Có những người kiệt xuất có tính cách mềm mại, song cũng có không ít
người kiệt xuất có tính cách cứng rắn, đôi khi là độc đoán, mang lại cảm
giác về một sự độc tài, nhưng xét kĩ thì không phải vậy. Điều này không
chỉ đúng trong chính trị, mà còn trong cả kinh doanh, khoa học, nghệ
thuật. Bill Gates và Steve Jobs, Newton và Einstein, Freud và
Wittgenstein, Van Gogh và Picasso, Winston Churchill và Konrad Adenauer,
Margaret Thatcher và Angela Merkel là những người như vậy.
Lý
Quang Diệu, theo tôi, là một lãnh tụ chính trị sáng suốt, và ở một mức
độ nhất định, đôi khi là độc đoán, nhưng ông không phải là một nhà độc
tài.
Vậy thì đâu là sự khác biệt giữa một nhà độc tài (hay
một hệ thống độc tài) với một nhà chính trị (hoặc hệ thống chính trị)
độc đoán sáng suốt?
Theo tôi, có 3 sự khác biệt căn bản sau đây.
Thứ nhất, xét về sứ mệnh.
Một nhà độc tài (hay một hệ thống độc tài) luôn tự huyễn hoặc mình bằng
một ảo tưởng thần thánh về sứ mệnh. Ảo tưởng thần thánh là sự mê tín
hay niềm tin mù quáng vào một cái gì đó siêu phàm, thoát ly hiện thực.
Hitler cho rằng ông ta có sứ mệnh tạo ra một đế chế ngàn năm cho chủng
tộc Arial. Polpot muốn khôi phục đế chế Khmer, còn Bắc Triều Tiên lại
thêu dệt lên vô số huyền thoại thần thánh về nhà Kim. Hệ thống các nước
XHCN đã miệt mài vẽ ra những bức tranh không tưởng về thiên đường cộng
sản và các đại lãnh tụ siêu phàm, không bao giờ mắc sai lầm. Do ảo tưởng
về sứ mệnh, các nhà độc tài (hay các hệ thống độc tài) này đã đẩy con
người vào hết những sự điên rồ này đến sự điên rồ khác, hết sự dối trá
này đến sự dối trá khác, và kết quả là họ tạo ra những xã hội bạo động,
nghèo nàn và ngu muội.
Lý Quang Diệu và hệ thống chính trị
Singapore hoàn toàn khác. Nó không có bất kì ảo tưởng thần thánh nào.
Nó duy lý, thẳng thắn, thực tế và luôn lấy thành công thực tế làm thước
đo. Nó luôn nhấn mạnh đến sự khắc nghiệt của đời sống, rằng khả năng của
con người là hữu hạn, và con người chỉ có thể xây dựng được một xã hội
tốt đẹp bằng phẩm giá và sự chăm chỉ nỗ lực hàng ngày.
Thứ hai, xét về tinh thần tôn trọng tri thức và pháp luật.
Một nhà độc tài (hay một hệ thống độc tài) luôn ngồi xổm lên tri thức
và pháp luật. Nó có thể đưa ra những chính sách phi lý, tùy tiện và quái
gở đến mức một người có đầu óc lành mạnh không bao giờ có thể hình dung
ra được. Hitler cấm giảng dạy thuyết tương đối vì đó là "vật lý Do
Thái". Hoa Quốc Phong ở Trung Quốc đưa ra học thuyết "phàm là" ("phàm
là quyết sách của Mao Chủ tịch đưa ra, chúng ta đều kiên quyết ủng hộ;
phàm là những tiêu chuẩn của Mao Chủ tịch, chúng ta trước sau đều tuân
theo vô điều kiện). Chính quyền quân sự ở Miến Điện cho in các đồng tiền
là bội số của 3 vì họ cho rằng đó là con số may mắn.
Lý
Quang Diệu và hệ thống chính trị Singapore hoàn toàn khác. Singpapore là
đất nước có hệ thống giáo dục và nghiên cứu hàng đầu thế giới, nơi
những người tài năng nhất được trọng dụng. Singapore cũng là đất nước
nổi tiếng minh bạch, ít tham nhũng và có một hệ thống tư pháp hoàn hảo.
Thứ ba, xét về năng lực phản tư. Các
nhà độc tài (hoặc các hệ thống độc tài) thường không có khả năng phê
phán. Nó thường tự lừa dối, huyễn hoặc, bóp méo hiện thực. Nó cũng không
có khả năng đánh giá bản thân mình hoặc đất nước mình trong tương quan
quốc tế. Các nhà độc tài (hoặc hệ thống độc tài), dù đang ngập chân
trong hiện thực thối nát, vẫn luôn khoác lác rằng bản thân họ hoặc hệ
thống chính trị của họ là tiến bộ nhất thế giới (như chúng ta đang thấy ở
Bắc Triều Tiên), và các thế lực bên ngoài bêu xấu họ, chỉ vì „ghen tị“
với thành tích (thối nát) của họ.
Lý Quang Diệu và hệ
thống chính trị Singapore hoàn toàn khác. Lý Quang Diệu luôn khâm phục
người Mỹ và hệ thống chính trị Anh-Mỹ. Nhưng ông cho rằng, có sự khác
biệt nhất định về văn hóa giữa Anh-Mỹ và Đông Á, do vậy Singapore không
thể cứ rập khuôn hệ thống Anh-Mỹ mà thành công được.
Lý Quang Diệu độc tài ư. Hãy xem ông nói gì?
"Các
bạn có thể lên mạng, có thể đăng tải quan điểm của mình, xuất bản bản
tạp chí hay tờ báo của mình, không có gì cản trở các bạn. Nhưng nếu bạn
bôi nhọ bất cứ điều gì, chúng tôi sẽ kiện bạn. Bất cứ điều gì sai sự
thật và làm mất danh dự, chúng tôi sẽ khởi kiện."
Trong tình hình hiện nay, tôi cũng chỉ mong Việt Nam "độc tài" được như vậy mà thôi!
Hãy
mở cửa cho tự do tư tưởng, tự do nghiên cứu, tự do báo chí, tự do xuất
bản. Nếu ai phát ngôn sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm cá nhân, tổ chức
nào, hãy phân xử ở tòa!
Đinh Bá Anh 25 March 2015
No comments:
Post a Comment