"Người Sài Gòn tức là người theo phong cách ứng xử tương đối rõ nét theo kiểu dân..."Sài Gòn". Đó là những người nay không còn cư ngụ ở Sài Gòn, đã lưu tán khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, lập nghiệp ở vùng kinh tế mới hoặc trở thành Việt kiều ở 1 nơi nào đó. Có thể đó là người Hoa, người Khơ-me, thương mến đất Sài Gòn, nơi họ có nhiều kỷ niệm vui buồn." Sơn Nam đã viết như vậy khi bộc lộ rằng ông là người "mang nặng óc địa phương" và viết "để cùng bàn bạc, xin ghi chép vài nét tạm gọi là dễ thương hoặc khó thương của một quần cư" như Sài Gòn.
Sài Gòn có thế mạnh nhờ vị trí địa lý khá tốt để lập bến cảng, là nơi hội tụ giao thương mà dân gian biết tới qua câu "đất lành chim đậu". Thực dân Pháp khi xưa chỉ thèm thuồng Ấn Độ và Trung Hoa đông dân, là thị trường tiêu thụ lớn. Sau hiệp ước 1862, giới thương gia, chủ tàu viễn dương của Pháp mới nhận ra giá trị của Sài Gòn và biến nó thành 1 cảng sầm uất chiếm vị trí khá tốt, sau Singapore và Hồng Kông.
Thời Tây Sơn, vùng Sài Gòn bây giờ gắn liền với tên Nguyễn Ánh/Gia Long và Bá Đa Lộc/
Pigneau de Behaine. Hai kẻ lang bạt gặp nhau trong cùng mưu đồ biến vùng đất này thành bàn đạp để thực hiện tham vọng của mình trong khi Nguyễn Huệ phải tập trung vào việc giữ gìn biên giới phía Bắc. Nơi đây ban đầu được Nguyễn Ánh gọi là Gia Định Kinh (theo nghĩa "kinh thành", "kinh kỳ"). Từ đây, Nguyễn Ánh thấy được con đường dễ dàng trở lại Huế, dễ giao thiệp/cầu viện các láng giềng gần (Thái Lan và Mã Lai). Từ vị trí kém quan trọng, chỉ là 1 đồn lũy gọi là Đồn Dinh, Sài Gòn trở thành trung tâm thương mại. Về sau, giới thương gia người Hoa kéo về Chợ Lớn sau khi Cù lao Phố/Biên Hòa bị quân Tây Sơn đốt phá. Chợ Lớn bắt đầu trở thành nơi gom lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long để xuất khẩu và bán trở lại cho dân trong vùng các hàng hóa nhập khẩu. Sài Gòn/Bến Nghé từ đó gắn bó hữu cơ với Chợ Lớn. Chợ Lớn là kho hàng của Sài Gòn, Sài Gòn là nơi tập trung các cơ quan hành chính, quân sự và dinh cơ của quan lại.
Sài Gòn vươn lên thành 1 cảng quan trọng, trở nên phồn vinh là nhờ công lao của Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Như là phó vương (vua của địa phương), ông được quyền "tiền trảm hậu tấu", tự ý xây thành cao hào sâu với quy mô lớn. Lại cố ý cho tàu buôn nước ngoài ra vào Sài Gòn, dễ dãi với người theo đạo Thiên Chúa, giao lưu mua bán với Campuchia. Vị tổng trấn họ Lê còn chủ trương dung nạp lưu dân, đồng thời nghiêm khắc, bảo vệ kỷ cương xã hội. Đối với tù nhân từ Bắc và Trung Bộ bị lưu đày vào đời Minh Mạng, thay vì đưa họ đến chốn rừng sâu nước độc, làm việc khổ sai, họ Lê đã dung nạp, tổ chức thành những đơn vị thân tín riêng biệt. Những điều này mặc nhiên chống lại đường lối trung ương tập quyền, bế quan tỏa cảng của triều đình Minh Mạng lúc bấy giờ.
Người Sài Gòn mang phong cách của dân bến Cảng từ thời nhà Nguyễn cho đến nay. Người Pháp chiếm Nam Kỳ, mở thêm Cảng đường sông với tuyến đường thủy lên Nông Pênh, Biển Hồ, Hạ Lào, nối với vùng sông Tiền, sông Hậu. Xe ô tô chạy lên Nông Pênh, ra Hà Nội. Sau năm 1930, Sài Gòn có sân bay Tân Sơn Nhất, rồi xe lửa đi Hà Nội.
Người Sài Gòn, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đều chịu ảnh hưởng/lôi cuốn theo sinh hoạt của bến Cảng. Cảng Sài Gòn ở nơi yên tĩnh, không phải nạo vét, mưa nắng 2 mùa gần như chẳng có thiên tai.
Niên giám Nam Kỳ năm 1900 đã ghi các tòa đại sứ của Anh, Đức, Nhật, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch... đặt taị Sài Gòn là thủ đô của Nam Kỳ.
Vào cuối thế kỷ 19, theo phỏng định của thực dân, Sài Gòn có khoảng 100.000 dân (kể cả Chợ Lớn), có thể chỉ tính nam giới từ 18 tuổi trở lên vì đàn bà con gái không chịu sưu thuế. Từ đó dân số tăng dần không phải do bùng nổ kinh tế mà do sinh đẻ tùy tiện.
Người Sài Gòn từ đôi ba thế hệ (từ cuối thế kỷ 19, thậm chí từ 1945) lần hồi sống định hình, trầm tĩnh, nhưng lại phải chịu tác động của số người mới đến. Người tản cư mang tâm trạng khác hẳn với "lưu dân" thời nhà Nguyễn. "Đất cũ đãi người mới". Nhiều người cũ thua cuộc, lui ra ngoại ô, trong khi một số người mới đến từ 1954, lắm toan tính, liều mạng hơn, lại thắng trong việc chiếm mặt bằng và phố xá ở nội thành.
Không phải lạc đề khi nhắc đến những người Pháp và số ít người Âu đã xuất hiện rất sớm tại Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19. Phần lớn họ là những người tìm kiếm cơ hội làm ăn ở xứ lạ. Thất bại cũng nhiều, số người thành công rất ít. Nhưng nếu thất bại, vẫn là "làm cha thiên hạ", với căn phố tệ lắm cũng ở Đa Kao, sáng trứng gà chiên, trưa ăn thịt bò, tối uống rượu, khiêu vũ. Nhiều người bị sa lầy ở thuộc địa vì bà con bên quê xứ quá nghèo; ở Sài Gòn nhờ buôn lậu chút ít thuốc phiện cũng tạm đủ sống, bọn cảnh sát dù sao cũng nể nang mà không đụng tới. Tại nghĩa địa Pháp (trước khi giải tỏa) ta có thể gặp nhiều nấm mộ lở lói, bia mờ phai, hàng rào sắt rỉ sét, của giới lưu dân này.
Người Âu qua đợt đầu, có thể là những người Ireland/Ái Nhĩ Lan, chạy đói qua Viễn Đông, xin chức kiểm lâm rồi buôn lậu gỗ, có người gốc Mỹ theo chân quân đội viễn chinh Pháp, khẩn đất thổ cư rồi bán lại. Nhiều nhất vẫn là thương gia Anh, thương gia Đức. Họ nắm ngành nhập cảng vải bô, máy xay xát, nhờ vốn đem từ chính quốc và Hồng Kông, Singapore sang.
Người Pháp xác định Nam Kỳ là thuộc địa khai thác, bóc lột. Một nơi khí hậu khắc nghiệt, hại sức khỏe, dễ đau gan, chết non, cứ vơ vét cho đầy túi rồi trở về Pháp dưỡng nhàn. Đa số thực dân hồi cuối thế kỷ 19, theo chân bọn hải quân đều là dân miền biển, không phải là dân thành thị.
Nên kể thêm về những người Pháp gốc đảo Corse, miền Nam nước Pháp. Một vùng nghèo nàn nhiều đồi núi và rừng chồi, dân sống bằng chăn nuôi và trồng nho. Đến Sài Gòn, họ nắm phần lớn các quán rượu, bi-da và quán ăn. nhiều người Việt thích làm công cho họ dạng "bồi bàn", lần hồi sống theo luật "giang hồ" như chủ. Nhiều người ăn cắp rượu đem bán, nếu bị chủ phát hiện sẽ bị đánh "bầm giập", sau đó, người chủ cho tiền thuốc thang chữa trị ít ngày, vẫn ăn lương, rồi tiếp tục làm, không bao giờ đuổi, cuối năm vẫn lãnh tiền thưởng. Chẳng bao giờ họ nhờ cảnh sát lập biên bản, đưa ra tòa.
Những quán cà phê của người Pháp mọc dài theo đường Ca-ti-na. Các khu ăn nhậu nằm ở Chợ Lớn. Ở đây phục vụ gái làng chơi, với giá cao. Vừa uống rượu, thực khách vừa tha hồ đánh bài.
Người Pháp, kể cả công chức và tư chức, đều làm việc "tà tà" không lười không siêng do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới. Trừ những người khá giả, sắm biệt thự với bồi bếp riêng, phần lớn người Pháp lấy đường phố và quán ăn làm nhà. Họ mướn 1 người bồi để sai vặt. Nếu đáng tin, khi về tỉnh lẻ, thậm chí cả khi về Pháp nghỉ phép, họ cũng dắt người bồi theo. Nếu về luôn bên Pháp, họ giới thiệu người bồi với bạn bè hoặc tiệm ăn quen thuộc, lắm khi đền đáp cho người làm công nọ số tiền khá to. Một số người Pháp đối xử hung bạo, tát tai, đấm đá, trừ lương nếu người làm công sơ suất; nhưng một số khác thích đối xử "sang trọng", theo kiểu gia trưởng, ban ơn cho dân bản xứ. Vì vậy, nhiều bồi bếp ca ngợi phong cách của chủ, tạm gọi là "dân chủ" so với bọn cường hào ác bá ở thôn quê. Giới bồi bếp được chủ cấp cho 1 quyển sổ riêng, tạm xem như "giấy căn cước đặc biệt", nhờ đó được cảnh sát nể nang. Gặp trường hợp rắc rối với pháp luật, lắm khi còn được người chủ đến "bảo lãnh". Thời gian này là giai đoạn người Pháp mới đến, vì vậy dân gian chê bai "thằng điếm dọn bàn cho Tây" cậy thế; đến giai đoạn sau, giới bồi bếp không còn được ưu tiên về pháp lý nữa.
Người Việt công chức bậc trung, nhất là làm cho chủ Pháp, lắm khi được đối đãi tương đối "dân chủ", miễn là làm việc tốt, nghiêm túc. Ở sở công, có lương hưu trí, có hội đồng kỷ luật. Ở sở tư, các hình thức thi hành luật lao động, bồi thường nếu bị sa thải thình lình đều có quy định. Một số công/ tư chức về già đã khen ngợi kiểu làm việc cho Pháp dường như khá "bình đẳng, dân chủ".
Người Ấn chuyên nghề cho vay, cho mướn phố nhưng ít gây được cảm tình của người Việt. Phải chăng do cách biệt tôn giáo? Giữa người Ấn với nhau cũng có sự phân biệt, có hàng rào ngăn cách về đẳng cấp, giàu nghèo, dòng họ, huyết thống... Thực dân Pháp dành nhiều ưu tiên cho người Ấn gốc ở các nhượng địa Pháp như Bombay/Mumbai, Chandernagor, họ nhập quốc tịch Pháp. Nếu có bằng cấp thì dễ làm chức lục sự, cảnh sát, lắm khi hống hách với người Việt. Người Ấn ưa kinh doanh ngành vận tải đường sông, sắm tàu thủy cỡ nhỏ, hoặc đấu giá bến đò, đấu giá thuế hoa chi ở chợ, mướn người Việt hoặc đích thân họ thâu góp.. Người Ấn tầng lớp nghèo sống lẫn lộn với những người Việt thuộc lớp dân nghèo thành thị. Cuối thế kỷ 19, họ chuyên nghề đánh xe ngựa chở khách; về sau chuyên nuôi bò, dê; nhiều người cưới vợ Việt, sống khiêm tốn với nghề nấu cà ri mà người Việt ưa thích. Cũng có 1 số người Ấn sống kham khổ bằng nghề bán đậu rang, bánh rế mùi vị độc đáo.
Điều đáng chú ý là có nhiều người Việt thuộc giới bình dân yêu thích Ấn giáo, thông qua chùa Bà, thờ nữ thần Maryamanne, mà người Việt xem như Bà Đen, tức là bà Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Điện Bà (Tây Ninh), hành hương vào đầu tháng giêng.
Gần gũi với người Việt vẫn là người Hoa. Lại vẫn là giai cấp rõ rệt. Thiểu số tài phiệt người Hoa, gốc Singapore hoặc Hồng Kông đưa vốn cho tay sai kinh doanh ở Sài Gòn - Chợ Lớn từ cuối thế kỷ 19, họ từng có kinh nghiệm làm ăn với người Tây phương từ trước, đi đi về về để kiểm soát, đặt phương án kinh doanh. Giới này cũng như giới quý tộc Pháp trong ban quản trị của ngân hàng, của đồn điền cao su, rất ít tiếp xúc với người Việt; họ giao du với các quan của Bộ thuộc địa, của phủ Toàn quyền, phủ Thống đốc.
Số người Hoa "lưu dân" là những người cũng bị giới tài phiệt gốc Hoa bóc lột. Sống nơi xứ lạ quê người, họ thích ứng dễ dàng, đồng thời giữ gìn bản sắc dân tộc. Ngày Tết, tết Trung Thu, nhang đèn, đôi đũa ăn cơm, cọng rau, miếng thịt heo, đều có họ góp phần. Cưới vợ Việt, qua nhiều thế hệ, con cái trở thành người Việt; họ hòa nhập vào cộng đồng người Việt ở Sài Gòn - Chợ Lớn qua dịch vụ xe đò, ghe tải, tàu khách đường thủy, tích cực quyên tiền trùng tu chùa miếu của người Việt, xem như đáp nghĩa với phần đất mà họ nương náu, cầu mong phát đạt.
Thời Pháp thuộc, người Hoa và người Ấn hưởng quy chế ưu đãi hơn người Việt, như là "người châu Á không phải Việt", có quyền gửi tiền về chính quốc, được về thăm chính quốc dễ dàng, miễn quân dịch. Nhưng nhiều người Hoa chẳng bao giờ sử dụng quyền ấy vì: "Nghèo quá, không có tiền về bên Tàu".
(còn nữa)
Lược trích từ "Người Sài Gòn" của tác giả
Sơn Nam, NXB Trẻ (1990)