Tuesday, July 16, 2024

Viết từ chuyện người thật việc thật: Ngôi nhà của chúng ta (6)

Vùng trời bình yên* (tiếp theo)

Csilagok útján (1)

‘’Nem a Földön születtem,

De ez a föld a végzetem.’’

Lời bài hát Égi Vándor của ban nhạc Hung Omega là điều làm tôi suy nghĩ về Trái Đất của chúng ta. Nó là thế giới để chết hay để sống?

Có thể là nơi để sống khi tìm thấy mục đích của mình, trong 1 ko gian cư trú rộng lớn với vùng trời tự do. Nếu ko thể như thế, chỉ cần sống cuộc đời gondtalan khi ko còn gì là quan trọng hoặc đã thu xếp xong mọi sự đời/minden rendben van để có thể an hưởng phần còn lại. Mỗi ngày là 1 niềm vui.

Khi còn trẻ, tôi đã có 1 cuộc sống như thế trên đất nước Hungary. Dù ngắn ngủi và ko thể sống một cách trọn vẹn, nhưng đó là quê hương thứ 2 của tôi. Và bây giờ, khi viết những dòng này, ký ức Azok a szép napok đã trở lại cùng với cảm nhận của các bạn khác, những người cũng từng sống trên đất Hung như tôi.

Mặc dù sinh sống, nghiên cứu và giảng dạy toán học ở nhiều quốc gia, nhưng GS. Vũ Hà Văn đã có nhiều dịp trở lại thăm Hungary và vẫn dành cho mảnh đất này những tình cảm sâu đậm. Bài viết sau được Vũ Hà Văn viết tặng các bạn cùng khóa 1987, ghi lại một số kỷ niệm và ấn tượng về nước Hung và thủ đô Budapest, nơi anh và các bạn hữu đã đặt chân lần đầu tiên cách đây tròn 30 năm. Tôi chỉ trích lại những đoạn gần gũi với mình nhất từ bài BUDAPEST, BA MƯƠI NĂM đăng trên Nhịp Cầu Thế Giới (20.08.2017).

‘’Chuyến bay năm 1987 đó, với gần hết chúng tôi, là chuyến bay đầu tiên ra nước ngoài, nếu không nói là chuyến bay đầu tiên trong đời. Budapest, cái gì cũng khác, cũng mới, từ đường phố, cửa hàng, thức ăn, cho đến phim ảnh và màu mắt của các cô gái.

Nếu ai đó hỏi tôi, sau 30 năm, bạn nhớ gì ở Budapest nhất? Xúp cá, Quảng trường Anh hùng, rượu vang vùng Tokaj, hay đồi Gellért nơi tọa lạc Tượng thần Tự do? Câu trả lời sẽ là tàu điện.’’

Cũng là điều nhận xét trùng lặp về tàu điện Budapest như anh bạn sang cùng năm với tôi (1972).

Về Vár, nơi có ktx mà các bạn thân nhất của tôi từng ở đây, cũng là nơi rất quen thuộc với tôi, và khu trung tâm của tp:

‘’Thật ra trong tiếng Hung, Vár đã có nghĩa là thành, người Việt quen gọi tên kép là “thành Vár”. Đây là địa điểm du lịch số một của Budapest, có nhà thờ vua Mátyás và pháo đài Ngư phủ (thật ra là chỗ thu thuế cá ngày xưa), hai điểm mà hầu như du khách nào cũng ghé qua. Cái hay là ở trong thành không phải chỗ nào cũng làm du lịch cả, mà còn nhiều nhà dân sinh sống trong các dẫy phố nho nhỏ, có cột đèn bằng sắt xen lẫn cây cổ thụ, lòng đường lát đá đen, và dọc phố lác đác vài ngôi mộ chí.

Thành Vár ở địa thế ở cao, có thể nhìn xuống toàn cảnh thành phố, sông Danube xanh và những cây cầu tuyệt vời của nó. Cây cầu đẹp nhất có lẽ là Cầu Xích (Lánchíd - Chain Bridge), một trong những cầu treo bằng sắt đầu tiên trên thế giới. Được xây từ nửa đầu thế kỷ 19, Cầu Xích là một thành tựu kỹ thuật đáng kể của thời đó. Ở hai đầu cầu, nhà kiến trúc tài ba đã cho đắp sừng sững một đôi sư tử nhe nanh, như có ý nhắc nhở rằng sợ vợ không chỉ là đặc tính của đàn ông Châu Á. Dẫu vậy, người Hung thật xứng đáng là một dân tộc thông minh, cái gì cũng hơn người thường một chút, vì nếu nhìn gần, thì các bà sư tử này hình như không có lưỡi.

Budapest có những dãy phố cổ dọc theo bờ sông, phía Buda, tối mở cửa sổ có thể nhìn sang thành Vár và Nhà Quốc hội bên kia sông rực ánh đèn. Các khu cổ này một nhà to có nhiều căn hộ, có lẽ là chỗ ở cho các thị dân giàu có ngày xưa, cửa sổ cao và thoáng, mỗi nhà có một cái cổng đá xây rất phong cách, nhô ra đường để khi trời mưa khách vãng lai có thể vào trú được. Chiếc cổng đã che bao thế hệ thanh niên đi ngang qua nó. Ngày hôm nay là những cô cậu sinh viên của thế hệ iPad, 30 năm trước là thế hệ của tôi và bạn, 30 năm trước nữa là những sinh viên của năm 1956 đầy biến động, mà trong lòng họ không biết đất nước và bản thân sẽ đi về đâu…

Bên ngoài cửa sổ phòng làm việc trời tối dần. Các cao ốc bắt đầu thắp sáng, thành phố rực ánh đèn. Đèn của Hà Nội, của Budapest, Genève, hay của New York, Los Angeles, Singapore? Ba mươi năm là một nửa đời người. Ba mươi năm qua, tôi đã đi rất nhiều nơi trên quả đất này, và các bạn cũng vậy. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, có lẽ bạn vẫn muốn về qua nơi ấy, nơi của những tháng ngày sôi nổi, của tuổi trẻ và ước mơ, với hơi ấm của bàn tay và nhịp đập dồn dập trong lồng ngực.

Nơi bạn đã tìm ra con đường của riêng mình.’’

(còn nữa)

(*): Tôi đặt tên cho phần này như vậy vì hồi đó chiến tranh VN chưa kết thúc. Khi chúng tôi sang Hungary là giai đoạn ác liệt nhất với chiến dịch/Operation Linebacker II mà chúng ta gọi là ''Điện Biên Phủ trên không'', vì vậy nơi đây với chúng tôi là đất nước an toàn và rất thanh bình, nơi chúng tôi đã có một thời gian ko thể quên với rất nhiều kỷ niệm ở đây.

Hình ảnh: Chọn từ net

1 comment:

  1. GS Trần Văn Nhung nhận xét dân tộc Hung là dân tộc của những người thông minh (tiêu biểu với nhiều giải Nobel và thế hệ ”nguời sao Hoả”), vì vậy tôi đã mượn ý của ban nhạc Omega để gọi con đường đến tương lai của Hungary (mà nhiều người trong chúng tôi đã tiếp nhận được ánh sáng trên con đường này và từ đây tìm thấy con đường của riêng mình) là Csilagok útján như trên.

    ReplyDelete