Thursday, July 4, 2024

Ngày Quốc khánh Mỹ và những chuyện trong thế giới mafia

Trí tuệ của Mafia

Tối qua, thằng con nuôi gốc Việt Lão Lò A Dính mời bố An, bố Đỗ Vũ đi ăn tối rồi uống rượu ở quán Sky36 - Lounge, Sky Bar & Event Venue kỷ niệm ngày quốc Khánh Mỹ cùng bố. Ngồi trên không nhìn thành phố Đà Nẵng lại nhớ New York, nhớ cảnh đêm hoành tráng, nhưng nhớ nhất những người anh Ý gốc Mỹ. 

Một lần trở về New York đưa cô Tấm về thăm Little Italy. Hai vợ chồng vào ăn ở quán ăn Ý Paesano, 136 Mulberry St. Vừa hay nhìn thấy Al Pacino ngồi một mình lặng lẽ uống rượu ở quầy bar. Trông anh già đi quá nhiều, tiều tụy và mệt mỏi, khác hẳn với nửa thế kỷ trước khi anh trong vai Michael Corleone, trẻ trung, điển trai và rất Ý. Al Pacino là một diễn viên mà lão rất ưa thích và hâm mộ từng bộ phim anh đóng. 

Nhờ tiếp xúc nhiều với các đàn anh Ý nên lão PP cũng học được nhiều tính cách ưu việt của họ trong cuộc sống. Không bê tha hạ đẳng, yêu gia đình, vợ con, ga lăng với phái nữ, tôn sư trọng đạo, kính trọng các bậc tiền bối, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp. Và một nguyên tắc mà thủy tổ Vito Cassio Ferro đã đặt ra khiến tính cách của một người đàn ông Ý thêm chất quý ông, cao sang mà lạnh lùng. Đấy là Omerta - The Order of Silence, hay còn gọi là “secrecy sworn to by oath” hay “code of silence”. Chính vậy nên các bạn cũng đã từng thấy lão PP tức giận nổi xung với những đàn em không có tôn ti trật tự, hống hách, kiêu căng và ồn ào.

Quy tắc im lặng (Omerta) là một trong những điều răn cao nhất trong Mafia, bất kỳ thành viên nào cũng không được xâm phạm hay vi phạm. Và quy tắc này không chỉ đơn giản là giữ im lặng.

Các thành viên Mafia đều biểu hiện điềm tĩnh một cách siêu nhiên mà người bình thường không thể có được khi gặp bất kỳ hình thức thẩm tra nào. Ngay cả khi đối mặt với những mối đe dọa nguy hiểm nhất và sự sỉ nhục tàn khốc nhất, họ vẫn có thể bình chân như vại, tĩnh lặng và tự tin, không bao giờ sợ hãi hoặc bị lăng nhục mà giận dữ. Họ không tự ti cũng không kiêu ngạo, lời nói thâm sâu khiến đối phương phải e dè. Đặc điểm nhân cách nhẫn nhịn kiềm chế bản thân này chính xác là khí phách đặc trưng của người đàn ông lý tưởng trong nền văn hóa Sicilia Địa Trung Hải của châu Âu.

Anthony Vigoda, một người anh đã nâng đỡ lão nhiều nhất, anh cao ráo lịch thiệp, và có những ưu điểm đặc trưng kể trên. Anh từng đưa cả lão đi dự một cuộc họp nội bộ của các ông chủ trong hiệp hội thương mại Mỹ - Ý nhưng theo lão đây vẫn là một cuộc họp hàng tháng của các bang phái Mafia còn sót lại. Cuộc họp dưới sự chủ trì của một “Chủ tịch hiệp hội” có lẽ là một Đường Chủ (bang chủ) của một bang phái xã hội đen Ý. Đường chủ có khuôn mặt đẹp như Chúa Giê Su, đầy sâu lắng, ân huệ và tự tin. Ông mặc một bộ đồ màu đen, ngồi trên một chiếc ghế cổ trông ông vững vàng như núi Thái Sơn, ánh mắt ông sắc lạnh, nhìn bao quát mọi người, khi ánh mắt bắt gặp một cậu bé Việt Nam ngồi bên Anthony Vigoda thì trở nên dịu dàng và đầy thiện cảm. Ngoại hình và khí chất của ông gần giống như nam thần Hollywood Keanu Reeves. Ông hầu như trầm lặng ít nói trong suốt quá trình, ngay cả khi ông ta nói cũng nhẹ nhàng, từ tốn, không có chút gì bốc đồng vô nghĩa, xem ra ông là một Đường chủ có vẻ rất khôn ngoan, tinh tế và đầy năng lượng. 

Những điều cấm kỵ

Trong Mafia Mỹ và Sicilia, “Made man” là một người đã hoàn toàn được công nhận là thành viên chính thức của Mafia. Để trở thành "made", một điều kiện đầu tiên phải là người Ý hoặc người gốc Ý và được bảo lãnh bởi một người “Made man” khác.

Có những quy tắc nghiêm ngặt cho các thành viên chính thức trong Mafia. Một trong những nguyên tắc là: Phải tuyệt đối tôn trọng vợ của mình, đồng thời không bao giờ được thèm muốn chim cò vợ của người khác. Theo như Anthony Vigoda kể lại, đã từng có một Made man bị chứng thực có ăn nằm với cô em dâu mình và bị hành quyết. Khi phát hiện cơ thể bị vứt ven sông Hudson, trạng thái vô cùng ghê tởm, bộ phận sinh dục của anh ta bị cắt và bị nhét vào mồm. Hy vọng các nông hộ hãy nhìn gương này, đừng có ý định chim cò các phu nhân của nông hộ khác, bởi lão đã giao nhiệm vụ hành xử theo tiêu chuẩn trên vào đôi cánh tay lông lá của Tạ Trí…kkk

Ngoài ra, hầu như không có phụ nữ trong mafia mà thường có những trường hợp phụ nữ làm thủ lĩnh tạm thời. Những người phụ nữ này thường là con gái hoặc vợ của các thủ lĩnh cấp cao trong Mafia, họ sẽ tạm thời đảm nhiệm vị trí lãnh đạo khi chồng họ vào tù hoặc gặp chuyện bất hạnh.

Huyết thống Sicily

Trong thế giới của mafia, máu mủ (bloody) luôn là điều kiện tiên quyết cho tình anh em (brotherhood), một người phải mang dòng máu Ý mới có thể trở thành người của mafia. Có nghĩa là, ngay cả khi một người đã làm việc cho Mafia trong nhiều năm, vẫn có khả năng "không phải người của mình" hoặc ở lại trong gia tộc chỉ với tư cách là một cộng sự.

Trong bộ phim "Bố già", người quân sư của gia đình Corleone là người con nuôi gốc Đức. Ở đây, có một chút chân thực và chút kịch tính. Mọi người xem và tự nhận ra, nhưng phải nói rằng, từ góc độ tâm lý xã hội, lịch sử đẫm máu và nước mắt của những người Sicilia từng bị các chủng tộc ngoại lai khác nhau cai trị hàng nghìn năm khiến họ có xu hướng tin tưởng vào đồng bào hoặc dòng tộc của mình, và họ không quan tâm đến các giá trị khác có cùng tầng lớp. Quy luật im lặng (Omerta) nói trên thực sự có thể được tạo ra theo tâm lý văn hóa như vậy.

Gia tộc và danh dự

Cơ cấu tổ chức của Mafia dựa trên các đơn vị gia tộc, điều này trong phim “Bố già” biểu hiện tương đối rõ nét. Trên thực tế, ngoài 5 gia tộc nổi tiếng, ở Mỹ còn có hàng vạn Mafia lớn nhỏ và 9 gia tộc lớn nhất hợp thành một ủy ban tối cao để đưa ra phán quyết cuối cùng.

Mỗi gia tộc có một Boss, tương đương với người đứng đầu của hội tam hoàng “Long đầu tọa quán”, và là người đứng đầu gia tộc Mafia. Cấp dưới trực tiếp của BOSS là UnderBoss, tương đương với CEO, chịu trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện các quyết định của Boss. Vị trí thứ ba là Consigliere, tương đương với một quân sư, có nhiệm vụ hoạch định chiến lược, đưa ra các đề xuất, các quyết định trong tình hình hỗn loạn, hàng ngày đứng đàng sau hỗ trợ Boss về mọi mặt. Những người này đa số là bậc quỷ tài, mưu sâu kế hiểm, thông minh tuyệt đỉnh. 

Cấp dưới của ba tầng ra quyết sách hàng đầu là một số hội đoàn lớn. Mỗi đội quân được dẫn đầu bởi một Capo (Đường chủ), người chịu trách nhiệm chỉ huy bang phái mình thực hiện các cuộc tấn công và chấp hành nhiệm vụ. Cấp dưới của Capo là Soldier, để đạt được cấp độ này cũng khá là vinh dự đối với người bình thường. Tiền đề để trở thành một Soldier là phải trở thành một Made man chính thức. Quá trình này sẽ rất khó khăn và lâu dài, và sẽ mất ít nhất đến tám hoặc mười năm để có cơ hội đạt được. Hơn nữa, có sự kiểm soát chặt chẽ về số lượng, và phải được Underboss đề cử, và sự chấp thuận cuối cùng của Boss mới có thể trở thành thành viên chính thức.

Khi một người trở thành Made Man, đồng nghĩa với việc người đó có rất nhiều tiền, có quyền lực lớn và xuất thân thâm hậu mà người bình thường không thể sánh bằng. Hầu hết các cộng sự đều ở cấp thấp nhất và phải tuân theo Soldier. Họ có số lượng đông đảo, trải rộng khắp nơi trong xã hội và đang phấn đấu để trở thành thành viên chính thức. Những người không phải là người Ý cũng có thể trở thành cộng sự (Associate), nhưng không thể trở thành thành viên chính thức.

Trong thế giới của mafia, cấp dưới phải phục tùng cấp trên của họ hoàn toàn và vô điều kiện, họ phải cố gắng hết sức mình để thực hiện các quyết sách của cấp trên, ngay cả khi bản thân phải hy sinh cũng không hề tham sống sợ chết. Những kẻ không phục tùng đều bị trả giá. Mô hình quản lý với quyền hành pháp siêu mạnh và hành động quyết đoán này đã cho phép Mafia, với tư cách là một tổ chức thiểu số, mở ra một cục diện lớn không thể tưởng tượng và khối tài sản khổng lồ ở Hoa Kỳ.

Lão nhắm mắt cũng có thể nghĩ đến hàng chục doanh nghiệp quy mô lớn thành công do các thành viên của Mafia điều hành, hoặc dưới mô hình quản lý của Mafia. Ví dụ, một ngân hàng đầu tư đa quốc gia lớn, cơ cấu quản lý và phong cách điều hành của nó có thể thành công như vậy, gần như hoàn toàn nhờ vào sự khôn ngoan của Mafia.

Ngoài ra, hàng trăm năm nay, có một số sản nghiệp, luật bất thành văn đều được khống chế dưới bàn tay của Mafia mà nhà nước cũng đồng thuận để họ làm. Đơn cử như vệ sinh môi trường, đổ rác chẳng hạn. Hàng ngày New York và các thành phố lớn thải ra vô vàn tấn rác thải. Điều hành và làm công việc này nằm trong tay người Ý. Không có một sắc tộc khác có thể tranh giành về mình công việc này. Tất nhiên lợi nhuận từ công việc này vô cùng lớn và cũng cần đến một sự quản lý thông minh và khoa học. Thêm một ví dụ nữa, người Ý khống chế cả việc nuôi và cung cấp thịt gia cầm chủ yếu như gà, lợn, bò. Lão biết một anh bạn người Việt ở New York, lớ ngớ mua vào một trại chăn nuôi gà, hòng cung cấp thịt gà cho thị trường. Bởi không biết rõ tương quan bên trong ngành này nên anh ta đã sạt nghiệp một cách ngoạn mục. Mỗi ngày gà sinh sôi nẩy nở hàng triệu con, thịt ra không ai mua, đổ rác vô vàn tấn gà xong mới tìm hiểu ra, thịt gà nằm trong khung khống chế của dân Ý, phải là người Ý mới có thể kinh doanh mảng này. Vậy là chỉ ngồi đấy mà khóc với gà. Điên tiết, anh ta cho vài mồi lửa đốt mẹ nó hết thảy những kho chuồng trại nuôi gà rộng lớn mênh mông và chuyên tâm cảnh tác rau xanh cung cấp cho các siêu thị người Việt. Tính ra thiệt hại về tiền về sức lực và thời gian khôn lường. 

Lão PP nhờ lực đẩy của các đại ca, sau mười năm đến Mỹ đã là một doanh nhân tương đối có tiếng ở phố Tầu New York. Ngoài công việc làm ăn riêng, lão còn quản lý một rạp chiếu bóng của công ty Golden Harvest Ltd. Rạp chiếu bóng nằm cách Little Italy chỉ hai con phố, địa chỉ chính xác là số 91 Bowery Street. Hàng ngày phải phát hành phim của hãng đến toàn nước Mỹ và Canada, và phải trông coi đối nội như máy móc, phim nhựa, nhân viên, đối ngoại với các xã đoàn, khách khứa, và cả các bang phái ở Chinatown. Nếu không có các đàn anh Ý, lão không thể làm tốt được công việc của mình. Những rạp chiếu phim khác thành tụ điểm của các bang phái vào đấy hút sách, rượu bia, xem phim miễn phí rồi cà khịa thanh toán lẫn nhau. Nhưng ở rạp lão, tất cả đều nằm trong nội quy của rạp. Như lão đã kể, có lần phải nhờ đến Mafia Ý dắt những con chó  Pit Bull hung dữ và súng ống ập vào rạp dọa cho các con giời đái ra quần. Từ đó bất kể bang phái Tầu nào đều ngoan ngoãn xếp hàng mua vé vào rạp và giữ trật tự yên lặng xem phim. 


Tạm dừng ở đây. Nếu các nông hộ vẫn muốn đọc thêm về bang phái và xã hội đen thì lão sẽ chiều tới bến. Đèo, tiền thì không nhiều, nhưng mối duyên tình với xã hội đen thì rất nhiều. Bởi lão đã từng chấp bút chuyên viết về đề tài này cho báo chí Hồng Kông. Một người biết tiếng Hồng Kông, suýt mất mạng khi chơi với lửa, ra vào chốn thâm cung, ngồi đàm đạo với Đường Chủ các bang phái khác nhau nhưng qua được những cơn hiểm nguy bởi đằng sau là các đại ca gốc Ý. Lại một nữa xin cúi đầu cảm tạ các huynh trưởng Italian mà lão đã dựa bóng.

PP

No comments:

Post a Comment