người trong chúng tôi đều thấy được ảnh hưởng của Hungary là rất lớn, rất quyết định đối với sự phát triển về mặt trí tuệ cũng như về nhân cách của mỗi người. Từ Hungary tôi được thấy VN rõ hơn, thấy dân mình "thật" hơn với những thói hư tật xấu và những cái hay cái lạ. Cho đến nay, tôi cũng đồng ý với nhận xét về sinh viên/người Việt nói chung của Nguyễn Thụy Phương (ĐH Paris Descartes) là: dân Việt Nam “mặc kệ thói ở bẩn, khoa trương một cách lố bịch, vô kỷ luật, ăn cắp, tắt mắt và gian dối... dù sống ở VN hay ở đâu. Thường thì họ cảm thấy thấp kém khi thua trong tình trạng "tự ti" một cách khiếp nhược nhưng lại "tự hào" một cách mù quáng vì những chuyện không đâu...”

Hungary là giấc mơ có thật của tôi. Sống trong lòng Hungary như Tổ quốc thứ hai, tôi và các bạn mình đã được sống những ngày đẹp nhất của cuộc đời.

(còn nữa)

Hình ảnh (chọn từ net): Szabadság-szobor

Monday, July 22, 2024

Ghi nhận từ kiệt tác của Leonardo da Vinci

Đây là cảm giác khi đến thăm Mona Lisa. Nhưng tại sao nó lại nổi tiếng đến vậy và điều gì khiến nó trở thành một kiệt tác như vậy? 


1. Đó là sản phẩm của nhiều năm lặp đi lặp lại một cách tỉ mỉ. Đó là kiệt tác của Leonardo da Vinci - ông đã mang nó theo mình trong 16 năm và cải tiến nó, thêm lớp này đến lớp khác. Ông yêu thích nó đến nỗi không bao giờ giao nó cho người đã đặt hàng nó. 

2. Nó sống động đến kinh ngạc - kết quả trực tiếp từ những quan sát khoa học của Leonardo. Bạn không thể đến đủ gần bức tranh trong bảo tàng Louvre để có thể chiêm ngưỡng hết nó, nhưng nó giống như bạn đang nhìn chằm chằm vào con người thật bằng xương bằng thịt (nữ quý tộc Ý Lisa del Giocondo). Điều đó một phần là do sự hiểu biết của Leonardo về quang học. Ông đã đi tiên phong trong "sfumato", một kỹ thuật làm mờ các cạnh của hình để bắt chước những gì mắt người nhìn thấy (tức là độ mờ trong tầm nhìn ngoại vi của chúng ta). 

3. Hiệu ứng nổi tiếng nhất mà bức ảnh này mang lại là nụ cười lấp lánh của cô ấy. Nhìn thẳng vào môi cô ấy và thấy cô ấy không cười; tập trung vào nơi khác và một nụ cười xuất hiện ở ngoại vi tầm nhìn của bạn. Leonardo đã dành vô số thời gian để mổ xẻ và tìm hiểu về giải phẫu cơ thể con người và hiểu được chuyển động của từng cơ nhỏ trên khuôn mặt. Ở khóe miệng Lisa có một vết lõm nhẹ - mờ nhạt đến mức trừ khi bạn nhìn thẳng vào nó, nó sẽ biến mất trong tầm nhìn mờ của bạn. Cái nhếch mép ở khóe miệng của cô ấy làm nổi bật điều này một cách hoàn hảo. 

4. Bạn có thể thấy ánh mắt kiên định của cô ấy dõi theo bạn quanh phòng. Cô ấy dường như nhìn thẳng vào bạn (hoặc chỉ qua vai phải của bạn như đã được kết luận gần đây), cho dù bạn ở ngay trước mặt cô ấy hay ở một bên. Có nhiều cách giải thích khoa học cạnh tranh nhau cho điều này, một trong số đó là ánh sáng, bóng tối và phối cảnh của hình ảnh 2D là cố định nên chúng không thay đổi tùy theo góc nhìn của người xem. 

5. Sự chú ý đến từng chi tiết là hoàn hảo. Một ví dụ là đồng tử mắt phải của cô ấy rộng hơn đáng kể so với mắt trái. Từ các nghiên cứu quang học của mình, Leonardo là một trong những người đầu tiên biết rằng đồng tử giãn ra và co lại để phản ứng với sự thay đổi của ánh sáng. Có thể anh ta đã phát hiện ra trường hợp dị tật dị tật ở đối tượng của mình, một tình trạng xảy ra ở 20% số người và khiến đồng tử của mỗi mắt giãn ra riêng biệt.

6. Leonardo bị mê hoặc bởi cách ánh sáng chiếu vào các bề mặt cong và đã triển khai một thủ thuật thông minh để làm cho đường nét trên má cô ấy bừng sáng một cách thanh tao. Ông sử dụng những lớp màu trong suốt cực kỳ mỏng bên trên lớp lông tơ dày màu trắng. Ánh sáng chạm tới lớp lông tơ sẽ phản xạ ngược lại, tương tác với ánh sáng chiếu vào bề mặt. Khi ánh sáng trong phòng thay đổi hoặc góc nhìn của bạn thay đổi, cô ấy sẽ phát sáng khác - làm tăng thêm sự phát quang giống như thật của cô ấy.

7. Tính biểu tượng rất nổi bật. Một khái niệm xác định của chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng là mối quan hệ giữa "thế giới vi mô của con người" và "thế giới vĩ mô của Trái đất". Leonardo đã nắm bắt điều này trong nghệ thuật của mình và mã hóa nó thành Mona Lisa - phông nền là một thực thể sống, có hơi thở chảy vào cô ấy. Dòng sông xa xa len lỏi vào chiếc khăn quàng cổ của Lisa, và làn vải váy của cô ấy chảy như thác nước. Do đó, Mona Lisa là đỉnh cao của sự thông thạo nhiều lĩnh vực của Leonardo trong suốt cuộc đời ông. Ông là một trong những người có tài năng đa dạng nhất từng sống và bức tranh này phản ánh những thành tựu của ông với tư cách là một nghệ sĩ, nhà khoa học và triết gia. Nhà sử học người Anh Kenneth Clark đã tóm tắt nó hay nhất: “Sự tò mò vô độ, sự nhảy vọt không ngừng nghỉ của ông ấy từ chủ đề này sang chủ đề khác, đã được hòa hợp trong một tác phẩm duy nhất.”

(copy từ FB-Pane e Vino - 3 Nguyễn Khắc Cần)

Sunday, July 21, 2024

Viết từ chuyện người thật việc thật: Ngôi nhà của chúng ta (9)

Vùng trời bình yên 

Csilagok útján (tiếp theo)

Phía sau những điều khiến chúng tôi ngạc nhiên và thán phục ở Hungary

Một ngàn một trăm năm dựng nước và giữ nước của Hungary là những trang sử kiêu hùng, nhưng cũng chất chứa đầy biến cố bi thảm, khi vương quốc này đại bại trước quân Mông Cổ và gần như bị san bằng (1241-1242), bị Đế quốc Otthoman cai trị một phần đáng kể đất nước trong 150 năm (1541-1699), và sau đó là hơn 150 năm dưới ách đô hộ của Đế quốc Áo. Phải đến thời kỳ nền "song quốc quân chủ" Áo - Hung (1867-1918), Hungary mới giành được độc lập và trải qua nửa thế kỷ hòa bình, hạnh phúc và phát triển vượt bậc.

Những thăng trầm và nỗi đau do mất mát quá lớn mà đất nước phải chịu qua 2 cuộc thế chiến đến bây giờ người Hung vẫn nhắc nhớ, nhưng luôn đi kèm với niềm tự hào của một dân tộc anh dũng, không chịu khuất phục, đầu hàng, với khí phách "Chết tự do không chịu sống tôi đòi - Không yên nghỉ khi tự do chưa có" như đại thi hào Petőfi Sándor từng ca ngợi (1).

Dân tộc nhỏ này đã có những người con vĩ đại trong khoa học, đặc biệt vào nửa đầu thế kỷ 20, khi giới khoa học thế giới đã kinh ngạc gọi các nhà bác học di cư từ Hungary qua Mỹ để lánh nạn chiến tranh là "người Hỏa tinh" vì bộ óc xuất chúng của họ. Bom nguyên tử, bom khinh khí, máy điện toán... là một vài trong số rất nhiều công trình mà thế giới phải cám ơn Hungary, với những tên tuổi như Neumann János, Szilárd Leó, Teller Ede... hay gần đây nhất như Karikó Katalin, "mẹ đẻ của công nghệ mRNA" góp phần "cứu vãn thế giới" (2).

Trong văn học nghệ thuật, Hungary cũng có những đỉnh cao như đại nhạc sư Liszt Ferenc, danh cầm vĩ đại nhất của mọi thời đại, tên tuổi vĩ đại của trường phái Lãng mạn đầu thế kỷ 19, Kodály Zoltán, nhà sư phạm âm nhạc bậc thày với "phương pháp Kodály" nổi tiếng, hay Kertész Imre, Giải Nobel Văn chương 2002, người khắc họa nỗi đau diệt chủng Do Thái... Thế giới cũng luôn nhớ "Đội tuyển vàng" với thủ quân Puskás Ferenc thập niên 50 trong bóng đá, và Hungary là cường quốc thể thao lớn nhất còn chưa được đang cai Thế vận.

Nói đến Hungary, đó là thủ đô Budapest: Hòn ngọc của dòng Danube/A Duna gyöngye với những danh hiệu "Trái tim của châu Âu",  "A szabadság fővárosa" với hơn 1000 năm bảo tồn giá trị cũ và ko ngừng sáng tạo những giá trị mới; là "Biển hồ" Balaton lớn nhất vùng Trung Âu, Thành cổ Eger anh hùng hay hồ nước khoáng chữa bệnh Hévíz lớn nhất Châu Âu, tất cả đều là những điểm nhấn rất quen thuộc. Với gần 16 triệu lượt khách tới thăm trong năm 2023, quốc gia này thuộc nhóm các nước du lịch phát triển với những điểm đến: Quần thể Lâu đài và các di sản trên Đồi Buda, những công trình kiến trúc nằm dọc hai bên bờ "Danube xanh", Đại lộ chính Andrássy và Quảng trường Anh Hùng ở thủ đô là những danh thắng UNESCO rất nổi tiếng.

Ghi chú:

(1) Trích thi phẩm nổi tiếng "Bài ca Dân tộc" (Nemzeti Dal, 1848), bản dịch của dịch giả, PGS. TS. Vũ Ngọc Cân.

(2) Tựa đề một bộ phim tư liệu của Pháp về GS. Karikó Katalin, nhà sinh học đồng giải thưởng Nobel Y Sinh 2023, với phát minh đặt tiền đề cho vaccine "thế hệ mới" kháng virus Corona.

(3) Người Hungary gọi họ là dân tộc Magyar.

Hình ảnh (chọn từ net): Quảng trường Anh Hùng

Note: Viết theo bài HUNGARY, MẢNH ĐẤT KỲ DIỆU CỦA NGƯỜI MAGYAR (3) của Nguyễn Hoàng Linh

(còn nữa)

Saturday, July 20, 2024

Tiền bạc có quan trọng ko?

Dù tiền bạc quan trọng, nhưng ko đến mức để từ bỏ tất cả!
(lục tìm trong nhà)

Friday, July 19, 2024

Viết từ chuyện người thật việc thật: Ngôi nhà của chúng ta (8)

Vùng trời bình yên 

Csilagok útján (tiếp theo)

Hồi ấy học sinh tốt nghiệp PT (hệ 10 năm) đi du học nước ngoài như chúng tôi gọi là lưu học sinh (LHS). Khi chúng tôi nhận được giấy báo đi học nước ngoài, do tình hình đánh phá của ko quân Mỹ đang có chiều hướng mở rộng và ác liệt hơn, nên chúng tôi ko đi từ HN mà tập trung ở Đại Từ (Thái Nguyên). Từ đây mới đi theo từng đoàn, chia thành nhiều đợt và di chuyển lên 1 địa điểm gần Đồng Đăng bằng xe hơi và nghỉ lại đó. Sau đó, cả đoàn đi bộ trong đêm để lên tàu hỏa khi trời chưa sáng rồi sang Bằng Tường. Từ nhà ga này trên đất TQ, chúng tôi bắt đầu cuộc du hành vạn dặm đầu tiên trong đời mình.

Ở Đại Từ, chúng tôi học chính trị để bồi dưỡng và nâng cao thêm về tinh thần dân tộc và truyền thống cm cùng với hệ tư tưởng của thế hệ HCM trong thời đại bách chiến bách thắng của 3 dòng thác cm trên thế giới. Đến Hungary, tất cả chúng tôi, ai cũng như ai với hành trang tư tưởng và trang bị được cấp phát, từ va-li, giày và trang phục. Chỉ thiếu cái huy hiệu Bác Hồ* trên ngực là chúng tôi chẳng khác gì các Hồng vệ binh với huy hiệu Mao hay các LHS và cán bộ đi học từ Bắc Triều Tiên (cùng thời của chúng tôi) với huy hiệu Kim Nhật Thành.

Vì lớ ngớ, ngờ nghệch, nên chúng tôi rất cần những sự chỉ bảo của các anh chị đi trước. Từng chút một, cái gì cũng phải học hỏi, vì cái gì ở đất lạ cũng làm lũ chúng tôi ngỡ ngàng. Những đàn anh học giỏi, nổi tiếng ở Hung đều là thần tượng của tôi. Trong số này, anh Quang A là người rất nổi tiếng mà cho đến bây giờ tôi chưa từng gặp. Chỉ rất phục và đến bây giờ lại càng phục vì anh ấy có những chí hướng rất đáng nể.

Sau đây là những gì mà tôi biết về anh rõ hơn qua Nhịp Cầu Thế Giới (NCTG).

TS. Nguyễn Quang A: HUNGARY, NƠI ẢNH HƯỞNG QUYẾT ĐỊNH ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ

 Lời Tòa soạn: TSKH. Nguyễn Quang A, sinh năm 1946 tại Bắc Ninh, sang du học tại Hungary tháng 9-1965. Thời kỳ 1966-1971 ông theo học Khoa Điện tử, chuyên ngành Viễn thông tại Đại học Kỹ thuật Budapest (BME). Sau khi tốt nghiệp, ông ở lại học tiếp Nghiên cứu sinh (NCS) ở Viện Nghiên cứu Viễn thông (Táki). Bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1975, ông về nước và làm việc tại Viện Kỹ thuật Quân sự Hà Nội (1976-1982).

Năm 1982, TS. Nguyễn Quang A trở lại Hungary và thời kỳ 1983-1987, ông tham gia nghiên cứu Tin học của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary tại Đại học Kỹ thuật Budapest trên cương vị một NCS cấp cao. Năm 1987, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học, chuyên ngành Điện tử Viễn thông, rồi về nước làm việc tại Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật Tin học Việt Nam.

Trong những năm “cải tổ” thập niên 80 thế kỷ trước, TS. Nguyễn Quang A là một trong những trí thức đầu tiên của Việt Nam chuyển sang kinh doanh cá thể rất thành công với các cương vị Tổng giám đốc Liên doanh Genpacific (1988-1993), sáng lập viên Công ty Máy tính Truyền thông Điều khiển 3C (1993), sáng lập viên, Chủ tịch Ngân hàng VPBank (1993).

Bên cạnh công việc kinh doanh, ông cũng là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng trên tư cách Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS, một tổ chức mở và độc lập, phi lợi nhuận, tập hợp một đội ngũ trí thức tinh hoa chuyên tìm hiểu và nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội).

Đặc biệt, TS. Nguyễn Quang A còn say mê dịch thuật và chủ trương Tủ sách SOS2 do ông chuyển ngữ miễn phí, phố biến và quảng bá những tác phẩm kinh điển của thế giới với chủ đề hệ phần mềm điều hành xã hội - làm thế nào để vận hành xã hội một cách hữu hiệu và suôn sẻ, thông qua những lý thuyết, chính sách, thể chế, những kinh nghiệm thất bại và thành công.

TS. Nguyễn Quang A cũng từng giữ chức Chủ tịch khóa 3 của Hội Tin học Việt Nam (VAIP), và là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary khóa đầu tiên (2007-2012). NCTG đã có một cuộc trò chuyện thân mật với ông nhân dịp Quốc khánh Hungary năm nay (20-8-2013).

- NCTG: Từng có một khoảng thời gian dài du học, và sau đó làm luận án Tiến sĩ rồi Tiến sĩ Khoa học tại Hungary, anh có thể chia sẻ với độc giả NCTG một kỷ niệm sâu sắc thời ở Hung?

TS. Nguyễn Quang A (N.Q.A.): Cho đến khi về nước vào năm 1976 tôi biết về Hungary nhiều hơn về Việt Nam rất nhiều. Đơn giản khi còn là học sinh ở Việt Nam tôi không có cơ hội đi đâu cả. Đến 1965 tôi mới ra Hà Nội lần đầu, còn trước đó chỉ quanh quẩn trong huyện là chính.

Tại Hung đi theo lớp học mỗi học kỳ đi một nơi, đi dự mít-tinh thời đó ở mọi nơi, ngang cùng ngõ hẻm tôi đều được đến. Khi làm xong Phó tiến sĩ, tôi thật xấu hổ thấy mình biết quá ít về Việt Nam.

Một kỷ niệm có liên quan: đến nhà ăn tối cùng hai ông viện sĩ Hung, họ nghĩ mình từ một đất nước Phật giáo thì chắc biết kỹ lắm, Đại thừa ra sao, Tiểu thừa thế nào. Tôi bảo tôi không biết gì cả. Lúc đó tôi chỉ muốn có cái lỗ nào chui xuống đất cho đỡ xấu hổ!

Hôm sau tôi ra hiệu sách mua một cuốn sách về các tôn giáo lớn rồi đọc ngấu nghiến, sau đó tôi đã biết thêm chút ít. Các lần sau tôi còn có thể tán gẫu với họ cả về các tôn giáo khác nữa.

- NCTG: Đất nước Hungary có vị trí thế nào trong cuộc đời anh?

N.Q.A.: Tổng cộng tôi ở Hungary hơn 13 năm một chút. Toàn bộ tuổi thanh niên của tôi ở đó. Không có thời gian ở Hungary chắc chắn đời tôi sẽ khác hẳn. Hungary có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển trí tuệ của tôi.

Những điều này, tôi cũng đã có dịp thổ lộ trong phát biểu ngắn nhân dịp được Bộ Ngoại giao Hungary trao tặng giải thưởng “Vì các mối quan hệ quốc tế” của Cộng hòa Hungary (năm 2008). Tôi có nói về hai “giải tỏa” rất riêng tư, nhưng cần thiết cho sự hợp tác và hội nhập, cho sự phát triển của mỗi người, mỗi nước.

Thứ nhất, đó là giải tỏa sự đóng kín về địa lý. Như đã nói ở trên, trước khi ra Hà Nội để chuẩn bị đi Hungary, tôi chưa bao giờ ra khỏi tỉnh nhà là Bắc Ninh. Cho dù chẳng ai cấm đoán, nhưng điều kiện và hoàn cảnh lúc đó như vậy. Cho đến khi về nước, tôi rất xấu hổ nhưng đồng thời cũng tự hào để nói với bạn bè rằng mình biết đất nước Hungary nhiều hơn Việt Nam.

Sau này, tôi mới được biết nhiều hơn về Việt Nam. Giải tỏa sự đóng kín về địa lý gắn với phát triển kinh tế - kỹ thuật, với quyền tự do đi lại của con người, với sự hội nhập quốc tế. Tại các quốc gia đang phát triển, đã có sự phát triển vượt bực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để giải tỏa sự đóng kín về địa lý đối với người dân.

Thứ hai, là giải tỏa sự đóng kín về tư tưởng, để cho đầu óc mở mang với những luồng tư tưởng mới. Không như thế sẽ không thể có sự phát triển. Suốt thời gian qua, tôi đã cố gắng giúp mình giải tỏa khỏi sự đóng kín đó và hy vọng có thể giúp được một số người khác thông qua các bản dịch, những bài viết và hoạt động xã hội của mình.

Trong những năm tháng học tập và nghiên cứu tại Hungary, tôi đã học được cách tư duy và hành động đóng vai trò quyết định khiến tôi giải tỏa được hai vấn đề trên.

- NCTG: Chân thành cám ơn những chia sẻ của anh!

Bích Ngọc thực hiện (Nhịp Cầu Thế giới)

(còn nữa)

(*):  Anh hùng tuấn kiệt xưa nay biết bao người đã làm nên lịch sử nước nhà. Với tất cả lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi không muốn mình trở thành người sùng bái Cụ như một vị thánh, cũng không muốn xúc xiểm Cụ như một kẻ nhỏ nhen. Từ những gì mà Cụ đã làm cho đất nước này, cũng là phải hy sinh rất nhiều ham muốn cá nhân, tôi thừa nhận: Cụ là người kết tinh khí chất của người Việt, là kiến trúc sư của nhà nước Cộng hòa đầu tiên của Việt Nam - lãnh tụ huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

    Tôi không muốn buộc mình phải theo lề phải hay lề trái mà chỉ muốn nhìn nhận về Cụ theo dòng chính luận - vốn là lẽ thường tình khi cần thể hiện thái độ hoàn toàn trung thực của mình về bất cứ vấn đề gì. Theo cá nhân tôi, chuyện Cụ viết sách về mình, sống đơn sơ đến mức tối giản trong những nhu cầu thuộc về cá nhân... là chuyện phải ép mình vào thời cuộc. Là lãnh tụ trước hết phải là tấm gương của đồng bào, là ngọn cờ đoàn kết của dân tộc, là ngôi sao chỉ đường dẫn lối như bao bài ca đã viết về Cụ không sai.

     Vào những năm cuối của những năm 50 và những năm 60, trong khi các nước XHCN ở châu Á như Triều Tiên, Trung Quốc rầm rộ tiến hành "Đại cách mạng văn hóa", suy tôn/sùng bái lãnh tụ thì ở Việt Nam tình hình vẫn không đi quá mức cho đến khi Cụ mất. Chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam vẫn chỉ ở mức tuyên truyền sâu rộng để vừa giữ được hình ảnh "khiêm tốn" của lãnh tụ, vừa đủ thực hiện mục đích tập trung toàn lực để giải phóng đất nước, khẳng định lập trường "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Tôi cho rằng: đây là ý chí của một người lãnh đạo và không thể phủ nhận rằng nó đồng nghĩa với những gì là ý chí của cả dân tộc được thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử ngày 02.09.1945. Hồ Chủ tịch đã là nhân vật thuộc về một thời kỳ của quá khứ, một con người và huyền thoại với những sự thật và những thêu dệt đầy mê hoặc phải được nhìn nhận theo cách Á Đông chứ không thể theo cách của Tây-Âu được. Chúng ta cần nhìn nhận về Cụ với một thái độ thật khách quan, căn cứ trên những tư liệu xác thực/đầy đủ và như cách đánh giá những nhân vật thời Tam Quốc sau hàng trăm năm với những mưu toan khi cần thôn tính đất đai, những cách thức để thu phục lòng người kể cả phải dùng đến thủ đoạn/tiêu diệt vì mục đích cuối cùng; không chút thù hận/oán thán, không hề vùi dập/phủ nhận, không gợn những gì nhỏ nhen và hèn hạ. Nếu muốn phán xét Cụ, riêng tôi cho rằng: chúng ta không đủ tư cách dù chúng ta chính là một phần của lịch sử - là sản phẩm/nhân chứng thuộc về thời đại Hồ Chí Minh.

Hình ảnh: Chọn từ net

Thursday, July 18, 2024

CÁI TÔI CỦA NGƯỜI VIỆT

Tại sao cái tôi, cái “égo” của người Việt lớn thế? Tôi gặp không biết bao nhiêu người vỗ ngực, tự cho mình là vĩ nhân. Không phải chỉ vỗ ngực, còn trèo lên nóc nhà gào khản cổ: Tôi giỏi quá, tôi phục tôi quá, tại sao tôi tài ba đến thế?

Một lần ngồi nhậu với 5 ông, có cảm tưởng ngồi với 5 giải Nobel văn chương. Những ông như vậy, nhan nhản. Nói “ông”, vì hầu như đó là một cái bệnh độc quyền của đàn ông. Như ung thư vú là bệnh của đàn bà.

In một hai cuốn sách tào lao tặng bố vợ, nghĩ mình ngồi chung một chiếu với Marcel Proust, Victor Hugo. Làm vài bài thơ, câu trên vần (hay không) với câu dưới, nghĩ mình là Baudelaire, Nguyễn Du tái sinh. Lập một cái hội có ba hội viên, kể cả em gái và mẹ vợ, nghĩ mình là lãnh tụ, ăn nói như lãnh tụ, đi đứng, tắm rửa như lãnh tụ. Viết vài bài lăng nhăng, đầu Ngô mình Sở, nghĩ mình là triết gia, trí thức, sẵn sàng dẫn dân tộc đi lên (hay đi xuống). Học gạo được cái bằng (chưa nói tới chuyện mua được cái bằng), nghĩ mình đã kiếm ra điện và nước nóng.

TÔI, TÔI, TÔI

Một ông bạn in một tấm danh thiếp khổ lớn, dày đặc những chức tước, trong đó có “nhà nghiên cứu”. Những người quen không biết ông ta nghiên cứu cáí gì, lúc nào. Tôi đáng nhận là nhà nghiên cứu hơn, vì thỉnh thoảng vẫn vào Google tìm mẹo trị mắc xương cá, hay cách nấu canh hẹ tàu hũ.

Nghĩ cũng lạ, cái TÔI to tổ bố ở một xứ như Việt Nam. Việt Nam, xứ của văn hoá Phật giáo, một tôn giáo coi cái ngã là hư cấu, cái tôi không có thực. Nơi chịu ảnh hưởng Lão giáo, những người đã ra suối rửa tai khi nghe thiên hạ nhắc tới tên mình. Nơi người Công giáo thực hành đạo nhiệt thành, và Công giáo coi vị tha, nghĩ tới người khác, là đức tính hàng đầu.
Không lẽ người Việt không hiểu tôn giáo mình đang theo?

Có ai đã gặp một người Nhật vỗ ngực: tôi, tôi, tôi. Nói chuyện với người Nhật, trong những cơ hội hơi chính thức, chưa gì họ đã mang giấy bút ra ghi chép. Làm như những điều bạn nói là khuôn vàng, thước ngọc.

TÔI LÀ CHÂN LÝ

Nước Việt nghèo, chậm tiến, lạc hậu. Đáng lẽ người Việt phải khiêm nhượng, biết người, biết mình. Nhưng không, trong từ điển cá nhân của người Việt không có chữ khiêm tốn. Nhiều lần tôi gân cổ cãi với bạn bè, về nhà nghĩ: Không chừng nó có lý. Tại sao không nhìn nhận ngay? Bởi vì cái tôi nó lớn quá.

Ở đâu cũng có những cái tôi, nhưng ở người Việt, nó đạt một tỷ số đáng ngại. Mỗi lần, hiếm hoi, gặp một người đồng hương có khả năng nhưng khiêm tốn, tôi nghĩ bụng: Ông nội này mất gốc rồi.
Thảo luận với người Việt rất khó, vì ai cũng nghĩ là mình nắm chân lý trong tay. Nghĩ khác là xúc phạm ông ta, xúc phạm Chân lý, bôi nhọ sự thật. Phải căm thù, phải tiêu diệt, phải triệt hạ, phải tố cáo, chụp mũ.

Cái tôi lớn, phải chăng đó là nét đặc thù của một dân tộc đầy tự ti mặc cảm? Trong cái kiêu hãnh lố bịch của người “mang dép râu mà đi vào vũ trụ” có cái tự ti của những người vẫn mang dép râu ở thế kỷ 20, 21.

Trong y học, égocentrisme là một cái bệnh, pathologie. Và trong 9 trên 10 trường hợp, những người có mặc cảm tự cao, tự đại (complexe de supériorité) là để che đậy tự ti mặc cảm (complexe d’infériorité).
Những người có thực tài rất khiêm nhường, vì họ không so sánh với người khác. Họ so sánh mình với mình, so sánh mình hôm nay với mình hôm qua, so sánh tác phẩm mới với tác phẩm cũ của chính mình. Và thường thường thất vọng.

Khi một nghệ sĩ thoả mãn với tác phẩm của mình, anh ta hết là nghệ sĩ. Anh ta không tìm tòi nữa, anh ta về hưu. Như một công chức, một tài xế xe đò về hưu.

ĐÈN DẦU VÀ ĐÈN ĐIỆN

Thomas Edison nói nếu hài lòng với đèn dầu, tìm cách cải thiện đèn dầu, sẽ không bao giờ kiếm ra điện. Người Việt ta dễ thoả mãn quá, dễ kiêu hãnh quá, dễ “tự sướng” quá. Hậu quả là cái gì của ta nó cũng nho nhỏ. Cùng lắm là xinh xắn, dễ thương, nhưng đồ sộ, vĩ đại thì không có. Không thể có. Tham vọng nhỏ, thành quả nhỏ.

Pablo Picasso khi thành công, được ca tụng ở “période rose” (thời kỳ hồng), nếu thỏa mãn, sẽ không có “période bleue”, thời kỳ xanh. Nếu thoả mãn với “période bleue” sẽ không có tranh trừu tượng, đưa hội họa đi vạn dặm. Một giai thoại: Picasso mời bạn bè ăn tiệm. Cuối bữa ăn, gọi tính tiền. Chủ tiệm nói xin miễn chuyện tiền bạc, được tiếp Picasso là hân hạnh rồi. Pablo vẽ vài nét trên tấm khăn phủ bàn, tặng chủ tiệm. Ông này nói xin maître ký tên. Picasso trả lời: Tôi chỉ trả bữa cơm, không muốn mua tiệm ăn.
Nếu Picasso là người Việt, sẽ thấy đời mình đã quá đủ để thoả mãn: vua biết mặt, chúa biết tên, chữ ký đáng ngàn vàng, chỉ việc ngồi hưởng và chiêm ngưỡng dung nhan mình. May mắn cho hội họa, ông ta là người Tây Ban Nha, hì hục tìm tòi cho tới chết.

Mỗi lần nghe, hay coi Jean Marie Le Clézio, Patrick Modiano trong những chương trình văn học trên France Culture, hay trên France 5, ít người nghĩ họ đã chiếm giải Nobel Văn chương.
Họ khiêm nhượng, ngập ngừng, do dự, gần như cáo lỗi sắp sửa nói những điều tào lao.

Le Clézio, Nobel 2008, khoanh tay, chăm chú nghe một tác giả vừa chân ướt chân ráo vào nghề, nói về một cuốn sách đầu tay. Modiano, Nobel 2014, tìm chữ một cách khó khăn, ngượng ngập, ít khi chấm dứt một câu, như muốn nói: Thôi, bỏ qua đi, những điều tôi muốn nói chẳng có gì đáng nghe. Ông ta thực sự ngạc nhiên không hiểu tại sao có người nghĩ đến mình để trao giải. Ông ta nói có người đọc sách của mình đã là một phép lạ.

NGƯỜI VÀ TA

Những năm đầu ở Pháp, có thời tôi cư ngụ Rue Marcadet, Paris. Bên cạnh là một cặp vợ chồng già, hiền lành, bình dị như một cặp thư ký hay công nhân về hưu. Mỗi lần gặp ở thang máy, bà vồn vã chào, hỏi thăm đủ chuyện. Thỉnh thoảng ông mời vào nhà, uống trà, hỏi chuyện về Phật giáo mà ông nói đọc nhiều, nhưng có điều không hiểu. Thí dụ ông muốn so sánh khái niệm về Niết bàn của Phật giáo với thiên đàng của Thiên Chúa giáo.

Ông là một người Công giáo thuần thành, nhưng muốn tìm hiểu về những tôn giáo khác.
Tuyệt nhiên không bao giờ ông bà nói về mình. Nếu không coi TV, chắc không bao giờ tôi biết bà là Yvonne Loriot, danh cầm hàng đầu của Pháp, chiếm giải nhất 7 lần khi học ở Conservatoire de Paris, trước khi trở thành một giáo sư âm nhạc có uy tín.

Ông là Olivier Messaien, một trong những tác giả nhạc cổ điển lớn nhất của hậu bán thế kỷ 20. Rất nhiều các nhạc sư, nhạc trưởng nổi tiếng ở Âu Châu, như Pierre Boulez, Iannis Xenakis hãnh diện là đệ tử của ông. Tác phẩm opéra “Saint-Francois d’Assise”của ông được trình diễn trên khắp thê giới, được đón nhận như những tác phẩm của Mozart, Beethoven.

Ông bà sống trong một căn nhà bình dân, ăn uống đơn giản như một cặp vợ chồng nghèo. Tiền bản quyền nhạc đem tặng – một cách kín đáo – các hội từ thiện, hay giúp trùng tu nhà thờ Notre Dame de Lorette gần nhà. Những lúc rảnh rỗi, bà theo ông vào rừng, thu thanh để nghiên cứu tiếng chim hót.
Ai biết hai ông bà già, lễ độ, gần như vụng về, đang xếp hàng mua ổ bánh mì, là những nhân vật chiếm chỗ lớn trong bất cứ một tài liệu nào về âm nhạc cổ điển cận đại, tuần trước còn là thượng khách của hoàng gia Thụy Điển.

Khi nào ta có những người như Modiano, Le Clézio, Messaien – chưa nói tới tài năng, chỉ nói tới thái độ khiêm tốn – Việt Nam sẽ là một dân tộc trưởng thành. Trong khi chờ đợi, chúng ta tiếp tục leo lên nóc nhà, gào: Tại sao tôi tài giỏi quá như vậy? Khi gào mỏi, leo xuống, đóng áo thụng vái nhau.
Đó cũng là một trò vui, nếu hậu quả không nghiêm trọng. Chúng ta đều đồng ý với nhau là đất nước đang gian khó, không thể nhẫn tâm khoanh tay nhìn. Nhưng chúng ta không ngồi nổi với nhau, vì cái TÔI nó lớn quá. Lớn hơn cả vận mệnh dân tộc.

Nguồn: Từ Thức 
* Via Fbker Bài Tình Ca Mùa Đông.

Wednesday, July 17, 2024

Viết từ chuyện người thật việc thật: Ngôi nhà của chúng ta (7)

Vùng trời bình yên (tiếp theo)

Csilagok útján (2)

''Với những công dân thông minh, với các chính phủ khôn ngoan và với cơ chế mềm dẻo, đất nước này luôn được xem là một hình mẫu thành công của cả phe XHCN (cũ).'' Trần Văn Nhung (LHS Hungary)

Ko phải chỉ với tôi, nhiều sinh viên VN khác cũng coi nước Hung và người Hung đã có những ảnh hưởng quan trọng trong cuộc đời mình và đó là giai đoạn đẹp nhất của tuổi trẻ.

 “Thế giới quan của tôi hình thành từ những ngày đó. Nếu không có những năm tháng ở Hung ngày ấy, chắc chắn tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay” - TS. Bùi Việt Hoa hồi tưởng về những năm tháng học tập và nghiên cứu tại Hungary.

TS. Bùi Việt Hoa sinh năm 1962, đầu thập niên 80 thế kỷ trước du học tại hai Đại học Tổng hợp của Hungary và tốt nghiệp năm 1987, khoa Ngữ văn Hungary, Ngôn ngữ và văn hóa Phần Lan. Sau đó, chị tiếp tục tham dự các khóa học về Ngôn ngữ và văn hóa, Văn học dân gian và Văn học Phần Lan tại Đại học Tổng hợp Helsinki (Phần Lan). Năm 2002, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Chuyên ngành Folklore Phần-Ugor tại Đại học Tổng hợp Budapest.

Là người am hiểu sâu sắc về văn hóa, văn học hai nước Hungary và Phần Lan, TS. Bùi Việt Hoa từng có thời kỳ giảng dạy tiếng Hung tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, cũng như làm công việc dịch thuật, phiên dịch tự do. Tuy nhiên, tình yêu văn hóa Phần Lan đã là động lực thúc đầy chị hoàn thành tác phẩm dịch “Kalêvala”, bộ sử thi được đánh giá là đã nâng tầm Phần Lan từ chỗ là một dân tộc ít được biết đến trên thế giới, và góp phần phát triển ngôn ngữ Phần Lan, thúc đẩy ý thức dân tộc của người dân nước này.

Hiện tại, TS. Bùi Việt Hoa là điều phối viên Dự án Nhịp cầu Văn hóa (Quỹ Juminkeko Phần Lan). Chị là hội viên Hội Văn học Phần Lan, Hội Kalêvala (Phần Lan) và Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là Hội viên danh dự Hội Những người bạn Kalêvala (Budapest). Dịch phẩm Việt ngữ “Kalêvala” của chị đã được Giải A về dịch thuật (năm 1995) của Hội Nhà văn Việt Nam, và sau đó được các giải thưởng của Hội Kalêvala (Phần Lan).

TS. Bùi Việt Hoa cũng là tác giả và dịch giả của một số tác phẩm văn học dân gian Việt Nam, cũng như văn học Phần Lan và Hungary. Trả lời câu hỏi của NCTG về những kỷ niệm đáng nhớ và sâu sắc trong thời gian học tập tại Hungary, vị trí của nước Hung trong lòng, cũng như cơ duyên nào khiến chị có mối quan hệ thân tình và trở thành con nuôi của một vị tổng thống Hungary, TS. Bùi Việt Hoa đã có những dòng tự sự sau đây.

Hai người bạn đồng môn, Hoa và Hương tại phòng ở KTX (TP Debrecen, thu 1981) - Ảnh do tác giả cung cấp

Sáng 18-9-1980, lũ chúng tôi ba mươi bảy đứa cả trai và gái của khóa 80-86 ngồi trên con tàu xình xịch tiến vào ga Keleti (1). Tôi cũng háo hức như các bạn cùng lứa, suốt cả mấy tiếng đồng hồ kể từ khi tàu qua biên giới Liên Xô chỉ thò đầu ra ngoài ngắm cảnh đất nước Hungary. Không biết các bạn khác thế nào, chứ tôi lúc ấy vẫn chưa ý thức được những năm tháng tới sẽ thay đổi cả cuộc sống và cách suy nghĩ của mình.

Tôi và Tôn Thiên Hương, người bạn học cùng phổ thông thuộc diện “đặc biệt” của năm. Đặc biệt ở chỗ hai chúng tôi được xếp học ngữ văn Hungary (magyar szak)! Trước chúng tôi, các anh các chị đi học ngành này cũng rất hiếm hoi: khóa gần nhất cũng là khóa của thầy Chiến, cô Diệp, anh Trương Đăng Dung… còn sau chúng tôi hình như tịch không có một ai. Đặc biệt ở điểm nữa, sau năm học tiếng Hung ở Viện Dự bị Quốc tế (N.E.I), chúng tôi bị “bắn” lên Đại học Tổng hợp Kossuth Lajos ở tận Debrecen, một thành phố cách thủ đô hơn hai trăm cây số để rồi hai năm sau, kỳ kèo với các ông ở Bộ Giáo dục Hungary, lại được chuyển về Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE).

Cũng cái ông quyết định cho chúng tôi về lại Budapest, một năm sau ký quyết định cho chúng tôi được học thêm ngành nữa: Hương học Quốc tế ngữ Esperanto, tôi học ngôn ngữ và văn hóa Phần Lan. Tôi vẫn còn nhớ cảnh hai đứa xách chai rượu (nước Hung của những năm 1980 nhé!) lò dò vào tòa nhà của Bộ Giáo dục!

Dù sao, với quyết định – và được chấp nhận - lấy thêm ngành này, cuộc đời tôi đã chuyển sang một bước ngoặt lớn. Cũng vì học ngành xã hội, nên chúng tôi có điều kiện, và bắt buộc phải học thêm rất nhiều môn, liên quan đến văn hóa, tôn giáo, lịch sử… thế giới và châu Âu nói chung, cũng như của Hungary. Thế giới quan của tôi hình thành từ những ngày đó. Nếu không có những năm tháng ở Hung ngày ấy, chắc chắn tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay.

Bạn hỏi tôi một hai kỷ niệm cụ thể mà tôi vẫn nhớ và cho là sâu sắc. Thật là khó! Tôi vốn nhớ dai. Nhưng thời gian qua, bao nhiêu kỷ niệm vui hay buồn dần hòa quyện với nhau, nhiều lúc trở nên hư ảo, và không biết có thật hay không? Có lẽ là chuyện cùng nhóm sinh viên Việt Nam ở TP Debrecen đi dự Ngày Hữu nghị của công nhân nhà máy xay xát ngũ cốc ở Karcag. Chúng tôi đàn hát cho công nhân nghe – anh Đô, học toán phát biểu ca ngợi tình hữu nghị thì phải. Kết quả lúc chia tay, chúng tôi mỗi đứa được nhận một gói quà trong đó có mấy gói gạo.

Hay là chuyến đi điều tra phương ngữ vùng Hortobágy! Chúng tôi mới đầu năm thứ hai, cho dù suốt ngày chỉ đọc tiểu thuyết - như các bạn trong năm hay đùa – nhưng vốn tiếng chưa đủ để phân biệt được âm nào là tiếng địa phương, âm nào không. Có lẽ chỉ thích vì được vào nhà người Hung ngồi, thấy họ sống ra làm sao, nhà ở của họ thế nào, thay vào việc đi tìm và giải thích tên cánh đồng, mồ mả trong trời mưa rét.

Kỷ niệm một thời với Hungary và những người bạn Hung còn rất nhiều. Tôi đã dự định sẽ trả ”món nợ” nghĩa tình với Tổ quốc thứ hai của tôi trong một cuốn hồi ký. Các bạn cùng khóa tôi cũng đã giục giã nhiều lần. Có lẽ trong thời gian tới, tôi sẽ thu xếp thời gian để bắt đầu.

Vào đầu những năm 80 thế kỷ trước, phần nào đã có thể cảm nhận trong bầu không khí chính trị nước Hung bấy giờ đang có sự thay đổi. Cô bạn Hung cùng phòng với tôi ở KTX Kőrösi Csoma Sándor của ELTE đã từng rủ tôi tham gia câu lạc bộ của những người chống đối. Đấy là tôi đặt tên cho họ như vậy, bởi vì ở đó họ nói rất nhiều đến việc phải thay đổi, lật đổ chính thể Kádár (2)…, cho dù đó là một câu lạc bộ triết học! Tôi không quan tâm đến chính trị nên đã không đi. Nếu hồi đó mà đi, có lẽ tôi đã là bạn của Orbán Viktor (3) và nhóm đảng của ông ta rồi cũng nên! (Họ học Luật ở ELTE, dưới chúng tôi một năm, và ở cùng KTX)!

Không quen Orbán, tôi chẳng lấy đó làm tiếc! Cuộc đời đầy ắp những chuyện kỳ lạ, ngẫu nhiên mà ta không thể lý giải nổi. Như chuyện tôi đã từng học Göncz Árpád! (4)  

Đó là vào hè năm 1983, tôi cùng hơn 10 lưu học sinh nước ngoài tham gia vào Trại dịch thuật Mihályi, do Đoàn Thanh niên Cộng sản (KISZ) của Hội Nhà văn Hungary tổ chức. Là chủ tịch của Hội đồng dịch Hội Nhà văn Hungary lúc đó, Göncz đã tham dự và giảng dạy cho chúng tôi trong suốt khoảng 10 ngày của trại.

Göncz kể cho chúng tôi sự nghiệp dịch thuật của mình, những tác phẩm ông đã dịch, những tình huống khó ông đã gặp ở từng tác phẩm và cách ông giải quyết… Thú thật lúc đó tôi không tập trung học dịch cho lắm. Hai năm đầu ở Đại học Tổng hợp TP Debrecen chúng tôi học văn học cổ của Hungary và thế giới. Những tác phẩm cao siêu, khó vã mồ hôi. Tôi chẳng chọn được tác phẩm nào để thử sức, đành chọn mấy chuyện cổ tích dễ dễ. Điều tôi quan tâm lúc đó là đi chơi với mấy nhà thơ trẻ của Hung, có người nghề chính là nghiên cứu xã hội học. Chúng tôi mượn xe đạp của dân trong vùng, đạp đi thăm các vùng xung quanh vào thứ Bảy và Chủ nhật.

Những năm tiếp theo, khi đã chuyển về ELTE học, thỉnh thoảng tôi có gặp Göncz trong các buổi sinh hoạt giữa Hội đồng dịch và các dịch giả văn học tương lai. Bao giờ ông cũng chu đáo, tận tình giảng cho chúng tôi. Sau này, Göncz có kể là ông quý tôi từ những ngày ở trại. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi hiểu: tình cảm ông dành cho tôi là tình cảm ông dành cho dân tộc Việt Nam. Số phận đã ưu ái để tôi là người Việt Nam đầu tiên ông tiếp xúc và làm việc. Lúc ấy tôi không biết điều đó, chỉ thấy vô cùng kính trọng ông, và không dám lại gần. 

Nhiều năm sau, khi tôi đang đi thực tập tiếng ở Phần Lan, và bắt tay vào dịch sử thi “Kalêvala”, thì có nghe cộng đồng người Hung ở Helsinki kể chuyện Göncz Árpád lên làm Tổng thống Cộng hòa Hungary. Tôi không hề nghĩ đến việc sẽ liên lạc với ông – một khi ông đã giữ trọng trách như vậy, còn đâu thời gian để nhớ đến một cô bé con thích rong chơi hơn là ngồi dịch thơ, dịch truyện. Tôi  chỉ nói với dịch giả Rácz István, người giúp đỡ tôi trong quá trình dịch “Kalêvala”, là tôi vô cùng kính trọng Göncz Árpád, và nghĩ ông sẽ là một tổng thống tốt.

Tôi không nghĩ là Rácz lại kể lại những điều đó cho Göncz nghe, trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan của ông. Và điều thực sự khiến tôi bất ngời: Göncz đã yêu cầu thư ký tìm tôi với địa chỉ mà Rácz đưa, và qua Đại sứ quán Hungary ở Hà Nội.

Đó là vào cuối năm 1993. Tháng 4-1994 bản dịch sử thi “Kalêvala” ra mắt bạn đọc Việt Nam. Tôi đã chính thức trở thành đồng nghiệp của Göncz Árpád, điều ông mong mỏi và hy vọng từ những ngày hè 1983, tại lâu đài cổ thơ mộng ở làng Mihályi. Và, ông đã có thể tự hào nói với Tổng thống nước Cộng hòa tự trị Karelia (Liên bang Nga) trong chuyến thăm cái nôi đã sản sinh ra sử thi “Kalêvala”, rằng chính con gái nuôi của ông đã dịch sử thi này ra tiếng Việt! (5). Bên cạnh đó, với tư cách là một nhà văn, gần mười lăm năm sau tôi cũng có thể coi mình là đồng nghiệp của Göncz khi tác phẩm sử thi “Con cháu Mon Mân” của tôi với gần 17 ngàn câu thơ được xuất bản tại Hà Nội. 

Bùi Việt Hoa, từ Phần Lan (Nguồn: Bài viết TS. Bùi Việt Hoa: KỶ NIỆM MỘT THỜI TUỔI TRẺ đăng trên Nhịp Cầu Thế giới)

(1) Ga xe lửa quốc tế phía Đông của thủ đô Budapest.

(2) Chính thể cộng sản tại Hungary, gắn liền với tên tuổi vị Tổng bí thư Kádár János (1912-1989), người đứng đầu Đảng Công nhân Xã hội (tức Đảng Cộng sản Hungary) trong thời gian từ cuối năm 1956 cho đến cuối đời.

(3) Thủ tướng đương nhiệm Hungary, Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ, hiện là đảng cầm quyền tại Hungary).

(4) Nhà văn, nhà soạn kịch, dịch giả, Tổng thống Hungary trong thời gian 1990-2000.

(5) Sử thi “Kalêvala” cũng được coi là một trong những xuất phát điểm sự hình thành các mối quan hệ giữa Phần Lan và Hungary - tác phẩm này đã có năm bản dịch tiếng Hung.

(còn nữa)

Tuesday, July 16, 2024

Viết từ chuyện người thật việc thật: Ngôi nhà của chúng ta (6)

Vùng trời bình yên* (tiếp theo)

Csilagok útján (1)

‘’Nem a Földön születtem,

De ez a föld a végzetem.’’

Lời bài hát Égi Vándor của ban nhạc Hung Omega là điều làm tôi suy nghĩ về Trái Đất của chúng ta. Nó là thế giới để chết hay để sống?

Có thể là nơi để sống khi tìm thấy mục đích của mình, trong 1 ko gian cư trú rộng lớn với vùng trời tự do. Nếu ko thể như thế, chỉ cần sống cuộc đời gondtalan khi ko còn gì là quan trọng hoặc đã thu xếp xong mọi sự đời/minden rendben van để có thể an hưởng phần còn lại. Mỗi ngày là 1 niềm vui.

Khi còn trẻ, tôi đã có 1 cuộc sống như thế trên đất nước Hungary. Dù ngắn ngủi và ko thể sống một cách trọn vẹn, nhưng đó là quê hương thứ 2 của tôi. Và bây giờ, khi viết những dòng này, ký ức Azok a szép napok đã trở lại cùng với cảm nhận của các bạn khác, những người cũng từng sống trên đất Hung như tôi.

Mặc dù sinh sống, nghiên cứu và giảng dạy toán học ở nhiều quốc gia, nhưng GS. Vũ Hà Văn đã có nhiều dịp trở lại thăm Hungary và vẫn dành cho mảnh đất này những tình cảm sâu đậm. Bài viết sau được Vũ Hà Văn viết tặng các bạn cùng khóa 1987, ghi lại một số kỷ niệm và ấn tượng về nước Hung và thủ đô Budapest, nơi anh và các bạn hữu đã đặt chân lần đầu tiên cách đây tròn 30 năm. Tôi chỉ trích lại những đoạn gần gũi với mình nhất từ bài BUDAPEST, BA MƯƠI NĂM đăng trên Nhịp Cầu Thế Giới (20.08.2017).

‘’Chuyến bay năm 1987 đó, với gần hết chúng tôi, là chuyến bay đầu tiên ra nước ngoài, nếu không nói là chuyến bay đầu tiên trong đời. Budapest, cái gì cũng khác, cũng mới, từ đường phố, cửa hàng, thức ăn, cho đến phim ảnh và màu mắt của các cô gái.

Nếu ai đó hỏi tôi, sau 30 năm, bạn nhớ gì ở Budapest nhất? Xúp cá, Quảng trường Anh hùng, rượu vang vùng Tokaj, hay đồi Gellért nơi tọa lạc Tượng thần Tự do? Câu trả lời sẽ là tàu điện.’’

Cũng là điều nhận xét trùng lặp về tàu điện Budapest như anh bạn sang cùng năm với tôi (1972).

Về Vár, nơi có ktx mà các bạn thân nhất của tôi từng ở đây, cũng là nơi rất quen thuộc với tôi, và khu trung tâm của tp:

‘’Thật ra trong tiếng Hung, Vár đã có nghĩa là thành, người Việt quen gọi tên kép là “thành Vár”. Đây là địa điểm du lịch số một của Budapest, có nhà thờ vua Mátyás và pháo đài Ngư phủ (thật ra là chỗ thu thuế cá ngày xưa), hai điểm mà hầu như du khách nào cũng ghé qua. Cái hay là ở trong thành không phải chỗ nào cũng làm du lịch cả, mà còn nhiều nhà dân sinh sống trong các dẫy phố nho nhỏ, có cột đèn bằng sắt xen lẫn cây cổ thụ, lòng đường lát đá đen, và dọc phố lác đác vài ngôi mộ chí.

Thành Vár ở địa thế ở cao, có thể nhìn xuống toàn cảnh thành phố, sông Danube xanh và những cây cầu tuyệt vời của nó. Cây cầu đẹp nhất có lẽ là Cầu Xích (Lánchíd - Chain Bridge), một trong những cầu treo bằng sắt đầu tiên trên thế giới. Được xây từ nửa đầu thế kỷ 19, Cầu Xích là một thành tựu kỹ thuật đáng kể của thời đó. Ở hai đầu cầu, nhà kiến trúc tài ba đã cho đắp sừng sững một đôi sư tử nhe nanh, như có ý nhắc nhở rằng sợ vợ không chỉ là đặc tính của đàn ông Châu Á. Dẫu vậy, người Hung thật xứng đáng là một dân tộc thông minh, cái gì cũng hơn người thường một chút, vì nếu nhìn gần, thì các bà sư tử này hình như không có lưỡi.

Budapest có những dãy phố cổ dọc theo bờ sông, phía Buda, tối mở cửa sổ có thể nhìn sang thành Vár và Nhà Quốc hội bên kia sông rực ánh đèn. Các khu cổ này một nhà to có nhiều căn hộ, có lẽ là chỗ ở cho các thị dân giàu có ngày xưa, cửa sổ cao và thoáng, mỗi nhà có một cái cổng đá xây rất phong cách, nhô ra đường để khi trời mưa khách vãng lai có thể vào trú được. Chiếc cổng đã che bao thế hệ thanh niên đi ngang qua nó. Ngày hôm nay là những cô cậu sinh viên của thế hệ iPad, 30 năm trước là thế hệ của tôi và bạn, 30 năm trước nữa là những sinh viên của năm 1956 đầy biến động, mà trong lòng họ không biết đất nước và bản thân sẽ đi về đâu…

Bên ngoài cửa sổ phòng làm việc trời tối dần. Các cao ốc bắt đầu thắp sáng, thành phố rực ánh đèn. Đèn của Hà Nội, của Budapest, Genève, hay của New York, Los Angeles, Singapore? Ba mươi năm là một nửa đời người. Ba mươi năm qua, tôi đã đi rất nhiều nơi trên quả đất này, và các bạn cũng vậy. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, có lẽ bạn vẫn muốn về qua nơi ấy, nơi của những tháng ngày sôi nổi, của tuổi trẻ và ước mơ, với hơi ấm của bàn tay và nhịp đập dồn dập trong lồng ngực.

Nơi bạn đã tìm ra con đường của riêng mình.’’

(còn nữa)

(*): Tôi đặt tên cho phần này như vậy vì hồi đó chiến tranh VN chưa kết thúc. Khi chúng tôi sang Hungary là giai đoạn ác liệt nhất với chiến dịch/Operation Linebacker II mà chúng ta gọi là ''Điện Biên Phủ trên không'', vì vậy nơi đây với chúng tôi là đất nước an toàn và rất thanh bình, nơi chúng tôi đã có một thời gian ko thể quên với rất nhiều kỷ niệm ở đây.

Hình ảnh: Chọn từ net

Monday, July 15, 2024

Lập làng theo mô hình mới

Vì sao lại làm Happy Forest? 

Có lẽ điều ân hận nhất của mình là gián tiếp, liên kết giúp cho các chủ dự án bds lấy các vùng đất rừng sx, phòng hộ, bảo tồn chuyển thành TMDV, ủi trọc đồi, bê tông quá, di dời cả làng chài. 

Dù không trực tiếp nhưng với công việc bảo lãnh, cho vay, chứng minh tài chính hay sử dụng các mối quan hệ điều đó cũng là tiếp tay rồi. 

Với các nhà đầu tư việc quy hoạch có khi không nằm ở chính phủ mà quy hoạch theo nhu cầu của một nhóm lợi ích. Họ muốn lấy quỹ đất nào, khu vực nào không khó lắm. Nhiều tỉnh thành chỉ có làm theo chỉ đạo từ trên xuống.

Nhiều công ty cũng không muốn phá vỡ rừng, chặt phá cây nhưng cũng phải thực hiện theo thiết kế quy hoạch, theo nhu cầu của thị trường, ai cũng cần sổ, cũng cần vay vốn đầu tư thì không thể tách thửa tách sổ. Nếu ngân hàng đồng ý cho chủ đầu tư vay, nhà đầu tư vay mà không cần sổ thì chắc chắn chẳng ai muốn chuyển mục đích đất hay cần sổ làm gì. 

Vị trí đất, toạ độ, diện tích gắn liền với chứng nhận với các nước nó là tờ giấy in ra, chứ không nặng nề phức tạp bìa hồng bìa đỏ như Việt Nam.

Một người mình quen mua một căn nhà ở Tropicana Bình Châu của NV trả hết 1 lần cũng 15 tỷ, đây là quỹ đất rừng bảo tồn được chuyển đổi qua. Mặc dù người này cũng chẳng cần hệ sinh thái của dự án ngoài việc nó gần biển cách 700m. Từ 2020 đến nay vẫn chưa ở được. 

Khi triển khai Happyzen farm từ quỹ đất ONT không có cây để làm làng rừng sinh thái phải trồng cây hóng mát to, xen kẻ đa tầng với cây nhỏ, đến nay đã 4 năm rất tốn nhiều tiền cây và chăm sóc nhưng vẫn chưa ra làng rừng sinh thái được, dự kiến 10 năm mới có được hệ sinh thái rừng đa tầng.

Năm 2022 chính phủ có quyết định chuyển đổi quỹ đất rừng ph, sx, bảo tồn ở một số tỉnh ở các vị trí du lịch làm du lịch sinh thái và định hướng phát triển du lịch VN phù hợp với du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái,…

Trong đó tỉnh BRVT có quyết định 668 chuyển đổi vùng đất rừng đưa vào phục vụ du lịch sinh thái, phù hợp với định hướng phát triển của HAPPYZEN, vì mô hình Happyzen là Meditation (thiền, Yoga), chăm sóc sức khoẻ (Healthcare), Farmstay (nghỉ dưỡng).

Một căn nhà gỗ nhỏ 1 phòng 47 m2 có giá thuê 3 triệu/ đêm, căn lớn 3 phòng (6 triệu/ đêm). Giá thuê tháng 30 triệu/ căn nhỏ, 60 triệu/ tháng cho căn lớn, bao gồm cho tất cả chi phí rau, phí sinh hoạt, ăn sáng. Được chăm sóc sức khoẻ, tắm lá dao, tắm thảo mộc theo lịch tuần.

So với chi phí thuê ở các căn Villa tại quận 2, thảo điền còn rẻ hơn nhiều.

Farm có thể bán theo hợp đồng dài, hoặc sở hữu vĩnh viễn mỗi căn mỗi sổ có giá khoảng 7-10 tỷ đồng.

Để có thể lập làng và mọi người cùng làm như Happyzen farm thì công ty không thể bán với giá hoàn thiện như vậy mà  lập nên mô hình cùng lập làng Happy Forest, tức chia sẻ từ ban đầu cùng nhau thực hiện từ các chi phí thiết kế, xây dựng cơ bản, làm trên diện tích rừng có sẵn thì đỡ tốn kém và thời gian trồng cây, tuy nhiên phải tuân thủ thiết kế, quy định của làng. Tất cả rừng tự nhiên giũ nguyên, được kiểm đém, đánh số cây, nhà gỗ lắp ghép trên các diện tích trống.

   1. không phân lô 

     Mỗi cư dân đều có toạ độ và diện tích quản lý sử dụng riêng với quy định phần dt làm nhà Xm2 

   2. Không chặt phá cây 

      Các nhà chỉ làm đúng phần diện tích và vị trí đã thiết kế

  3. Vật liệu thân thiện

   Tất cả là nhà gỗ, cư dân có thể tự chọn thiết kế, tự quyết định vật liệu gỗ, đồng bộ không phá vỡ thiết kế, không gian.

  4. nghỉ dưỡng 

    Phù hợp nghỉ dưỡng, sức khoẻ, không hát karaoke ồn ào.

   5. Cư dân làng 

     Làng sinh thái không thể là 1 gia đình, 1 công ty thì không hình thành làng du lịch sinh thái mà phải có cộng đồng các cư dân phù hợp, cùng hệ sinh thái các chương trình hoạt động của làng như:

- Happytime: chia sẻ thời gian

- Happytalk: chương trình talk hàng tuần của các chuyện gia về các chuyên đề khách du lịch có thể tham dự

- Happyzen: chương trình thiền và khoá thiền để khách đến ở zenstay, healthstay

- Happybook: chương trình viết sách Happy Stories tại làng cho những ai đến ở sáng tác

- Happycoin: điểm tích luỹ hạnh phúc của mỗi người khi giúp công, hay giúp Happyhand chương trình xã hội, trồng cây, quà tặng…điểm có thể đổi.

  6. Định giá suất cư dân

       Nếu công ty đầu tư hoàn thiện như nói từ ban đầu thì cư dân phải trả mỗi suất 6 tỷ / 1000 m2 hoặc công ty có thể chia sẻ ngay từ ban đầu cho cư dân tham dự đầu tư ngay từ ban đầu bằng chi phí cơ bản nhất để vào làng 350 triệu/ 1000 m2, hay 550 triệu/ 1000 m2, suất này không phải là mua bán đất rừng mà là các chi phí thiết kế, thực hiện đền bù, hay các chi phí khác. 

Để định giá 1000 m2 rừng Quỹ tín thác rừng Thái Bình Dương của Mỹ có công thức thẩm định khá chi tiết: 

- giá trị cây trên đất

- Lượng tín chỉ carbon

- Khí O2 

- Hệ sinh vật trên đất

- Giá trị đất

- Nguồn nước 

- Và rất nhiều thứ nằm trên và trong đất nữa.

Nên chắc vài trăm triệu kia thì không thể cân đo giá trị của rừng được.

Có lẽ tôi là người yêu rừng, yêu cây và lựa chọn mô hình làng rừng sinh thái dù bất kỳ loại đất nào tôi cũng chuyển nó thành làng rừng sinh thái. Chính vì vậy loại đất này là phù hợp định hướng của làng, của công ty. 

Vì công ty không cần vay vốn để đầu tư, và không chọn cư dân mua suất bằng vay vốn. 

Tôi cũng không thể cho không vì khó chọn cư dân phù hợp, nên vài trăm triệu cũng là điều kiện cần để chọn lọc cư dân phù hợp. 

Xét ở một góc độ nào đó, cty đã và đang tạo điều kiện để những người phù hợp vào cùng lập làng, tạo giá trị bền vững cho xã hội.

Đây là một trong những mô hình đầu tiên và duy nhất có hệ sinh thái đến thời điểm này. 

Có thể làng thành công và có thể thất bại, mà có thất bại thì tôi cũng cũng có phương án chuẩn bị cho cư dân hay nhà đầu tư bằng các quỹ đất khác có thể dựng nhà ở ngay, nghỉ dưỡng ngay nếu dự án kéo dài xin phép, và có nhiều làng khác đã hoàn thiện cho cư dân nghỉ dưỡng.

Túm lại ai có tiền, có thời gian, có điều kiện, có kiên nhẫn, có đạo lực thì nên lập làng sinh thái với nhiều cư dân khác. Còn không thì có mấy ông dự án chưa xong đã đột quỵ chết mấy ông rồi. Không phải ai có tiền cũng làm được, phải có đạo hạnh, có yêu thích, lập làng không thể nghĩ lợi nhuận trước mắt được. Nhưng nó hình thành thì vô giá như các làng du lịch các nước Hà Lan, Thuỵ Sỹ.

Chúc bạn đọc hết bài và ủng hộ dự án thay vì nói xấu.

(copy từ FB-Phong Phạm)

Sunday, July 14, 2024

Viết từ chuyện người thật việc thật: Ngôi nhà của chúng ta (5)

Vùng trời bình yên

Ở thế kỷ 21, có những điều mà trong thế kỷ trước ko ai nghĩ rằng sẽ có nhiều thay đổi đến vậy. Trong phần trước (Đất lành chim đậu) tôi đã viết rằng: ''con người là nhân tố quan trọng để kiến tạo quốc gia''. Hồi đó, khi là những LHS ở Hungary, vùng trời bình yên đầu tiên mà tôi biết trong thời kỳ chiến tranh, chúng tôi được gọi là những hạt giống đỏ của quê hương (Tôi sẽ trình bày về chúng tôi ở phần tiếp theo). Nhưng cho đến nay, các thế hệ sau chúng tôi vẫn còn phải trở lại với câu chuyện phát triển, điều liên quan đến lượng và chất, về tác động của con người, về sự trì trệ từ nguyên nhân do con người. Viết những dòng chữ này, quê hương đang làm tôi thất vọng về trình độ phát triển. Có người còn nói: đất nước này ko chịu phát triển. Có nhiều lý do là nguyên nhân, trong đó năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/5 của người Malaysia, 2/5 của người Thái Lan và tệ hơn, chỉ bằng 1/15 của người Singapore.

Lý Quang Diệu từng nói rằng lẽ ra vị trí số một ở ĐNA phải là của VN. Theo ông, vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có thể đưa VN trở thành 1 con hổ ở châu Á. Ông cho rằng, đất nước Singapore nhỏ bé với diện tích và dân số chỉ xấp xỉ Sài Gòn, hoàn toàn không có tài nguyên thiên nhiên, chỉ có một ít đất để xây dựng và ngay cả nước sinh hoạt cũng phải nhập từ Malaysia, nhưng Singapore đã phát triển trở thành đất nước có GDP cao thứ hai ở châu Á chỉ sau Nhật Bản. 

Nói đến Nhật Bản, Lý Quang Diệu cũng chỉ ra những bất lợi của quốc gia này, đó là một quốc gia bại trận sau Thế chiến thứ hai, không giàu tài nguyên, quanh năm động đất và sóng thần, nhưng chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, Nhật Bản là người khổng lồ châu Á. Lý Quang Diệu cho rằng, sự thành công của một quốc gia bao gồm ba yếu tố: điều kiện tự nhiên (vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên), con người và thời cơ. Trong đó, để có yếu tố thời cơ, thì yếu tố con người phải vững vàng và nhanh nhạy. Lý Quang Diệu đánh giá rất cao điều kiện tự nhiên của VN, nhưng ông ko đánh giá cao yếu tố con người (trong sự phát triển chậm chạp hiện nay).

Các thông tin từ truyền thông trong nước luôn ca ngợi sự thông minh, tính cần cù, chịu khó của người Việt. Thực tế, tôi không thấy được điều đó (có thể nó chỉ là tiềm năng?). Xin nhắc lại, năng suất làm việc của người Việt chỉ bằng 1/15 của người Singapore, tức là một người Singapore làm việc bằng 15 người VN. Dân số Singapore khoảng 5 triệu dân, dân số VN là hơn 90 triệu dân. Vậy tức là năng suất làm việc của 5 triệu dân Singapore chỉ mới bằng 75 triệu dân VN, thế nhưng GDP của Singapore là gần 300 tỷ USD, trong khi GDP của VN là khoảng 170 tỷ USD. Đó chỉ là một so sánh chung chung, chưa tính đến dân số ở độ tuổi lao động của hai quốc gia. Một khi yếu tố con người đã yếu kém như thế thì yếu tố cơ hội cũng sẽ chẳng có nhiều.

Lý Quang Diệu tiếc vì VN ko biết trọng dụng người tài, ông nói rằng những người tài giỏi nhất của VN đã định cư ở nước ngoài hết rồi. Tôi cũng thấy như vậy. Tôi thường nghe nói về cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam và cũng thường xem các video thi hùng biện tiếng Anh của em. Báo chí và truyền thông VN cũng hay đề cập đến em, nhưng tuyệt nhiên ko thấy có một động thái nào của chính phủ VN dành cho Đỗ Nhật Nam. Phải chăng đối với chính phủ, cậu bé ấy không phải là nhân tài cần đầu tư và phát triển? Chưa kể là trong một lần phát biểu về truyện tranh, cậu bé ấy đã bị những người lớn công kích, chỉ vì em ko thích đọc truyện tranh mà chỉ thích đọc sách khoa học. Thật trớ trêu, Đỗ Nhật Nam chỉ là một trường hợp thần đồng được báo chí ưu ái, nhưng cũng bị chính phủ thờ ơ. Vậy còn những thần đồng thầm lặng khác ở cái đất nước hơn 90 triệu dân này thì sẽ nhận được hỗ trợ gì từ chính phủ? Trong mọi sự phát triển, yếu tố con người luôn tối quan trọng. Thật đáng tiếc.

Dù sao thì ông Lý Quang Diệu cũng chỉ là người nước ngoài. Thế nhưng những nhận định khách quan của ông cũng đáng để suy ngẫm về sự phát triển của một quốc gia nhiều thuận lợi như VN. Tôi thường thấy VN rất tự hào về lực lượng lao động trẻ với giá nhân công rẻ của mình. Tôi cảm thấy đó là một điều ko nên tự hào hiện nay. Giá nhân công rẻ chẳng qua là do trình độ, tay nghề kém nên chẳng thể đòi hòi được trả công cao. Gần đây, quốc gia láng giềng với GDP thấp hơn VN là Campuchia cũng đã tự chế tạo được xe hơi. Ngược lại, khi hãng điện tử Samsung đưa ra danh sách những mặt hàng có thể đặt gia công với các doanh nghiệp VN thì mới vỡ lẽ là VN chưa thể sản xuất nổi cái sạc pin, usb và ngay cả vỏ nhựa cho điện thoại di động. Như thế, VN đã đánh mất cơ hội gia công cho hãng này. VN sẽ đánh mất nhiều cơ hội như thế cả về quy mô và số lượng nếu cứ tiếp tục tự hào với những cái thuộc về quá khứ và ko nhận thức được một cách thấu đáo và nghiêm túc vị trí của mình trên bản đồ khu vực và thế giới. Lý Quang Diệu nói: nếu như vậy, phải mất 20 năm nữa VN mới bằng Malaysia, vậy thì 20 năm nữa Malaysia sẽ phát triển ra sao và mãi mãi người Việt sẽ bị ám ảnh bởi sự thua kém của mình hay sao?

(còn nữa)

Note: Nhiều đoạn trong phần này tôi lược ghi từ bài viết của tác giả Cao Huy Huân (Việt Nam dưới mắt cựu thủ tướng Lý Quang Diệu)

Hình ảnh: Chọn từ net

Saturday, July 13, 2024

Ăn ở thời nay

Thời thế đã thay đổi, các quy luật sinh tồn cũng đã thay đổi. Trong vài năm tới, ai có thể có được chỗ đứng vững chắc và ai sẽ bị thời đại đào thải?

Định luật Sóc - Thỏ - Chim sẻ mà người có tiền thường áp dụng: KHÔNG bao giờ ‘tất tay’ ngay cả khi cơ hội có vẻ hấp dẫn, tiết kiệm và tiết kiệm hơn nữa!

Cách đây không lâu, tôi đến Bắc Kinh trong một chuyến công tác và gặp một người bạn học cũ của tôi. Anh ấy đã làm luật sư tại một công ty luật ở Bắc Kinh hơn mười năm. Tôi đến văn phòng của anh ấy và ngồi một lúc. Đi ngang qua phòng làm việc của công ty họ, nhiều bàn làm việc trống rỗng. Ở một số văn phòng lớn, bàn ghế đã được xếp chồng lên nhau.

Sau khi trò chuyện với anh ấy, tôi được biết công ty vừa sa thải một nửa số nhân viên. Những văn phòng lớn đó trống rỗng vì toàn bộ nhóm đã bị sa thải. Anh ấy nói với tôi rằng triển vọng của ngành này đang ngày càng tệ hơn. Các vụ anh ấy từng đảm nhận trước đây đều là những vụ tầm cỡ vài trăm triệu, nhưng giờ đây các vụ việc hiện tại về cơ bản đều là mâu thuẫn lao động hết sức cơ bản.

Trước đây khi đi ăn mọi người đều gọi tôm hùm, nhưng hiện tại, họ lại ra các quán ven đường để ăn tối. Những năm vừa qua là thời kỳ suy thoái, quảng cáo giảm mạnh, kiếm sống khó khăn, nhiều đồng nghiệp đã bán tài khoản, thay đổi nghề nghiệp hoặc từ bỏ.

Đây có lẽ không phải là vấn đề đối với một ngành riêng lẻ. Một giáo sư kinh tế nói rằng: Trong vài năm tới, chúng ta sẽ bước vào một "xã hội lợi nhuận thấp". Lợi tức đầu tư xã hội trung bình có thể chỉ là 3% và lợi nhuận của hầu hết các ngành có thể gần bằng 0.

Nhiều công ty rơi vào tình trạng lợi nhuận thấp, thậm chí không kiếm được tiền.

Gà chẳng còn có thể đẻ trứng vàng.

Thời thế đã thay đổi, các quy luật sinh tồn cũng đã thay đổi. Trong vài năm tới, ai có thể có được chỗ đứng vững chắc và ai có thể tránh khỏi việc bị thời đại đào thải? Có ba quy tắc sinh tồn chính cho tương lai, tôi hy vọng nó có thể mang lại cho mọi người gợi ý nào đó.

01. Luật con sóc

Trước đây tôi chỉ biết sóc rất giỏi dự trữ thức ăn, nhưng không có nhiều cảm giác trực quan về việc này. Cho đến hôm đó, tôi tình cờ xem được một đoạn video có nội dung như sau: Khi một anh chàng ở Australia đang sửa chữa trạm phát tín hiệu, anh ta mở nắp và vô số hạt phỉ từ trên trời rơi xuống. Ước tính sơ bộ, số hạt phỉ đó nặng ít nhất 50kg.

Và đây hoàn toàn là tác phẩm của một con sóc nhỏ nặng chưa đến 10 pound. Mỗi mùa thu, sóc đi tìm thức ăn khắp nơi rồi tích trữ trong "căn cứ bí mật" của mình. Bằng cách này, nó có thể tránh được nạn đói và cái lạnh khi mùa đông đến.

Xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa luân chuyển theo chu kỳ. Điều này đúng về mặt tự nhiên và xã hội loài người cũng vậy. Sự vận hành của nền kinh tế xã hội giống như bốn mùa, có đỉnh và đáy. Đây là "lý thuyết chu kỳ kinh doanh" nổi tiếng.

Vào mùa hè, mùa của sự thịnh vượng, khắp nơi đều là cơ hội kiếm tiền. Tuy nhiên trong mùa đông ảm đạm, chi tiêu càng ít càng tốt và thắt chặt túi tiền là hướng đi đúng đắn hơn cả.

Cách đây không lâu, tin tức thương hiệu kem Chicecream nổi tiếng của Trung Quốc (thương hiệu kem đắt tiền, được mệnh danh là "Hermes trong thế giới kem" tại nước này) điêu đứng đã trở thành chủ đề tìm kiếm nóng.

Chiếc kem từng có giá hàng trăm ngàn đồng bỗng chốc giảm giá chỉ còn vài chục ngàn.

Không chỉ vậy, những cốc trà sữa, cà phê có giá lên tới 120-130 ngàn đồng một thời hiện đang được "tặng" cho khách hàng với giá chỉ còn khoảng 30 ngàn đồng.

Tiết kiệm tiền đã trở thành một xu hướng. Có năm tốt thì cũng sẽ có năm xấu. Ở những năm được mùa nên nghĩ tới những năm đói kém. Khi có lương thực, cũng hãy nhớ tới khoảng thời gian không có lương thực. Khi môi trường chung không tốt, hãy chăm sóc ví tiền của bạn, mua ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn.

Nếu có thể ăn ở nhà thì đừng ra nhà hàng, nếu không cần thiết thì cũng đừng mua bán một cách tùy tiện. Khi có tiền trong túi, chúng ta sẽ không cảm thấy hoảng sợ hay hoang mang. Chỉ khi vượt qua thành công "năm đói nghèo" chúng ta mới có thể mở ra một năm mới sung túc.

02. Luật con thỏ

Tôi có một người bạn, chỉ cần có bài tốt, thì dù thế nào anh ấy cũng sẽ đặt cược hết số chip mình có, thắng thua trong một lần. Ưu điểm là: bạn có thể kiếm được số chip gấp nhiều lần nếu thắng. Nhược điểm là: nếu thua, bạn lập tức sẽ phải rời khỏi bàn poker. Khi chơi bài là như vậy, trong cuộc sống, anh ấy cũng tư duy như vậy.

Hơn 10 năm trước, bất động sản đang bùng nổ, anh ấy bất chấp đầu tư hết tiền vào đó, kiếm được rất nhiều tiền. Trong vài năm qua, khi thị trường tài chính bùng nổ, anh ấy lại lao vào và cũng kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng mấy năm gần đây, anh ấy đã trở nên thận trọng hơn. Theo lời của anh ấy thì là: Không có lợi nhuận cao đáng để mạo hiểm lớn như vậy.

Thực vậy. Những năm gần đây, hầu hết các ngành đều ở trong tình trạng "lợi nhuận ít ỏi".

Rủi ro và phần thưởng của việc "chơi lớn một lần" không còn tỷ lệ thuận với nhau. Một khi bạn lựa chọn sai hoặc chọn sai ngành, bạn hoàn toàn thể mất hết số tiền của mình. Cách đây không lâu một người bạn có kể cho tôi nghe một câu chuyện.

Một nhân viên của cô có mức lương hàng năm khoảng hơn 900 triệu, còn chồng cô từng là giám đốc một nhà máy lớn với mức lương hàng năm hơn 3 tỷ đồng. Sau này, ngành giáo dục đào tạo nổi lên và một lượng vốn lớn đổ vào. Chồng cô ấy nhìn thấy cơ hội nên đã quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp. Tất cả tiền tiết kiệm của gia đình đều được đầu tư vào đó nhưng cuối cùng lại mất trắng.

Số tiền dành cho việc học hành của con cái và số tiền dành cho việc nghỉ hưu của họ đều không còn. Sau thất bại đó, chồng cô ấy không tìm được việc làm trong một thời gian dài, thu nhập của anh ấy giảm mạnh. Hai năm qua, những người bạn cũ của chồng cô ấy đã giới thiệu cho anh ấy một số cơ hội tốt nhưng anh ấy đã không còn vốn để đầu tư.

Một cuốn sách có tên "Chúc may mắn" đề cập đến quan điểm này: Con thỏ tinh ranh chuẩn bị cho mình ba cái hang.

Nếu một con thỏ chỉ có một hang, dù lỗ đó có an toàn tới 95% thì vẫn có 5% khả năng tử vong. Tuy nhiên, nếu có 3 hang với độ an toàn 80% thì khả năng cả 3 hang bị phá hủy cùng lúc chỉ là 0,8%.

Đừng bao giờ bỏ trứng vào cùng một giỏ, cho dù cái giỏ đó có lớn có mạnh đến đâu. Đừng bao giờ "tất tay", ngay cả khi cơ hội có vẻ thực sự hấp dẫn.

Có người từng nói: Trong vài thập kỷ qua, nền kinh tế phát triển quá nhanh và khắp nơi đều có đại dương xanh. Nhiều người kiếm tiền chỉ nhờ may mắn. Nhưng giờ đây, bạn phải bắt đầu nghĩ đến rủi ro, nghĩ đến xác suất.

Trong thời đại Internet như hiện nay, cứ 10 năm bạn sẽ gặp được khoảng 3 lần cơ hội. Chỉ cần bạn còn ở trên bàn poker, dù thua một hai lần thì vẫn có khả năng lội ngược dòng ở lần thứ ba.

Hãy học cách dàn trải rủi ro cho bản thân, chuẩn bị cho bản thân thêm một vài hang động an toàn giống như con thỏ, để có thể vững vàng tiến về phía trước.

03. Luật chim sẻ

Trong vài năm qua, tôi luôn gặp phải một số cách kiếm tiền mà tôi không hiểu, làm tôi tự hỏi liệu mình có thực sự già không.

Ví dụ: Có một cậu bé thích đan những con vật nhỏ dễ thương bằng len. Mẹ cậu bán chúng trên mạng và kiếm được hơn 30 triệu mỗi tháng.

Có một người đàn ông tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường danh tiếng và trở thành thầy bói, kiếm được hơn 60 triệu một tháng.

Cũng có những người kiếm được hàng chục triệu mỗi năm nhờ bói bài tarot và có những người đạt được tự do tài chính nhờ việc chơi game.

Một giáo sư cho biết: Đa dạng hóa là biểu tượng quan trọng nhất của kỷ nguyên lợi nhuận ít ỏi.

Trong thời đại kinh tế phát triển nhanh chóng và ai cũng đang cố gắng chạy thật nhanh, lợi nhuận là điều tối quan trọng. Tất cả chỉ gói gọn trong hai chữ "tiền bạc". Nhưng trong một xã hội lợi nhuận thấp, mọi thứ bắt đầu có vẻ khác đi. Vì sự cạnh tranh không thể mang lại lợi nhuận vượt trội nên hầu hết mọi người đều bắt đầu dừng lại, nhìn ra xung quanh cũng như nhìn vào những sở thích và nhu cầu bên trong của họ. Nhu cầu đa dạng, thúc đẩy nguồn cung đa dạng. Miễn là bạn có một sở trường không thể đánh bại, bạn luôn có thể tìm được những người sẵn sàng trả tiền cho nó. Nếu bạn chơi game giỏi, bạn vẫn có thể hỗ trợ gia đình. Nếu bạn biết bói tarot, bạn vẫn có thể kiếm sống.

Có người cho rằng: Hệ sinh thái kinh tế hiện tại đã thay đổi. Những loài cũ sẽ biến mất và những loài mới sẽ xuất hiện. Các loài mới trong tương lai có thể sẽ không phải là những loài khổng lồ như khủng long và cá voi. Đúng hơn, chúng là những loài thông minh như chim sẻ có thể nhanh chóng tìm thấy những ổ sinh thái mới. Người huấn luyện chó, người dọn dẹp đồ đạc, người cho thú cưng ăn, thầy bói, streamer...

Những việc mà trước kia người ta từng không cho đó là một nghề này có thể là hình thức mới của sự nghiệp hoặc công ty trong tương lai.

So với các loài động vật khác, chim sẻ là một loài nhỏ bé, nhưng chúng tự do và mạnh mẽ, và luôn có thể tồn tại ngoan cường trong một hốc sinh thái kín đáo

Có một bà mẹ ở Uy Hải, Sơn Đông, Trung Quốc thích làm búp bê. Bất ngờ là sau khi đăng lên mạng, nó lại trở nên rất nổi tiếng. Có vô số người tìm muốn mua búp bê cô làm, hầu hết các đơn hàng của cô đều được đặt hàng trước ba tháng.

Một sở thích trở thành một nghề nghiệp. Những công việc được coi là đàng hoàng, truyền thống sẽ dần biến mất, trong tương lai sẽ xuất hiện thêm nhiều nghề "nhỏ mà có võ" "như chim sẻ". Hãy tìm cho mình một con đường riêng, tìm cho mình một ổ sinh thái, dù nhỏ những vẫn có thể đủ để mưu sinh.

Trong một xã hội kỹ thuật số chú ý tới chi tiết hơn, tất cả những hạt nhân nho nhỏ đều có cơ hội được nhìn thấy. Bất kỳ sở thích nào cũng có thể trở thành công việc và sự nghiệp. Nếu bạn tìm thấy chính mình và trở thành chính mình, bạn sẽ có thể có được vị trí của riêng mình trong xã hội lợi nhuận ít ỏi này.

Đối mặt với một ngày mai không xác định, tất cả những gì chúng ta phải làm là thắt chặt túi tiền, hành động thận trọng và cập nhật bản thân.

Mỗi thời đại đều có sự huy hoàng riêng của nó.

Có chí ắt làm nên. Chỉ cần bạn đủ giỏi, bạn sẽ nổi bật. Khi phát huy được tối đa tiềm năng của mình, bạn sẽ đứng ở vị trí cao hơn và nhìn thấy một khung cảnh đẹp đẽ hơn.

Diệu Đan (theo Đời Sống Pháp Luật)

Friday, July 12, 2024

Viết từ chuyện người thật việc thật: Ngôi nhà của chúng ta (4)

Miền cư trú - Đất lành chim đậu (phần cuối)

Một năm ở quê hương mới - Moncton, New Brunswick, Canada

Nghĩ mãi không biết có nên viết về những gì "được" & "mất" qua một năm ở đây hay không, cuối cùng quyết định viết là để cho hai đứa con đọc. Có lẽ như thế này cho bọn nó dễ hiểu hơn về những cảm xúc và trải nghiệm của mình, xem xem quyết định đến quê hương mới này là đúng hay sai.

"Được" gì ?

1. Môi trường trong lành và sạch sẽ

Bản thân thiên nhiên ít khi "bẩn", cái bẩn, ô nhiễm là do con người tạo ra. Môi trường có trở nên trong lành hay không là do chính bản thân con người có dọp dẹp các "dấu ấn" của mình để nó không tàn hại thiên nhiên hoặc tàn hại chính mình. Một quốc gia có được coi là "văn minh" hay không, có lẽ điểm đầu tiên chính là có được một môi trường sống trong lành và sạch sẽ. Hô khẩu hiệu không làm cho môi trường tốt hơn. Nói về môi trường có rất nhiều thứ để nói, mà cũng nhiều người đã nói, đã viết. Ở đây mình chỉ lạm bàn về nước uống được trực tiếp từ hệ thống cấp nước, phân loại rác thải và rau quả nông nghiệp.

Có thể uống nước từ bất kỳ vòi nước nào, tại nhà, trong khu công cộng, tại văn phòng làm việc, ... chỉ trừ các vòi nước có bảng thông báo "nước không uống được" chỉ dùng để vệ sinh, tưới cây, rửa xe, ... Nước uống được được cung cấp từ hệ thống cấp nước chung của thành phố, chẳng thấy ai bàn về tiêu chuẩn, không có mùi clo, cũng không đắt chút xíu nào (rẻ hơn vô số lần so với nước đóng chai - bạn cứ so sánh thử giá nước mua từ công ty cấp nước với giá nước đóng chai ở bất kỳ đâ). Tiền nước thu ba tháng/lần, và cùng với thuế nhà, tiền đổ rác, giữ xe, ... chảy vào ngân quỹ địa phương (không thông qua công ty nào ráo). Chưa thấy bao giờ dân hoặc báo chí kêu ca về giá nước, về chất lượng nước.

Qua tìm hiểu, hoá ra đến hơn 80% nước thải sinh hoạt (tức là từ các hộ gia đình, văn phòng, khu công cộng, ... - không tính nước dùng trong sản xuất công nghiệp) được xử lý và quay lại sử dụng. Choáng váng, ở cái xứ được coi là giàu có bậc nhất hành tinh về nước lại là nơi mà nước được quý trọng như một tài nguyên hiếm.

Ngoài lề chút: Ở các nơi vệ sinh công cộng nhiều chỗ có cả bản chỉ dẫn quy trình rửa tay với các hình ảnh minh hoạ đi kèm. Cái này không dùng để dạy trẻ em (vì trẻ em được dạy rửa tay trong trường - lạ nhỉ, dạy gì không dạy, dạy rửa tay) mà có lẽ để dạy du khách và dân nhập cư như mình :-).

Nước uống được có ở mọi nơi và chỉ có khi nào đi đâu xa, không có thời gian ... gặp vòi nước, thì mới cần chai nước. Đó là tại sao ra đường, đi làm ... không thấy bà con kè kè chai nước bên người - một cảnh thường gặp ở quê hương cũ. Tạm tính mỗi người một ngày xài 1 chai nước 5.000 đ, 20 triệu dân VN - 25% dân số sống tại thành thị - xài mất 100 tỷ cho tiền nước uống được hàng ngày, mỗi năm vứt đi hơn 30.000 tỷ, nếu tính thêm vào tiền năng lượng cho 75% dân còn lại để đun nước uống thì chắc cũng hòm hèm đâu đó ít ra 40.000 tỷ tức là khoản 2 tỷ đô cho quyền được uống nước sạch. Hoá ra bài toán nước uống được không phải chỉ để làm cho xã hội văn minh tiện lợi mà nó chính là bài toán kinh tế tại sao một xã hội văn minh thì dân chúng được chăm sóc và phải chịu ít chi phí hơn cho những nhu cầu cơ bản này.

Nước uống được từ vòi làm biến mất một số lượng vỏ chai, bao nylon và các loại nắp chai, ... kha khá lớn. Không chỉ tiết kiệm tiền uống nước, mà một khối lượng lớn nguyên vật liệu, năng lượng, ... để sản xuất ra các loại chai lọ này là không cần thiết, cũng nhưng không có những cảnh chai nước quăng vứt bừa bãi trong các khu danh lam thắng cảnh, cũng như không dập dền trên nước ở hồ, sông và ngay trên biển tại các resort.

Nước uống được tại vòi - dấu hiệu đầu tiên của một xã hội văn minh.

Rác sinh hoạt được thu gom tuỳ mỗi nơi bằng bao hoặc từ thùng rác. Các gia đình mua các bao nylon "dùng để đổ rác" với hai màu chính là xanh dương và xanh lá. Bao nylon được sản xuất riêng, đảm bảo khả năng tái chế và bán giá rẻ như bèo. Rác thải chia làm bốn loại, loại tái chế được, khô ráo, vào bao nylon màu xanh dương, cái này được gom vào nhóm rác tái chế. Loại "ướt" đa phần từ bếp ra, thực phẩm hư hỏng, ... chui vào bao nylon nào cũng được, sau đó chui vào bao màu xanh lá. Đám này thực chất mới là rác. Loại thứ ba là các loại công nghiệp như pin, máy móc hư hỏng, ... phải tự đóng gói bao màu đen và tự lái xe đem đến đúng khu vực xử lý rác công nghiệp. Loại cuối là các thứ như gỗ hàng xóm nào sưởi bằng gỗ hoặc hay làm nấu ăn picnic đến xin ngay, chai lọ thuỷ tinh nên gom lại, rửa sạch để đó, vì thế nào cũng có các tổ chức từ thiện đến xin để đem đi bán làm từ thiện hoặc trẻ em đến xin để bán lấy tiền mua đồ chơi/tiêu vặt (thay vì ngửa tay xin tiền).

Đâu đâu cũng thấy hai loại thùng rác, đâu đâu cũng thấy bà con ném rác vào đúng thùng.

Việc phân loại rác không có nghĩa là phải xây các nhà máy xử lý rác thải hiện đại, chả cần xin vốn Tàu vốn Tây, ... gì để làm. Cái cần là giáo dục ý thức xã hội để mỗi người đều biết cách cư xử với những thứ do chính mình thải ra. Nghĩ cho cùng người đi thu gom rác, nơi chứa rác, nơi xử lý rác, ... sẽ rất vui mừng khi nhận được rác đã phân loại. Cái tốn kém là phân loại và việc này không thể giải quyết thông qua đầu tư công nghệ mà cần làm ngay từ nơi thải rác ra và cũng chẳng tốn kém gì thêm. Mỗi nơi không cần quy định phức tạp, bắt dân phải mua thùng rác (rồi dẫn đến ngay thùng rác cũng bị mất cắp), cũng không cần đầu tư những không gian khổng lồ để chứa rác rồi huỷ hoại cả một môi trường rộng lớn xung quanh vì cái bãi rác.

Rác thải được thu gom định kỳ mỗi tuần một lần, rất hợp lý, tránh cảnh ngày nào cũng ngửi mùi rác, cũng như thực chất nhiều khi chỉ có một tẹp rác cũng phải đi gom. Ai có nhu cầu đổ rác vì nhiều quá, chỉ cần lái xe ra chỗ đổ rác gần đó, khoảng 5 phút lái xe là xong. Vì thế thành phố chỉ cần đầu tư một ít xe rác và vừa đủ nhân sự là đủ để gom rác hàng tuần.

Môi trường trong lành và sạch sẽ chẳng qua là ... không có rác.

Rác thải được chứa trong các bao phân loại có màu sắc khác nhau - dấu hiệu thứ hai của xã hội văn minh

Vẫn buồn cười khi nhớ lại dạy cho thằng cháu là rau quả lấy từ tủ lạnh ra trước khi nấu ăn phải rửa. Ông cháu hơi lười nên lúc nào cũng hỏi lại "cái này có cần phải rửa không ?". Vài lần đi trang trại mới thấy hình như mình cũng hơi bị định kiến về rau củ đầy thuốc trừ sâu và hoá chất bảo dưỡng sau thu hoạch của anh láng giềng phương Bắc. Táo, việt quất, mâm xôi, ... hái từ cây xuống cho ngay vào mồm, ngon và rất ... phong cách thời kỳ đồ đá. Tìm hiểu kỹ hơn thì tiêu chuẩn hàng hoá bán trong siêu thị là không có thuốc trừ sâu và hoá chất bảo dưỡng. Tuy vậy, cứ thấy tỏi, cá, ... made in China là tránh xa vạn dặm. Hơn nữa, chính việc tận mắt chứng kiến, tận mồm xơi táo làm cho mình muốn mua hàng địa phương, sản xuất tại chỗ. Đơn giản là vì nó ... sạch và những người sản xuất ra những sản phẩm sạch phải được tưởng thưởng.

Trái cây nói cho cùng ngon là vì ... sạch. Cảm giác ăn ngon không có sự thoả hiệp với sự âu lo về nguồn gốc không rõ ràng

2. Trẻ em đi học

Năm nay lần đầu tiên nhận được email của nhà trường về các loại hoạt động, chương trình, ... Trong đó phần đầu tiên nhà trường rất tự hào là đã nâng cấp sửa chữa và trang bị mới một số phòng ốc, dụng cụ họp tập. Không thấy câu nào xin tiền phụ huynh. Phần sau có thông báo thu 10$ tiền chi cho các hoạt động quản trị. 10$ cho cả năm và là khoản thu duy nhất từ gia đình. Phần thứ ba là thông báo về lịch họp phụ huynh. Không thấy dòng nào về hội phụ huynh học sinh.

Trẻ em đi học là miễn phí, quyền cơ bản của con người. Các hoạt động ngoại khoá được đảm bảo như những nhu cầu thiết yếu cho lớp trẻ phát triển, mỗi ngày đều có tiết thể dục cho trẻ em cấp 1 và 2 để đảm bảo phát triển thể lực. Văn hoá đi kèm với nghệ thuật, học nhạc là bắt buộc, học máy tính là bắt buộc kể cả cho trẻ em cấp 1, học bằng tiếng Pháp suốt 1 học kỳ cho 1 năm trong cả cấp là bắt buộc tại bang này, nơi song ngữ Anh - Pháp là hai ngôn ngữ chính thức. Các loại câu lạc bộ như diễn kịch, cờ, ... tự tổ chức, tự tham gia. Điều đáng bàn là ngay trong một câu lạc bộ kịch có nhiều vai khác nhau và đều có thể đăng ký, tuy nhiên có vài bài test để đảm bảo đủ khả năng ban đầu cho một số vai diễn, sau đó là bốc thăm. Rồi cứ thế mà sinh hoạt. Cái này mới gọi là ... dân chủ cấp cơ sở.

Tính ra con bé con học từ 8h30 sáng (xe buýt đón lúc hơn 8h) đến 2h30 chiều, học mỗi ngày Toán, tiếng Anh, khoa học, âm nhạc, thể dục thể thao và sinh hoạt các câu lạc bộ. Không có các môn như công dân, nữ công gia chánh, văn sử địa hay các loại dở hơi cám hấp được các chuyên gia giáo dục vẽ ra. Cả lớp đang chuẩn bị cho lễ hội Halloween, năm nay con bé chuẩn bị vai Orange Kitty từ một story nào đó, phấn khích lắm.

Ngoài giờ học chính, mỗi tuần đi bơi trong câu lạc bộ bơi thành phố 2 ngày, mất khoảng 40$ một năm, chủ yếu để trả tiền thuê bể bơi và thầy dạy bơi, các phụ huynh tự nộp tiền và tham gia giúp đỡ câu lạc bộ trong các sự kiện, các kỳ thi đấu. Thầy bà tự tổ chức lịch dạy, phân kiểu bơi, rèn luyện tuỳ theo kỹ năng cho mỗi đứa. Không hề thấy câu cửa miệng "đóng tiền" mà các email liên lạc đều liệt kê ra thời gian nào có các kỳ gặp gỡ thi đấu, các khoá ngắn hạn rèn kỹ năng xuất phát, santo quay vòng, ... Thành tích bơi được ghi nhận nằm trên trang web chung, thích sang câu lạc bộ khác hoặc đăng ký thi quốc gia là cứ căn theo các thông tin công khai này. Hiệp hội bơi hết cơ hội ... nhũng nhiễu.

Năm nay tiếp tục rèn luyệt trượt băng để lên "đai" mới. Cũng y hệt như bơi, câu lạc bộ của thành phố nhưng do các phụ huynh đóng góp tí chút để hoạt động.

Chỉ có đàn và hội hoạ là buộc phải học kèm với thầy, bao giờ cũng 1-1, cái hay của các hình thức này là các thầy cô tập trung rèn các trẻ em có năng khiếu - không phải kiểu học đại trà cho cha mẹ vui. Tiền thu cũng không phải rẻ lắm, nhưng nếu so với chi phí học như vậy ở VN và nhất là với các thầy cô có trình độ thì không đắt chút nào. Học tại nhà hoặc đi bộ dăm phút đến nhà thầy cô.

Trẻ em tự đi bộ đến bến xe buýt để đi trường và tự đi bộ từ bến xe về, cảm giác buổi sáng thấy con nhảy chân sáo, hát vang khi đi học quả là tuyệt vời và mới được khôi phục lại từ khoảng 1 năm nay.

3. Chuyện chính trị

Lâu lâu có ít thời gian đàm luận với các đồng chí bản xứ ở đây. Thôi thì cũng lắm đề tài, từ thời tiết đến hockey, từ kinh tế đến các giống cá. Cái hay của dân ở đây là thực sự đa dạng chủng tộc. Dân gốc Pháp, Ý hay Ireland, Scotland lẫn cả Korea và Việt Nam đủ cả. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là dân chúng ít bàn về ... chính trị. Họ bàn về những việc khác như người tỵ nạn Syria, kinh tế Mỹ đang đi lên, giá dầu làm ảnh hưởng thu nhập ở Alberta, ... Vài vấn đề tranh cãi ở địa phương như việc cắt giảm 5% người làm trong ngành giáo dục, hay việc bệnh viện Saint John được phê duyệt máy phân tích gen sau khi ngã ngũ là xong, không bàn đi bàn lại. Cũng chẳng thấy chê trách ông A, ông B cụ thể gì. Họ vẫn chê trách năng lực của đảng A, B gì đó nhưng ít khi nói về cá nhân, ngay cả thị trưởng cũng chỉ là một thành phần của chính quyền thành phố.

Điều đơn giản là vì nếu họ mất niềm tin vào ông A ở đảng X thì sau 4 năm đảng này và ông này nghỉ khoẻ khỏi làm gì, nếu vấn đề căng thì ông A từ chức và đảng X đưa ông B lên làm tiếp cho nhiệm kỳ trúng cử này. Thật là đơn giản. Phải làm tốt và phải được dân chấp nhận thông qua phiếu bầu thì được trúng cử. Mọi đảng là như nhau. Chả có ông nào đem chuyện bố làm gì hay bản thân hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ trước nào để thu hút lòng tin của dân, điều quan trọng là anh sẽ làm gì và làm như thế nào. Không công khai cái này ra thì coi như miễn được bầu. Cũng không có cái đảng nào mạnh đến mức lãnh đạo cả một bang hoặc đất nước hơn 20 năm. Dân cũng chả cần nói xấu lãnh đạo, dè bỉu sau lưng, cũng như không có chuyện cười chế độ. Không hài lòng thì bỏ phiếu cho thằng khác là xong.

Cũng khá trong sạch, không thấy ông A phó thị trưởng chuyển sang làm trưởng hạt hoặc điều sang làm giám đốc hải quan sân bay. Các vị trí trong ngành dọc hay chính quyền địa phương thuộc về viên chức, người ký hợp đồng với chính phủ và làm việc theo hợp đồng. Thăng tiến đến mấy cũng chỉ vào các vị trí trong công việc chuyên môn. Vị trí lãnh đạo là dành cho các đảng cầm quyền bổ nhiệm. Ngược lại các đảng cầm quyền không có quyền bổ nhiệm đảng viên vào các vị trí chuyên môn trong các ngành và miễn bàn về việc thay đổi quy trình, cơ cấu bộ ngành nếu không có các nghiên cứu được công bố, các dự luật được quốc hội thông qua, các chương trình thực hiện các khoá đào tạo và các chính sách hỗ trợ người làm việc khi có thay đổi cơ cấu, quy trình. Khó mà một đảng trong nhiệm kỳ 4 năm thay đổi được các điều này.

Vì chưa là công dân của quê hương thứ hai nên mình cũng miễn bàn về chính trị. Khi nào có mã số công dân chắc cũng xem thử có tranh cử cho vui không.

4. Chuyện đi làm

Về cơ bản ở đâu cũng giống nhau: đi làm cho chính phủ lương thấp hơn cho doanh nghiệp, nhưng các phúc lợi nói chung tốt hơn. Suy nghĩ là thế, tuy nhiên đến khi đi làm hơn 6 tháng thấy có nhiều điều khác biệt ở Canada.

Về mục đích chung, cơ quan nghiên cứu của chính phủ là để nghiên cứu những thứ đầy rủi ro khả năng thành công có thể thấp, mới mẻ ít người làm và doanh nghiệp không thể đủ tiền đầu tư. Ngoài việc "phiêu lưu mạo hiểm" nghiên cứu các vấn đề này, phải chứng minh được sẽ có đầu ra, nghĩa là phải có nơi sẵn sàng áp dụng và thử nghiệm. Việc tham gia của các công ty, đơn vị bên ngoài phải được chứng minh thông qua khoản tiền mà họ bỏ ra để sử dụng kết quả nghiên cứu trực tiếp cho nơi nghiên cứu. Số tiền này có thể bằng không hoặc rất ít ban đầu nhưng có lộ trình gia tăng cụ thể khi các kết quả đạt được. Đơn giản là doanh nghiệp có thế mạnh cạnh tranh mới và xài ngay, dĩ nhiên phải bỏ chi phí (tất nhiên chỉ áp dụng với các môi trường kinh doanh mà thế mạnh cạnh tranh xuất phát từ kết quả nghiên cứu, sáng chế chứ không phải từ quan hệ với chính quyền hoặc gia công thủ công đại trà). Điểm quan trọng nữa là bất kỳ doanh nghiệp trong nước nào đều có quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu này, dĩ nhiên phải trả phí.

Lúc thực hiện, ban đầu cũng chỉ thấy các anh em làm IT tham gia thiết kế, bàn ra bàn vào, càng ngày mới càng thấy xung quanh một chương trình đầu tư 19 triệu đô trong vòng 5 năm là cả chục dự án thành phần, với hơn chục nhà nghiên cứu có tên tuổi trong các lĩnh vực khác nhau có liên quan, sử dụng chung một hệ thống thông tin quản lý thông tin, tài liệu, quy trình, tiến đô, nghiên cứu khoa học và sản xuất phần mềm rất nhịp nhàng. Ngày nào cũng họp ngắn 5-10 phút, hai tuần một lần trình diễn sản phẩm, 1 tháng một lần họp chương trình, ... Không có các loại xếp lớn chỉ biết "quản lý" với "quan hệ", các em chân dài váy ngắn ôm xấp tờ trình đi lòng vòng, các dạng ngồi chờ ăn sẵn và chỉ đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi là giỏi. Sao thế nhỉ, làm cho chính phủ tưởng là phải lè phè lắm chứ ?

Điều sốc nhất là trên thực tế 19 triệu đô này dùng để chi cho các hoạt động nhân sự, đi lại, ... thuần tuý, tổng cộng số máy móc, bản quyền phần mềm mua cho chương trình chắc chưa đến 100.000 đô. Thước đo chính là chi phí lương, hội nghị, đi lại, công việc khách hàng, nhân sự, ... của từng cá nhân là bao nhiêu và anh làm được gì cho dự án. Thử nằm mơ xem ở quê hương thứ nhất người ta tiêu 19 triệu đô này cho việc nghiên cứu khoa học, chế tạo phần mềm ra sao. Không hình dung được. Lại quay về những trải nghiệm hơn mười lăm năm trước tại Phần Lan.

Cái giá lớn nhất của sự sáng tạo, của sản phẩm hàm lượng trí tuệ cao chính là giờ lao động của các cá nhân, không phải chi phí mua sắm bên ngoài.

5. Sự bình yên hàng ngày

Khó mà diễn tả cảm giác này bằng lời. Nó đơn giản là cảm xúc và nhận biết ngày càng gia tăng về một môi trường thân thiện, trong lành, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Không sợ con mình bị tống tiền, đối xử thô bạo, được học hành tử tế, được coi như con người và tương lai của xã hội. Bản thân mình sống không bị phân biệt chủng tộc "ai cũng là dân nhập cư, chỉ khác nhau là thằng đến trước, thằng đến sau" tại bất kỳ đâu (trường học của con cái, siêu thị, văn phòng chính quyền, dịch vụ y tế, dịch vụ chuyên nghiệp, chỗ làm việc, ...). Công việc làm thoải mái, đúng ý nghĩa làm việc hết mình, sáng tạo không gò bó và không có những thói quen, định kiến, quồng máy "cơ chế" cản trở mình. Cái triết lý "hãy đạt đến thành công và mọi điều bạn sẽ có" mà mình vẫn trung thành với nó, là đúng, dù bị 12 năm tồn tại ở VN làm cho lung lay. Đây thực sự nơi đáng gọi là quê hương.

"Mất" gì ?

Mất thì cũng mất kha khá đấy.

1. Ăn ngon (nhưng khó ngủ yên)

Món ngon Việt Nam thì khỏi phải bàn, tỉnh thành nào cũng vô số quán ngon và đặc sản. Không lấy gì làm lạ các ông bạn VK của mình chỉ chăm chăm đi chơi, đi ăn nhậu, sưu tầm các loại quán và món (một số sưu tầm khác không bàn ở đây). Phải nói thực sư phong phú, đa dạng, ngon! So sánh với Việt Nam, có lẽ chỉ có Hungary với các món ăn đặc sắc, các loại rượu là có thể sánh bằng. Đi vài chục quốc gia phải nói Việt Nam là thiên đường của người thích ăn ngon (trong đó có mình). May là cũng biết nấu ăn kha khá món và nhất là quý phu nhân ngày càng lên tay trong bếp nên cũng ... nguôi ngoai dần nỗi nhớ :-)

(dĩ nhiên không kể các cảm giác hồi hộp vì món ăn không biết nguồn gốc từ đâu, quán sá vệ sinh thế nào, giá cả ra sao)

2. Đàn đúm (và nhiều khi phát mệt vì nó)

Cái hay ở VN là trưa hay chiều, rảnh rổi hoặc mệt mỏi muốn xả stress chỉ cần bốc điện thoai lên, trong vòng 20 phút chắc chắn tập trung khoảng chục ông. Bạn bè gặp nhau là vui, dĩ nhiên nếu chỉ 1-2 chai và sau đó về nhà thì ổn, nhưng làm sao thoát được trước khi hết két. Nếu chỉ bạn bè thì chắc không đến nỗi, nhưng có những cuộc nhậu bị triệu tập, đám cưới nhạt như nước lã, đám ma chuyển thành độ nhậu, đám giỗ không đi là tiêu quan hệ, và có những độ nhậu chỉ để duy trì quan hệ. Một nền kinh tế chủ yếu mua đi bán lại, dựa trên quan hệ và không cần sản xuất thì độ nhậu chính là thế mạnh cạnh tranh.

Thay lời kết: một năm qua ở xứ này cảm thấy ... nên người hơn.

Đoàn Hồng Nghĩa (ELTE, M-90) viết ngày 21 Sep. 2015

(còn nữa)