Mấy tháng trước, hình ảnh tàu Trung Quốc bơm cát phủ lên đảo Gạc Ma khiến hòn đảo chìm này hiện ra trên những bức không ảnh mà Philippine đưa ra, dễ thấy Gạc Ma đang được mở rộng diện tích cả hàng trăm lần.
Thế giới quan ngại về sự leo thang của Trung Quốc nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông.
Không biết xác con tàu HQ 604 giờ có còn ở đó? Những di cốt của liệt sĩ Gạc Ma có còn được khoang tàu che chở dưới lòng biển lạnh?
Câu chuyện về cuộc xâm lược cưỡng chiếm Gạc Ma của quân đội Trung Quốc vào ngày 14-3-1988 gần đây đã được nhắc đến nhiều.
Và câu chuyện Gạc Ma hôm nay cũng được Tân Hoa xã xác nhận: “Trung Quốc mở rộng đảo Gạc Ma để thay đổi thế yếu của không quân nước này bởi các máy bay chiến đấu J-10 và J-11 của quân đội Trung Quốc có tầm hoạt động không vượt bán kính 2.000 km.” (1)
Thừa nhận việc biến Gạc Ma thành một sân bay quân sự ngay trung tâm khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã không che giấu ý đồ của họ.
Nơi con tàu nằm lại
Tháng 6-2010, khi đến công tác tại Bộ Tư lệnh Hải quân ở thành phố Hải Phòng để viết về những cuộc quy tập hài cốt các liệt sĩ hải quân từ lòng biển từ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cho đến sau này, tôi may mắn được tiếp cận khá đầy đủ hồ sơ về hài cốt các chiến sĩ trong con tàu HQ 604.
Trước đó, sau khi nhận được thông tin này, chúng tôi cũng đã tìm ra xã đảo An Vĩnh của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gặp gia đình anh Phạm Vinh, người thợ lặn trên tàu Thành Công 07 của ông Võ Văn Chức - đã không may tử nạn khi lặn xuống khoang con tàu chìm HQ 604 ở vùng biển Gạc Ma để gom vớt hài cốt anh em liệt sĩ.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Hải Quân về việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh trên tàu HQ-604 cho biết: “Ngày 10-8-2008, tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNG-96219 khi đánh bắt trên vùng biển Cô Lin-Gạc Ma đã phát hiện một chiếc tàu quân sự bị chìm ở độ sâu 21 mét nước, cách đảo Cô Lin 3,7 hải lý và cách đảo Gạc Ma của ta đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép chừng 1 hải lý.
Cùng thời điểm này, tàu Thành Công 07 (là tàu chuyên đi lặn tìm phế liệu sắt thép từ các tàu bị đắm) cũng đang có mặt ở khu vực này. Nhận định đây là tàu HQ-604 bị chìm trong trận chiến ngày 14-3-1988 nên chỉ huy Quân chủng quyết định trước mắt nhờ anh em trên tàu Thành Công lặn thăm dò.
Chiều 10-8-2008, thuyền trưởng tàu Thành Công 07 lên đảo Cô Lin báo cho biết hiện trạng con tàu chìm có chiều dài khoảng 45 mét, rộng 7,5m, cao 6,5m , tàu có hai khoang, giữa hai khoang có một trụ cẩu, tàu có 3 máy, máy lớn có 6 lốc, hai máy nhỏ mỗi máy 4 lốc, kiểm tra sơ bộ một khoang thấy có 6 xương ống chân, và nhiều xương vụn.
Trước mắt, anh em trên tàu Thành Công 07 đã thu gom và bàn giao cho đảo: súng B41: 1 khẩu; đạn B41: 3 quả; cuốc chim: 1 cái. Dép nhựa trắng Tiền Phong Hải Phòng 2 chiếc.
Trên dép có ghi “Triển lãm thành tựu kinh tế Việt Nam - huy chương vàng - dép nhựa Tiền Phong Hải Phòng” trùng với các số hiệu quân tư trang khác đã chứng tỏ đây chính là tàu HQ 604 do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy.
Ngày hôm sau, sáng 11-8, anh em tiếp tục lặn tìm và quy tập hài cốt các liệt sĩ trong tàu HQ 604, gần trưa hôm đó, thợ lặn Phạm Vinh trên tàu Thành Công 07 (quê ở thôn Đông, xã An Vĩnh-huyện đảo Lý Sơn) bị nhồi máu cơ tim, anh em đã đưa vào cấp cứu tại đảo Cô Lin nhưng không cứu được anh Vinh.
Chiều 11-8, một số xương cốt anh em hy sinh trên tàu HQ 604 được anh em thợ lặn Lý Sơn bàn giao cho anh em trên đảo Cô Lin còn tàu Thành Công 07 chở thi hài anh Phạm Vinh về đảo Lý Sơn mai táng.
Sự cố xảy ra với anh Vinh đã khiến cuộc tìm kiếm hài cốt bị gián đoạn từ bấy cho đến nay.
Dù rất nhiều lần liên lạc với ông Võ Văn Chức để tìm thêm tư liệu ngoài những tài liệu mà Bộ Tư lệnh hải quân cung cấp nhưng tàu của ông Chức vốn là tàu lặn dò và phá dỡ phế liệu từ xác tàu đắm, có khi sang tận vùng biển gần Malaysia, Philippine... nên phải đến đầu năm 2013, tôi mới “đón lõng” được ông Chức và con tàu Thành Công 07 khi ông Chức đưa tàu về cảng biển Ninh Chữ (Phan Rang-Thá Chàm, tỉnh Ninh Thuận) để “lên đà” sửa chữa.
Câu chuyện về những hài cốt của anh em chiến sĩ hải quân bên trong tàu HQ 604 ở đáy biển Gạc Ma lại được ông Chức kể lại tường tận với chúng tôi và không giấu được niềm khắc khoải về số hài cốt đang còn trong khoang con tàu HQ-604.
Con tàu HQ 604 lên đường ra Gạc Ma và đã chìm vào lòng biển trong trận chiến ngày 14-3-1988 - Ảnh: tư liệu lữ đoàn HQ 125 |
Những chi tiết về “khẩu súng B41”, “đôi dép nhựa hiệu Tiền Phong” mà anh em thợ lặn tìm thấy được mô tả trong báo cáo của Bộ Tư lệnh Hải quân mà chúng tôi được đọc và sau đó may mắn được tận mắt nhìn thấy những di vật lịch sử này tại phòng truyền thống lữ đoàn Hải quân 125 “Đoàn tàu không số”, giờ đang được chính ông Chức - người thuyền trưởng đích thân tham gia cuộc tìm kiếm kể lại tỉ mỉ từng chi tiết.
Do vị trí tàu HQ 604 chìm rất gần với đảo Gạc Ma nên nhiều lần quân Trung Quốc ở trên đảo bắn pháo hiệu ra ý xua đuổi, tuy nhiên ông Chức động viên anh em “Việc họ dọa cứ dọa, mình làm cứ làm”.
Thấy không xua được chiếc “tàu cá” của ngư dân đi, tàu hộ vệ tên lửa 557 của Trung Quốc trực ở Gạc Ma đã chạy đến uy hiếp, thấy tàu 557 ra, anh em lại vờ như đang đánh cá, chạy loanh quanh một quảng, đến khi tàu 557 đi xa lại quay trở lại vị trí tàu HQ604 bị đắm để tiếp tục cuộc tìm kiếm .
Nếu không bị quấy nhiễu, chắc chắn việc quy tập hài cốt trong xác chiếc tàu 604 sẽ không mất nhiều thời gian đến thế.
Nhưng xót xa nhất là sáng 11-8 ấy, do kíp thợ đã lặn ngày hôm trước đã thông thuộc các khoang , nhớ được các vị trí có hài cốt nên tiếp tục cuộc lặn tìm và nhanh chóng tiếp cận khoang tàu.
Cửa vào khoang tàu rất hẹp, hai anh Ngọc, Hợp chờ bên ngoài, anh Vinh lặn vào trong và chuyền di vật tìm được ra để xếp vào bao. Di cốt được anh em gom vào được bao “xác rắn” (một loại bao gai bằng sợi pha nilon) và buộc lại, đúng lúc đó trên boong nhận tín hiệu cấp cứu.
Hóa ra sau khi chuyền được số di cốt đựng gần đầy hai bao, hai anh Ngọc và Hợp ở bên ngoài cửa khoang thấy anh Vinh lâu chuyển thêm di cốt ra, nghĩ là anh Vinh đang mãi lặn tìm.
Sốt ruột, Ngọc và Hợp chui lách vào khoang tàu thì thấy anh Vinh đã không còn ngậm ống thở, đầu ngoẹo qua một bên. Cả hai lập tức buộc Vinh vào dây và cùng đẩy lên rồi cho tàu tức tốc lao về đảo Cô Lin để cấp cứu cho anh Vinh nhưng không kịp nữa!
Lúc đó cũng chỉ có một bao di cốt được kịp đưa lên cùng mấy người thợ lặn, còn một số di cốt nữa, đã được cho vào bao cẩn thận nhưng chưa kịp kéo lên tàu và trong khoang vẫn còn nhiều di cốt khác chưa kịp gom.
Khắc khoải đường về
Trong khi đó, để có thể xét nghiệm ADN cho số hài cốt này, anh em Cục Chính sách của BTL Hải quân và các y bác sĩ đã đi lấy mẫu của thân nhân 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến 14-3-1988 ấy.
Khi tìm về gia đình các liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt của con em mình, bằng tất cả những câu chuyện, những nhân chứng, những chi tiết liên quan đến con tàu đang chìm dưới đáy biển Gạc Ma, chúng tôi đã động viên rằng, thực tế là dưới khoang tàu chìm vẫn còn một bao gai chứa hài cốt của anh em chưa kịp đưa lên và còn rất nhiều di cốt khác chưa gom lại được, vẫn còn nằm trong các góc khoang tàu như lời kể của những thợ lặn tàu HQ 604 mà tôi được tiếp cận.
Sau chuyến lặn tìm di cốt liệt sĩ của tàu Thành Công 07 và sự cố thợ lặn Phạm Vinh tử nạn, việc tiếp tục cuộc tìm kiếm hài cốt có phần khó khăn vì vị trí tàu đắm quá gần Gạc Ma.
Tháng 2-2009, Bộ Tư lệnh Hải quân có công văn gửi Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin để tiến hành đàm phán với phía Trung Quốc nhằm tiếp tục cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên tàu HQ-604 nhưng rồi những nỗ lực và thiện chí về công cuộc tìm kiếm nhân đạo này đã không thực hiện được.
Cho dù thế, khi được gia đình các thân nhân liệt sĩ gọi điện hỏi han về việc lặn tìm các hài cốt , chúng tôi nghĩ là vẫn còn hy vọng.
Ít ra, bố mẹ của những người bạn hàng xóm ở Quảng Trị của tôi đã hy sinh trong trận chiến 14-3-1988 ấy vẫn còn mong có một ngày được ôm nắm xương con mình trở về sau bao nhiêu năm chìm dưới lòng biển lạnh.
Năm kia, thân phụ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông (Quảng Trị) - một trong 64 người lính hi sinh với “vòng tròn bất tử Gạc Ma" đã không chờ được ngày trở về của con mình, ông đã ra đi gần đúng vào ngày giỗ thứ 25 của người con trai - một liệt sĩ Gạc Ma.
Mẹ Hoàng Thị Dỏ - mẹ của liệt sĩ Tống Sĩ Bái cũng ở Quảng Trị đã ngoài 80 tuổi, vẫn khôn nguôi hi vọng. Nhiều lắm những người mẹ Trường Sa, những người mẹ có con nằm lại Gạc Ma vẫn chờ đợi trong khắc khoải.
Gạc Ma, một phần thân thể của nước Việt Nam đang còn trong tay quân xâm lược. Dưới lòng biển Gạc Ma, xương máu anh linh người lính Việt vẫn còn đó, thao thức và khắc khoải hẳn sẽ nhắc nhở muôn đời nỗi đau này với chúng ta - những con dân đất Việt trời Nam!
(TTO)
No comments:
Post a Comment