Vùng trời bình yên
Ở thế kỷ 21, có những điều mà trong thế kỷ trước ko ai nghĩ rằng sẽ có nhiều thay đổi đến vậy. Trong phần trước (Đất lành chim đậu) tôi đã viết rằng: ''con người là nhân tố quan trọng để kiến tạo quốc gia''. Hồi đó, khi là những LHS ở Hungary, vùng trời bình yên đầu tiên mà tôi biết trong thời kỳ chiến tranh, chúng tôi được gọi là những hạt giống đỏ của quê hương (Tôi sẽ trình bày về chúng tôi ở phần tiếp theo). Nhưng cho đến nay, các thế hệ sau chúng tôi vẫn còn phải trở lại với câu chuyện phát triển, điều liên quan đến lượng và chất, về tác động của con người, về sự trì trệ từ nguyên nhân do con người. Viết những dòng chữ này, quê hương đang làm tôi thất vọng về trình độ phát triển. Có người còn nói: đất nước này ko chịu phát triển. Có nhiều lý do là nguyên nhân, trong đó năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/5 của người Malaysia, 2/5 của người Thái Lan và tệ hơn, chỉ bằng 1/15 của người Singapore.
Lý Quang Diệu từng nói rằng lẽ ra vị trí số một ở ĐNA phải là của VN. Theo ông, vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có thể đưa VN trở thành 1 con hổ ở châu Á. Ông cho rằng, đất nước Singapore nhỏ bé với diện tích và dân số chỉ xấp xỉ Sài Gòn, hoàn toàn không có tài nguyên thiên nhiên, chỉ có một ít đất để xây dựng và ngay cả nước sinh hoạt cũng phải nhập từ Malaysia, nhưng Singapore đã phát triển trở thành đất nước có GDP cao thứ hai ở châu Á chỉ sau Nhật Bản.
Nói đến Nhật Bản, Lý Quang Diệu cũng chỉ ra những bất lợi của quốc gia này, đó là một quốc gia bại trận sau Thế chiến thứ hai, không giàu tài nguyên, quanh năm động đất và sóng thần, nhưng chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, Nhật Bản là người khổng lồ châu Á. Lý Quang Diệu cho rằng, sự thành công của một quốc gia bao gồm ba yếu tố: điều kiện tự nhiên (vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên), con người và thời cơ. Trong đó, để có yếu tố thời cơ, thì yếu tố con người phải vững vàng và nhanh nhạy. Lý Quang Diệu đánh giá rất cao điều kiện tự nhiên của VN, nhưng ông ko đánh giá cao yếu tố con người (trong sự phát triển chậm chạp hiện nay).
Các thông tin từ truyền thông trong nước luôn ca ngợi sự thông minh, tính cần cù, chịu khó của người Việt. Thực tế, tôi không thấy được điều đó (có thể nó chỉ là tiềm năng?). Xin nhắc lại, năng suất làm việc của người Việt chỉ bằng 1/15 của người Singapore, tức là một người Singapore làm việc bằng 15 người VN. Dân số Singapore khoảng 5 triệu dân, dân số VN là hơn 90 triệu dân. Vậy tức là năng suất làm việc của 5 triệu dân Singapore chỉ mới bằng 75 triệu dân VN, thế nhưng GDP của Singapore là gần 300 tỷ USD, trong khi GDP của VN là khoảng 170 tỷ USD. Đó chỉ là một so sánh chung chung, chưa tính đến dân số ở độ tuổi lao động của hai quốc gia. Một khi yếu tố con người đã yếu kém như thế thì yếu tố cơ hội cũng sẽ chẳng có nhiều.
Lý Quang Diệu tiếc vì VN ko biết trọng dụng người tài, ông nói rằng những người tài giỏi nhất của VN đã định cư ở nước ngoài hết rồi. Tôi cũng thấy như vậy. Tôi thường nghe nói về cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam và cũng thường xem các video thi hùng biện tiếng Anh của em. Báo chí và truyền thông VN cũng hay đề cập đến em, nhưng tuyệt nhiên ko thấy có một động thái nào của chính phủ VN dành cho Đỗ Nhật Nam. Phải chăng đối với chính phủ, cậu bé ấy không phải là nhân tài cần đầu tư và phát triển? Chưa kể là trong một lần phát biểu về truyện tranh, cậu bé ấy đã bị những người lớn công kích, chỉ vì em ko thích đọc truyện tranh mà chỉ thích đọc sách khoa học. Thật trớ trêu, Đỗ Nhật Nam chỉ là một trường hợp thần đồng được báo chí ưu ái, nhưng cũng bị chính phủ thờ ơ. Vậy còn những thần đồng thầm lặng khác ở cái đất nước hơn 90 triệu dân này thì sẽ nhận được hỗ trợ gì từ chính phủ? Trong mọi sự phát triển, yếu tố con người luôn tối quan trọng. Thật đáng tiếc.
Dù sao thì ông Lý Quang Diệu cũng chỉ là người nước ngoài. Thế nhưng những nhận định khách quan của ông cũng đáng để suy ngẫm về sự phát triển của một quốc gia nhiều thuận lợi như VN. Tôi thường thấy VN rất tự hào về lực lượng lao động trẻ với giá nhân công rẻ của mình. Tôi cảm thấy đó là một điều ko nên tự hào hiện nay. Giá nhân công rẻ chẳng qua là do trình độ, tay nghề kém nên chẳng thể đòi hòi được trả công cao. Gần đây, quốc gia láng giềng với GDP thấp hơn VN là Campuchia cũng đã tự chế tạo được xe hơi. Ngược lại, khi hãng điện tử Samsung đưa ra danh sách những mặt hàng có thể đặt gia công với các doanh nghiệp VN thì mới vỡ lẽ là VN chưa thể sản xuất nổi cái sạc pin, usb và ngay cả vỏ nhựa cho điện thoại di động. Như thế, VN đã đánh mất cơ hội gia công cho hãng này. VN sẽ đánh mất nhiều cơ hội như thế cả về quy mô và số lượng nếu cứ tiếp tục tự hào với những cái thuộc về quá khứ và ko nhận thức được một cách thấu đáo và nghiêm túc vị trí của mình trên bản đồ khu vực và thế giới. Lý Quang Diệu nói: nếu như vậy, phải mất 20 năm nữa VN mới bằng Malaysia, vậy thì 20 năm nữa Malaysia sẽ phát triển ra sao và mãi mãi người Việt sẽ bị ám ảnh bởi sự thua kém của mình hay sao?
(còn nữa)
Note: Nhiều đoạn trong phần này tôi lược ghi từ bài viết của tác giả Cao Huy Huân (Việt Nam dưới mắt cựu thủ tướng Lý Quang Diệu)
Hình ảnh: Chọn từ net
No comments:
Post a Comment