Monday, February 9, 2015

Đất nước: Từ những bài ca

Tôi đã post một số bài hát mà theo tôi là những ngọn núi lớn trong di sản văn hóa - âm nhạc Việt Nam. Nếu Đoàn Hồng Nghĩa đã viết bài "Đất nước của tôi" bằng những vần thơ thì tôi cũng muốn viết "Đất nước của tôi" từ những âm điệu và lời ca, từ những gì vốn là tinh thần và tư tưởng thuộc về lao động nghệ thuật và tài năng của một lớp nghệ sĩ tiêu biểu trong những năm chiến tranh.

Bắt đầu từ những bài ca trầm hùng của thời kỳ đầu với Tiến quân ca, Cùng nhau đi hồng binh... dòng nhạc cách mạng đã hòa theo những đoàn quân trong sự chuyển mình của đất nước. "Cùng nhau đi Hồng binh là một bài hát được sáng tác năm 1930 của nhạc sĩ Đinh Nhu, được coi là bài hát đầu tiên của tân nhạc cách mạng Việt Nam.
Tác giả Đinh Nhu sáng tác bài hát này khi chưa đầy 20 tuổi. Ông vốn không phải là nhạc sĩ, mà chỉ là một thanh niên tham gia hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp. Ông bị tù do hoạt động cách mạng, và bị Pháp bắn chết ngày 17 tháng 3 năm 1945Cùng nhau đi Hồng binh được ông sáng tác khi đang bị giam trong tù, lấy cảm hứng từ cao trào đấu tranh cách mạng sôi nổi những năm 1930, đặc biệt là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tuy được sáng tác năm 1930 nhưng bài hát chỉ thực sự lan truyền rầm rộ vào năm 1945, khi phong trào kháng Nhật, chống Pháp lên cao, dẫn đến Cách mạng tháng Tám. Cùng với nhiều bài khác như Cờ Việt Minh (Vương Gia Khương), Tiếng gọi Thanh niên và Lên đàng (Lưu Hữu Phước), Du kích ca (Đỗ Nhuận), Tiến quân ca (Văn Cao), Cùng nhau đi Hồng binh đã được hát ở nhiều nơi, tại các cuộc biểu tình, mít tinh trong giai đoạn cách mạng đó." (Wikipedia)
Vào những năm 70, đoàn ca nhạc Kuban đã biểu diễn bài hát này theo phong cách của người Cô-dăc tại Nhà hát thành phố (TP.HCM). Tôi rất thích khi 1 dân tộc yêu tự do và mang tinh thần thượng võ như người Cô-dăc đã tìm thấy được phong cách của họ trong bài hát này và chọn nó để đưa vào chương trình biểu diễn của họ.
Thời kỳ chống Pháp là thời kỳ mà giới nghệ sĩ đều trưởng thành chủ yếu bằng bản năng hoặc chỉ được đào tạo căn bản, cấp tốc để hoàn thành những "nhiệm vụ" được giao một cách nghiệp dư. Về âm nhạc, nhiều người chỉ là "nhạc sĩ bất đắc dĩ" nên để sáng tác được những tác phẩm có giá trị rất cần được đào tạo trong một môi trường chính quy của nghệ thuật vì âm nhạc còn là một khoa học dùng âm thanh để diễn tả tất cả những gì thuộc về con người, đi vào trái tim khối óc và cuối cùng có ảnh hưởng lớn lao đến cuộc sống và hành động của họ. Ngoài vẻ đẹp không gì sánh nổi của tự nhiên thì những vẻ đẹp tuyệt vời nhất từ sáng tạo của con người là thuộc về nghệ thuật.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ là thời kỳ của những sáng tác đa dạng hơn về thể loại với nhiều thể nghiệm mới. Nhưng cũng như chữ quốc ngữ, những đóng góp lớn nhất cho "văn hóa-âm nhạc" cũng chỉ hạn hẹp với những ca khúc mà thiếu hẳn những mảng đồ sộ hơn của nhạc không lời, của vũ kịch và dàn nhạc giao hưởng, đây mới là những gì thật sự là linh hồn của 1 nền âm nhạc phát triển, từ đó mới thể hiện được tất cả những gì mà con người muốn, như những kiệt tác hoành tráng, kể cả những điều cao siêu và vĩ đại. Vì vậy, rất đáng tiếc là chúng ta đã không thể khắc họa được cuộc chiến tranh bi hùng mang tầm vóc lớn lao của cả dân tộc mà chỉ là những tác phẩm mang dáng vóc của những chiến sĩ, những anh hùng hoặc chỉ cục bộ trong một vùng, một ngành nào đó mà thôi.
Và vấn đề của chúng ta không phải chỉ ở tầm thưởng thức ca khúc. Chúng ta đã có nhiều nhạc sĩ được đào tạo từ nước ngoài trở về như Hoàng Vân, Huy Du, Chu Minh, Hoàng Việt... Họ muốn đem những gì hấp thu được để chuyển hóa quá khứ của "văn hóa-âm nhạc" với những bản giao hưởng, với nhạc kịch... nhưng cũng như vấn đề của mỹ thuật, chúng ta không có công chúng nghệ thuật, tác phẩm hình thành rồi phải xếp lại vì không thể dàn dựng với lý do "vé chẳng ai mua, mời chẳng ai đến" (Nhạc sĩ Tô Hải).
Cơ sự "đàn gảy tai trâu" như thế là vì cả dân tộc thiếu 1 nền tảng âm nhạc, nền tảng văn hóa. Nhưng người Việt chúng ta vốn chỉ thích vay mượn, copy hoặc thậm chí "chôm chỉa" để có cái áo, cái quần, cái nhà, cái xe... tất tần tật những gì là văn hóa vật chất, văn hóa tiêu dùng. Còn cái thật sự là văn hóa thì lại không chạm đến được cho đến nơi đến chốn.
Tình trạng "đói kém văn hóa" triền miên cùng với bế tắc kinh tế càng làm cho vấn đề khủng hoảng văn hóa, khủng hoảng âm nhạc thêm trầm trọng.
Trở về với ca khúc, vốn là thế mạnh vì được nhiều tầng lớp ưa chuộng thì nay cũng bế tắc, không còn phản ánh được những gì vốn là xu thế, là tinh thần của đất nước. Thị trường âm nhạc trở nên xô bồ, nhạt nhẽo, què quặt; chỉ quanh quẩn với những phiền muộn ưu tư và tình yêu muôn vẻ... Nếu muốn có 1 bài hát để cổ vũ cho đội tuyển bóng đá cho ra hồn Việt Nam đã khó, đừng nói đến chuyện tạo nên hình ảnh của một Việt Nam quật cường sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong tình hình Trung Quốc đang có nhiều biểu hiện ngang ngược, càng ngày càng trắng trợn, càng ngày càng leo thang với mức độ nguy hiểm cao hơn cho đất nước của chúng ta.
Chúng ta đang thiếu trầm trọng một tầng lớp nhân tài/tinh hoa trong mọi lĩnh vực, những con người hành động có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội, sống thực tế, giàu có tri thức và tâm hồn để thưởng thức/tạo ra những giá trị nghệ thuật mang tầm vóc lớn lao mà trong đó cái đích Chân - Thiện - Mỹ là điều mà mọi nền văn hóa đều muốn vươn tới.
(Tổng hợp & viết)

1 comment:

  1. Những bài hát được nói đến cùng với các nhạc sĩ trên đây đều thuộc dòng nhạc cách mạng (chủ yếu là ở miền Bắc), trong khi Việt Nam là quê hương của rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ từ cả 3 miền và nhiều dòng nhạc khác nhau. Về nội dung của bài viết, tôi chỉ muốn viết thật giới hạn về 1 dòng nhạc chủ đạo, từng ảnh hưởng sâu rộng và phản ánh được 1 chặng đường của dân tộc trong chiến tranh nhưng đến nay hầu như chỉ còn là dư âm mà thôi.

    ReplyDelete