Huỳnh Tịnh Của, còn gọi là Huỳnh Tịnh Trai, Paulus Của[1], người làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là Bà Rịa-Vũng Tàu). Huỳnh Tịnh Của giỏi chữ Hán, tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Năm 1842, ông theo học tại Đại Chủng viện Pulo Pinang. Sau đó ông hoàn tục, lập gia đình và làm công chức cho chính quyền thuộc địa. Năm 1892, ông được cử làm hội viên của Ủy ban cải tổ Trường thông ngôn, tham gia biên tập tờ bán nguyệt san Revue Indochinoise - tạp chí có giá trị chuyên nghiên cứu về Đông Dương xuất bản từ 1893 đến 1925. Huỳnh Tịnh Của cùng với Trương Vĩnh Ký (1837-1898) đã có công đầu trong việc sáng lập, điều hành và biên tập Gia Định báo - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ghi dấu hình thành kiểu loại hình liên minh văn-báo thời cận đại ở nước ta. Trên tờ báo này, Huỳnh Tịnh Của đã viết nhiều bài khảo cứu có giá trị.
Huỳnh Tịnh Của đã có những đóng góp quan trọng cho tiến trình hiện đại hóa văn hóa, văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Sự nghiệp của ông có thể chia thành các mảng:
Phiên âm và chỉnh lý truyện thơ Nôm bình dân sang chữ Quốc ngữ.
Sưu tầm, biên soạn và chú thích: Phép đo (Géométrie), Phép toán 1867, Phép đo (Arpentage) 1904 và các tập Chuyện giải buồn, Gia lễ 1886, Bác học sơ giai 1887, Sách Quan chế 1888, Đại Nam quấc âm tự vị 1895-1896, Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn 1896, v.v.
Các tác phẩm này cho thấy, Huỳnh Tịnh Của chịu ảnh hưởng từ nền khoa học phương Tây và truyền thống văn chương Công giáo với kho tàng truyện các thánh. Là tín đồ chân thành, ham hiểu biết và cầu thị, do vậy, văn hóa và khoa học phương Tây được ông hấp thụ 1 cách chủ động và tự nhiên. Và điều đáng quý là những gì ông học được từ phương Tây lại được vận dụng vào nghiên cứu, phục dựng vốn văn hóa, văn học truyền thống của dân tộc.
Nền biên khảo bằng chữ Quốc ngữ thực sự được khơi nguồn, khởi động từ Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, bao gồm việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học, khoa học Đông Tây. Các công trình biên soạn của ông giới thiệu khoa học lý thuyết và thực nghiệm của phương Tây như Phép đo, Phép toán (về cách vẽ hình học, cách chứng minh và một số quy tắc thông thường của toán học), Bác học sơ giai (về thiên văn, địa lý, bác vật, hóa học cùng nhiều phép học hay), tuy chưa thật chuyên sâu nhưng cũng có thể xem như 1 dạng giáo trình hệ thống và bài bản cho người học đương thời, đi trước cả những chủ trương thực học của sĩ phu duy tân đầu thế kỷ 20. Nếu Phép đo là cuốn sách giáo khoa đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ tại Nam Kỳ thi Bác học sơ giai là cuốn sách đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ thuộc loại phổ biến kiến thức khoa học thường thức với bài tựa nói rõ mục đích làm sách: "Này là những chuyện trong sách Tây, nói việc cao xa trên trời dưới đất, như thiên văn, địa lý, kim khoáng, nhơn vật luận, bác vật, hóa học, cổ xảo, kỹ nghệ, dưỡng sanh, chính là những điều người An Nam mắc theo kinh sử, hoặc cho là mạt nghệ cửu lưu, mà không yêu chuộng. Song xét ra là những chuyện con người phải biết, bằng chẳng thì lấy đâu mà gọi rằng thượng thông thiên văn, hạ đạt địa lý, trung quán nhơn sự (...) Với tựa đề Bác học sơ giai (nghĩa là rộng thông các việc học ở nấc đầu, bước đầu) Huỳnh Tịnh Của cho thấy dụng ý phổ biến khoa học và cách thức diễn dịch các danh từ khoa học, mãi hơn nửa thế kỷ sau chúng ta mới bắt gặp nơi công việc của học giả Hoàng Xuân Hãn và cộng sự.
Những sưu tập, biên soạn, chú thích... của Huỳnh Tịnh Của không chỉ có tác dụng giải trí, cập nhật/nâng cao tri thức văn hóa cho độc giả đương thời mà cho tới nay, các tư liệu trên vẫn còn có giá trị về mặt văn chương và tư liệu, giúp cho việc nghiên cứu văn học Nam Kỳ. Gia lễ cung cấp những tư liệu quý về những câu cách ngôn được luận giải tường minh, là biểu hiện của văn hóa ứng xử trong đời sống đương thời. Sách Quan chế cho biết cụ thể tên các cơ quan hành chính, các cấp bậc, phẩm trật trong hệ thống ở Nam Kỳ thời thuộc địa và guồng máy hành chính Nam triều.
Một trong những đóng góp quan trọng của Huỳnh Tinh Của là việc ông đã đứng ra chủ trì soạn thảo bộ từ điển giải nghĩa tiếng Việt đầu tiên: Đại Nam quấc âm tự vị (1895-1896), đây là 1 đóng góp lớn trong việc thống nhất, chuẩn hóa tiếng Việt và nâng nó lên thành thứ ngôn ngữ có khả năng biểu đạt mỹ văn và khoa học. Đại Nam quấc âm tự vị trở thành 1 cột mốc quan trọng của sự phát triển tiếng Việt, đánh dấu chặng đường mới, toàn diện và hiện đại hơn của văn học Nam bộ. Sử dụng phương pháp biên soạn từ điển của phương Tây, Đại Nam quấc âm tự vị đã lấy từ đơn tiếng Việt (kèm với chữ Hán và Nôm) để làm đơn vị mục từ, chỉ ra các nét nghĩa chính, đồng thời có liệt kê và giải nghĩa các từ ghép, các thành ngữ, tục ngữ. Bộ từ điển này là 1 kho từ vựng phong phú trên địa bàn cả nước, cả những từ vựng cổ. Theo thời gian, Đại Nam quấc âm tự vị không chỉ lưu giữ, cung cấp những ngữ liệu cổ có tác dụng trong việc hiểu những văn bản thời ấy, có ích cho việc nghiên cứu lich sử phát triển của tiếng Việt, mà còn trở thành cơ sở tham chiếu quan trọng cho việc nghiên cứu văn hóa, xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19.
Về lĩnh vực báo chí, Huỳnh Tịnh Của được biết đến với tư cách là người tham gia công việc điều hành, biên tập, viết bài cho Gia Định báo. Những bài của ông ký tên là Paulus Của, Paulus Tôi, Kẻ làm nhựt trình tại nhà in.
Chọn con đường nghiên cứu và phát triển văn hóa dân tộc qua hoạt động xã hội hóa chữ Quốc ngữ, Huỳnh Tịnh Của đã đi theo xu thế và dự cảm đúng. Trong bối cảnh văn học Việt Nam cuối thế kỷ 19 đấu thế kỷ 20, Huỳnh Tịnh Của đã góp phần đặt những viên đá và quan trọng để xây dựng nền móng văn học mới của Việt Nam.
(lược trích từ bài "Con đường làm giàu văn hóa dân tộc của Huỳnh Tịnh Của", tác giả Phan Mạnh Hùng, KTNN No.884)
______________
[1] Một số tư liệu về cuộc đời của Huỳnh Tịnh Của được chúng tôi ghi chủ ye61utheo Nguyễn Văn Y trong công trình Huỳnh Tịnh Của và công trình biên soạn bộ Đại Việt quấc âm tự vị, tiểu luận Cao học Ngữ học trình tại Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1974, tr.9-18.
No comments:
Post a Comment