Vùng trời bình yên
Csilagok útján (tiếp theo)
Phía sau những điều khiến chúng tôi ngạc nhiên và thán phục ở Hungary
Một ngàn một trăm năm dựng nước và giữ nước của Hungary là những trang sử kiêu hùng, nhưng cũng chất chứa đầy biến cố bi thảm, khi vương quốc này đại bại trước quân Mông Cổ và gần như bị san bằng (1241-1242), bị Đế quốc Otthoman cai trị một phần đáng kể đất nước trong 150 năm (1541-1699), và sau đó là hơn 150 năm dưới ách đô hộ của Đế quốc Áo. Phải đến thời kỳ nền "song quốc quân chủ" Áo - Hung (1867-1918), Hungary mới giành được độc lập và trải qua nửa thế kỷ hòa bình, hạnh phúc và phát triển vượt bậc.
Những thăng trầm và nỗi đau do mất mát quá lớn mà đất nước phải chịu qua 2 cuộc thế chiến đến bây giờ người Hung vẫn nhắc nhớ, nhưng luôn đi kèm với niềm tự hào của một dân tộc anh dũng, không chịu khuất phục, đầu hàng, với khí phách "Chết tự do không chịu sống tôi đòi - Không yên nghỉ khi tự do chưa có" như đại thi hào Petőfi Sándor từng ca ngợi (1).
Dân tộc nhỏ này đã có những người con vĩ đại trong khoa học, đặc biệt vào nửa đầu thế kỷ 20, khi giới khoa học thế giới đã kinh ngạc gọi các nhà bác học di cư từ Hungary qua Mỹ để lánh nạn chiến tranh là "người Hỏa tinh" vì bộ óc xuất chúng của họ. Bom nguyên tử, bom khinh khí, máy điện toán... là một vài trong số rất nhiều công trình mà thế giới phải cám ơn Hungary, với những tên tuổi như Neumann János, Szilárd Leó, Teller Ede... hay gần đây nhất như Karikó Katalin, "mẹ đẻ của công nghệ mRNA" góp phần "cứu vãn thế giới" (2).
Trong văn học nghệ thuật, Hungary cũng có những đỉnh cao như đại nhạc sư Liszt Ferenc, danh cầm vĩ đại nhất của mọi thời đại, tên tuổi vĩ đại của trường phái Lãng mạn đầu thế kỷ 19, Kodály Zoltán, nhà sư phạm âm nhạc bậc thày với "phương pháp Kodály" nổi tiếng, hay Kertész Imre, Giải Nobel Văn chương 2002, người khắc họa nỗi đau diệt chủng Do Thái... Thế giới cũng luôn nhớ "Đội tuyển vàng" với thủ quân Puskás Ferenc thập niên 50 trong bóng đá, và Hungary là cường quốc thể thao lớn nhất còn chưa được đang cai Thế vận.
Nói đến Hungary, đó là thủ đô Budapest: Hòn ngọc của dòng Danube/A Duna gyöngye với những danh hiệu "Trái tim của châu Âu", "A szabadság fővárosa" với hơn 1000 năm bảo tồn giá trị cũ và ko ngừng sáng tạo những giá trị mới; là "Biển hồ" Balaton lớn nhất vùng Trung Âu, Thành cổ Eger anh hùng hay hồ nước khoáng chữa bệnh Hévíz lớn nhất Châu Âu, tất cả đều là những điểm nhấn rất quen thuộc. Với gần 16 triệu lượt khách tới thăm trong năm 2023, quốc gia này thuộc nhóm các nước du lịch phát triển với những điểm đến: Quần thể Lâu đài và các di sản trên Đồi Buda, những công trình kiến trúc nằm dọc hai bên bờ "Danube xanh", Đại lộ chính Andrássy và Quảng trường Anh Hùng ở thủ đô là những danh thắng UNESCO rất nổi tiếng.
Ghi chú:
(1) Trích thi phẩm nổi tiếng "Bài ca Dân tộc" (Nemzeti Dal, 1848), bản dịch của dịch giả, PGS. TS. Vũ Ngọc Cân.
(2) Tựa đề một bộ phim tư liệu của Pháp về GS. Karikó Katalin, nhà sinh học đồng giải thưởng Nobel Y Sinh 2023, với phát minh đặt tiền đề cho vaccine "thế hệ mới" kháng virus Corona.
(3) Người Hungary gọi họ là dân tộc Magyar.
Hình ảnh (chọn từ net): Quảng trường Anh Hùng
Note: Viết theo bài HUNGARY, MẢNH ĐẤT KỲ DIỆU CỦA NGƯỜI MAGYAR (3) của Nguyễn Hoàng Linh
(còn nữa)
Ở phần trước, anh Quang A nhớ lại kỷ niệm liên quan đến hai ông viện sĩ Hung, trong đó có chi tiết anh ấy thú thật ko biết gì cả về Phật giáo ở quê nhà nên lúc đó chỉ muốn có cái lỗ nào chui xuống đất cho đỡ xấu hổ.
ReplyDeleteVì vậy nên tôi cũng ghi ra đây những gì về quê hương thứ 2 của tôi mà ai cũng thấy là những điểm nổi bật, những gì nên biết của Hungary (vì so với các bạn của mình thì tôi biết còn quá ít). Cũng xấu hổ lắm!