Wednesday, May 9, 2018

Tâm trạng hôm nay

Tâm trạng của tôi hôm nay không phải bi quan hay chán nản. Riêng về chuyện "quốc gia đại sự", tất cả là 1 quá trình từ kỳ vọng đến hy vọng rồi thất vọng kéo dài, lặp đi lặp lại... Tuy vậy tôi mới chỉ thất vọng chứ không phải là người tuyệt vọng hoàn toàn.

Con người bị chi phối bởi những mối quan hệ xung quanh và những nhu cầu/ý muốn của chính mình. Là một thực thể sống có nhận thức, những biến chuyển của thế giới xung quanh tạo nên một hoàn cảnh có tác động rất lớn đến tinh thần mà dù muốn thoát ra hay chấp nhận nó với một thái độ như thế nào là điều mỗi người đều phải đối diện.

Cái nghịch cảnh/thực tế, bối cảnh/xã hội của VN hiện nay không thể làm chúng ta yên tâm. Vì vậy

Có được cuộc sống bình an, thanh thản lúc này là điều không dễ dàng. Chúng ta có thể tìm thấy vô số lời khuyên/triết lý từ các ấn phẩm văn hóa và phương tiện thông tin & truyền thông..., nhất là từ các mạng xã hội và các trang web uy tín có thể cập nhật trên mạng internet. Với mục đích hướng con người đến những giá trị CHÂN - THIỆN - MỸ, chúng đều nhằm thay đổi một thực tế đang làm cho cuộc sống trở thành thảm họa, đẩy nhiều người vào cái hố sâu đầy tội lỗi của những tham vọng thấp hèn.

Trong nhiều lần tụ họp, tôi từng ngồi cùng những người trước đây là bạn bè cùng lớp kiến trúc, nhiều người trong số họ mang danh "kiến trúc sư quan" vì chễm chệ trên ghế quản lý cấp tp và quận, có người đã tự thú với bạn bè từ nước ngoài về rằng mình "đã bán linh hồn cho quỷ". Những người như thế không ít trong xã hội VN hiện nay, họ là đại diện cho tầng lớp mới "ngồi mát ăn bát vàng" và chỉ biết "ngậm miệng ăn tiền"... mặc cho những điều "vô tội vạ" xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng đến mức nào. Tại sao con người VN tha hóa như thế? Câu hỏi này có làm nhiều người bận tâm khi mà chúng ta nhìn thấy những biểu hiện
- Ham tiền
- Hiếu danh
- Coi thường danh dự
- Vô cảm và hèn nhát
- Coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào"*

- Coi nhẹ trật tự xã hội và những nguyên tắc/đạo lý đối xử trong cuộc sống...
lại đang được thể hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống hiện nay.

Muốn sống tử tế, phải hành động theo lương tâm, hoàn toàn độc lập về tư tưởng/chính kiến một cách mạnh mẽ và vững vàng. Luôn có những quyết định dứt khoát, khôn ngoan để không bị lệ thuộc vào tiền bạc, thoát khỏi những tham vọng vật chất, thú vui khoái lạc và ánh hào quang của danh vọng vốn là những thứ mà con người thèm khát. Chúng làm cho họ sa ngã, mệt mỏi, thậm chí hủy hoại lẫn nhau... để bằng mọi giá có được cái gọi là "khát vọng" của những kẻ tàn bạo nhất nhưng cũng vô liêm sỉ nhất là "quyền lực".

 "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", khi mắc sai lầm hoặc để bị sa ngã thì tâm trí bất an, tinh thần khủng hoảng dẫn đến tình trạng suy sụp. Tình cảnh theo đó mà biến đổi/méo mó tùy tâm trạng. Điều này tất ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu để tình trạng này kéo dài mà không thoát ra được, tác hại sẽ ngày càng trầm trọng mà sinh bệnh.

Dù là ai, hãy đọc tâm trạng của một người trẻ hơn tôi, từ nước ngoài trở về sau tôi 30 năm, và vẫn còn những mong muốn dù đã chứng kiến những sự thật khó tin đã gây ra những khủng hoảng triền miên của nước nhà...


"Cuộc khủng hoảng năm 2008 kéo dài với những bấp bênh bất ổn của nền kinh tế đã dẫn đến một làn sóng ngầm nhưng rất rõ ràng là những ai có điều kiện đều cảm thấy cần phải mua “bảo hiểm” cho gia đình mình bằng tấm hộ chiếu của một đất nước khác. Nếu như năm 2006 khi tôi trở về, câu chuyện trong giới doanh nghiệp và tài chính là đầu tư vào đâu, thì những năm gần đây, câu chuyện thường trực mà tôi nghe là họ sẽ di cư đi đâu, chuyển tiền ra nước ngoài thế nào. Tại sao người ta lại bỏ nước ra đi? Người ta bỏ nước ra đi vì họ thấy quá nhiều bất ổn: kinh tế bấp bênh, ô nhiễm môi trường trầm trọng, thực phẩm độc hại tràn lan, Và đặc biệt, là một nền giáo dục quá lạc hậu không thể chuẩn bị cho con cái họ một tương lai trước một thế giới đầy bất định.
Cứ 10 chủ doanh nghiệp mà tôi gặp thì ít nhất 3-4 người đã có thẻ thường trú nhân ở một nước tư bản, số còn lại thì hơn một nửa cũng đang ngấp nghé chuẩn bị. Sự khác biệt lớn nhất của cuộc di cư lần này so với những cuộc di cư khác là cuộc di cư lần này không hề vì ý thức hệ. Cuộc di cư lần này được những người tinh hoa nhất, thành đạt nhất dẫn đầu, và được chuẩn bị vô cùng bài bản và công khai. Họ ra đi mang theo số lượng tiền bạc, trí tuệ khổng lồ. Một cuộc chảy máu chất xám và tiền lớn hơn tất cả những cuộc di cư trước cộng lại. (Còn với tôi, nếu tôi có phải bỏ nước ra đi, thì lý do duy nhất là tôi không muốn con tôi sống với những điều dối trá đang diễn ra.)
Sang năm 2016, tôi thấy hơi lạc quan với những động thái mà Đảng CS đưa ra. Dường như những nhà lãnh đạo đã cảm thấy một phần sức nóng bức xúc của công luận. Tham nhũng được coi là quốc nạn, những vụ bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp dường như khá tích cực. Những vụ luân chuyển cán bộ cấp thành ủy đã mang hơi hướng của việc cải cách. Một điểm tích cực khác là dàn lãnh đạo khá trẻ của Đảng cho dù họ có là con ông cháu cha hay chăng nữa. Truyền thông và mạng xã hội được coi trọng hơn rất nhiều. Quan chức giờ đã biết nhìn và hành động theo phản ứng của dư luận, cho dù những việc đó có là “giả tạo” thì việc biết để ý đến phản ứng của công luận đã là một bước tiến bộ rất đáng kể.
Tôi mong rằng sang thập kỷ mới, chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết được triệt để những vấn đề nêu trên. Hãy trở thành một chính phủ quyết đoán hơn, dùng được tầng lớp kỹ trị. Các quan chức phải chịu trách nhiệm cá nhân cho các quyết sách của mình. Hãy biến Việt Nam trong những năm tới thành một “Quốc Gia Giáo Dục – Education Nation” nơi mà việc học tiếng Anh, Toán, Khoa học được coi trọng hàng đầu.
Chính phủ Việt Nam cũng nên cởi mở hơn với những phản biện xã hội. Hãy coi phản biện xã hội là những tấm gương lớn để soi lại mình. Đừng chụp mũ và áp đặt cho các phản biện xã hội là “diễn biến hòa bình” hay “các thế lực phản động”. Đảng CS Việt Nam luôn tự làm mới mình trong mỗi lần sinh tử. Vậy hãy làm mới mình, hãy chấp nhận thay đổi cho một đất nước tốt đẹp hơn.
Anh bạn thân của tôi, một nhà kinh tế học nổi tiếng Việt Nam đã từng nói đầy cay đắng: Bi kịch và nghịch lý lớn nhất của thể chế chính trị hiện giờ là nó biến những người hiền hòa, những trí thức và doanh nhân an phận có trách nhiệm (như tính cách của dân tộc Việt Nam) thành những người bất đồng. Chúng tôi yêu tha thiết đất nước này, và một cách nào đó, chúng tôi được hưởng lợi từ chế độ này. Tuy nhiên, mong thể chế này hãy thay đổi tích cực để đừng biến những người yêu nước (như chúng tôi), một ngày nào đó lại phải trở thành những người “bất đồng chính kiến”."**

(*): GS Nguyễn Lân Dũng
(**): Nguyễn Quốc Toàn

44 comments:

  1. Không phải chỉ có Nguyễn Quốc Toàn có suy nghĩ như vậy. Mong muốn và phản biện bằng hành động, lời nói và việc làm đã được nhiều người thể hiện, tiêu biểu trong số các đàn anh VIDI là anh Quang A và hậu duệ sau này là Đoàn Hồng Nghĩa... cũng như nhiều nhân vật đại diện cho nhiều tầng lớp trong dân chúng trên cả nước. Vấn đề bây giờ là sẽ có những chuyển biến ntn, một cách tích cực, mạnh mẽ và toàn diện trên phạm vi toàn quốc vì sự phát triển của quốc gia và không chấp nhận những nghịch lý/thái độ vô trách nhiệm với vận mạng của dân tộc, vẫn ngấm ngầm phá hoại tất cả chỉ vì quyền lợi và tham vọng của một thiểu số đứng trên quyền lợi của đất nước khi tự cho họ được "đặc quyền đặc lợi" để hưởng thụ như lâu nay vẫn ngang nhiên và càng ngày càng lộng hành, trắng trợn... với mọi cấp độ khác nhau.

    ReplyDelete
  2. TRÀO LƯU DI CƯ LẦN THỨ BA
    Một bác sĩ đến chào tôi để ra đi, định cư ở Mỹ. Anh từng là một bác sĩ giỏi, khá có tiếng tăm, được bệnh nhân tin yêu. Nhưng rồi, bỏ qua tất cả, anh quyết định qua Mỹ, phụ bán thuốc với chị, và đầu tư vào chuỗi Pharmacy.
    Một người khác, anh bạn học cũ của tôi ở trường Y, trước khi đi định cư ở Mỹ, từng là chủ của một chuỗi tiệm vàng ở khu Dakao, cứ luôn trăn trở, rằng không theo được với nghề, luôn tỏ ra thua thiệt, dù về tiền thì chẳng ai trong lớp chúng tôi có thể so sánh được với anh. Mặc dù khổ sở, mặc dù nếm trải bất công, nhưng tình yêu nghề nghiệp được hun đúc trong những năm theo học, làm cho đa số các bác sĩ luôn muốn sống chết với nghề.
    Vậy mà một bác sĩ đã từng trên 20 năm lăn lộn với nghề, đã có những thành đạt nhất định trong nghề, không có khó khăn gì về kinh tế, quyết định ra đi, làm một chân phụ bán thuốc nơi xứ người. Điều gì đã thúc đẩy anh ấy đi đến quyết định từ bỏ nghề, từ bỏ quê hương?
    Tôi hỏi anh về điều đấy. Anh trả lời: "Anh nghĩ xem, em được cái gì? Anh còn cứng cỏi được, chứ em thì chỉ cần một vụ kiện như anh thì em suy sụp mất. Sống ở đây mong manh quá. Sống mà không dám tin vào ngày mai. Nói một câu cũng phải nhìn trước ngó sau. Vợ, con suốt ngày nơm nớp lo sợ"
    Tôi bèn nói, rằng làm việc với nhau bao nhiêu lâu, tôi đâu có phiền trách gì anh ấy, hay ngăn trở nói năng gì đâu. Anh trả lời: "Em đâu có nói anh, mà anh có nói thì cũng có gì đâu. Là phải ngó trước ngó sau, nào là công an, nào là an ninh. Anh thấy facebook của em có bao giờ viết gì ngoài chuyện ăn chơi đâu. Đâu phải ai cũng dám như anh".
    "Đâu phải em vui vẻ gì khi bỏ nghề. Nhưng sống thì cũng phải ra sống. Với lại phải hi sinh đời bố, củng cố đời con. Đời mình coi như vứt đi, đớn hèn, nhịn nhục quen rồi. Nhưng con mình đâu có thế được. Em đâu có dám dạy con phải hèn. Mà không hèn thì chúng sẽ sống ra sao ở đây? Ngoài ra, qua bên đấy học hành chắc chắn sẽ tốt hơn ở đây".
    Hẳn rồi, cuộc sống ở cái nơi được xếp áp chót bảng của những nơi đáng sống trên thế giới không thể gọi là sống được. Sống ở cái nơi mà nói không dám nói, muốn nói câu gì ngoài chuyện tứ khoái ra thì phải nhìn trước ngó sau, lo sợ bị "vịn", sao có thể gọi là sống cho được.
    Đi học cũng vậy. Nhà trường thì nhồi nhét, dạy những điều dối trá, dạy căm thù... sao gọi là trường được. Học sinh tụ tập đánh nhau, ra đường tranh giành, đâm chém nhau, lớn lên làm quan thì tham nhũng, hối lộ, o ép dân, làm lính thì vòi vĩnh, lừa đảo dân, bợ đỡ cấp trên... sao có thể gọi là giáo dục cho được.
    Hành nghề thì lúc nào cũng sợ bị kiện, bị bạo hành. Không phải sợ mình làm sai mà bị, mà sợ nó như tai ương, không phụ thuộc vào đúng sai của mình, mà phụ thuộc vào mức độ giáo dục của người khác. Khi có việc thì chẳng ai bảo vệ, chẳng ai bênh vực, vừa bị bạo hành từ bệnh nhân, lại bị bạo hành từ báo chí, bạo hành từ đồng nghiệp, từ cấp trên. Như vậy thì hành nghề làm gì? Làm sao mà yêu nghề cho được.
    Đấy là anh ấy chưa biết chuyện vụ hai anh chàng đang đêm đánh nhân viên y tế ở bệnh viện một huyện kia, sau đó, người nhân viên bị đánh kia bị giám đốc bệnh viện khủng bố tinh thần, biến câu chuyện bạo hành y tế thành chuyện say rượu, không có gì đáng nói. Bây giờ Sở Y tế đã vào cuộc, mời cả công an vào, chỉ với mục đích, tìm ra ai là người cung cấp tin cho trang Chống bạo hành y tế. Họ muốn bịt miệng luôn nơi lên tiếng bảo vệ nhân viên y tế khi họ bị hành hung. Hành nghề trong điều kiện như vậy thì làm sao mà không bỏ nghề khi có điều kiện?
    Sống ở nơi không thể gọi là sống. Hưởng một sự dạy dỗ không đáng được gọi là giáo dục. Hành nghề ở một nơi ai cũng có thể chà đạp, nhục mạ, hành hung, và còn bị bạo hành kép bởi chính đồng nghiệp và cấp trên của mình. Như vậy mà không có trào lưu di cư lần thứ ba mới là lạ.
    Gia tài của mẹ: một bọn lai căng, gia tài của mẹ: một nước Việt buồn.

    Võ Xuân Sơn

    ReplyDelete
  3. "Đọc xong quyển sách "History of The Vietnamese" mới hiểu vì sao tác giả không đặt tựa là "lịch sử Việt Nam". Theo ông, việc đi tìm kiếm một nền văn hoá Việt cổ lâu đời đã thất bại. Cái duy nhất làm nên Việt Nam đó là ngôn ngữ Việt đã gắn kết những con người sống trên một vị trí địa lý đặc biệt: nơi kết nối hai vùng được gọi là Đông Á và Nam Á.... một đất nước của những con người đã sống trong sự thần phục, từng bị bỏ rơi bởi đồng mình bất tín nhưng tinh thần "lội ngược dòng" vẫn luôn tồn tại trong một Việt Nam tương lai. Đọc mà buổn nhưng vẫn tin vào một tương lai cho nước Việt. Dòng lịch sử vẫn trôi vì con người Việt đã lỡ sinh ra trên vị trí địa lý đặc biệt này."

    Nguyễn Bá Quỳnh

    ReplyDelete
  4. Thất bại lớn nhất của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở VN là đánh mất tất cả những gì là thành quả có được của bao người đã hy sinh cuộc sống, tương lai và cả tính mạng để giành được thắng lợi cuối cùng. Nhưng đất nước đã bị phản bội vì những gì diễn ra sau cuộc chiến đầy hy sinh và gian khổ chỉ là những chuyển biến đáng xấu hổ mà thôi, không thể nói đó là sự phát triển được.

    ReplyDelete
  5. Mới đây, khi ăn tối với 1 kiến trúc sư tên tuổi của Sài Gòn và trò chuyện với nhau tại Vườn Thư Giãn trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè (08.5.2018), tôi thật buồn khi biết đồng nghiệp của mình cũng sẽ quyết định sang Mỹ định cư sau khi đã đưa cả 3 con trai sang học và làm việc ở đây.

    ReplyDelete
  6. Chủ nghĩa Xã hội
    tôi không biết XHCN viết Nam là gì. Thấy Bắc Âu có XHCN, như Thuỵ Điển, Phần Lan, hoàn toàn khác VN
    Trong chừng mực nào đó, bang Quebec của Canada cũng theo XHCN.
    Và pháp cũng vậy
    Nếu dựa theo các chính sách XHCN của các nước trên, thì VN chả phải là XHCN
    trong mọi lãnh vực, toàn treo ̣đầu dê bán thịt chó .... dại
    Một chủ nghĩa được nhiều người ạp dụng cho cuộc sống tại VN là chủ nghĩa CƠ HỘI
    như con, vâng con,, mệ Ninh
    ngày xưa, dạy tôi ở Hội Việt Mỹ
    có lưỡi zzzzzzzài hơn đuôi
    phải nói là CƠ HỘI CHỦ NGHĨA thì đúng hơn
    cứ nhìn các chóp bu thì thấy

    Nguyen Q Quy

    ReplyDelete
  7. "...các sự kiện dồn dập kéo đến, toàn sự kiện quan trọng và đau lòng. Không đừng được nên lại viết. Mà dạo này hơi nhiều. Bị chửi cũng nhiều, thường chửi ngu, không chấp, nhưng vẫn bực mình, vì xưa nay tôi sống ẩn dật (low profile), viết và làm điều ngay thẳng, ít ai dám chửi tôi. Cũng ít ai chê.

    Tôi viết là vì

    1. Đã mang danh kẻ sĩ, không ngậm miệng ăn tiền.

    2. Thực lòng muốn giúp người trẻ hiểu thêm đôi ba điều.

    3. Hầu như không thấy ông bà nhà văn nhà thơ nào viết lề trái này cả thay tôi.

    Vậy phải sao đây? Đang suy nghĩ. Tôi biết các bài lề trái này chẳng có chút giá trị nào, ngoài giá trị thông tin tức thời. Xong việc là chẳng ai nhớ đến. Mà nói thật, tôi không cần ai nhớ đến. Không cần nổi tiếng. Thề luôn. Đã chấp nhận nghiệp thơ văn thì viết. Chỉ thế. Nên tôi luôn từ chối lên báo, lên ti-vi. Ngại khi người ta nói về mình. Hôm nay có nơi đề nghị làm cuốn phim về tôi, cũng từ chôi. Tôi đã lặng lẽ làm việc thế này mấy chục năm qua không cần ai biết. Giờ có mạng mới rộ lên."

    Thái Bá Tân

    ReplyDelete
  8. VÀI LỜI THƯA VỚI TỔNG TRỌNG
    Thưa ông Tổng

    1- Lão và ông: Sinh ra, phải thời loạn lạc – Lớn lên, gặp lúc thế Nước rối ren. Xuống biển, bị bọn hải tặc Trung cộng, chặn đường. Ra ngõ, chạm ngay lũ cướp ngày và bị chúng trấn lột, từ cửa. Ngồi trong nhà, cũng chẳng chút bình yên. Đinh tai – nhức óc, nghe lũ khuyển dương, buông lời lếu láo. Ruột đau như cắt – nước mắt đầm đìa. Chỉ hận, tuổi cao – sức yếu; tài hèn – chí cùn. Bởi thế, không thể trừ họa cho dân. Đành phải ngồi nhà, mà đọc sách Thánh hiền, cho qua ngày – đoạn tháng.
    Một ngày kia, soi đến tấm gương oanh liệt của Triệu Thị Trinh, cùng câu nói để đời của Bà: “Tôi chỉ muốn: cưỡi cơn gió mạnh – đạp bằng sóng dữ – chém cá kình ở Biển Ðông – đánh đuổi quân Ngô – giành lại giang san – cởi ách nô lệ. Chứ không chịu khom lưng, làm tì thiếp người ta”. Lão, sa xẩm mặt mày. Choáng váng, như bị ai đó, gõ búa vào đầu. Xấu hổ, vô cùng. Cho mình và cho những đấng nam nhi râu quặp của nước Việt.
    Chẳng biết, ông và cái Đảng của ông, có cái cảm giác xấu hổ ấy không? Nếu có, hãy 1 lần, đến viếng Đền thờ Bà Triệu. Ở đó, hãy đốt hương lên, mà thề trước liệt tổ – liệt tông, rằng: “Nguyễn Phú Trọng nói riêng và cái Đảng CS Việt nam nói chung, không có được cái ý chí sắt son, như vua Bà. Chúng tôi, nhìn thấy tiền, là sáng mắt lên – ngó thấy giặc, là sun cái ấy lại. Luồn trôn – chui háng chúng, cũng chẳng từ. Miễn sao, giữ cho bằng được, môi trường hòa bình và hữu nghị, với… giặc. Để, ổn cố quyền lực và quyền lợi của chính mình. Tuy vậy, chúng tôi thề, không bao giờ, làm cái việc táng tận Lương tâm. Đó là, đem Giang sơn gấm vóc của Tổ tiên, cộng với sổ hộ khẩu của nước Việt, dâng cho Trung hoa CS. Và, chấp nhận, làm tôi đòi – nô lệ cho chúng. Nhược bằng, trái lời thề, sẽ bị Trời tru – Đất triệt. Cho, tuyệt cái loài CS, đớn hèn và lếu láo”.
    Đền thờ Bà, dễ tìm lắm. Nó, nằm ngay sát đường thiên lý Bắc – Nam. Ông ạ.

    ReplyDelete
  9. VÀI LỜI THƯA VỚI TỔNG TRỌNG

    2- Lão và ông, không đồng tuế và cũng chẳng đồng môn. Nhưng, chúng ta, đều là “người miền Bắc” và cùng “có lý luận”. Tuy thế, cái sự học của lão và ông, khác nhau một trời – một vực. Lão, chỉ tìm và học những thứ gì, phù hợp với thực tế và có ích, cho cuộc sống.
    Dẫu có điếc – lác, ai cũng nhìn ra thực tế đó. Còn các ông? Đến giờ phút này, vẫn kiên định, bới cái đống rác đã bốc mùi của Lịch sử và hi vọng, tìm được kim chỉ nam, ở đó. Đã tìm thấy chưa, thưa ông?
    Không có Học thuyết đúng đắn dẫn đường, các ông, hành động như những thằng mù và giống như kẻ sắp chết đuối, các ông, bám vào bất cứ 1 vật nào, còn nổi xung quanh. Cho dù, đó là con rắn độc. Thỏa hiệp với Trung cộng ở Thành đô, là ví dụ thứ nhất. Đem máu của chàng trai vạm vỡ “kinh tế thị trường”, tiếp cho bà lão móm mém “định hướng XHCN”, bất chấp sự khác nhau giữa nhóm máu của họ, là ví dụ thứ 2.
    Đất nước mình, xác xơ – Dân mình, cơ cực – Đạo đức, xuống cấp – Môi trường, bị hủy hoại nặng nề – Nợ, như chúa Chổm. Tất cả, bởi các ông, vẫn ngoan cố: “vận dụng 1 cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê, vào hoàn cảnh thực tiễn của Việt nam”. Bằng mọi giá và bất chấp thực tế. “Lượng đổi – chất đổi”. Khi cái “bọng cứt” kia, chưa vỡ: Con giun Việt nam, vô phương hóa thành Rồng – thành Hổ. Các ông, chắc chắn, nhận ra được điều đó. Nhưng, vẫn không muốn thay đổi. Bởi, các ông:
    – Hoặc đã nhận ra, CNCS đang trên đà sụp đổ ở Việt nam. Cho nên, cố mà “sống gấp” và tranh thủ, làm “chuyến tàu vét” cuối cùng.
    – Hoặc, các ông, toàn 1 lũ ăn hại. Vô kế khả thi, để lèo lái Đất nước, ra ngoài vũng lầy khủng hoảng.

    ReplyDelete
  10. VÀI LỜI THƯA VỚI TỔNG TRỌNG

    3- Thưa ông Tổng. Một nhiệm kì Tổng thống của Hoa kỳ, có 4 năm. Ai làm tốt, cũng không được giữ chức vụ đó, quá 2 nhiệm kì. Nói chi, đến cái loại thiểu năng trí tuệ, mặt ngay – tay đờ.
    Mới ngày nào, những người CS các ông, tràn vào Sài gòn. Thoáng cái, đã hơn bốn chục năm trời. Bằng mười lần, nhiệm kì Tổng thống của Hoa kỳ. Nước người, càng ngày – càng đi lên, kể cả về thế và lực. Nước mình, càng ngày – càng tụt hậu thê thảm. Ngay cả 2 người em, là Campuchia và Lào, cũng đã vượt qua mình, trên nhiều lĩnh vực rồi. Phải không ông? Đã có bao giờ, những người CS các ông: Tự vấn lương tâm và sám hối, về những thứ tồi tệ ấy chưa? Hay, vẫn nhâng nháo, nói lấy được, rằng thì là: “Đảng CS Việt nam, đã lãnh đạo Nhân dân Việt nam, đi từ hết thắng lợi này, đến thắng lợi khác”. Những “thắng lợi”, mà chiến lợi phẩm ở đó, chỉ được dành riêng, cho 1 nhóm người, trong hàng ngũ chóp bu của Đảng CS. Để có được những “thắng lợi” đó, Nhân dân Việt nam, đã phải đổ cả núi xương – sông máu và giờ đây, họ trắng tay, chẳng có được cái gì. Để có được những “thắng lợi” đó, Đất nước Việt nam, đã sắp phải đào đến những mẩu quặng cuối cùng.
    Nói thật với ông: cái mệnh đề mà ông nói, tốt đen như lão đây, không ngửi được.
    Ông ơi! Nếu tự xét, mình không có đủ năng lực, xin đừng cố nữa. Hãy dũng cảm, rời vũ đài Lịch sử, để Đất nước cất cánh. Đó là cách, mà Tổng thống Thein Sein của Myanmar, đã làm. Danh – lợi, bảo toàn – Tiếng thơm, lưu muôn thuở. Nhược bằng, vẫn ngoan cố, bám và ngụy biện cho cái luận thuyết cù nhầy “Chùa đổ, nhưng đạo Phật không đổ”. Tức là, Nga xô và hàng loạt các nước CS Đông Âu bị đổ. Nhưng CNCS, vẫn là, “mùa Xuân của Nhân loại” – vẫn là, những gì tốt đẹp nhất của loài người. Xin hãy đem người thân của các ông và đồng đảng của các ông ra, mà làm thí nghiệm tiếp. Đừng thí nghiệm, trên cả Dân tộc Việt chúng tôi nữa và đừng dùng súng – đạn, cộng với nhà tù, để bắt cả Dân tộc chúng tôi, phải đi theo các ông, muôn năm và mãi mãi. Nếu muốn thí nghiệm, hãy làm trên phạm vi hẹp. Hãy xin Đất nước, cắt cho cái đảo Phú quốc. Để, những người CS, di cư ra đó mà ở. Rồi, xây dựng Phú quốc, thành cái Thiên đường thuần khiết CS. Cái Thiên đường, chỉ của 1 loại: cuồng tín và vô học. Còn chúng tôi, chẳng muốn, sống cùng với cái bọn: Cướp bóc, đã là thói quen và lừa đảo, đã trở thành bản chất.

    ReplyDelete
  11. VÀI LỜI THƯA VỚI TỔNG TRỌNG

    4- Các ông, không chút ngượng ngùng, thường ra rả, rót vào tai lũ dân đen chúng tôi, rằng thì là: “Cán bộ CS, từ trên xuống dưới, rặt là, những người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Lão nghĩ mãi, mà chẳng ngộ ra: cái câu nói đó, đúng ở chỗ nào.
    Thói đời, người tài giỏi, thì mới làm được chủ nhân. Kẻ tôi tớ, thuần 1 loại, ngu si – dốt nát và, có “mũi nhòm mồm”. Chủ nhân, ăn sung – mặc sướng. Đầy tớ, cơm hẩm – cháo thiu. Chủ nhân, bao giờ cũng được gọi là ông: “ông chủ”. Đầy tớ, bao giờ cũng bị gọi là thằng: “thằng đầy tớ”. Chủ nhân, quản lí đầy tớ. Đầy tớ, phải làm lụng vất vả, để nuôi ông chủ. Chưa thấy ở đâu và chẳng có bao giờ, xảy ra cái vế ngược lại. Trừ, ở Việt nam. Dưới cái thời, “rực rỡ nhất, trong Lịch sử của Dân tộc”. Ở cái thời “rực rỡ nhất” đó, bọn đầy tớ tham ăn và dốt nát, lại được có cái quyền, “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”… ông chủ. “Tẩu hỏa, nhập ma”. Bởi thế: Trên-dưới, lộn sòng – Luân thường-Đạo lý, đảo lộn – Những giá trị phổ quát nhất của loài Người, luôn được hiểu và làm theo cách ngược lại.
    Thưa ông Tổng, lão xin hỏi ông: Vinh quang cái quái gì, mà các ông, cứ ông ổng cái mồm, tự nhận, tầm của mình, chỉ ở hạng đầy tớ, như thế? Chẳng có nhẽ, các ông, tự nhận mình, là bọn dốt nát? Chẳng có nhẽ, các ông thấy: khố rách – áo ôm, là vinh quang. Cho nên, vác rá đi ăn mày – ăn xin của khắp năm châu – bốn bể, nhưng cũng chẳng cảm thấy ngượng ngùng?
    Giả sử, lão đây, lấy thân phận ông chủ, mà gọi ông là “thằng Trọng”. Như thế, có phải là, ông chủ hỗn với đầy tớ, hay không? Giả sử, lão đây, lấy thân phận ông chủ, xét việc các ông đã làm. Rồi, mắng rằng: ông và đồng đảng của ông, rặt 1 lũ mặt ngay – tay đờ. Như thế, có phải là, ông chủ hỗn với đầy tớ, hay không? Và, liệu ông có trở mặt, mà vu vạ cho lão: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Rồi, lấy quyền đầy tớ, mà cho ông chủ Dân già “nhập kho”, hay không? Chẳng có nhẽ, ông và đồng đảng của mình, lại chịu nhục, mà cam tâm tình nguyện: suốt đời, làm đầy tớ cho Nhân dân Việt nam? Sao, không nuôi chí nhớn: dùng “bạo lực cách mạng” để lật đổ ách thống trị của Nhân dân và vùng lên, đè đầu – cưỡi cổ họ? Không dám làm cái việc ấy, bởi các ông biết: làm “đầy tớ”, kể cả cho Nhân dân, lẫn ngoại bang, đều sung sướng hơn nhiều, ông nhỉ? Nói nhỏ với ông: Nhân dân Việt nam, đã chán làm ông chủ rởm lắm rồi. Họ chỉ muốn: tiễn các ông và cả cái CNCS, về cái nơi, đã sản sinh ra nó. Để, nước Việt chúng tôi, được sống trong thương yêu – đùm bọc và thanh bình.

    ReplyDelete
  12. VÀI LỜI THƯA VỚI TỔNG TRỌNG

    5- Đứng trước bàn dân thiên hạ, ông thường giơ tay chém gió, mà nói rằng: “Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đời sống của nhân dân”. Nghe ông nói, bao người, đã phải bịt mũi – ngoảnh mặt. Bởi, đối với họ: Nói, mà không làm, đó là bọn vô tư cách. Nói 1 đàng – làm 1 nẻo, đó là bọn khốn nạn. Họ muốn tiếp xúc, để hỏi ông, chỉ 1 câu: “Cho dù có thực tâm, muốn ‘chăm lo đầy đủ và sâu sắc đời sống của nhân dân’, các ông, lấy nguồn nhân lực – vật lực nào, để làm được việc đó?”
    – Công an và Quân đội, đông lắm. Nhưng, cái đội “quân điếu phạt” ấy, không được dùng, để “lo trừ bạo” cho dân. Họ được huy động, để đàn áp những cuộc biểu tình ôn hòa, chỉ để Bảo vệ Môi trường và phản đối quân Trung cộng xâm lược. Mỗi người đi biểu tình, được cả tá nhân viên công lực “chăm sóc” tận tình. Xe đưa, người đón – thăm hỏi, ân cần. Không có nhu cầu, vẫn có thể, được “mát xa”, đến thâm tím cả mặt mày. Vẫn còn dư người, họ phân ra, “bảo vệ” dân lành. Từ hàng trí thức, như TS Nguyễn Quang A, KS Lê Anh Hùng, cho đến, chàng bán cua đẹp trai Trịnh Bá Phương: mỗi nhà, đều được hàng tiểu đội Công an, chầu chực ngày đêm, trước cửa. Cơm, không phải nuôi – Lương, không phải trả. Nhưng, cọng rác, cũng chẳng lo bị mất. Ưu việt, đến thế,là cùng.
    Huy động hết người vào đó, cho nên, biển của mình, chẳng ai trông. Các ông, phải “nhờ” thằng anh em “16+4” giữ hộ và dĩ nhiên, phó mặc bà con ngư dân của mình, cho chúng “chăm lo”.
    Huy động hết người vào đó, cho nên, từ Bắc vào Nam, lừa đảo – trộm cắp – cướp giật đầy đường. Trước bức xúc của dân, Đinh La Thăng, ra lệnh cho CA Sài gòn, trong 3 tháng, phải triệt được vấn nạn này. Bây giờ, đã quá cái hạn trên, ông hỏi Đinh “chính ủy” xem, kết quả đến đâu rồi và nhắc Đinh “chính ủy”, nổ ít thôi. Hãy nhớ, cho thật kĩ: Quần chúng, không phải, ai cũng bị thong manh và điếc lác, như các ông đâu.
    Huy động hết người vào đó, cho nên, không có người, để giải quyết những tranh chấp – khiếu kiện của dân chúng. Dưới, chỉ lên trên – Trên, “kính chuyển” xuống dưới. Bao người, vì khiếu kiện, đã phải khuynh gia – bại sản. Lão đây, là một trong những người đó. Trải qua gần hai chục năm trời, bị Chính quyền CS, lừa đảo – cướp giật, hàng chục tỷ VND. Đến nay, vẫn không có ai, đứng ra giải quyết. Thậm chí, trong 1 buổi “làm việc” với cái gọi là Cơ quan An ninh Điều tra, chúng còn ném thẳng vào mặt lão, 1 câu xanh rờn: “Công an, không có nghĩa vụ và trách nhiệm, đi đòi nợ thuê cho bác(!)”. Đã thế, chúng còn đe dọa lão: “Viết trên ba chục bài, thế là đủ rồi. Viết nữa, sẽ bị khởi tố”. Nghĩa là, sẽ cho lão, “nhập kho”. Với kiến thức của cái hạng trẻ trâu như thế, lão đây, không thèm chấp. Nhưng, ông là người có học. Do đó, lão phải có nghĩa vụ và trách nhiệm, nhắc ông Tổng 1 câu: “Tốt đẹp, phô ra – Xấu xa, đậy lại”. Cái bể phốt, có tên là “cướp của – hại người”, chính các ông, mới có nhu cầu, đậy kĩ – giấu biệt. Lão đây, rất muốn, trưng cái bản mặt xấu xa – tàn độc của các ông, ra trước dư luận trong và ngoài nước. Chính vì thế, lão thích lấy xà beng, cậy cái bể phôt ấy ra lắm. Dời non – lấp biển, lão không làm được. Chứ lột trần truồng chế độ CS, trên cả 2 phương diện lí luận và thực tiễn, lão đây, thạo lắm. Lão biết “bắn súng, bằng cả 2 tay”. Đối thoại hay đối đầu? Lão nhường ông, tùy chọn.

    ReplyDelete
  13. VÀI LỜI THƯA VỚI TỔNG TRỌNG

    – Thưa ông Tổng, dân đen chúng tôi, thấm và sợ, cách các ông “chăm sóc” túi tiền của chúng tôi, lắm lắm. Ai đời: Mỗi con gà, Đảng chỉ bắt người nông dân, gánh có mỗi 14 loại thuế và phí – Mỗi lít xăng, Đảng bắt dân, phải cõng trên nó, quá nửa tiền thuế và phí – Mỗi chiếc ôtô, Đảng bán ra, đắt gấp 3 lần giá nhập khẩu… Được Đảng “chăm sóc” kĩ lưỡng như thế, dân chúng, kiệt quệ. Tất thảy, đều “sụm bà chè”. Làm ăn chân chính, không đủ tiền, nộp thuế cho Đảng.
    Thuế má, Đảng bóp nặn của dân, còn tàn bạo hơn cả thời Thực dân – Phong kiến. Nhưng, nào có đủ, để cho Đảng tiêu. Mọi nguồn thu khác của Đất nước, cũng được đổ dồn vào cái thùng không đáy, có tên là Đảng CS. Vẫn thiếu, để cho Đảng tiêu. Đảng, bán tiếp “lúa non” – Đảng, đi vay, với lãi suất cắt cổ, để ăn chơi. Nói đâu xa: Mỗi năm, riêng cái gọi là Văn phòng TW Đảng, đã tiêu đến cả trăm triệu USD, tiền thuế của dân. Chuyện sát sườn như thế, chẳng có nhẽ, ông Tổng, không biết? Các ông: Ăn, vào cả Tương lai của đời con – đời cháu. Ăn, để cho Đất nước, mang nợ đầm đìa. Ăn tàn – phá hại như thế, lấy nguồn tiền nào, để “chăm lo đầy đủ và sâu sắc đời sống của nhân dân”, hỡi ông Tổng?
    Các ông, quên dân – Chỉ nghĩ, đến mình. Cho nên, Xã hội loạn lạc: Trai tài, thì đi làm cu-li, cho khắp 4 phương trời – Gái sắc, đành mang cái “vốn tự có” ra, mà kiếm ăn ở khắp hang cùng, ngõ hẻm. Ngồi trong phòng có máy lạnh, ông Tổng, có thấu được thực trạng thê thảm này, hay không?
    – Về mặt Tư tưởng, thương dân chúng, các ông, chăm sóc cho họ, càng kĩ. Sợ họ non nớt, dễ bị ăn phải bả của “bọn phản động”. Chính vì vậy, các ông, mang Chủ nghĩa Mác – Lê, một món ăn, đã bị ôi thiu ra và xào nấu nó lên. Sau đó, dẫu còn sống xít, cũng bắt dân chúng, phải nhắm mắt mà nuốt. Ngộ độc, hậu xét.
    Món “đa nguyên – đa đảng”, mà dân chúng thèm? Đinh Thế Huynh, thay mặt Đảng CS, từ chối thẳng thừng. Và, chẳng cần, được Nhân dân ủy quyền, ông ta, trắng trợn tuyên bố: “Việt nam, không có nhu cầu đa nguyên – đa đảng”.
    Món Nhân quyền, thì sao? Đừng có mơ. Có tai, phải như điếc – Có mắt, phải như mù – Có mồm, phải câm như hến. Ý nghĩ, cũng phải được Đảng cho phép. Đừng có thấy Đảng sai, mà phê bình – Đừng có thấy Đảng hậu đậu, mà dè bỉu. Ngược với Đảng, là “thù địch” – Trái với Đảng, là “phản động” và nơi cư trú tiếp theo, sẽ là lao tù của Cộng sản. Không thể khác.

    ReplyDelete
  14. VÀI LỜI THƯA VỚI TỔNG TRỌNG

    6- Ông ơi! Dân chúng, chỉ muốn ông, 1 lần, thể hiện sự “quan tâm” đến họ. Bằng cách, hãy trở lại Vũng Áng. Để, hỏi thăm bà con ngư dân: “Chúng mày, sống – chết như thế nào?”. Sau đó, ngụp lặn vài vòng trên biển. Cuối cùng, ngồi dạng háng trên bãi cát và ăn cá, mà bà con, vừa đi lộng, đánh bắt về. Làm được như thế, ông sẽ hồi sinh, cho ngành đánh cá và ngành du lịch biển. Hàng chục triệu con người, đang bám biển mưu sinh. Họ, sẽ tôn ông, là Thánh sống. Làm được như thế, mọi cuộc biểu tình vì Môi trường biển, tự khắc sẽ tan. Việc gì, phải dùng đến hạ sách, là đàn áp họ.
    Công an và Quân đội, sẽ được rảnh tay. Họ sẽ trở về, làm đúng nhiệm vụ của mình. Biên cương của Tổ quốc, sẽ được giữ vững. Bọn bất lương, sẽ hết đường áp bức và cùm kẹp dân lành.
    – Ông ạ. Muốn lo cho dân, việc thiết thực nhất của Đảng lúc này: “đáng mười làm một – đáng cả tiêu nửa”.
    Chủ tịch Hồ Chí Minh của các ông, dẫu có vĩ đại đến đâu, thì một cái lăng to – mả lớn, cũng đã là quá đủ. Dựng thêm hàng loạt tượng đài của Chủ tịch, trên khắp Đất nước, cũng chẳng thể, làm cho uy tín của Người, tăng thêm. Nếu không muốn nói, phản tác dụng.
    Các ông, hãy rà soát lại, những cơ quan – những đoàn thể – những con người thật sự không cần thiết và giải tán chúng đi. Việc đó, sẽ giúp Đất nước, tiết kiệm hàng chục tỷ USD, mỗi năm.
    Hãy dành số tiền đó, mà chăm lo cho dân – Hãy dành số tiền đó, mà xây thêm trường học. Cho các cháu thiếu nhi, không phải thất học và, không phải học, trong những cái “chuồng” học nữa – Hãy dành số tiền đó, mà dựng thêm nhiều nhà thương. Cho người bệnh, đỡ phải, “ba bốn người, một giường” và, không phải chết, vì không có tiền khám chữa bệnh nữa.

    ReplyDelete
  15. VÀI LỜI THƯA VỚI TỔNG TRỌNG

    7- Cả cuộc đời, ông chỉ dành, để nghiền Mác – Lê. Ông có thể, nói vanh vách: “Cách mạng, không thể xuất khẩu”, là câu nói của ai – ở tập mấy và trang thứ bao nhiêu của kinh điển. Ông cũng có thể, dẫn lời của Putin: “Xuất khẩu Cách mạng Dân chủ, chỉ mang tới bạo lực, bần cùng và thảm họa xã hội”. Để biện minh, cho cái sự “ổn định” giả tạo, ở những chế độ độc tài. Thông qua đó, gián tiếp đe dọa Nhân dân: Đừng có mơ, tới cuộc Cách mạng Dân chủ ở Việt nam. Ông và cả Putin nữa, đều có thể, nói như những con vẹt và chỉ nhìn thấy Thực tiễn, một cách hết sức phiến diện. Ai đã “xuất khẩu cách mạng vô sản”, sang 2 nước láng giềng, là Lào và Campuchia. Để, 2 xứ sở hiền lành đó, điêu linh? Phải chăng, những cuộc Các mạng Dân chủ, ở Nga xô và các nước CS Đông Âu, đã đem tới “bạo lực, bần cùng và thảm họa xã hội”, hay ngược lại?
    Các ông, u mê. Đến giờ này, vẫn nghĩ, mình là “đỉnh cao trí tuệ của Nhân loại” – vẫn muốn, ngồi xổm lên Thiên hạ. Không biết rằng: “Lợn – dê, chạy đến lò đồ tể/ Mỗi bước, càng gần cõi chết thôi”. Không “thế lực thù địch và phản động” nào, có thể, lật đổ được chế độ của các ông. Chính cách cai trị của các ông, sẽ dẫn các ông, tới chỗ chết và làm cho cả Đất nước, bị khổ lây.
    8- Nhà Chu bên Tàu, giành và giữ được Chính quyền, ròng rã trong suốt 800 năm trời. Bí quyết của họ: 无为以牧之. Vô vi dĩ mục chi. Nghĩa là, thuận theo Tự nhiên – thuận theo Xã hội, mà cai trị dân chúng. Tự khắc, Dân an – Quốc trị.
    Ở Việt nam, thiền sư Đỗ Pháp Thuận, cũng có tư tưởng ấy. Ông đã thể hiện nó, trong bài thơ “Quốc tộ” nổi tiếng của mình. Chẳng có nhẽ, dân chuyên Văn như ông Tổng, lại chưa từng, được đọc bài thơ ấy? Hay, đọc rồi, mà không hiểu? Hay, hiểu rồi, mà không biết cách vận dụng?
    Thương ông Tổng: có Tâm, nhưng chẳng đủ Tầm. Phép trị nước, chỉ được học 1 cách lớt phớt, chẳng đến nơi – đến chốn. Đồng đảng, biết ông, mắt mờ – chân chậm. Nhưng, chúng vẫn cố tình, dựng ông lên. Chỉ cốt, làm bình phong, cho chúng vơ vét. Chúng, được “ăn ốc” – còn ông, phải đi “đổ vỏ”.
    Muốn giúp ông một tay, lão dịch Lục thao, chuyển cho ông tham khảo. Không cảm ơn lão, đã đành. Ông Tổng, còn định sai lũ lau nhau, xuống bắt lão. Làm ơn – nên oán. Đến bây giờ, lão đã ngộ ra: “đàn cầm, đem gẩy tai trâu”, nó có nghĩa, là như thế nào.

    Chào ông.
    Nguyễn Tiến Dân
    Tạm trú tại 544 đường Láng – quận Đống đa – Hà nội.
    Tel: 0168-50-56-430

    ReplyDelete
  16. Bên bán trôn, một bên bán tự tôn
    cô bạn nói về giới người mẫu, hoa hậu, ca sĩ, MC, diễn viên, vũ nữ, v.v.

    Nếu các cô từ chối lên giường với tiền thì vẫn nên kiên trì mời cô ta lên giường với ... nhiều tiền.

    Xem các hoa hậu từ xưa đến nay, ca sĩ như HN, ML, HNH, v.v. ngay cả MC vô danh như MC lấy con mụ buôn cá Cần Thơ, diễn viên như TTH, vũ nữ LC, Ngo My Q, v.v. đều lên giường với đại gia, thiếu gia, VK giàu, chóp bu, con chóp bu, thuong nghi si My, v.v.

    Mình thấy tương tự như câu đã nghe

    "quan chức, hậu duệ, không tham nhũng vì tiền. Chỉ xiêu lòng khi nhìn tiền ...nhiều"

    ohhh hô.

    Một bên bán trôn, một bên bán tự tôn
    hay bên bán dịch vụ, bên đĩ miệng

    Nguyen Q Quy

    ReplyDelete
  17. GỬI BÁC BỘ TRƯỞNG BỘ GD

    Cháu tên Linh. Dĩ nhiên bác không cần nhớ tên cháu làm gì. Cũng như đã lâu rồi cháu chẳng còn quan tâm ai là Bộ trưởng Bộ GD vậy. Nhưng nói chung, làm người đâu nhất thiết phải nhớ tên nhau. Chỉ cần chúng ta có một câu chuyện chung để nói. Thế là đủ rồi bác nhỉ.

    Chuyện kể là, hôm qua, cháu ngồi ở thư viện trường Shree Sarbodaya quận Syanja - Nepal. Cháu dành cả một ngày đọc sách giáo khoa English để hiểu cách dạy English của người Nepal. Dĩ nhiên, người Nepal dạy English không tốt đâu. Vì họ không có tiền để mua tivi, băng đĩa, không có phương tiện cho học sinh nghe người bản xứ nói chuyện, thậm chí đến cả cuốn từ điển giấy họ còn túng thiếu bác ạ (túng thiếu đến cỡ nào cháu sẽ có 1 bài viết để kể sau). Nhưng so với Việt Nam thì English của họ giỏi hơn nhiều. Dĩ nhiên, Nepal đúng là một nước nghèo, nghèo xếp hạng top nghèo nhất thế giới ấy. Nhưng cần so sánh với trình độ GD của 1 nước nghèo để thấy rằng trình độ của nước mình ở đâu. Và giờ, có mấy điều cháu muốn trao đổi với bác như sau:

    1. Cháu đọc SGK English của học sinh Nepal từ lớp 1 đến lớp 5.
    Bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 Nepal là chuyện chào hỏi. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 2 nói chuyện đi đến trường. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 3 kể lại nhật ký một ngày của cô bé Lilu. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 4 dạy bạn phải biết Be careful với câu chuyện cậu bé Raj vừa đi vừa chơi game mà không để ý thấy cây cầu bị gãy.
    Bài học đầu tiên của học sinh lớp 5 hỏi, "What do you want?" và kể chuyện người cha già có đứa con bị ở tù. Ổng ra vườn trồng khoai tây và ước giá mà có đứa con trai ở đây để đào lỗ cho ổng trồng. Thế là ổng viết thư cho con trai. Mỗi bài học thể hiện độ khó khác nhau bác ạ. Thậm chí ngoài English, họ còn có 2 môn học khác là Văn hoá xã hội và Khoa học - Sức khoẻ cũng hoàn toàn được viết bằng English và nằm trong môn học chính của học sinh.

    Cháu lập tức nhắn về Việt Nam, nhờ đứa bạn thân chạy ra hiệu sách, chụp cho cháu xem SGK English từ 1-5 dạy cái gì. Bác biết gì không?
    Bài học đầu tiên của SGK 1 dạy Hello. Bài học của sách SGK 2 là dạy câu "where are you from". Bài học của SGK 3 dạy lại Hello. Bài học đầu tiên của SGK 4 dạy câu "How re you". Bài học đầu tiên của SGK 5 dạy lại câu "where re you from".

    Cháu hoảng hồn bác ạ. Cháu không biết vì bác nghi ngờ trình độ của học sinh VN quá kém nên có mỗi 3 câu "hello, how re you, where re you from" mà bác bắt chúng phải học đi học lại suốt 5 năm học như thế hay không?
    Hay là tại những người soạn sách không biết gì hơn để mà soạn?
    Hay tại chúng ta quan niệm, 5 năm, học được 3 câu đó là đã quá nhiều rồi?

    Bác biết không, học sinh ở độ tuổi càng nhỏ thì khả năng tiếp cận ngôn ngữ càng tốt. Vì lúc đó bộ nhớ của chúng chưa sử dụng để ghi nhớ những điều phức tạp, những chuyện kiếm tiền, yêu đương. Nên cháu buồn khi thấy chúng ta bắt các em học quá nhiều thứ về toán lý hoá nhưng lại lo sợ trí nhớ của các em không đủ để học English. Buồn cười nhỉ.

    ReplyDelete
  18. GỬI BÁC BỘ TRƯỞNG BỘ GD

    2. Để dạy học sinh Nepal hiểu English, nhớ English, người Nepal bắt đầu bài học bằng những câu chuyện. Chuyện kể cô bé Deepa làm việc này việc kia. Chuyện kể gia đình cu cậu Ramesh thế này thế nọ. Cô giáo sau khi dạy học sinh về câu chuyện sẽ hỏi lại học sinh câu chuyện đó kể gì, cô bé Deepa làm gì, cậu Ramesh bị gì. Học sinh trả lời và ghi nhớ.
    Để dạy học sinh Việt Nam hiểu English, các nhà soạn sách VN soạn ra những đoạn hội thoại chẳng có ý nghĩa gì và bắt học sinh học lại đoạn hội thoại đó để ứng dụng như một con vẹt. Theo bác, việc ghi nhớ nội dung câu chuyện dễ hơn hay khó hơn ghi nhớ một đoạn hội thoại dễ hơn?

    3. Người Nepal soạn sách giáo khoa để dạy người Nepal. Thế nên những câu chuyện họ viết, những đề tài họ dạy liên quan đến đời sống, văn hoá hàng ngày của họ.
    Họ nói về đỉnh Everest, nói về thủ đô Kathmandu, nói về những cậu bé, cô bé với những cái tên rất Nepal như Gauri, Sunda... Đó là cách họ khiến học sinh hứng thú với môn English vì nó gần gũi, dễ hiểu. Đó cũng là cách họ từ hào về đất nước họ.

    Chúng ta - trong đó có bác - luôn nói tự hào về Việt Nam. Nhưng có bao giờ bác nhìn SGK English của người Việt để xem sách viết gì không?

    Sách viết câu chuyện của Tom, của Peter, của Marry...những cái tên không phải của người Việt. Sách kể chuyện My hometown nhưng cái Hometown ấy là London.

    Sách kể về món bánh nhưng không phải là bánh chưng, bánh giày bánh mì thịt nướng mà là bánh Pizza.

    Thế nên cháu muốn hỏi là, có phải vì chúng ta không đủ kinh phí để soạn một cuốn sách dạy English nhưng nội dung xoay quanh đời sống Việt không? Hay là những nhà soạn sách họ không nghĩ ra cái gì hay ho hơn nên phải dùng những câu chuyện của nước khác. Để đến khi người nước ngoài họ hỏi cái món bánh nổi tiếng nhất ở nước mày là món gì thì học sinh bảo là pizza vì chúng không biết từ bánh mì thịt nướng trong English nói thế nào.

    Nếu mà vì chúng ta nghèo quá, không có kinh phí, chỉ cần bác nói thôi, cháu sẽ huy động được một đội ngũ soạn được cuốn sách dạy English cho người Việt mà không cần lấy một đồng nào.

    Còn nếu vì những người soạn sách họ không nghĩ ra cái gì hay ho hơn để viết, thì cũng chỉ cần bác nói thôi, cháu sẽ chỉ họ cách viết. Thí dụ như thay vì viết bài giảng "quê mày ở đâu hả Tom? Quê tao ở Mỹ, Peter ạ" thì cháu sẽ chỉ họ chuyển thành thế này "Quê mày ở đâu hả Tí? Quê tao ở Mỹ Tho Tèo ạ, là cái xứ ngày xưa bọn Mỹ đánh hoài mà không chiếm được ấy."

    Cháu tin bọn học sinh sẽ hứng thú với câu chuyện của thằng Tí, thằng Tèo hơn câu chuyện của Tom và Peter ạ. Vì chúng cháu đã từng là những thằng Tí, thằng Tèo như thế.

    ReplyDelete
  19. GỬI BÁC BỘ TRƯỞNG BỘ GD

    5. Đã rất lâu rồi, chúng ta, hoặc vì lười biếng, hoặc vì bảo thủ, hoặc vì không muốn tiếp cận cái mới nên luôn tự ru ngủ nhau rằng, "là người Việt, chúng ta phải tự hào về văn hoá Việt, nên chúng ta cần học tiếng Việt chứ không phải English". Đó chắc là lý do mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa rồi English trở thành môn tự chọn và không có trong môn thi.
    Nhưng cháu thì muốn đổi lại một chút thế này, "là người Việt, chúng ta cần tự hào về văn hoá Việt, nên chúng ta cần học English để nói cho thế giới biết về văn hoá của chúng ta đẹp như thế nào". Người Nepal đưa English thành ngôn ngữ chính, vì họ muốn kể câu chuyện văn hoá của đất nước họ cho thế giới biết. Nên cũng đã đến lúc chúng ta cần học theo như họ rồi bác ạ.

    Nó giống như câu chuyện anh nông dân xây được cái nhà đẹp ấy. Nếu anh tự hào về ngôi nhà anh đẹp, thì anh phải tìm cách đi qua làng bên, nói cho người làng bên biết cái nhà anh đẹp thế nào để họ còn biết mà đến thăm. Nhưng chúng ta đã làm gì? Chúng ta đã bảo anh nông dân ấy nằm ở nhà, chổng mặt lên ngắm trần nhà và tự khen nhà mình đẹp thôi là đủ. Trong khi thế giới ngoài kia, có biết bao ngôi nhà đẹp hơn đang được xây nên mỗi ngày, bác ạ..."

    Từ một chuyện không hề nhỏ. Chia sẻ để mọi người cùng suy ngẫm!

    Nguyen Viet Anh/FB

    ReplyDelete
  20. Rất nhiều chứng cứ cho thấy tâm tính ngàn đời của dòng giống Lạc Hồng đang vào cơn lốc thay đổi đến chóng mặt: hàng ngàn người va chạm nhau trong dịp lễ Tết, xung đột đến mức vào bệnh viện, nông dân âm thầm bỏ hóa chất vào ruộng đồng, người chăn nuôi bơm thuốc độc vào sản phẩm trước khi mang ra chợ. Đất nước như đang vào một cuộc nội chiến không tên gọi. Cuộc chiến không có người chiến thắng mà chỉ có tự hủy diệt như trong đấu trường La Mã Colosseum, còn những kẻ chủ mưu nào đó thì hò hét và vỗ tay trên các khán đài.
    Hóa ra, như cách nói hiện nay thì người Việt âm ỉ mang cái ác trong lòng từ lâu, chỉ chờ thời cơ để bùng nổ hay sao? Dân tộc ngàn đời sống với lúa nước, với chài lưới hiền lành lại giao truyền lại cho nhau tính hiếu sát?
    Thật khác biệt với những gì lịch sử ghi chép về một đất nước mà Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo để không phải mở đại sát giới, phát lương thực cho kẻ quy hàng hồi hương. Bạn có nghĩ giống tôi không, rằng dân tộc mình không như những gì đang thấy, mà đang vào giai đoạn bị bỏ độc vào tư duy, trở nên biến dị lạ thường.

    Cuộc sống hôm nay quá đỗi eo sèo, đang hối thúc những con người chân chất nhất phải nhìn lại mình, rằng mình có đang rất ngu ngốc không giữa cuộc đời đang ngày càng ích kỷ và vô tâm này. Vài năm trước, người ta đọc tin một đôi vợ chồng trẻ ở Bắc Kinh bán đứa con nhỏ để mua iphone đời mới. Ít lâu sau ở Việt Nam đã có người giết ông bà của mình để lấy tiền chơi game. Ở Thượng Hải từng có video đường phố, ghi lại cảnh đứa con khỏe mạnh đánh đập cha mẹ già giữa đường vì tức giận phải mang vác chữ hiếu trong khi muốn tận hưởng đời riêng. Không lâu sau, Việt Nam cũng nổi lên những câu chuyện tương tự, làm nát lòng những người tử tế trên đất nước mình, với câu hỏi vì sao?

    Hãy tự hỏi mình là vì sao chỉ có Việt Nam và Trung Quốc, chứ không có nơi nào khác sát đường biên như Thái Lan, Lào, Campuchia hay thậm chí là Mông Cổ, Tây Tạng?

    Người dân của đất nước Trung Hoa vĩ đại đang coi cuộc sống của mình trên quê hương như những dự án ngắn hạn và tạm thời. Khi cảm thấy thu thập đủ họ sẽ ra đi và để lại phần khốn khó nhất cho tất cả những người ở lại, mà họ đã tàn hại và bóc lột được. Họ không còn niềm tin trên quê hương mình ngoại trừ những kẻ đang vẫn còn được quyền lợi hay những kẻ đang còn tận dụng những âm mưu để nạo vét đất nước mình. Khi ôm đủ những đồng tiền đầy máu và rũ bỏ sự hiền lương, họ sẽ rời khỏi đất nước không nuối tiếc. Người Việt cũng đang có những khuynh hướng không khác gì. Những dự án ngắn hạn như vậy cũng đang hoành hành trên đất nước này. Có thể nhiều người sẽ không có một cơ hội để ra đi nhưng ít ra, họ tự an ủi rằng họ có thể sống sót ở một thế giới mà họ còn quá ít niềm tin.
    Chắc sẽ có người nói rằng, dẫu sao thì người Việt cũng ác, nhưng cái ác không tự sinh ra. Cái ác là một tập tính, tiếng vỗ tay và lời hò reo hiểm độc từ các hàng ghế của bọn quan lại trong đấu trường Colesseum. Cái ác của chúng ta và người bạn Trung Quốc, lúc này, cũng hết sức cá biệt trên thế giới.
    Tháng 9/2015, có một tai nạn kinh hoàng diễn ra ở thung lũng Mina, gần thánh địa Mecca, Saudi Arabia. Một vụ ùn tắc nhỏ trong đám đông hàng chục ngàn người hành hương đã dẫn đến sự hỗn loạn, biến thành thảm kịch giẫm đạp lên nhau để thoát ra ngoài, gây nên 2000 người chết và bị thương. Đám đông hiền lành và đầy đức tin đó, trong tích tắc đầy hoảng sợ và không còn lối thoát đã trở thành những kẻ đạp lên đồng loại của mình một cách không thương tiếc, tìm cách sống sót, bất chấp mình có thể phải giết một ai đó.
    Cái ác của người Việt trong cuộc sống, được nói tới lúc này, cũng như những kẻ hành hương mang trái tim hiền lương đi về phía trước, nhưng rồi bất ngờ phải tàn bạo để có thể sống sót.
    Đức Phật nói con người hiền lương là con người mạnh mẽ nhất. Chúng ta đang bị đầu độc tư duy để làm suy nhược sự hiền lương của dân tộc này, đất nước này. Sự hiền lương vốn được chứng nghiệm ở đất nước Miến Điện, nơi chính quyền phải buông súng để nhường chỗ cho những cánh hoa sứ cài trên tóc. Sự hiền lương khiến họ cũng đủ niềm tin để gọi tên Trung Quốc là kẻ ác, và từ chối đánh mất mình.

    NS Tuấn Khanh

    ReplyDelete
  21. Lịch sử không phải chỉ sắp sang trang mà đang sang trang. Mọi người Việt Nam đều phải sáng suốt để tránh những ngộ nhận tai hại. Những thành viên bộ chính trị và ban bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể thù ghét nhau vì tranh giành quyền lực và quyền lợi, nhưng họ đều hoàn toàn đồng ý với nhau là phải dựa vào Trung Quốc để duy trì chế độ độc tài toàn trị. Tất cả đều chống dân chủ. Tất cả đều đồng ý rằng “đi với Tầu thì mất nước, đi với Mỹ thì mất đảng” và tất cả đều đồng ý chẳng thà mất nước chứ không mất đảng. Không có một ngoại lệ nào cả.

    Chiến lược của họ trong lúc này chỉ là cố kéo dài thời gian hấp hối của chế độ và làm mất thêm thời giờ của nước ta trong cuộc chạy đua về tương lai, dù chúng ta đã mất quá nhiều thời giờ và đã quá chậm trễ. Chúng ta không được quyền có một ngộ nhận nào cả.


    Mọi ưu tư của chúng ta phải dồn vào cố gắng để đất nước bước vào kỷ nguyên dân chủ một cách nhanh chóng nhất trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc để chúng ta có thể lập tức cùng nắm tay nhau chinh phục tương lai.


    Nguyễn Gia Kiểng
    04/2015

    ReplyDelete
  22. Thời tôi còn là nghiên cứu viên ở Viện Vật lý, lâu lâu Sếp đi công tác nước ngoài về lại có mốt mới. Khi thì siêu đối xứng, siêu hấp dẫn, cầm tù quark, sắc động học, đơn cực từ, không gian nhiều chiều, bán dẫn, siêu dẫn nhiệt độ cao, nano. "Đây mới là vấn đề người ta quan tâm bây giờ. Các vấn đề khác cũ rồi." Bọn trẻ dò dẫm như người mù vào bãi mìn. Các anh lớn có kinh nghiệm thì khôn ngoan cầm chừng, vào dè dặt "Bọn nó trẻ cho dò đường trước". Thời đó sách vở hiếm hoi, chưa có Internet, có được định hướng mang mầu sắc thời sự nước ngoài như thế là quý lắm. Mất công nhưng cũng lõm bõm được một số thứ. Hiệu quả cực kém, nhưng tối nhà mất điện, ngày lo xếp hàng mua gạo dầu, đằng nào cũng không làm việc, mười epsilon cũng chỉ là epsilon thôi.
    Tưởng đó là chuyện của thời xa vắng. Hôm qua bàn tý chuyện công nghệ thông tin, vẫn thế: "Làm chuyện mới đi. CSDL quốc gia, cũ rồi, an toàn mạng cũ rồi, bỏ bỏ, làm cái mới". Chính phủ điện tử cũ rồi, xử lý ngôn ngữ cũ rồi, số hóa cũ rồi. Rồi phải là mobile, game, thường mại điện tử. Cũng cũ cả rồi, bây giờ phải là SMAC, IoT, dữ liệu lớn. Chắc chỉ trong 1 năm cũng cũ cả rồi. Cuối cùng không làm gì cả. Vẫn chỉ gia công phần mềm, phần mềm kế toán và mấy cái dịch vụ querry dữ liệu trên Web. Mấy chục năm làm CNTT mà thiết kế một bảng dữ liệu vẫn có hàng trăm cột, viết code thì cho ứng dụng chọc thẳng vào CSDL mà update, commit, select. Như vậy có thể hiểu tại sao không bao giờ có sản phẩm, không làm được xe hơi đã đành con ốc vít cũng khó. Xem phim Thời Đại Anh Hùng thấy ông Hàn Quốc làm mì sợi cũng thử đi thử lại hàng trăm lần thất bại rồi mới thành công. Người Việt làm gì cũng muốn inh ỏi, hoành tráng, sang trọng, mới toanh. Không bao giờ cam tâm thất bại chỉ lấy một lần, đừng nói hàng trăm lần thử nghiệm.
    Đó là khoa học công nghệ cóc bỏ đĩa. Con cóc bỏ vào đĩa, thả tay ra lập tức nó nhảy khỏi đĩa. Cũng có thể con cóc rất sợ phải ngồi trong đĩa quá lâu, người ta thấy mình là cóc. Cóc với ếch cũng cũng một họ. Có ếch ngồi đáy giếng thì có cóc bỏ đĩa. Cũng là họ hàng nhà nó, cóc chỉ hơn là được vi vu tàu bay, lên khỏi miệng giếng và ngồi vào đĩa để rồi nhảy đi.
    Ước gì có thời đại anh hùng, thất bại trăm lần để rồi có gói mì ngon.

    Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

    ReplyDelete
  23. Nhớ hồi chiến tranh, ta đánh ba thứ quân, phối hợp chính quy với du kích. Vậy sao lúc ngư dân sôi sục vì bị rượt đuổi, bắn, giết, cướp tàu khi ra khơi làm ăn trong biển của mình thì báo chí của Mặt trân, của Hội nghề cá, của Hội phụ nữ, thanh niên...không thể lên án tội ác, đòi bồi thường, đòi quốc tế có thái độ với kẻ ý lớn hiếp đáp? Nhiều loại báo,sách, phim, bài hát... đại diện nhiều đối tượng nhiều giọng, nhiều nội dung, nhiều cách thức tham gia linh hoạt vào cuộc chiến. Mà đừng lo bị ông anh giận, làm vậy cũng là “học” cách họ đang xài đủ thứ binh chủng vậy thôi.
    Rõ ràng trong một thế giới hội nhập, ta cần tính lại chiến lược, sách lược cho cuộc chiến truyền thông.
    Và đó là chuyện lâu dài. Trước mắt, xin bày tỏ sự yêu quí, trân trọng với Thành Lộc . Anh đã sống xuyên suốt như anh nghĩ và viết-chứ không chỉ nói - về lòng tự trọng dân tộc. Cũng nghe là MC Phan Anh, Tuấn Hưng, Mai Khôi, (NS Tuấn Khanh thì...dĩ nhiên rồi), Trúc Diễm, Phương Thanh, Thu Minh, Sơn Tùng, hoa hậu Phạm Hương, hoa khôi Lan Khuê... đã lên tiếng. Không cần phất phong trào hay dậy chiến dịch. Cứ tự nhiên như sống và thở. Như Thành Lộc viết: Là nghệ sĩ Việt, trước hết là công dân Việt.
    PS. Hôm nay là 100 ngày người tử tế Phạm văn Bên ra đi. Xin đốt nén nhang tưởng nhớ ông, người đã góp phần định nghĩa người Việt tử tế.

    Vũ Kim Hạnh

    ReplyDelete
  24. Tại sao thời nay lòng tham lại nẩy nở không gì ngăn cản nổi
    Nếu trở lại với những trang lịch sử xã hội sau 1945, người ta sẽ phải giật mình. Một thời gian dài, cùng với nhiều thói xấu khác, lòng tham ở con người hầu như biến sạch.
    Trong chiến tranh và cách mạng, người ta cảm thấy chẳng có gì phải giữ riêng cho mình. Vả chăng lý tưởng con người lúc ấy trong sáng, ai cũng nghĩ hãy vì cái chung mà phấn đấu đi, rồi ra sẽ được đền đáp. Ngày mai đây tất cả sẽ là chung – tất cả sẽ là vui và ánh sáng ( thơ Tố Hữu ). Lúc ấy người ta không tham.
    Nay thì cái ước ao hạnh phúc hóa ra câu chuyện ngày một xa vời, người ta bắt đầu cảm thấy nếu không tự lo thì sẽ chẳng ai lo cho mình cả. Cái điều mà chúng tôi gọi là tự do hoang dại nay tha hồ phát triển. Nó là mầm mống của cái ác.
    Nay cũng là lúc tốt xấu nháo nhào, hay dở nhiều khi là chuyện vô nghĩa. Ca dao ngày xưa Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn—chính chuyên cũng chẳng sơn son mà thờ. Còn ngày nay dân chúng bảo nhau Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt -- Lỗi lầm luồn lọt lại lên lương …
    Khi tự hiểu là không sao tổ chức được một đời sống như đã hứa, nhà nước thả cho mọi người tha hồ cạnh tranh và sát phạt nhau. Được sự khuyến khích ngấm ngầm, thói gian tham như con thú sổ chuồng, ngày một hoành hành không biết đâu là giới hạn. Đây cũng là một khía cạnh trong cái gọi là tội làm hư dân của giới quan chức mà có lần chúng tôi đã đề cập tới.
    Trong số các vấn đề nhức nhối của cái thời chúng ta đang sống, có vấn đề sự tan vỡ của niềm tin, sự trống rỗng của lý tưởng. Nó là nguồn gốc sâu xa làm phát sinh mọi thói xấu đặc trưng cho xã hội ta sau chiến tranh. Không chỉ ham hưởng thụ và chạy theo các tiện nghi vật chất,-- mà nhiều người ngày nay lấy việc trở nên giầu có với bất cứ giá nào làm lý tưởng sống của mình. Đạo đức cổ truyền hoàn toàn đảo lộn.
    Sau cách mạng, xã hội vốn sống bằng noi gương, bằng cách làm theo những mẫu mực đạo đức được huyền thoại hóa. Lẽ tự nhiên sự lỗi thời trong hình ảnh những nhân vật mẫu mực hôm qua tạo nên một khoảng trống. Còn những mẫu giả hôm nay, xã hội không sao tiêu hóa nổi, nhắc tới chỉ gây phản cảm. Chính những kẻ hay lên lớp người ta về “sống cho trong sạch” “sống phải cống hiến” lại đang đi đầu trong tham lam vơ vét . Khi vỡ ra điều đó, mọi người bình thường sớm muộn sẽ cảm thấy sống tử tế chỉ thiệt.
    Ngày xưa còn có người tự hào rằng mình sống bằng sự tự trọng và có một thứ cao quý về mặt tinh thần phân biệt mình với những kẻ tầm thường khác. Nay thì mọi sự thiêng liêng không còn, chúa coi như đã chết. Con người buông thả đã thế chỗ con người khổ hạnh. Người ta tự nhủ tha hồ làm bậy, miễn giỏi che giấu và biết khoác lác tự tô vẽ tự tuyên truyền. Một người nước ngoài từng làm phóng viên theo dõi cuộc chiến tranh ở VN nói rằng nay là lúc người Việt người nào cũng gian giảo theo cách của mình, nên nay là lúc chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì to lớn nữa. Họ có cái lý của họ.

    Vương Trí Nhàn

    ReplyDelete
  25. VÌ SAO ANH MINH NỔ SÚNG VÀ GIÁ TRỊ CỦA NỔ SÚNG
    Bất kể nguyên nhân là gì thì hành vi nổ súng của anh Minh cũng không ngoài mục đích duy trì sự công bằng.
    Nhưng tại sao người hiền lành hiểu biết như anh lại không chọn đòi công bằng bằng con đường bất bạo lực trong khi điều kiện của anh gấp n lần điều kiện của đa số dân oan!? Ở tình huống xấu nhất, anh có mất chức, vướng tù tội thì khi ra tù, anh vẫn còn hơn rất nhiều lần nhiều dân oan, sao không kiên trì không dùng bạo lực, biết đâu cuối đời sẽ thấy công bằng như một số trường hợp báo chí đưa tin!? Câu trả lời hợp lý nhất dẫn anh đến bạo lực là anh hiểu công bằng thuộc về kẻ nắm quyền, không có công bằng cho kẻ yếu ở cái xã hội này.
    Đòi công bằng không dùng bạo lực, nếu được thì chỉ là cho cá nhân anh thôi, còn để xã hội thay đổi ư, chờ đấy! Không dùng bạo lực mà đòi thay đổi ở đâu không biết chứ ở Việt Nam thì 1000 năm nữa may ra. Không có bất cứ cơ sở nào chứng minh bất bạo động có thể thay đổi được xã hội Việt Nam. Hi vọng đấu tranh bất bạo động khiến Việt Nam thay đổi cũng giống như hi vọng quan chức Việt Nam có liêm sỉ, biết tự trọng mà từ chức.
    Đòi công bằng không dùng bạo lực tức là chẳng thằng khốn tàn ác nào bị làm sao và như thế xã hội chẳng có sự thay đổi nào sất. Hành xử lép vế, yếu đuối đó xưa nay người đời vẫn làm và thế nên có đến trăm, ngàn anh Minh đấy mà giúp được gì nhiều cho xã hội!? Hãy kiểm đếm xem, dân oan trên khắp Việt Nam hiện giờ, hàng ngàn, hàng triệu, mấy người đòi được công bằng, có thay đổi gì được không, tên tuổi có mấy người biết đến!? Không nổ súng, Vươn có được như ngày nay, Viết có được oanh liệt!?
    Thế nên anh Minh chọn súng. Tiếng súng của anh vang tận năm châu. Súng nổ, chết người khiến nhân dân tung hô, hể hả. Đó không thể khác là sự đồng tình, ủng hộ (cả những người luôn hô hào bất bạo động. Lạ).
    Giả sử có vài chục hành xử như anh Minh chứ chả cần nhiều, ai dám chắc các ông bí, chủ còn trơ gan mà ngồi lỳ đấy láo toét. Cam chắc lúc đó các ông sợ vãi hột, viện đủ mọi cớ mà từ chức rồi ôm đống tiền ra nước ngoài tiêu (ngồi đấy để chẳng may bị bòm thì thằng khác tiêu hộ mất à?). Khi đó khái niệm khủng hoảng chính trị trầm trọng không còn đủ tầm để được dùng để diễn tả. Bọn lãnh đạo còn lại từ to xuống bé sẽ trật tự không dám khốn nạn, xã hội sẽ đi vào đổi thay.
    Thế giới không có ngày này nếu không có bạo lực và bạo lực vẫn phải được dùng để chế ngự, răn đe bạo lực. Vụ Dallas, cho dù hành vi bắn người da đen là có lý (tìm lấy bằng lái xe khi cảnh sát yêu cầu đưa tay ra), biểu tình vẫn nổ, cảnh sát Mỹ vẫn bị rình bắn chết và hành vi bạo lực đó khiến hành pháp phải nghiêm túc hơn, chỉn chu hơn.
    Có thể khẳng định anh Minh đã chọn bước đi mạnh mẽ, sáng suốt (đúng như tên Cường Minh của anh) chết vinh hơn sống nhục. Ngoài sự công bằng do anh ấn định, anh được cả thế giới biết đến, được người dân ngưỡng mộ, thán phục, trầm trồ. Và điều tuyệt vời hơn là anh không chết, anh đi vào lịch sử, trở thành người hùng trong lòng nhân dân.

    N.V.H
    from FB/Thai Do ( Hoang Nguyen Van's post)

    ReplyDelete
  26. Nếu nói: "tư tưởng phải ở trên tất cả" thì tư tưởng chủ đạo hiện nay ở VN là gì? Chẳng lẽ ...???

    ReplyDelete
  27. Chuyện đời bây giờ: TV phát tin có người chạy xe trên đường làm rơi tiền, lập tức những người đi đường lao vào nhặt, không phải để trả lại mà như một vụ "hôi của" vậy. Chỉ riêng điều này đã cho thấy: con người ngày nay không chỉ "hám tiền", còn nhiều cái tệ hại hơn đang hủy hoại họ.

    ReplyDelete
  28. Trần Thanh Đàn (ELTE.VIDI72): Các cụ đã nói:- " Thượng bất chính, hạ tất loạn".
    Điều kiện tiên quyết là "Thượng phải chính trực" và ......không ngu!!!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thanh Nghi: Ai không tham nhũng giơ tay.

      Delete
    2. Đàn Thanh: Cụt hết tay rồi, làm sao giơ???

      Delete
    3. Ngocdanh Nguyen: Chuyện kể trong thánh kinh: (lược kể) một nhóm người rất đông đứng quanh bao vây một người đàn bà trên tay mỗi người có nhiều gạch đá ... Đức Chúa đằng xa đi tới , bọn người đó nói thưa ngài người đàn bà này có nhiều tội lỗi,nên phải bị trừng phạt bằng cách ném gạch đá cho đến chết... Đức Chúa nói : hởi các người trong số đông này có ai thấy mình không có mắc phải một lỗi nào dù là lỗi nhỏ nhất, thì hãy bước lên và mém đá vào người đàn bà này, lúc này mọi người có mặt ở đây từ từ bỏ đi hết chỉ còn Đức Chúa, và người đàn này thôi. Đức Chúa đến mở trói cho người đàn bà đó và cả hai cùng đi... ( việc chống tham nhũng hiện nay sao mà giống đám ngươi trên vậy)!!!?

      Delete
    4. Hiệu Nguyễn: Ai đã làm trong cơ quan Nhà nước rồi thì sẽ hiểu!. Nếu không luồn cúi, nịnh hót và dâng cúng cho xếp trên mình thì có giỏi trời cũng không thể ngồi ở chỗ được giơ tay biểu quyết này đâu?!!

      Delete
    5. CSGT và công chức nhà nước đều như vậy. Ăn lương để tìm cửa "ăn chặn", bòn rút... các kiểu.

      Delete
    6. Nguyen Quy Phuong (ELTE.VIDI68): >Nguyễn Cao Bình - Để ra đứng đường như CSGT và làm công chức ăn lương 5T/tháng người ta phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng "chạy chỗ". Có bạn nào tin rằng người ta phải mất tiền chạy chọt để được "cống hiến" không?

      Delete
    7. Lam Nguyen: Có vài lần chống xếp bị nó đì liền - mình hiểu

      Delete
    8. Nguyen Quy Phuong (ELTE.VIDI68): >Đàn Thanh - Hai điều tiên quyết ấy có được điều nào không?

      Delete
    9. Chỉ cần được 1 điều là mừng lắm rồi.

      Delete
  29. Lam Nguyen: Cái gì làm đúng quy luật thì tồn tại và phát triển . Cái gì làm sai thì bị chính quy luật trừng phạt. Đời đâu phải là bánh vẽ .

    ReplyDelete
  30. Nguyễn Trọng Bình: Các lời chân thành này cũng đã được nói từ hồi có Đại hội 6 của ĐCS và bây giờ lại được nói lại; điều này cho thấy lý do vì sao VN ngày càng tụt hậu .

    ReplyDelete
  31. THÂN PHẬN: Không phải đi châu Âu lần đầu, nhưng trước khi bước chân sang châu Âu, chợt nhớ đến lời Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt về Hộ chiếu Việt Nam. Người ta cắt đi phần trước và phần sau đoạn nói của ông, làm cho ông điêu đứng. Những ai từng đi Âu Mỹ đều thấm thía thân phận của mình và chia sẻ với ông. Càng yêu quê hương đất nước bao nhiêu càng thấm thía thân phận bấy nhiêu.
    Nếu ở VN người Âu Mỹ được dành những ưu ái và quan tâm, nhiều khi quá mức, thì ở Âu Mỹ người Việt không có được những điều đó, thậm chí còn bị đối xử thứ cấp. Không phải nghèo mà tính cách ngửa cổ trông đợi nước ngoài đã tự biến mình thành hèn kém.
    Hèn kém đến nỗi kẻ xâm lược mang hộ chiếu, mang áo đường lưỡi bò, ngang nhiên đến mức trắng trợn tuyên bố bố xâm lược lãnh thổ Việt Nam mà lại cho là chuyện nhỏ, sợ ảnh hưởng đến nguồn du lịch, ảnh hưởng đến “đại cục”.
    Đa phần người Việt muốn xin visa đi các nước Âu Mỹ đều khốn khổ với những thủ tục chứng minh tài chính và nhân thân. Ngay cả khi có được visa rồi, lúc qua các cửa khẩu biên phòng vẫn bị soi xét. Một cảm giác bị đối xử không công bằng luôn thường trực. Ở trong nước đã đành lại còn cả ở nước ngoài. Mỗi lần đi là mỗi lần nhẫn nhịn nuốt nấc nghẹn vào lòng.
    Những người có chút tiền, có chút vị thế, mang tiền đi tiêu xài ở những nơi sang mà còn có cảm giác phân biệt, thì nói chi đến những số phận phải trôi dạt kiếm sống.
    (FB-Nguyen Ngoc Chu)

    ReplyDelete
  32. BÒN NƠI KHỐ RÁCH ĐÃI NƠI QUẦN HỒNG
    Lương một tháng chỉ có 400 đô mà đi nước ngoài phải tiêu tiền của kẻ lương tháng 20 000 đô. Làm cả năm mà không đủ tiêu một tuần.
    Cho nên phải giàu lên. Giàu lên từ lao động chứ không phải từ tham nhũng cướp bóc. Nhưng giàu thôi cũng không đủ.
    Một số người Việt do tham nhũng, lợi dụng cơ chế mà chiếm đoạt, nên có được rất nhiều tiền một cách dễ dãi. Từ đó, tự họ hình thành cách chi tiêu hoang phí đến ghê tởm. Họ đắp lên mình một núi tiền những thứ hàng hiệu. Những chiếc xe, đồng hồ, túi xách... trị giá cả triệu đô để nâng giá trị của họ (như chiếc đồng hồ của Trịnh Xuân Thanh có giá đến 39 tỷ đồng).
    Đó là những đồng tiền họ bòn rút từ giá trị đất đai của đồng bào mình, những đồng tiền họ moi móc từ tiền thuế của dân, những đồng tiền họ chiếm đoạt từ tiền vay nước ngoài, giáng gánh nợ lên đầu con cháu. Thế rồi họ phung phí hàng triệu đô vào những thứ xa xỉ, làm giàu cho người nước ngoài.
    Họ tưởng rằng bằng cách xài tiền như thế thì đẳng cấp họ được nâng lên. Và họ ra sức vung vãi tiền bạc để bù đắp lại những điều mà thiên bẩm không có. Trên thực tế, sự khoe của kiểu “Thạch Sùng” không đưa lại cho họ sự kính trọng từ người Âu Mỹ, mà trái lại làm tăng nhanh mức độ chế nhạo, coi thường. Đồng tiền mua được nhiều thứ, mua được dịch vụ đế vương, nhưng không mua được sự kính phục.
    Ngay cả những ông chủ nhiều tiền người Ả Rập, dẫu một đêm ngủ mất vài trăm ngàn đô, tuy được phục vụ theo mức thượng hạng, nhưng cũng rất khó kiếm được sự thực lòng kính phục. Người Âu Mỹ thực dụng. Họ phục vụ để lấy tiền. Nhưng gốc gác nguồn tiền không làm thay đổi được cách nhìn của họ về gốc gác chủ nhân.
    Nói như thế không phải tự ti, không phải bôi đen, không phải tiêu cực, mà để tìm ra lối thoát. Đó là cách làm giàu không nhờ vào buôn bán tài nguyên hay cung cấp dịch vụ, mà là cách làm giàu nhờ sự thăng hoa của chất xám mà từ đó có được những phát minh sáng chế tiên phong. Chỉ có cách đó mới đẻ ra sự giàu có kèm theo hùng cường. Chỉ có cách đó mới không những có được sự khâm phục mà còn làm cho người phải nể, phải sợ.
    Không thấy được nguyên nhân, mà chỉ so với quá khứ của chính mình rồi bằng lòng “ chưa bao giờ được như hôm nay” thì mãi mãi tụt hậu, mãi mãi không thể ngóc đầu lên được trước bạn bè quốc tế.
    (FB-Nguyen Ngoc Chu)

    ReplyDelete
  33. TRỐN CHẠY ĐI ĐÂU?
    Vội vã trốn chạy khắp một góc trời châu Âu. Từ Paris qua Bordeaux. Từ Lisbon đến Madrid. Rồi Brussels, Geneva, Zurich. Thả bóng trong nắng chiều vàng trên sân ga hàng trăm năm cổ kính. Vội bước trên những sân golf huyễn hoặc bên hồ Geneva xanh vắt da trời, và trên cả bờ Đại tây dương sóng tím vỗ vô hồi. Mà trên mỗi bước chân không ngớt nghĩ về quê hương, nơi tài nguyên đã cạn kiệt, nơi sắp rứt ruột cắt ra những mảnh đất của tổ tiên để làm đặc khu trong ước mộng làm giàu trông chờ người nước ngoài của một nhóm người.
    Châu Âu hiện đại, văn minh giàu có đến nhường kia mà có ai cần đến đặc khu, có ai ngồi chờ vào sự bố thí của người ngoại quốc? Châu Âu cổ kính đẹp bệ vệ đến thế kia nào có cần đến đập phá xây mới nhà cao tầng? Những ga tàu ở trung tâm thành phố là nơi tiện lợi nhất cho đi lại, hàng trăm năm vẫn sừng sững, còn ở Hà Nội người ta kêu gào dời ra ngoại ô. Những tòa nhà hai ba tầng hàng thế kỷ bệ vệ, còn ở Hà Nội họ đập phá để xây những căn hộ cao tầng bán thu về bạc tỷ.Tàu điện vẫn nhộn nhịp giữa đường phố trăm năm không mở rộng, mà giao thông lại được bố trí hợp lý đến thán phục, còn ở Hà Nội thì xóa bỏ tàu điện, đập phá để mở rộng mà tắc đường vẫn nối dài ngày này qua tháng khác.
    Chúng ta đã học không đúng bài.
    Khách du lịch dẫu có nhiều tiền đến đâu cũng chỉ được đối xử cùng lắm là bằng công dân nước sở tại. Họ chẳng ưu tiên cho ai hơn công dân của nước họ.
    Thế mà ở VN, người ta đang mời chào người nước ngoài bằng cách hạ thấp giá trị công dân của VN.
    Đất cho người nước ngoài thuê “ưu tiên vượt trội 99 năm ” với giá rẻ mạt cùng đủ các loại ưu đãi về thuế mà có thể gọi là cho không. Họ ưu tiên người nước ngoài bao nhiêu thì càng hạ thấp bấy nhiêu giá trị con người Việt Nam. Hạ giá đến đớn đau.
    Kẻ nào đã dự thảo giá trị công dân nước Việt chỉ có 2200 đô la? Rằng đầu tư 50 triệu đồng vào VN là có thẻ cư trú xanh? Có nơi nào trên thế giới này giá trị công dân rẻ mạt đến nhường ấy không? Chỉ có những kẻ vừa ngu dốt vừa hèn hạ mới nặn ra những kế sách hạ nhục quốc thể đến mức đó.
    Không có người giỏi giang tử tế nào lại bỏ tiền mua danh công dân thấp hèn. Chỉ có cặn bã của xã hội mới trôi dạt đến. Chỉ có kẻ thù của Dân tộc mới lần mò đến. Cho nên không phải 50 triệu, không phải 500 triệu, mà tới năm trăm tỷ thì Việt Nam cũng không cần thêm người. Chỉ có nâng giá trị người Việt lên thì mới có người giỏi người tốt tìm đến.
    Trốn chạy đi đâu? Dẫu đất trời mênh mông mà không thể dấu nổi tấm thân, càng không thể tù gông suy nghĩ.
    Trở về với đặc khu, với BOT, với đồng bào của mình. Ở mọi nơi ngoài Việt Nam mình là thứ cấp. Mình không thể là thứ cấp ngay chính trên quê hương mình. Đừng trốn chạy. Hãy dũng cảm đối mặt.
    (FB-Nguyen Ngoc Chu)

    ReplyDelete
  34. Các vị nên nhớ năm 1946, trong tình hình vận mệnh đất nước như vật nặng ngàn cân treo trên đầu sợi tóc. Pháp đã đem 15.000 quân theo chân quân Anh vào giải giáp vũ khí quân Nhật đầu hàng đồng minh. Quân pháp ra tối hậu thư cho chính quyền Nam Bộ phải đầu hàng. Thế là Nam Bộ kháng chiến. Trong khi đó 20 vạn quân Tàu Tưởng vào miền Bắc Việt Nam để giải giáp vũ khí chỉ có 35.000 quân Nhật đã đầu hàng.
    Trong tình thế như vậy, buộc phải chọn một trong hai kẻ thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn giải pháp đuổi 20 vạn quân thù truyền kiếp ra khỏi nước ta, đau đớn chấp nhận cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc nước ta thay thế 20 vạn quân Trung Hoa qua Hiệp định ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946. Đó là sáng kiến vĩ đại của một người yêu nước vĩ đại, dám chịu trách nhiệm trước toàn dân và lịch sử.
    Quân Trung Hoa phải rút khỏi Việt Nam từ ngày 1 đến 15 tháng 3 năm 1946, và chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm 1946. Điều khoản thứ 2 của Hiệp định này ghi rõ: “Nước Việt Nam thỏa thuận để 15.000 quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế cho quận đội Trung Hoa giải giáp quân Nhật. Số quân Pháp này sẽ phải rút hết trong thời hạn 5 năm.”
    Trong tình thế đất nước cực kỳ nguy nan, mà người cầm lái còn sáng suốt lựa chọn, và việc ký kết vẫn tỏ rõ một nước có chủ quyền.
    Vậy mà trong tình hình yên bình như thế này, với số dân 95 triệu đâu phải nước nhỏ, và người Việt Nam chưa từng cúi đầu trước kẻ xâm lược nào, dù chúng đến từ phương trời nào. Thế mà tự nhiên lại lập ra ba cái gọi là Đặc khu để rồi trước sau cũng rơi vào bẫy giặc.

    Nhà văn Hoàng Quốc Hải

    ReplyDelete