Friday, July 19, 2024

Viết từ chuyện người thật việc thật: Ngôi nhà của chúng ta (8)

Vùng trời bình yên 

Csilagok útján (tiếp theo)

Hồi ấy học sinh tốt nghiệp PT (hệ 10 năm) đi du học nước ngoài như chúng tôi gọi là lưu học sinh (LHS). Khi chúng tôi nhận được giấy báo đi học nước ngoài, do tình hình đánh phá của ko quân Mỹ đang có chiều hướng mở rộng và ác liệt hơn, nên chúng tôi ko đi từ HN mà tập trung ở Đại Từ (Thái Nguyên). Từ đây mới đi theo từng đoàn, chia thành nhiều đợt và di chuyển lên 1 địa điểm gần Đồng Đăng bằng xe hơi và nghỉ lại đó. Sau đó, cả đoàn đi bộ trong đêm để lên tàu hỏa khi trời chưa sáng rồi sang Bằng Tường. Từ nhà ga này trên đất TQ, chúng tôi bắt đầu cuộc du hành vạn dặm đầu tiên trong đời mình.

Ở Đại Từ, chúng tôi học chính trị để bồi dưỡng và nâng cao thêm về tinh thần dân tộc và truyền thống cm cùng với hệ tư tưởng của thế hệ HCM trong thời đại bách chiến bách thắng của 3 dòng thác cm trên thế giới. Đến Hungary, tất cả chúng tôi, ai cũng như ai với hành trang tư tưởng và trang bị được cấp phát, từ va-li, giày và trang phục. Chỉ thiếu cái huy hiệu Bác Hồ* trên ngực là chúng tôi chẳng khác gì các Hồng vệ binh với huy hiệu Mao hay các LHS và cán bộ đi học từ Bắc Triều Tiên (cùng thời của chúng tôi) với huy hiệu Kim Nhật Thành.

Vì lớ ngớ, ngờ nghệch, nên chúng tôi rất cần những sự chỉ bảo của các anh chị đi trước. Từng chút một, cái gì cũng phải học hỏi, vì cái gì ở đất lạ cũng làm lũ chúng tôi ngỡ ngàng. Những đàn anh học giỏi, nổi tiếng ở Hung đều là thần tượng của tôi. Trong số này, anh Quang A là người rất nổi tiếng mà cho đến bây giờ tôi chưa từng gặp. Chỉ rất phục và đến bây giờ lại càng phục vì anh ấy có những chí hướng rất đáng nể.

Sau đây là những gì mà tôi biết về anh rõ hơn qua Nhịp Cầu Thế Giới (NCTG).

TS. Nguyễn Quang A: HUNGARY, NƠI ẢNH HƯỞNG QUYẾT ĐỊNH ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ

 Lời Tòa soạn: TSKH. Nguyễn Quang A, sinh năm 1946 tại Bắc Ninh, sang du học tại Hungary tháng 9-1965. Thời kỳ 1966-1971 ông theo học Khoa Điện tử, chuyên ngành Viễn thông tại Đại học Kỹ thuật Budapest (BME). Sau khi tốt nghiệp, ông ở lại học tiếp Nghiên cứu sinh (NCS) ở Viện Nghiên cứu Viễn thông (Táki). Bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1975, ông về nước và làm việc tại Viện Kỹ thuật Quân sự Hà Nội (1976-1982).

Năm 1982, TS. Nguyễn Quang A trở lại Hungary và thời kỳ 1983-1987, ông tham gia nghiên cứu Tin học của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary tại Đại học Kỹ thuật Budapest trên cương vị một NCS cấp cao. Năm 1987, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học, chuyên ngành Điện tử Viễn thông, rồi về nước làm việc tại Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật Tin học Việt Nam.

Trong những năm “cải tổ” thập niên 80 thế kỷ trước, TS. Nguyễn Quang A là một trong những trí thức đầu tiên của Việt Nam chuyển sang kinh doanh cá thể rất thành công với các cương vị Tổng giám đốc Liên doanh Genpacific (1988-1993), sáng lập viên Công ty Máy tính Truyền thông Điều khiển 3C (1993), sáng lập viên, Chủ tịch Ngân hàng VPBank (1993).

Bên cạnh công việc kinh doanh, ông cũng là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng trên tư cách Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS, một tổ chức mở và độc lập, phi lợi nhuận, tập hợp một đội ngũ trí thức tinh hoa chuyên tìm hiểu và nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội).

Đặc biệt, TS. Nguyễn Quang A còn say mê dịch thuật và chủ trương Tủ sách SOS2 do ông chuyển ngữ miễn phí, phố biến và quảng bá những tác phẩm kinh điển của thế giới với chủ đề hệ phần mềm điều hành xã hội - làm thế nào để vận hành xã hội một cách hữu hiệu và suôn sẻ, thông qua những lý thuyết, chính sách, thể chế, những kinh nghiệm thất bại và thành công.

TS. Nguyễn Quang A cũng từng giữ chức Chủ tịch khóa 3 của Hội Tin học Việt Nam (VAIP), và là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary khóa đầu tiên (2007-2012). NCTG đã có một cuộc trò chuyện thân mật với ông nhân dịp Quốc khánh Hungary năm nay (20-8-2013).

- NCTG: Từng có một khoảng thời gian dài du học, và sau đó làm luận án Tiến sĩ rồi Tiến sĩ Khoa học tại Hungary, anh có thể chia sẻ với độc giả NCTG một kỷ niệm sâu sắc thời ở Hung?

TS. Nguyễn Quang A (N.Q.A.): Cho đến khi về nước vào năm 1976 tôi biết về Hungary nhiều hơn về Việt Nam rất nhiều. Đơn giản khi còn là học sinh ở Việt Nam tôi không có cơ hội đi đâu cả. Đến 1965 tôi mới ra Hà Nội lần đầu, còn trước đó chỉ quanh quẩn trong huyện là chính.

Tại Hung đi theo lớp học mỗi học kỳ đi một nơi, đi dự mít-tinh thời đó ở mọi nơi, ngang cùng ngõ hẻm tôi đều được đến. Khi làm xong Phó tiến sĩ, tôi thật xấu hổ thấy mình biết quá ít về Việt Nam.

Một kỷ niệm có liên quan: đến nhà ăn tối cùng hai ông viện sĩ Hung, họ nghĩ mình từ một đất nước Phật giáo thì chắc biết kỹ lắm, Đại thừa ra sao, Tiểu thừa thế nào. Tôi bảo tôi không biết gì cả. Lúc đó tôi chỉ muốn có cái lỗ nào chui xuống đất cho đỡ xấu hổ!

Hôm sau tôi ra hiệu sách mua một cuốn sách về các tôn giáo lớn rồi đọc ngấu nghiến, sau đó tôi đã biết thêm chút ít. Các lần sau tôi còn có thể tán gẫu với họ cả về các tôn giáo khác nữa.

- NCTG: Đất nước Hungary có vị trí thế nào trong cuộc đời anh?

N.Q.A.: Tổng cộng tôi ở Hungary hơn 13 năm một chút. Toàn bộ tuổi thanh niên của tôi ở đó. Không có thời gian ở Hungary chắc chắn đời tôi sẽ khác hẳn. Hungary có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển trí tuệ của tôi.

Những điều này, tôi cũng đã có dịp thổ lộ trong phát biểu ngắn nhân dịp được Bộ Ngoại giao Hungary trao tặng giải thưởng “Vì các mối quan hệ quốc tế” của Cộng hòa Hungary (năm 2008). Tôi có nói về hai “giải tỏa” rất riêng tư, nhưng cần thiết cho sự hợp tác và hội nhập, cho sự phát triển của mỗi người, mỗi nước.

Thứ nhất, đó là giải tỏa sự đóng kín về địa lý. Như đã nói ở trên, trước khi ra Hà Nội để chuẩn bị đi Hungary, tôi chưa bao giờ ra khỏi tỉnh nhà là Bắc Ninh. Cho dù chẳng ai cấm đoán, nhưng điều kiện và hoàn cảnh lúc đó như vậy. Cho đến khi về nước, tôi rất xấu hổ nhưng đồng thời cũng tự hào để nói với bạn bè rằng mình biết đất nước Hungary nhiều hơn Việt Nam.

Sau này, tôi mới được biết nhiều hơn về Việt Nam. Giải tỏa sự đóng kín về địa lý gắn với phát triển kinh tế - kỹ thuật, với quyền tự do đi lại của con người, với sự hội nhập quốc tế. Tại các quốc gia đang phát triển, đã có sự phát triển vượt bực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để giải tỏa sự đóng kín về địa lý đối với người dân.

Thứ hai, là giải tỏa sự đóng kín về tư tưởng, để cho đầu óc mở mang với những luồng tư tưởng mới. Không như thế sẽ không thể có sự phát triển. Suốt thời gian qua, tôi đã cố gắng giúp mình giải tỏa khỏi sự đóng kín đó và hy vọng có thể giúp được một số người khác thông qua các bản dịch, những bài viết và hoạt động xã hội của mình.

Trong những năm tháng học tập và nghiên cứu tại Hungary, tôi đã học được cách tư duy và hành động đóng vai trò quyết định khiến tôi giải tỏa được hai vấn đề trên.

- NCTG: Chân thành cám ơn những chia sẻ của anh!

Bích Ngọc thực hiện (Nhịp Cầu Thế giới)

(còn nữa)

(*):  Anh hùng tuấn kiệt xưa nay biết bao người đã làm nên lịch sử nước nhà. Với tất cả lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi không muốn mình trở thành người sùng bái Cụ như một vị thánh, cũng không muốn xúc xiểm Cụ như một kẻ nhỏ nhen. Từ những gì mà Cụ đã làm cho đất nước này, cũng là phải hy sinh rất nhiều ham muốn cá nhân, tôi thừa nhận: Cụ là người kết tinh khí chất của người Việt, là kiến trúc sư của nhà nước Cộng hòa đầu tiên của Việt Nam - lãnh tụ huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

    Tôi không muốn buộc mình phải theo lề phải hay lề trái mà chỉ muốn nhìn nhận về Cụ theo dòng chính luận - vốn là lẽ thường tình khi cần thể hiện thái độ hoàn toàn trung thực của mình về bất cứ vấn đề gì. Theo cá nhân tôi, chuyện Cụ viết sách về mình, sống đơn sơ đến mức tối giản trong những nhu cầu thuộc về cá nhân... là chuyện phải ép mình vào thời cuộc. Là lãnh tụ trước hết phải là tấm gương của đồng bào, là ngọn cờ đoàn kết của dân tộc, là ngôi sao chỉ đường dẫn lối như bao bài ca đã viết về Cụ không sai.

     Vào những năm cuối của những năm 50 và những năm 60, trong khi các nước XHCN ở châu Á như Triều Tiên, Trung Quốc rầm rộ tiến hành "Đại cách mạng văn hóa", suy tôn/sùng bái lãnh tụ thì ở Việt Nam tình hình vẫn không đi quá mức cho đến khi Cụ mất. Chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam vẫn chỉ ở mức tuyên truyền sâu rộng để vừa giữ được hình ảnh "khiêm tốn" của lãnh tụ, vừa đủ thực hiện mục đích tập trung toàn lực để giải phóng đất nước, khẳng định lập trường "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Tôi cho rằng: đây là ý chí của một người lãnh đạo và không thể phủ nhận rằng nó đồng nghĩa với những gì là ý chí của cả dân tộc được thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử ngày 02.09.1945. Hồ Chủ tịch đã là nhân vật thuộc về một thời kỳ của quá khứ, một con người và huyền thoại với những sự thật và những thêu dệt đầy mê hoặc phải được nhìn nhận theo cách Á Đông chứ không thể theo cách của Tây-Âu được. Chúng ta cần nhìn nhận về Cụ với một thái độ thật khách quan, căn cứ trên những tư liệu xác thực/đầy đủ và như cách đánh giá những nhân vật thời Tam Quốc sau hàng trăm năm với những mưu toan khi cần thôn tính đất đai, những cách thức để thu phục lòng người kể cả phải dùng đến thủ đoạn/tiêu diệt vì mục đích cuối cùng; không chút thù hận/oán thán, không hề vùi dập/phủ nhận, không gợn những gì nhỏ nhen và hèn hạ. Nếu muốn phán xét Cụ, riêng tôi cho rằng: chúng ta không đủ tư cách dù chúng ta chính là một phần của lịch sử - là sản phẩm/nhân chứng thuộc về thời đại Hồ Chí Minh.

Hình ảnh: Chọn từ net

2 comments:

  1. Từ anh Quang A, tôi thấy: đa số những người thích thơ Petőfi, chỉ là lõm bõm hoặc thích khoác cho mình cái áo văn vẻ bề ngoài. Chẳng có được mấy người yêu thơ ông từ trái tim và tinh thần của nhà thơ người Hung này?

    ReplyDelete
  2. Dù ko thể so với các bậc LHS tiền bối như anh Quang A, anh Vũ Hoài Chương... ngày xưa, và chắc chắn ko bao giờ tôi trở thành anh hùng có chí khí lẫm liệt như Nguyễn Văn Trỗi, người từng được lưu danh với bài ca Lời Anh Vọng Mãi Ngàn Năm trong thời chiến. Nhưng đáng buồn là tôi nhận thấy mình còn hơn những kẻ cơ hội (ăn theo xương máu của đồng bào, chiến sĩ) trong thời bình ngày nay!

    ReplyDelete