Tuesday, February 24, 2015

Năm mới giải mã Ngũ hành và 12 con giáp

Ngũ hành với 12 con giáp

Năm âm lịch được coi là tuổi ta, mỗi người đều cầm tinh con giáp của năm sinh đó kết hợp với mạng gọi theo Ngũ hành - mỗi hành mang 1 ý nghĩa biểu tượng gọi là "bản mệnh".
Theo những nhà nghiên cứu triết học và Dịch lý phương Đông, điều này phù hợp với thuyết "âm dương ngũ hành".
Ngũ hành là 5 dạng vật chất cơ bản tạo nên vũ trụ: Mộc (gỗ), Hỏa (lửa), Thổ (đất), Kim (kim loại), Thủy (nước).
Ngũ hành có sự tương tác qua lại theo 4 lẽ: tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ.
Tương sinh hàm nghĩa cùng nương tựa, giúp đỡ nhau để sinh hóa. Chẳng hạn như gỗ khi bốc cháy sẽ sinh ra lửa (tức Mộc sinh Hỏa). Lửa đốt cháy các loại vật chất khác thành tro bụi (tức Hỏa sinh Thổ). Trong đất hàm chứa nhiều kim loại (tức Thổ sinh Kim). Các thứ kim loại bị nung chảy ra dạng nước (tức Kim sinh Thủy). Nước là nguồn sống của cỏ cây (tức Thủy sinh Mộc).
Tương khắc hàm nghĩa khắc kỵ nhau, khống chế nhau, có thể dẫn đến gây tổn thất cho nhau. Chẳng hạn nước làm tắt lửa (tức Thủy khắc Hỏa). Lửa nung chảy kim loại (tức Hỏa khắc Kim). Kim loại dùng chặt/xẻ gỗ (tức Kim khắc Mộc). Cây cối đâm rễ làm sụt lở đất, hút dưỡng chất của đất (tức Mộc khắc Thổ). Đất lại ngăn giữ sức chảy của nước (tức Thổ khắc Thủy).
Còn tương thừa, tương vũ hàm nghĩa các hành trong ngũ hành mạnh yếu bất thường, không điều hòa lẫn nhau, gây đổ vỡ, rạn nứt, dẫn đến trạng thái mất cân bằng trong cuộc sinh tồn...
4 loại tương tác trên cũng theo lẽ âm dương mà thể hiện như Trần Minh Trí đã nêu trong Dịch lý giản yếu như sau: "Song cần nhớ là sự sinh, khắc trong ngũ hành phải hiểu cho đúng là: không phải hễ Kim thì khắc được Mộc. Âm Kim là kim loại mềm như vàng, chì thì khắc (cưa sắt) sao được dương Mộc (gỗ cứng như loại thiết mộc)? Âm Thủy sao khắc chế được dương Hỏa? Như mưa bụi sao dập được dám cháy rừng?... Nên chỉ có dương Thủy mới khắc âm Hỏa, dương Kim mới khắc âm Mộc... tức là cái mạnh hơn mới khắc được cái yếu hơn thôi".

Ngũ hành với thân và tâm

Chính mối quan hệ tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ đã được y học cổ truyền Việt Nam tìm hiểu và ứng dụng để trị bệnh. Sách y học dân tộc lưu hành dưới triều Lê Dụ Tông đầu thế kỷ 18 đã phổ biến quann niệm: "Khí trời giáng xuống, khí đất bốc lên. Trong âm có dương, trong dương có âm (...) khí đen tụ ở trên không, nước (Thủy) bắt đầu sinh - khí đỏ rực trên không, lửa (Hỏa) bắt đầu sinh - khí xanh nổi ở trên không - loài cây (Mộc) bắt đầu sinh - khí trắng ngáng ở trên không, loài kim (Kim) bắt đầu sinh - khí vàng rợp ở trên không, đất (Thổ) bắt đầu sinh".
Có mối liên hệ mật thiết giữa Ngũ hành với các phương, với các sắc, với cả âm thanh, mùi vị mà con người có thể nghe được, nếm được - giữa Ngũ hành với từng bộ phận trong cơ thể người như mắt thuộc Mộc, lưỡi thuộc Hỏa, miệng thuộc Thổ, mũi thuộc Kim, tai thuộc Thủy... theo 1 hệ thống rõ ràng như bản quy loại do GS-BS Nguyễn Tài Thu nêu qua tài liệu Văn hóa Việt Nam tổng hợp (Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương xuất bản - Hà Nội 1989).
Theo đó, GS-BS Nguyễn Tài Thu nhấn mạnh: hoạt động sinh lý cũng như biểu hiện bệnh lý ở mỗi phủ tạng đều có "quan hệ mật thiết, tương sinh tương khắc, giúp đỡ hỗ trợ nhau hoặc khống chế nhau để duy trì trạng thái cân bằng của cơ thể. Nếu có biểu hiện bất thường hoặc mạnh quá hoặc yếu quá ở bất cứ 1 tạng phủ nào đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tạng phủ khác."
Danh y Tuệ Tĩnh cũng chỉ rõ: "Ngũ tạng lục phủ, trong ngoài tương ứng với Ngũ hành". Ông phân tích: "Râu thuộc thận, bẩm thụ Thủy khí" và chú thích: "Râu thuộc thận; râu cũng như tóc là chất thừa của huyết, con trai chủ về dương mà dương đi lên, nên huyết đưa lên mà làm thành râu; con gái chủ về âm, âm đi xuống, nên huyết đưa xuống mà làm kinh nguyệt - đều do thận khí sinh ra - mà thận thuộc Thủy, nên râu thuộc thận, bẩm thụ Thủy khí" (Hồng Nghĩa giác tư y thư - Lê Đức Toàn sao lục, Nguyễn Sĩ Lâm hiệu đính và chú thích NXB Y học, Hà Nội 1978).
Để biết rõ thêm về lẽ âm dương và mối liên hệ dẫn đến cảm ứng của Ngũ hành thông qua sinh bệnh lý, chúng ta có thể tìm hiểu "Phép phân biệt bệnh âm dương" của Tuệ Tĩnh. Theo đó, bệnh dương thì ban ngày tăng lên mà ban đêm yên tĩnh và bệnh âm thì ngược lại. Hỏa nhiều Thủy ít là dương thực âm hư, thuộc về bệnh nhiệt. Thủy nhiều Hỏa ít là âm thực dương hư, thuộc về bệnh hàn.
Người trước giàu sau nghèo tất chứa nhiều uất hỏa trong lòng, tâm can nóng như thiêu như đốt. Người trước nghèo sau giàu thường vì quá mừng mà hại tâm mình. Ăn nhiều vị ngọt thì xương đau mà tóc rụng. Ăn nhiều vị mặn mạch sẽ ngưng trệ và sắc biến đổi. Tiết chế ăn uống là phương pháp hay để đẩy lùi bệnh tật.
(trích từ KTNN No.881, tác giả: Trương Như Bá)

No comments:

Post a Comment