Có 1 cụm từ để nói về 1 giai đoạn của cách mạng Việt Nam, đó là "thời kỳ quá độ" tiến lên CNXH. Kể từ khi giành được độc lập đến nay, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những chữ ấy, đất nước vẫn trì trệ trong tình trạng suy bại, kém phát triển và bị các thế lực cường quyền bên ngoài khống chế do chưa tìm được một con đường...
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đều có tinh thần vì độc lập của dân tộc. Nhưng muốn thật sự độc lập để chọn con đường nào và định hướng của nó buộc họ phải có một tư tưởng đặc thù phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Trách nhiệm đó là 1 gánh nặng trên vai những ai gánh vác sứ mạng của đất nước. Lúc này, Việt Nam cần có một nhân vật đủ thấu đáo về vận mệnh của đất nước trong toàn cảnh của thế giới, kịp thời tận dụng được mọi cơ hội để mở ra một triển vọng thoát khỏi bóng tối bao trùm của lịch sử, tìm đúng con đường duy nhất dẫn đến một tương lai ổn định, đem lại phồn vinh trong tự do và hạnh phúc lâu dài cho nhân dân.
Phần 7: Giải quyết vấn đề của dân tộc - Chấm dứt thời kỳ quá độ
Với cái gọi là "thời kỳ quá độ" (cho dù nó còn ý nghĩa hay không thì tôi vẫn dùng nó), chúng ta đã cho phép mình kéo dài quá lâu quá trình thử nghiệm với dân tộc và đến nay vẫn còn lúng túng do cơ chế và cấu trúc đã hình thành không dựa trên 1 tư tưởng/nguyên lý chắc chắn (chỉ là dựa theo/bắt chước), chưa nói gì đến sự lựa chọn đúng sai.
Vốn là 1 nước kém mở mang, lạc hậu cho đến nay, tình trạng của chúng ta có thể tóm lược như sau:
1. Thiếu kỹ thuật/phương tiện và công nghệ sản xuất.
2. Do đó thu nhập quốc gia thấp.
3. Do đó mức sống của toàn dân thấp và thiếu thốn.
4. Người dân phải mưu sinh/kiếm sống vất vả hàng ngày, chiếm hết thời gian và năng
lực nên đời sống văn hóa không được mở mang.
5. Không có những sáng tạo có giá trị và đóng góp vào sự phát triển chung của
nhân loại.
Theo trình tự sắp xếp ở trên, ta thấy điều (1) là nguyên nhân của điều (2) và cả hai là nguyên nhân của điều (3) và ba điều này là nguyên nhân của điều (4) và tiếp theo v.v.
Như vậy, nguyên nhân chính và đầu tiên của sự lạc hậu là thiếu kỹ thuật và phương tiện/công nghệ sản xuất trình độ cao. Nhưng muốn có đủ kỹ thuật, máy móc/công nghệ cao thì phải có được 1 trình độ văn hóa khá cao cho toàn dân, và phải có nguồn tài chính dồi dào để giải quyết tất cả.
Các vấn đề trên đây ảnh hưởng/tác động lẫn nhau làm thành một cái vòng lẩn quẩn. Lẽ ra, cần phải tập trung giải quyết từng vấn đề, thực hiện những bước đi chắc chắn, thúc đẩy đất nước phát triển một cách mạnh mẽ để bẻ gãy cái vòng lẩn quẩn đó thì chúng ta lại tùy tiện chạy theo những cách thức "ngoại lệ", cho phép những sai lầm diễn ra theo 1 chuỗi liên tục có hệ thống mặc cho tình thế/hậu quả có thể tệ hại đến mức nào và trong phạm vi nào. Đây là điều không thể chấp nhận được.
Tôi đã đọc 1 cuốn sách và phát hiện được câu trả lời cách đây hàng chục năm.
Việt Nam là một dân tộc bất hạnh phải hứng chịu nhiều đau thương cho đến nay. Từ những thế kỷ xa xưa đã bị xâm lăng về cả vũ lực và văn hóa dưới thời Bắc thuộc, tới thời gian gần đây là Pháp, Nhật và Mỹ lại tiếp tục dày xéo, hủy hoại không thương tiếc gần 100 năm. Nhưng vì người Việt có bản chất không chịu khuất phục, luôn kiên trì chống giặc ngoại xâm để trường tồn nên truyền thống quý báu mang ý chí quật cường này đã trở thành di sản bất diệt của dân tộc. Đây là 1 điều may mắn được hình thành trên mảnh đất nằm ở vị trí vô cùng quan trọng này của châu Á, một vị trí đầy thử thách đã hun đúc nên tính cách của dân tộc Việt Nam.
Với chiến thắng trước đế quốc Mỹ (hoặc Việt Nam đã buộc Mỹ phải nhả lại cho TQ cục xương khó nhá?), chúng ta lại giành được độc lập và thống nhất đất nước với muôn vàn hy sinh gian khổ. Và bây giờ, vấn đề trước mắt mà chúng ta phải dốc sức làm bằng được là PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC.
Sau 1 thời gian dài bị ngoại bang đô hộ và trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất nước bị kềm hãm và hủy hoại về nhiều mặt nên xã hội và con người Việt Nam phải chịu những hậu quả vô cùng tàn khốc. Vì vậy, chúng ta phải có được những cơ sở/phương tiện cần thiết để phát triển một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Việt Nam đã chiến thắng trong chiến tranh bằng sự lãnh đạo của những cá nhân xuất sắc và sức mạnh của quân - dân một lòng vì độc lập của dân tộc [1]. Đây chính là vũ khí sắc bén vô cùng qúy báu, 1 bảo bối truyền lại từ hàng ngàn năm cần được vận dụng để vượt mọi trở lực, đưa đất nước đi tới tương lai với khát vọng xây dựng 1 nước Việt Nam giàu mạnh, thật sự dân chủ, tự do và hạnh phúc.
Trở lại với người lãnh đạo độc tài/minh triết của Nguyễn Ái Việt. Theo tôi, Việt Nam hiện nay không cần đến "tay lái vĩ đại" tầm cỡ như Putin (thật sự là vị thuyền trưởng lỗi lạc trên biển lớn) mà chỉ cần 1 người lái tàu lỗi lạc (chẳng biết nên gọi là "tàu cao tốc" hay là cái gì cho đúng bây giờ, có lẽ nên đặt tên gọi cho đoàn tàu này là "chuyến tàu thịnh vượng") dày dạn kinh nghiệm để lái được con tàu của mình đến đúng ga cuối mà mọi người mong muốn, theo đúng lộ trình (như tuyến đường sắt độc đạo Hà Nội - TP.HCM). Đây là người rất am hiểu về con tàu của mình (đến từng chi tiết) để loại bỏ những toa tàu/bộ phận hư cũ, biến đổi/nâng cấp đầu máy với công nghệ mà trình độ hiểu biết và khả năng cho phép... để thực hiện cuộc hành trình xuyên thời gian và không gian và đạt được mục đích của dân tộc từ hàng ngàn năm qua, biến ước mơ trở thành hiện thực trên mảnh đất phải chịu quá nhiều oan trái khổ nhục này.
Con tàu này cần được chuẩn bị khởi hành trên 1 tuyến đường mới đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Và thời điểm khởi hành của nó là cột mốc lịch sử đánh dấu cho 1 kỷ nguyên mới, không còn ì ạch phì phò với 1 cái đầu máy lỗi thời, lòng vòng như đèn cù hết đèo lại suối rồi rừng rú mông lung... nó chỉ vun vút lao tới tương lai, dứt khoát đoạn tuyệt với "thời kỳ quá độ".
Về vai trò đầu tàu/lãnh đạo. Trước hết, lãnh tụ/nhóm lãnh đạo minh triết phải là những người có đạo đức chân chính. Nghĩa là có "NHÂN" (theo quan niệm văn hóa truyền thống của người Việt). Họ phải có đủ khả năng về mặt vật chất, đủ lý trí và tinh thần để "tùy cơ ứng biến" một cách linh hoạt. Nghĩa là có "DŨNG" và "LƯỢC". Và cuối cùng, họ phải gồm những người thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng. Nghĩa là có "TRÍ".
Đời sống của 1 cộng đồng/cá nhân gồm nhiều thời kỳ. Với từng cá nhân mỗi thời kỳ khoảng 10 năm. Với 1 cộng đồng, mỗi thời kỳ có thể là một vài thế kỷ.
Lãnh tụ/nhóm lãnh đạo minh triết phải quán triệt vấn đề của từng thời kỳ để lãnh đạo cộng đồng trên đường tiến hóa, tạo được những chuyển biến để thích ứng không chỉ với bối cảnh thực tại, mà còn với cả trong viễn cảnh ở tương lai.
Các đức tính Nhân, Dũng, Lược có được do bẩm sinh/thiên phú, nếu được hoàn cảnh bên ngoài xã hội và cố gắng nỗ lực/rèn luyện của bản thân, sẽ phát triển đúng mức. Nếu không gặp hoàn cảnh thuận lợi nhưng vì là thiên phú, vẫn tồn tại trong bản chất. Vì vậy chúng là những yếu tố chủ quan. Trí - nghĩa là phải thấu triệt vấn đề cần giải quyết của cộng đồng, là yếu tố khách quan. Bởi vì sự thấu triệt vấn đề chỉ có thể được thực hiện bằng cách tập hợp, khảo cứu, phân tích, lĩnh hội, quan sát và đúc kết từ những tài liệu bên ngoài liên quan đến vấn đề. Không có tài liệu tham khảo thì 1 bộ óc dù siêu đẳng đến đâu cũng khó lòng thấu đáo được hết tất cả.
Các đức tính trên đều cần thiết cho người giữ vai trò lãnh đạo "minh triết" của cộng đồng. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn xảy ra những khiếm khuyết và dẫn đến những hậu quả khác nhau.
Một sự lãnh đạo có đủ Nhân-Dũng-Lược nhưng không thấu triệt được vấn đề cần giải quyết của cộng đồng không thể đưa con tàu cộng đồng đến được đích chiến thắng.
Trái lại, một sự lãnh đạo dù thiếu Nhân-Dũng-Lược, nhưng lại thấu triệt vấn đề của cộng đồng, vẫn có hy vọng mang thắng lợi về cho cộng đồng, dù thắng lợi đó phải trả bằng những gian lao và hy sinh to lớn.
Suy luận như trên không phải để chứng minh rằng Nhân-Dũng-Lược không quan trọng với người lãnh đạo. Mà để chỉ rõ rằng: mặc dù các yếu tố Nhân-Dũng-Lược-Trí đều cần thiết, thì vấn đề thấu triệt vẫn là điều quan trọng hơn cả!
Vì vậy, tới đây, chúng ta đã làm sáng tỏ được 3 điểm:
1. Việt Nam của chúng ta là 1 nước nhỏ yếu, luôn bị nạn ngoại xâm đe dọa.
2. Trong công cuộc chống ngoại xâm, vũ khí hiệu quả nhất là củng cố/hoàn thiện và
tăng cường sự lãnh đạo.
3. Trong vấn đề phát triển/tăng cường vai trò lãnh đạo, điều kiện thiết yếu cần được
thỏa mãn là: tập thể lãnh đạo phải thấu triệt vấn đề cần giải quyết của cộng đồng
dân tộc.
Sau 2 cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, vấn đề khiếm khuyết là điều đã xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo do những hạn chế chủ quan và khách quan. Nhưng nhân vật lịch sử/lãnh tụ minh triết mà Việt Nam cần lúc này phải là 1 người xuất chúng, 1 người hội đủ các yếu tố quan trọng nêu trên với sứ mạng của 1 Nation Builder - người xứng đáng cùng dân tộc Việt Nam làm nên kỳ tích trong thế kỷ 21, thay đổi Việt Nam 1 cách toàn diện để trở thành 1 đất nước văn minh và phồn vinh trong tự do và hạnh phúc.
Về mặt xã hội, cần có cái nhìn thấu đáo về quan hệ/mâu thuẫn giữa quần chúng/cộng đồng (gồm nhiều cá nhân hợp thành) với tập thể lãnh đạo.
Trong những thời kỳ bình thường, cộng đồng/nhân dân không đứng trước 1 thử thách khó khăn thì xã hội không đòi hỏi nhiều sự đóng góp của từng cá nhân. Mâu thuẫn hầu như lắng dịu, việc lãnh đạo chỉ chú trọng đến việc giữ cho trật tự xã hội được mọi người tôn trọng và đời sống của người dân được bảo đảm trong sự phát triển.
Nhưng ở những thời kỳ mà cộng đồng/nhân dân phải đương đầu với những thử thách nghiêm trọng, vì sự sống còn của đất nước, đòi hỏi những đóng góp to lớn của cá nhân, sự mâu thuẫn nói trên tăng lên cực độ. Sự lãnh đạo lúc này ngoài việc bảo đảm trật tự xã hội còn phải tập trung/quy tụ mọi phương tiện vật chất và nhân lực vượt quá mức bình thường để đưa cộng đồng vượt qua các trở lực.
Trong những lúc bình thường thì giới lãnh đạo có thể áp dụng hình thức cưỡng bách với nhân dân trong việc tự giác thực hiện những bổn phận tham gia (nếu cần phải buộc cá nhân tôn trọng luật lệ của cộng đồng). Nhưng trong những thời kỳ thử thách thì uy tín vững chắc của 1 lãnh tụ, hay sự cưỡng bức bằng vũ lực cũng không thay thế được sự đóng góp có ý thức vào/vì sự đòi hỏi của cộng đồng.
Và điều kiện thiết yếu để thực hiện sự tự giác đóng góp là quần chúng phải ý thức được cũng như hiểu biết về vấn đề phải giải quyết của cộng đồng. Có như vậy giới lãnh đạo và quần chúng mới đồng lòng thực hiện, tạo cho đất nước sức mạnh cần thiết để vượt được các thử thách ác liệt sẽ phải trải qua.
Trong lịch sử chống quân Nguyên, Hội nghị Diên Hồng là minh chứng về sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân và tướng sĩ thời Trần vào chính sự. Điều này đã giúp dân tộc ta ba lần chiến thắng kẻ thù hùng mạnh hơn ta rất nhiều. Nếu chúng ta nhìn nhận việc quần chúng nhân dân tham gia trực tiếp/gián tiếp vào chính sự của cộng đồng là bản chất của tinh thần dân chủ, thì các điểm sau đây lại được sáng tỏ:
1. Chỉ có sự tôn trọng tinh thần dân chủ mới là 1 lợi khí sắc bén nhất để 1 nước nhỏ
yếu như nước ta chống lại ngoại xâm.
2. Phát huy trí tuệ/ý chí của nhân dân đối với vấn đề phải giải quyết của quốc
gia là góp phần tích cực nhất vào công cuộc xây dựng và củng cố tinh thần dân tộc.
Từ đó, chúng ta có thể khẳng định bằng chính lịch sử Việt Nam rằng: một khi cả nước trên dưới đồng lòng, giới lãnh đạo thấu triệt vấn đề cần giải quyết của cộng đồng và nhân dân cũng hiểu rõ về điều này, thì đây chính là điều thiết yếu để vượt qua mọi khó khăn gian khổ và giành thắng lợi cuối cùng. Công cuộc phát triển không phải là 1 công trình chỉ cần 1 nhóm người hoặc 1 thiểu số trong cộng đồng là có thể làm được. Nó chỉ có thể được thực hiện bởi toàn dân hoặc đại đa số cộng đồng cùng quyết tâm/nỗ lực mới có thể đạt được kết quả. Đây là yếu tố quyết định, nó sẽ chi phối hoàn toàn đối với những sự lựa chọn đường lối về sau.
Tuy nhiên trong thế giới ngày nay, chúng ta không thể tách riêng Việt Nam khỏi bối cảnh chung, khi mà lợi ích quốc gia và lợi ích của khu vực, của châu lục và của thế giới đều liên hệ mật thiết với nhau. Vì thế cục diện của toàn bộ vấn đề bao giờ cũng được nhìn nhận rõ ràng hơn khi được đặt vào trong toàn cảnh chung. Như vậy, vấn đề cần phải giải quyết của Việt Nam sẽ được đặt trong 3 bối cảnh: tình hình chính trị thế giới, tình trạng của các nước cũng đang ứng phó trước 1 thử thách như của Việt Nam và tình hình/diễn biến của các nước trong vùng gồm các quốc gia có chung/thuộc về khối văn hóa với Việt Nam.
Như vậy, toàn bộ nội dung trên đây là những gì thiết yếu, mang tính sống còn với chúng ta trước vấn đề hiện nay của cộng đồng vẫn là TQ, kẻ thù truyền kiếp dai dẳng 1 lần nữa lại là kẻ đối đầu của chúng ta, mối nguy hiểm lớn nhất của dân tộc ta xưa nay. Chỉ có đoạn tuyệt với "thời kỳ quá độ" chúng ta mới cắt đứt hoàn toàn với quá khứ, với những quyết định sai lầm đã buộc Việt Nam vào "sợi xích" lệ thuộc vào TQ và bị chính người "đồng chí" xưng là anh em "môi hở răng lạnh" này lợi dụng và phản bội.
Vận mạng của dân tộc đang nằm trước 1 vấn đề vô cùng ghê gớm. Từ một ngàn năm nay dân tộc chúng ta chưa bao giờ gặp 1 thử thách hiểm nghèo như vậy. Trước chúng ta đã có nhiều thế hệ thất bại với thử thách này và trong thời gian gần đây, các biến chuyển đã đưa dần sự thắng lợi và thất bại của chúng ta chỉ cách nhau 1 đường tơ. Trách nhiệm nặng nề của lịch sử đang đè nặng lên chúng ta, chưa bao giờ lợi ích của cộng đồng dân tộc đòi hỏi mỗi chúng ta phải tham gia vào 1 công cuộc vô cùng khó khăn nhưng cũng cực kỳ xứng đáng vào lúc này vì Tổ quốc.
Hãy chuẩn bị cho đoàn tàu khởi hành. Tất cả những gì chúng ta phải làm bây giờ là vứt bỏ mọi ảnh hưởng xấu từ TQ để thoát khỏi âm mưu đen tối vì lợi ích quốc gia hẹp hòi của những kẻ lãnh đạo bẩn thỉu. Hãy chứng tỏ được rằng Việt Nam tuy nhỏ nhưng không yếu và dù nghèo nhưng không hèn. Hãy vì lợi ích vĩnh viễn của chính chúng ta, vì 1 tương lai khác với những gì mà chúng đang muốn áp đặt theo ý muốn/đại cục của chúng. Chúng ta nhất định sẽ lại "đại phá" thành công!
(Đọc và viết theo cuốn sách của Tùng Phong)
Cao Xuân Việt
[1] Từ chiến thắng giải phóng đất nước qua 2 cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, dân tộc Việt Nam đã cho thấy "sự trỗi dậy không ai lường hết được của những gì đẹp nhất trong con người Việt Nam và cộng đồng con người Việt Nam, sự trỗi dậy của lòng yêu nước và tình cảm dân tộc, sự trỗi dậy của khí phách "thà chết chứ không chịu làm nô lệ", sự trỗi dậy của lòng dũng cảm, trí thông minh và tài năng sáng tạo, sự trỗi dậy của trí tuệ tập thể... Đây là sự trỗi dậy có tầm vóc rộng lớn và sâu xa lạ lùng, bắt nguồn từ bản lĩnh vốn có của dân tộc, đưa lại những thành quả mà ngày nay, nhớ lại, mọi người chúng ta đều tự hào và bè bạn nước ngoài gần xa đều ngưỡng mộ." (Phạm Văn Đồng)
ReplyDeleteKhi viết bài này, tôi nghĩ đến 1 thế giới khác. Mong rằng, những cuộc tranh đấu vì dân tộc và chủ quyền sẽ không còn nữa,,, và cũng chẳng có nước nào là bá chủ. Lúc đó thế giới sẽ mở rộng cho từng cá thể, biên giới chỉ còn là quy ước của vùng di sản văn hóa, passport chỉ là xác nhận về 1 con người, nhân loại sẽ phát triển toàn diện với tất cả những gì tốt đẹp nhất, giá trị nhất và sống trong xã hội văn minh tột đỉnh trong tự do. Và như thế, tất cả những gì tôi đang viết đều là vô nghĩa... Với những thế hệ như thế, chúng ta như những người cổ xưa vậy.
ReplyDeleteThực tế phát triển của các quốc gia cho thấy, đất nước nào lãnh đạo anh minh thì dân tộc đó cất cánh chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, có thể chứng nghiệm trong một đời người, mà Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore là những ví dụ nhãn tiền, còn dân tộc nào có lãnh đạo u mê thì dân tộc đó chìm trong nghèo hèn hàng thế kỷ, không biết khi nào mới ngóc đầu lên được, thậm chí, ngay sự tồn tại của mình cũng không chắc được đảm bảo.
ReplyDeleteTừ trong sâu thẳm, nhà lãnh đạo bao giờ cũng mang trong mình những sứ mệnh lớn hơn bản thân, gia đình hoặc phe nhóm của mình. Đó có thể là sứ mệnh giải phóng dân tộc, hoặc tạo ra một sự phát triển vượt bậc cho dân tộc, hoặc giải phóng con người ra khỏi u mê giáo điều. Chính sứ mệnh lớn lao đó chứ không phải những kiến thức chuyên môn, hoặc bè phái cấu kết, làm lên tầm vóc của nhà lãnh đạo, và tạo ra sự phát triển cho cả dân tộc mà họ lãnh đạo. (Giáp Văn Dương)
Không biết đến khi nào, tập đoàn đầu máy "Tự Lực" tối cao của nước nhà mới ra được sản phẩm "made in VN" cho xứng tầm thời đại. Nhưng trước hết, có lẽ phải có người có tầm nhìn sáng suốt như ngày xưa khi mở đường mòn "Hồ Chí Minh", con đường huyền thoại mà phương Tây từng gọi đó là hệ thống "mạng nhện trên mạng nhện" không thể triệt phá được. Nó là một trong những điều thể hiện rõ nhất ý chí của dân tộc VN để đi đến kết cục được coi là thắng lợi vĩ đại vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Mà ngày ấy thì cũng đã quá lâu nên chiến thắng thành ra quá cũ rồi. Bây giờ bà con đang trông chờ một chiến thắng tầm cỡ như thế may ra mới hết khổ. Để được nở mày nở mặt với 5 châu 4 biển cho ra người VN con rồng cháu tiên, chứ bây giờ thì chẳng biết cội nguồn từ đâu nữa...!!!???
ReplyDeleteTâm trạng này của tôi hôm nay không phải là bi quan, chán nản. Mà chỉ là 1 quá trình từ kỳ vọng đến hy vọng rồi thất vọng kéo dài, lặp đi lặp lại mà vẫn chẳng thấy có gì sáng sủa hơn, tuy vậy tôi mới chỉ thất vọng chứ không phải là người tuyệt vọng hoàn toàn.