Các bạn trở lại phần trước ở đây
"Tôi thật khó quên được khi lần đầu được nghe những âm thanh kỳ ảo từ cái máy hát chạy điện phát ra, tất nhiên là so sánh với âm thanh ở chiếc máy quay tay cũ kỹ của gia đình. Thú thật, tôi đã hoàn toàn bị chinh phục bởi một loại âm thanh hoàn toàn khác hẳn." Akio Morita
Akio Morita đã ngồi nghe hàng giờ không biết chán những bài hát và các tác phẩm của Mozart, Bach, Beethoven, Brahms... Điều làm ông thích thú và hết sức ngạc nhiên là 1 máy hát chạy bằng điện sử dụng 1 cái ống chân không lại có thể phát ra những âm thanh tuyệt vời như thế từ cùng những đĩa hát kêu cót két thường nghe ở máy quay tay cũ.
Bị ám ảnh bởi sự phát hiện mới này và rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong trí óc của Akio, ông bắt đầu nảy ra ý định tự mình lắp ráp/chế tạo 1 máy hát điện qua những lần gặp gỡ với 1 người bà con là kỹ sư để được nghe anh ta trình bày cặn kẽ cách chế tạo máy hát điện. Và Akio thấy đây là điều thật lạ lùng vì 1 loại máy phức tạp như thế lại có thể do 1 người chế tạo nghiệp dư làm ra, chứ không cần phải có 1 nhà máy lớn mới sản xuất được. Sau đó, ông bắt đầu mua những loại sách hướng dẫn về điện tử để nghiên cứu và còn đặt mua các loại tạp chí kỹ thuật của Nhật và nước ngoài có đăng những tài liệu về radio và cách ghi phát những âm thanh. Cứ như vậy vừa tìm tòi/tự học là chính, Akio tích lũy dần những kinh nghiệm cần thiết của kỹ thuật mới này.
Vì bỏ ra quá nhiều thời gian tìm hiểu và thực hành cho sở thích của mình nên việc học tập ở trường của Akio Morita rất kém cỏi, có lần ông suýt bị đuổi khỏi trường mặc dù ông khá giỏi về toán, vật lý và hóa. Sau này khi học đại học, ông được người thầy của mình giới thiệu đến học vật lý với giáo sư Asada tại Đại học Hoàng gia Osaka, 1 người mà Akio cho rằng rất tuyệt vời và tâm đầu ý hợp.
Nhưng rồi chiến tranh xảy ra và số phận cũng thay đổi. Akio tham gia hải quân, rồi bị điều động làm việc tại Ban kỹ thuật hàng không ở Yokosuka. Vì là sinh viên khoa học nên ông vẫn đươc học tập và nghiên cứu trong khi mang quân hàm sĩ quan hải quân và tham gia trong 1 nhóm đặc biệt nghiên cứu về các phương tiện tìm nhiệt cùng 1 số nhà nghiên cứu thuộc quân đội, hải quân và dân sự. Lúc này, Akio đã làm chung với Masaru Ibuka, 1 kỹ sư điện tử dân sự, người đã có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời của ông sau này. Ibuka nhanh chóng trở thành 1 người bạn rất gần gũi, 1 đồng nghiệp và 1 người đồng sáng lập ra công ty được đặt tên là Công ty SONY.
Chiến tranh kết thúc. Với người Nhật, điều này vừa là cất được gánh nặng, vừa là bi kịch quốc gia. Không còn những cuộc ném bom nữa nhưng nhiều thành phố trông như chẳng còn gì để ném bom. Tokyo chỉ còn một nửa số dân ở lại thành phố, số còn lại đã bỏ về vùng quê hoặc các thành phố nhỏ. Tai họa này còn ghê gớm hơn trận động đất xảy ra năm 1923, 1 số người dân Tokyo nói họ đã thấy thành phố của mình bị tàn phá 2 lần trong cuộc đời.
Chỉ có 1 số xe cộ còn hoạt động được ở các thành phố, đa số các xe này chuyển sang chạy than hoặc củi khi hết nhiên liệu lỏng. Thỉnh thoảng còn thấy xuất hiện các loại xe do lừa, ngựa kéo. Bệnh tật hoành hành khắp nơi, tỷ lệ người mắc bệnh lao lên tới khoảng 20%. Bệnh viện thiếu đủ mọi thứ, kể cả bông băng và thuốc sát trùng. Các cửa hàng đều trống rỗng nhưng lại bày những thứ vô ích lúc đó như cần kéo viôlông, vợt thể thao v.v.
Akio liên lạc với Ibuka và đến Tokyo để chuẩn bị cho việc thành lập 1 công ty chung của 2 người vào ngày 07.05.1946 với tên là Tokyo Tsushin Kogyo (Công ty cơ khí vô tuyến viễn thông Tokyo). Tổng số vốn ban đầu khoảng 500 USD. Số tiền này không to tát gì và Akio luôn phải cầu cứu cha cho vay thêm tiền. Vì thế, Akio và Ibuka quyết định cha của Akio trở thành cổ đông của công ty.
Akio và Ibuka quan sát lối sống của các gia đình Nhật Bản sau chiến tranh. Thời kỳ Mỹ chiếm đóng mọi thứ hàng đều hết sức khan hiếm. Và họ đã trở thành những nhà cung cấp linh kiện cho các máy radio, máy hát cũng như sửa chữa/nâng cấp các loại máy hát cũ còn lại từ thời trước chiến tranh. Người Mỹ đưa vào Nhật Bản nhiều đĩa nhạc. Quân đội chiếm đóng của đồng minh kiểm soát các đài phát thanh và các trường có thể dạy tiếng Anh. Theo đó những tư tưởng dân chủ, tự do cá nhân và bình đẳng được gieo trồng trên mảnh đất màu mỡ sau bao năm dài của sự cấm đoán tư tưởng và độc quyền quân sự.
Công ty Tokyo Tsushin Kogyo (TTK) về sau tìm mua được 1 xe tải Datsun nhỏ rất cũ với giá 100 USD. Việc kiếm xăng để chạy xe rất khó khăn, tuy vậy cả hai đều xoay xở bằng mọi cách, kể cả hợp pháp và cả những cách khác. Hồi đó lính Mỹ ăn cắp xăng bán cho dân chúng bằng cách dùng ống hút từ két xăng trong xe Jeep và xe vận tải quân sự hoặc bán nguyên can. Do chỉ có Ibuka và Akio có bằng lái xe nên họ chia nhau lái xe đi giao hàng, mua nguyên vật liệu và chở những thứ mua được về xưởng sản xuất. Họ còn tự nguyện làm cả việc bốc xếp hàng lên xe, quay maniven khởi động máy hoặc chạy giấy tờ...
Việc sản xuất các động cơ điện và đầu cần quay đĩa mới đã nuôi sống được công ty. Nhưng Ibuka muốn chế tạo máy ghi âm. TTK đã xem xét các máy ghi âm trên dây của Đức và Ibuka được tin là công ty kim khí Sumitomo sản xuất được 1 loại dây thép đặc biệt với đường kính chỉ 1/10 mm. Nhưng nhà sản xuất từ chối vì TTK quá nhỏ bé song lại yêu cầu 1 sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao và rất tốn kém về mặt chi phí sản xuất, và hơn nữa lại chỉ là 1 khách hàng duy nhất. Nhưng như vậy lại may vì về sau lại có loại máy ghi trên băng từ, 1 loại sản phẩm cao cấp hơn rất nhiều.
Nhờ 1 người bạn tên là Shima tiến cử, viên tướng Mỹ tiếp quản các đài phát thanh đang cần những loại thiết bị kỹ thuật mới đã đến kiểm tra tại chỗ công ty TTK. Khi thấy xưởng sản xuất của công ty nằm trong 1 cái lán tồi tàn, viên thiếu tướng lắc đầu quầy quậy và không thể hiểu 1 người phụ trách có uy tín ở đài NHK như Shima lại có thể giới thiệu 1 công ty vô danh hoạt động trong những điều kiện nguyên thủy như thế. Shima chỉ còn biết đề nghị ngài thiếu tướng hãy tin vào sự xét đoán của mình. Cuối cùng bản hợp đồng cũng được ký kết, nhưng vì quá lo ngại nên viên tướng Mỹ đã kiến nghị bắt buộc TTK phải chuẩn bị đầy đủ những phuy nước và xô cát để phòng hỏa hoạn.
Trong khi Ibuka giao hệ thống trộn tiếng cho đài NHK, anh đã thấy chiếc máy ghi âm nhãn hiệu Wilcox Gay tại văn phòng cơ quan phát thanh, chiếc máy ghi âm trên băng từ đầu tiên mà Ibuka được thấy.
Cuộc chiến với cái máy ghi âm này là nhiều lần thất bại với vấn đề khó nhất là vật liệu cho băng ghi âm và chất liệu từ tính tốt để phủ bề mặt của băng. Sau nhiều lần thử nghiệm thủ công, TTK làm ra băng từ bằng giấy đặc biệt mỏng, mịn và dai. Nhưng nó phát ra những tạp âm khá ầm ĩ, đến nỗi chẳng thể nghe nổi câu chào thông thường của người nói chuyện qua điện thoại. Sau đó họ thay chất liệu băng từ bằng chất dẻo với 1 quá trình chế tạo thành băng từ với chất lượng cao và tung ra thị trường. Chỉ vài năm sau, TTK đã hoàn toàn thỏa mãn khi hãng IBM của Mỹ chọn băng ghi âm từ tính của họ để xây dựng bộ nhớ các số liệu, thông tin cho các máy tính của họ.
Cái máy ghi âm mà TTK chế tạo có trọng lượng quá nặng nhưng hoạt động khá tốt. Trái với sự tin tưởng về thành công của nó trên thị trường Nhật Bản (vì các ông chủ của nó luôn mơ tưởng tới thắng lợi với 1 món hàng độc nhất vô nhị như thế và chắc chắn sẽ giàu to), sự thật lại rất phũ phàng. Vì nó là 1 sản phẩm quá mới với người Nhật, nên không ai biết phải dùng nó để làm gì kể cả những người biết được công dụng của nó. Ai nấy đều thích thú với cái máy thần kỳ, nhưng ai cũng nói hầu như giống nhau: "Tuyệt lắm, thích thật, nhưng đắt quá, vì đó chỉ là 1 thứ trò chơi mà thôi". Do đó TTK chẳng bán được nó cho ai.
Akio nhận thức được rằng, chỉ có sản phẩm độc đáo là chưa đủ. Phải có thị trường tiêu thụ và như vậy phải làm cho khách hàng tương lai hiểu đượcgiá trị của món hàng. TTK đã may mắn có được 1 thiên tài sáng chế Ibuka và Akio xác định ông sẽ học chào bán sản phẩm.
Một sự ngẫu nhiên giúp Akio tìm thấy con đường giải quyết khi ông đi qua 1 cửa hiệu bán đồ cổ và thấy 1 người bỏ ra 1 khoản tiền lớn để mua 1 cái lọ cổ. Giá cái lọ cổ này còn cao hơn cả cái máy ghi âm của TTK làm Akio phải suy nghĩ. Ông tự hỏi tại sao có người trả một khoản tiền lớn cho 1 vật chẳng có giá trị thực dụng nào trong khi cái máy ghi âm quan trọng của họ lại chẳng có ai mua? Có rất ít người hiểu được các giá trị tinh tế của chiếc lọ cổ, nhưng rõ như ban ngày là máy ghi âm có giá trị cao hơn nhiều vì nó nâng cao đời sống tinh thần của những ai mua và sử dụng nó. Thậm chí 1 cái máy ghi âm còn có thể phục vụ cho cả hàng trăm, hàng nghìn người cùng 1 lúc trong việc giải trí, giáo dục và nâng cao trình độ của họ, văn hóa của họ. Và đồng thời, Akio cũng thấy rõ là người sưu tầm đồ cổ kia hiểu giá trị và đã có những lý do xác đáng để đầu tư nhiều như thế vào 1 vật như vậy. Đó cũng chính là điều mà gia đình Morita đã làm với những món đồ có giá trị thủ công mỹ nghệ khi bỏ tiền ra để có những bộ sưu tập đắt giá trước kia. Và tất cả những cái đó là điều mà Akio cũng sẽ làm.
Tiếp theo đó là những bước trưởng thành. Từ thị trường nội địa, TTK học hỏi thêm để phát triển ra thị trường quốc tế. Để có thể thu được những tín hiệu với chất lượng cao vào băng từ, TTK phải sử dụng hệ thống dùng dòng điện xoay chiều có tần số cao của tiến sĩ Kenzo Nagai đã được cấp bằng sáng chế. TTK quyết định mua hẳn bằng sáng chế này lúc đó thuộc quyền sở hữu của công ty Auritsu Electric, là chi nhánh của Nippon Electric (NEC). Lúc đó TTK không thể mua toàn bộ mà chỉ mua một nửa vào năm 1949 (chung quyền sở hữu với NEC).
Vào năm 1954, sau thắng lợi từ vụ kiện 1 công ty kinh doanh về việc nhập máy ghi âm từ Mỹ có sử dụng đặc quyền chế tạo mà TTK đã mua hoàn toàn hợp pháp. Mọi máy ghi âm trên băng từ sử dụng phát minh này bán ở Nhật Bản, kể cả thiết bị Ampex bán cho đài phát thanh, đều phải trả tiền bản quyền cho TTK. Và còn hơn thế, TTK còn có thể sử dụng bằng sáng chế này trên đất Mỹ (mà tiến sĩ Kenzo Nagai đã đăng ký cả ở Mỹ) thông qua công ty Armour, vì thế họ có thể xuất khẩu máy ghi âm qua Mỹ mà không phải trả tiền cấp giấy phép về việc sử dụng phát minh này. Ngoài ra TTK còn có thể cấp lại giấy phép sử dụng công nghệ này cho các nhà chế tạo khác của Nhật, và khi họ xuất khẩu máy qua Mỹ, TTK sẽ nhận một nửa khoản tiền bản quyền.
Từ năm 1948, TTK đã chú ý đến công trình nghiên cứu của William Shockley và cộng sự trong cuốn "Bell Laboratory Record" và rất chú tâm đến các phát hiện của họ. Sau đó khi Ibuka đi thăm Mỹ, ông đã biết là 1 giấy phép sản xuất transistor sắp được chính thức công nhận và bắt tay vào việc lên kế hoạch để sử dụng loại thiết bị tuyệt diệu này.
(đọc/trích đăng từ "Made in Japan - Akio Morita and SONY", NXB Khoa học XH & Viện kinh tế thế giới, 1990)
No comments:
Post a Comment