Sunday, February 22, 2015

Nguyễn Ái Việt: Suy nghĩ tản mạn về hệ thống giá trị

Thất bại lớn nhất của trí thức Việt Nam không phải là không có tác phẩm lớn, công trình lớn hay sản phẩm cụ thể như một con ốc vít. Nói đến tác phẩm lớn của Việt Nam có lẽ còn là xa xỉ. Công trình lớn có lẽ cũng có thể có nếu như các công trình của các giáo sư, chuyên gia gốc Việt có thể xem là của Việt Nam để đem lại một cảm giác dễ chịu. Không có một sản phẩm hoàn toàn của mình dù nhỏ như ốc vít, có thể chống chế là quá nhỏ không đáng làm hay lớn như xe hơi có thể biện minh là quá khó trong hoàn cảnh đất nước hiện nay. Không sao, chúng ta có thể tạm thời đọc các tác phẩm lớn của thời đại, cho dù phải dùng tới trí tuệ máy của Google. Chúng ta hoàn toàn có thể xoa dịu tâm lý thua thiệt bằng các tên tuổi đang mang chuông đi đấm ở xứ người hoặc các công trình lớn ở dạng tiềm năng như các giải thưởng Olympics. Không có ốc vít, xe hơi, tạm thời có thể nhập, để làm quen dần với khái niệm về chất lượng.
Thất bại lớn nhất của trí thức Việt Nam là sau 70 năm đã không cùng nhau xây dựng được một hệ thống giá trị phù hợp và ổn định. Xây dựng hệ thống giá trị là quyền lực của giới trí thức trong mọi hoàn cảnh, từ bỏ nó là một tội không thể biện minh hay đổ lỗi cho hoàn cảnh. Vậy thì hệ thống giá trị là gì?
Thuật ngữ hệ thống giá trị (value system) được nhà tâm lý học Clare W. Graves tiên phong sử dụng một cách hệ thống bao gồm đạo đức, mĩ học, chuẩn mực, sở thích, niềm tin và thế giới quan được gắn kết với nhau theo một hệ thống phân tầng, định hình mỗi cá nhân, nhóm người hay nền văn hóa.
Thực ra, hệ thống giá trị đã có từ thời Aristotles với các hình thức sơ khai ban đầu như đạo đức nhân cách (virtue ethics) và quy tắc ứng xử (code of conduct). Một xã hội không có hệ thống giá trị ổn định là một xã hội "ông nói gà bà nói vịt", người nọ chê người kia, khen người nọ mà không cần tham chiếu tới một chuẩn mực nào. Ngày hôm nay nói thế này theo lý sự này, mai nói thế khác theo lý sự khác, như những đứa trẻ thay đồ chơi. Xã hội như thế sẽ có các trí thức kiểu David Cooperfield, đưa ra các thuyết như nặn đất sét theo ý mình, nhưng chủ yếu là bợ đỡ theo ý người khác để có được sự tôn vinh phù phiếm dễ dàng, Các học thuyết đất sét như thế không đủ cứng rắn để làm nền tảng cho việc đánh giá của xã hội. Phong cách trí thức này sẽ dẫn tới việc đo mọi vật bằng một cái thước cao su, tưởng rằng bằng sự thông minh khéo léo vặt vãnh này mình đang khệnh khạng làm xiếc với tri tuệ của xã hội, biết đâu, đáng thương thay, đang bị lợi dụng như một con rối theo sự điều khiển của người khác.
Đã đành rằng thế giới ngày nay là đa chiều, con người cần biết sống với những quan điểm khác nhau, thậm chí xung đột. Nhưng tối thiểu tổ chức xã hội phải có một nền tảng giá trị chung đề hình thành các tính cách đặc trưng của mình để còn tiến bộ. Các nhà khoa học Việt Nam chép luận văn của người khác một cách hồn nhiên và không hề biết đến khái niệm đạo văn. Không có hệ thống giá trị, con người sẽ còn xảo biện và tranh cãi không thôi và quay đi quay lại với những vấn đề cũ rích. Không có hệ thống giá trị, con người không biết phân biệt  đúng sai, không có mục tiêu để tiến tới, xoay xở chạy rối rít như kiến bò trên miệng chén, chẳng đi đến đâu.
Theo Graves, ngày nay chúng ta có thể thấy được 8 mức phát triển khác nhau của hệ thống giá trị:
1. Hệ thống giá trị sinh tồn
2. Hệ thống giá trị bộ lạc, làng xóm
3. Hệ thống giá trị anh hùng cá nhân phong kiến
4. Hệ thống giá trị trật tự độc tôn
5. Hệ thống giá trị tổ chức doanh nghiệp, khoa học và chiến lược
6. Hệ thống giá trị nhân bản bình quân
7. Hệ thống giá trị bức tranh lớn tích hợp theo quá trình vận động
8. Hệ thống giá trị toàn cầu
Mỗi người chúng ta lại đều phải  chịu ảnh hưởng bới hai hệ thống giá trị khác nhau: hệ thống giá trị cộng đồng và hệ thống giá trị cá nhân. Không thể đòi hỏi hai hệ thống này phải giống nhau hoặc hoàn toàn không có xung đột.Tuy nhiên, cần có một sự cân bằng giữa tính khác biệt của cá nhân để kích thích sự sáng tạo, nhân cách độc đáo, khai phóng và có một chuẩn mức chung để hạn chế xung đột tạo điều kiện cho sự phát triển.
Trong một xã hội phát triển ở mức độ cao, cần chấp nhận các ý kiến đa chiều, hệ thống giá trị cho phép các nhóm, cá nhân khác nhau bên cạnh việc chia sẻ những giá trị chung, có thể có những đánh giá khác nhau như bóng bầu dục hay hơn bóng đá, trà xanh ngon hơn cà phê, tinh thần có trước vật chất, nghệ thuật vị nghệ thuật hay trứng có trước gà. Một hệ thống giá trị vững vàng có thể cho phép những khác biệt như vậy mà không gây ra xung đột xã hội hay ám toán cá nhân bằng những thủ đoạn mờ ám hay tung hỏa mù đánh lộn nhèo giữa ngọc và bùn.
Chẳng hạn, xung đột ý thức giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể có thể dung hòa nếu xã hội có nền tảng giá trị về tính người. Cũng giống như cái lỗ trong miếng pho mát vẫn cần có pho mát để tồn tại, một thiên kiến cực đoan về cá nhân và tập thể đều dẫn đến một xã hội phi nhân tính, mặc dù đề cao tính cách cá nhân hoặc đề cao con người sống vì tập thể đều bắt đầu bằng các mục tiêu nhân đạo và bác ái.
Một hệ thống giá trị đủ lớn sẽ đủ vững vàng để dung hòa mọi dị biệt, ngăn ngừa xung đột không cần thiết. Một hệ thống giá trị như vậy sẽ tạo ra cho dân tộc một tính cách để có thể thẳng lưng, ngẩng đầu mà nhìn tới mai sau, tới  những thiên hà xa xôi và tự suy nghĩ để mưu cầu hạnh phúc. Đó là việc tối thiểu mà những kẻ đọc sách phải cùng nghĩ tới. Ngay bây giờ. Không chậm trễ.

29 comments:

  1. Bài viết của bác sâu sắc quá, chỉ ra đúng điểm xấu căn bản nhất của giới tự nhận mình là trí thức Việt Nam. Trí thức gì mà chẳng có bản lĩnh, chính kiến. Không những họ không xây dựng được một hệ thống giá trị mà còn đảo lộn các giá trị. Ngày nay chạy chức chạy quyền đã đành (vì các quan chức chưa bao giờ là biểu tượng của giá trị tinh thần. Quan thì tham mà). Xã hội bây giờ họ chạy để có danh hiệu tiến sỹ, giáo sư, anh hùng lao động ... Họ làm em chợt nhớ đến danh hiệu "tiết hạnh" của bà phó Đoan trong tiểu thuyết Số Đỏ xưa.
    Do Quang Bình/FB

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trí thức Việt Nam mê danh hiệu một cách kinh khủng, nhưng cái đó chỉ buồn cười và đáng thương hơn là đáng trách, chỉ có điều thiếu tiết tháo. Có được cụ Cao Bá Quát cứng cỏi ngỗ ngược "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm. Nhất sinh đê thủ bái mai hoa", thì bị chu di tam tộc mất.
      Nguyen Ai Viet/FB

      Delete
  2. Vấn đề là hệ thống giá trị không chỉ do giới trí thức tự xây dựng được, anh Việt có ví dụ nào về việc giới trí thức có thể tồn tại độc lập chứ đừng nói có thể xây dựng hệ thống giá trị trong 1 xã hội toàn trị với sự thống trị và infiltrate của chính trị tới mọi tế bào của xã hội không? Tất cả những cái ta chứng kiến hiện nay là hệ quả tất yếu là logic của hệ thống; có trách các cá nhân trí thức thì chỉ là sự thiếu dũng cảm mà thôi
    Won Chun Hoe/FB

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hầu như trong mọi trường hợp nhiệm vụ xây dựng hệ thống giá trị là của trí thức (Tất nhiên thế nào là trí thức cũng là một câu hỏi). Ví dụ rõ nét nhất là tầng lớp tăng lữ Balamon ở Ấn Độ, vốn là đẳng cấp thứ hai, được đẳng cấp vua chúa kỵ sĩ giao cho nhiệm vụ xây dựng hê thống giá trị, sau nhiều thế hệ không chỉ trở thành một tầng lớp tồn tại độc lập mà còn nắm luôn vai trò đẳng cấp số 1 của xã hội. Trí thức không xây dựng được hệ thống giá trị không thể đổ lỗi cho thể chế xã hội hay chính trị. Cố nhiên trong xã hội ranh giới giữa nhân và quả khá mờ.
      Nguyen Ai Viet/FB

      Delete
    2. Vấn đề thời trước sỹ nông công thương binh; còn trong xã hội vô sản thì sỹ là bét; xã hội toàn trị khủng khiếp và ngặt nghèo hơn xã hội giai cấp/đẳng cấp nhiều - Thiết tưởng không cần nhắc đến hằng hà sa số các ví dụ ở ngày Việt nam về các tấm gương trí thực bị đầy ải như thế nào chỉ vì giám khác với hệ thống giá trị chuyên chính độc quyền (chứ chưa nói là tạo ra hệ giá trị mới để thay thế); bế tắc của xã hội VN là tổng thể chứ chẳng phải do một giai tầng, giai cấp nào cả, ý em là vậy anh Việt ah.
      Won Chun Hoe/FB

      Delete
    3. Nói thêm hệ thống giá trị của ta từ ngày có XXX là hệ thống giá trị độc quyền có tính bền vững và rất dị ứng với bất cứ sự khác biệt nào (chứ nói chi đến đi ngược), đây là hệ thống giá trị đi ngược với tự nhiên và được nuôi dưỡng bằng tuyên truyền, mị dân, đàn áp, và sợ hãi (đến mức thành quán tính, nên kể cả khi thay đổi thể chế thì cũng còn phải mất nhiều giai đoạn phục hưng, khai sáng, minh trị, ect etc mới đi đến hình thành và hoàn thiện hệ thống giá trị mới được)
      Won Chun Hoe

      Delete
  3. Tôi trộm nghĩ rằng cần phải định nghĩa lại tầng lớp trí thức. Sứ mệnh của tầng lớp trí thức là dẫn dắt xã hội vươn tới những giá trị đích thực, nếu không phải như thế thì không còn là trí thức.
    Do Quang Binh/FB

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cần nhìn xã hội như một tổng thể. Landau không phải đi Syberia là nhờ có Kapitsa, trong khi vô số nhà sinh vật bị đày đi Syberia do Lyshenko, các nhà toán học bị đày đi Syberia do Sedov, các nhà văn đi Syberia vì Fadeev. Một mình Stalin và Beria làm sao đưa trí thức đi Syberia nếu không có một trí thức nào đó đề nghị. Như vậy đừng đổ cho xã hội toàn trị, trí thức đớn hèn nên xã hội mới toàn trị. Nếu các nhà bác học xô viết đều được như Kapitsa thì làm gì có bi kịch.
      Nguyen Ai Viet/FB

      Delete
  4. Thực ra chỉ cần định nghĩa trí thức như là các kiến trúc sư của hệ thống giá trị. Một giải thưởng Fields hay chức Viện trưởng không có nghĩa là trí thức. (Thậm chí ... :) )
    Nguyen Ai Viet/FB

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng anh; thì em đã bảo chỉ là họ thiếu dũng khí; vấn đề vẫn là chuột nào và làm thế nào để đeo chuông vào cổ con mèo :)
      Ở đây cũng phải nói rõ như bác Bình, phải định nghĩa cho rõ trí thức - mấy vị đề xuất đầy ải trí thức đi Siberi (hay đấu tố Nhân Văn Giai Phẩm) etc không phải hoặc không còn là trí thức theo cách mà em hay anh hiểu (maxim gorky còn viết thư tới Lê Nin sử dụng mối thâm tình trước đó để can việc Bolshevik vặt cổ các trí thức elite Nga và Le nin đã viết trả lời sỗ sàng rằng: "...Bọn chúng tự cho mình là tinh hoa của dân tộc, còn tôi chỉ xem bọn nó là cứt!") kể cả những trí thức tây học rồi về phát biểu bảo là không cần (tinh thần) phản biện cũng là trí thức cũng cùng class đấy thôi bảo sao những Lê Nin đỏ nó khinh cho và dắt mũi cho là phải :)
      Won Chun Hoe

      Delete
    2. Đúng vậy, nhiều "trí thức" làm mình nhớ đến câu nói của bác Mao :)
      Nguyen Ai Viet/FB

      Delete
    3. Anh cứ xem cái cách mà người ta đối thoại, góp ý gì gì đó liên quan đến giáo dục là biết ngay - cái vấn đề chính, cốt lõi, nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì chẳng ai giám nói cả (depoliticization) thay vì đó toàn chuyện ghẻ lở ngoài da như sách giáo khoa, giáo trình etc :)
      Won Chun Hoe/FB

      Delete
    4. Chúng ta phải giải bài toán với một số điều kiện biên.
      Nguyen Ai Viet/FB

      Delete
    5. Nhưng anh có thể dùng penalty based methods để explore ra ngoài biên mà :) (phá rào ấy - cho nên những người trí thức thực sự là những người dám phá rào cản xã hội, giám nghĩ và ước định được các vấn đề xã hội ngay cả khi nó chưa có ở thì hiện tại, theo tiêu trí ấy thì cũng không có nhiều trí thức lớn lắm, Phan Chu Trinh chính là một ví dụ điển hình của trí thức lớn nghĩ xa hơn thời đại và hoàn cảnh xã hội của mình :)
      Won Chun Hoe/FB

      Delete
  5. Trên phương diện lịch sử, hiện tượng háo bằng cấp là vấn đề từ lâu đời của văn hóa phương đông. Đơn giản là trong hệ thống phong kiến, học hành và bằng cấp là đại lộ chính thống dẫn đến quyền lực và giàu có, đặc biệt ở một nước như VN (cả công và thương đều bị khinh bỉ nên nói chung tuyệt kém phát triển). Pháp mang đến VN hệ thống giá trị phương tây thực dụng, nhưng họ không thể áp đặt nó (vài triệu người đề kháng vài ngàn người là vấn đề không chính quyền thuộc địa nào muốn gặp), mà chỉ có thể từ từ "giáo hóa" người bản địa với những chính sách đường dài như thành lập public education dạy chữ quốc ngữ, khuyến khích, thành lập các đầu mối giao thương buôn bán, đưa công nghệ hiện đại đến Đông dương để impress dân bản địa, v.v... Những chính sách này chỉ mới mang về những thành quả sớm sủa nhất (dù quá trình gặp đầy khó khăn về tài chính cũng như tình hình phức tạp của chính trường thế giới qua khủng hoảng kinh tế và hai cuộc thế chiến) thì chiến tranh giành độc lập xảy ra và ảnh hưởng này đã sớm bị xóa sổ ở miền bắc.

    Chủ nghĩa cộng sản thành lập một phần của hệ thống giá trị mới, phần còn lại là di sản giá trị phong kiến (như hiện tượng sùng bái lãnh tụ), cũng như hậu quả của những chính sách khắc nghiệt của chính quyền cộng sản (như đấu tranh giai cấp gây mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội; biến quốc gia thành trại lính tập trung vào tiêu diệt thể chế miền nam thay vì phát triển xã hội ở miền bắc; áp đặt ý thức hệ vào giáo dục và truyền thông, biến các mảng khoa học xã hội trở thành vô giá trị vì chỉ toàn nói láo). Khi ý thức hệ cộng sản trở thành suy đồi và lỗi thời, các giá trị phong kiến truyền thống và ngụy tạo truyền thống nhồi vào khoảng trống (háo bằng cấp, mê tín, sùng bái, thờ phụng linh tinh), cộng thêm là du nhập những hiện tượng "dễ dãi nhất" (lowest hanging fruits) như materialism, consumerism, celebrity worshiping...
    Allen Prenn/FB

    ReplyDelete
  6. Có lẽ attribute việc phổ cập chữ quốc ngữ cho Pháp không hoàn toàn đúng. Chữ quốc ngữ chỉ trở thành phổ cập do công lao của Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Hữu Đang trong phong trào bình dân học vụ. Thời Pháp bằng Sơ học Yếu Lược và bằng Thành chung đều là các danh hiệu elite. Ở đây, tôi không muốn bàn về ý thức hệ. Vấn đề ở chỗ, trong một hệ thống, với một số điều kiện ràng buộc, phải hình thành được một tầng lớp có thể đưa ra đánh giá không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan, cho dù kết quả đánh giá đó có lợi cho một lập trường giai cấp nào. Ngay cả việc đó các trí thức Việt Nam cũng không làm được. Khi không có hệ thống đánh giá, không thể phát triển cho dù như Nga - Đông Âu trước kia hay như Trung Quốc bây giờ.
    Nguyen Ai Viet/FB

    ReplyDelete
  7. Theo tôi thì trên thế giới chỉ có nước Anh là có hệ thống giá trị vì đó là đất nước duy nhất có lịch sử lâu dài và không có cách mạng nên vẫn giữ được cái gọi la truyền thống liên tục lâu đời.
    Hong Nhat Do/FB

    ReplyDelete
  8. Aiviet Nguyen: Pháp bắt đầu thành lập trường công kêu gọi (đúng ra phải nói là dụ dỗ và trả tiền) người dân đi học, không phân biệt thành phần xã hội, từ những năm cuối thế kỷ 19 (Phần đầu truyện ký "Tuấn, chàng trai đất Việt" có đề cập đến vụ này), bắt đầu truyền bá chữ quốc ngữ. Sở dĩ những người có bằng cấp đều trở thành elite ban đầu vì có quá ít người đi học, hoặc do điều kiện gia đình không cho phép, hoặc do nghi ngờ nhà cầm quyền thuộc địa, hoặc cho học theo giá trị cũ (giáo lý Khổng Mạnh) đáng giá hơn.
    Allen Prenn/FB

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đoạn đầu "Tuấn chàng trai đất Việt" (tiểu thuyết chứ không phải truyện ký) nói về lễ ăn mừng bằng Sơ học yếu lược (tương đương Elementary School. Trường công thì ở đâu cũng có, nhưng phổ cập giáo dục thì phải nằm trong mục tiêu của nó và phải thể hiện bằng chương trình hành động của nó. Chương trình hành động phải bao gồm cả accessibility của đám đông. Như sắc lệnh của HCM rất tường minh, và phong trào Bình dân học vụ được Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Hữu Đang thực hiện thành công. Tất nhiên ngay nay, những người chống cộng có xu hướng phủ định sạch trơn mọi thành tích của chính phủ VNDCCH.
      Nguyen Ai Viet/FB

      Delete
    2. Tôi phủ nhận phong trào Bình dân học vụ làm gì chứ bác Đó là chương trình xóa mù chữ. Ở thời điểm 1945 thì chữ quốc ngữ đã trở thành de facto ngôn ngữ viết hơn khoảng 3 thập kỷ rồi còn chi nữa.

      Tôi cảm nhận bác có vẻ đánh giá chưa đủ tầm quan trọng của việc Pháp hợp thức hóa chữ quốc ngữ và thành lập một hệ thống giáo dục công lập. Cho tới thời điểm đó, VN không hề có một thứ gì giống như thế trong lịch sử. Ngoài trường Quốc học thành lập ở kinh đô, giáo dục còn lại hoàn toàn tự túc.

      (TCTDV theo tôi là truyện ký gần với hồi ký hơn là tiểu thuyết. Nguyễn Vỹ đổi tên các nhân vật -- nghe nói một phần vì sợ bị kiện, và có thể đã phóng đại hoặc tiểu thuyết hóa nhiều chi tiết, nhưng vẫn là tài liệu nhiều giá trị để tìm hiểu về xã hội VN buổi giao thời đầu thế kỷ 20)
      Allen Prenn/FB

      Delete
  9. Theo em trí thức là người có thể tự hình thành HTGT. Có loại hệ thống giá trị do học tập nghiên cứu mà hình thành, có loại hệ thống giá trị do rèn luyện thử thách mà hình thành. Thế hệ bọn em học thì lôm côm, thử thách thì vặt vãnh, làm sao hình thành được hệ thống giá trị. Em đồ rằng hệ thống giá trị tốt nhất của Việt nam bây giờ là do tri thức- nông dân Nam bộ đang tạo nên! Nhất là Cà mau. Vào đó thấy thật dễ chịu:-)
    Nguyen Thanh Nam/FB

    ReplyDelete
  10. Hệ thống giá trị là kết quả của tradition của lịch sử lâu dài của mỗi dân tộc. Vì vậy mỗi cuộc cách mạng giai cấp sẽ một lần phá hủy hệ thống giá trị cũ. Để xây hệ thống mới cần thời gian ,luật pháp ,phong tục tập quán mới. Ví dụ nước Anh là nước không bị cuộc cách mạng nào phá hủy, không bi ngoại bang xâm lược ,lại có lịch sử lâu dài nên họ giữ đươc tradition của mình, ở đó hệ thống giá trị là bền vững nhất, thống nhất ,khuôn mẫu nhất. Nước Mỹ không có lịch sử lâu đời nên chuẩn mực của ho cũng tự do. Mấy nước qua xã hội chủ nghĩa thì chuẩn mực cũ bị phá hoại, chuẩn mới chưa kịp xây đã lại thay đổi.
    Hong Nhat Do/FB

    ReplyDelete
  11. Giáo dục là phương tiện hình thành hệ thống giá trị, vậy quan sát nó sẽ thấy nhân quả của nó. Chừng nào còn cư xử vói lĩnh vực thượng tầng như phương tiện kiếm com thuần thuý thì chừng đó hệ thống gí trị phổ quát chưa thể định hình. Xem hành vi của ngừoi Nhật thấy ngay bản sắc của họ là gì đâu cần bàn cãi nhiều. Sự xáo trộn giá trị do những biến động lịch sử, giao thoa văn hoá và những hạn chế sáng tạo...đã tạo nên thực trạng hiện nay. Đề tài rộng quá!
    Chau Minh/FB

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vấn đề là không thể đòi hỏi phải cư xử với lĩnh vực thượng tầng như thế nào đó mới định hình được hệ thống giá trị. Vì nếu đã có chuẩn về cách thức cư xử thì đó đã là các giá trị rồi. Như vậy phải bắt đầu từ các giá trị rất đơn giản, của trí thức, như không dối trá, công tâm, không quay tít mù đón gió như chong chóng, không cảm tính như trẻ con. Mình thất vọng về trí thức VN từ năm 1979 khi tham gia một hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp đại học. Hôm đó đánh giá 2 em, đều bị tình cảnh 1-2 thầy cho 10 và 1-2 thầy cho 4. Đáng nói là đổi chỗ cho nhau. Tất nhiên các thầy lấy sinh viên ra phang nhau. Tôi đã góp ý kiến với hội đồng là khi điểm số như vậy, có nghĩa là hội đồng không có một chuẩn mực chung, và hội đồng có vấn đề, cần phải họp thống nhất quan điểm trước khi coi kết quả này có nghĩa. Hội đồng bỏ ngoài tai (chắc vì chuyện này xảy ra như cơm bữa) cứ lấy trung bình. Từ đó đến nay hơn gần 40 năm, hình như vấn đề này có vẻ nặng lên và tỏa sang các lĩnh vực khác. Đánh giá con người, tuyển dụng nhân viên công lực, giải ngân dự án, nghiệm thu đề tài khoa học, bầu cử, truyền thông đều lạc lối.
      Nguyen Ai Viet/FB

      Delete
    2. Anh Aiviet Nguyen ơi, em nghĩ hệ thống giá trị của trẻ con rất chuẩn chứ ạ. Vì thế chúng chơi với nhau rất dễ!
      Nguyen Thanh Nam/FB

      Delete
    3. Xã hội nào cũng có giá trị hay hệ thống giá trị, hay định hướng giá trị của nó, tình hình nước mình cũng vậy. Nếu nhìn nhận giá trị như là động co của hành vi, thì hiện tại hành vi lệch chuẩn là rất nhiều ( từ góc độ moral), cứ quan sát xã hội thì thấy rõ, kể cả những điều anh nói cũng vậy, như tệ gian dối ăn cắp trỏ thành phổ biến và công khai, được tựa trên hệ thống chính sách và thoả hiệp cá nhân, liên kết lọi ích....xảy ra ỏ mọi cấp trong cấu trúc, ảnh hưởng đến tính họp lý họp pháp của quá trình điều khiển xã hội cho nên nó rối beng beng..Kết quả là ngừoi ta chán nản không ai muốn dây vào..." Tròi oi, bao giò mói hết khổ" là câu kết của một vỏ kịch t/ giả Lưu Quang Vũ.
      Chau Minh/FB

      Delete
    4. Một xã hội luôn luôn phải có hệ thống giá trị nào đó. Dù tốt xấu, hệ thống giá trị đó phải làm nền tảng cho xã hội vận động tích cực, giống như một người tự hoàn thiện. Xã hội phong kiến rất dễ The KIng is Dead, Long Live the KIng, dù vua cha chết hay vua cũ bị lật. Vấn đề là xây dựng XHCN để thay thế, người ta xóa bỏ nó. Điều đó làm nhiều người không hạnh phúc, nhưng đó không phải là vấn đề, nếu như trong một số vấn đề tối thiểu người ta đều có thể đánh giá được một cách phù hợp. Đằng này, trong phần lớn các vấn đề, cùng một sự việc, sản phẩm cách đánh giá khác nhau, phụ thuộc vào cảm tính. Như thế là loạn chuẩn, hay không có giá trị nào để tham chiếu. Vậy phải lấy một giá trị tôn vinh mánh khóe, thủ đoạn, không giống như trên giấy tờ công khai. Nhân dân thì tội nghiệp, đành tin vào văn hóa, tôn giáo. Trí thức thì ma lanh, đưa ra đủ các thủ đoạn để kiếm chác, một bộ phận nói thế nào, bộ phận khác nói thế khác, tổng số giá trị đúng là như Mao Chủ tịch đánh giá :) Nguyễn Thành Nam Trẻ con chuẩn vì chúng không cần giải quyết nhiều vấn đề. Vấn đề là xã hội phải lớn lên, hệ thống của trẻ con không lớn lên được. Nhiều khi người ta cho rằng vì văn hóa Việt có đặc trưng, nhưng anh cho rằng cái mà người ta gọi là văn hóa Việt chẳng qua là biểu hiện không lớn lên. Rất cảm tính và mau chán, không bao giờ làm cái gì sâu, cứ như kiến bò miệng chén.
      Nguyen Ai Viet/FB

      Delete
    5. Anh Aiviet Nguyen, em đồng ý là hệ giá trị cũng phải lớn lên, không đứng mãi một chỗ. Nhưng lớn lên trong thước đo nào ạ?
      Nguyễn Thành Nam/FB

      Delete
    6. So với mục tiêu của hệ thống, độ bao phủ và các tiêu chí khách quan của một hệ thống giá trị
      Nguyen Ai Viet/FB

      Delete