Saturday, October 29, 2016

Đi tìm Bến đò Bô Cô

Từ 20 năm nay, tôi vẫn muốn ghé thăm bến đò Bô Cô, nơi diễn ra trận chiến Bô Cô của Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân với quân Minh của Mộc Thạch. Nhưng tìm mãi không ra tung tích gì. Chỉ biết nó ở huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Nhân có cháu văn thư của công ty quê ở Ý Yên mời về quê chơi, tôi quyết đi tìm Bô Cô. 
Tôi ấn tượng với tên địa danh Bô Cô từ năm 7 tuổi đọc "Hậu Trần dật sử" của Phan Bội Châu có câu "Mỗi lần đi qua bến đò Bô Cô không khỏi thởdài cảm khái nhớ tổ tiên xưa oanh liệt." Tên đia danh Bô Cô không gợi ra âm Hán Việt nào. Tôi hỏi người lớn Bô Cô ở đâu không ai biết.
Khoảng 1995, tờ New York Times có giới thiệu bài thơ của Đặng Dung, rất trân trọng. Bài thơ này tôi biết từ bé song bằng chữ Hán nên dù thuộc lòng mình ít để ý đến nghĩa. Các bản dịch không được trau chuốt nên tôi không nhớ. Đọc xong bản tiếng Anh thấy tóc trên đầu dựng ngược, tôi mới dịch lại bài này. Và càng thấy yêu Đặng Dung. Có lẽ Đặng Dung và Đặng Tất là hai nhân vật mà tôi yêu nhất trong lịch sử Việt Nam.
Nhưng có vẻ như người Việt mình chưa thực sự chú ý đến di sản của hai ông. Vua Tự Đức có câu "Quốc sĩ vô song song quốc sĩ. Anh hùng nhị vị nhị anh hùng" để nhớ cha con họ Đặng.
Năm 2009, tôi kỷ niệm 400 năm trận Bô Cô, bằng cách cho ra đời sản phẩm phần mềm dịch Anh-Việt- Anh Bocohan. Tôi cũng gửi thư đến Hội Sử học Việt Nam có đồng kính gửi đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ tịch hội nhắc việc này, không có ai trả lời. Tôi cũng tìm ra được chứng cứ trận Bô Cô xảy ra năm 1409 chứ không phải 1408 như trong chính sử. Năm 2012, tôi có tìm về mộ Đặng Tất ở làng Thế Vinh, Huế. Thấy hương lạnh khói tàn rất cảm khái.
Lần này chúng tôi đến xã Yên Bằng, cách thị trấn Gôi chừng 5km, không xa đền Phủ Giầy, là nơi rất tấp nập người tới. Bô Cô ở đâu? Không ai biết. Bến đò xưa nằm trên sông Đáy, ngày nay là ranh giới với Thành phố Ninh Bình. Chúng tôi chạy qua cầu Non Nước, đi dọc bờ sông thấy nói cạnh núi Dục Thuý nơi thờ Trương Hán Siêu có một bến đò cũ trông sang Yên Bằng. Chúng tôi trở lại bờ Yên Bằng đi dọc bờ sông không ai biết về Bô Cô. Cuối cùng gặp một ông nói xã Yên Bằng ngày xưa có một cái bến đò duy nhất, nghe nói thời phong kiến có trận đánh nhau to. Ông lại nói thêm là chúng tôi chỉ biết từ thời đánh Pháp.
Bến đò đó ngày nay là bãi cát Thuân, người ta đang khai thác cát. Chúng tôi ghé chụp ảnh cố tưởng tượng ra chiến trường xưa. Đến tận thời Lê Quý Đôn, còn thấy nói là người dân ở đây vẫn còn nhặt được gươm cổ.
Trận chiến này có hàng vạn binh lính mỗi bên tham chiến. Có cả trên bộ và thuỷ chiến ắt là một trận chiến vĩ đại hoành tráng như Borodino Cũng chịu với dân Việt về việc tưởng nhớ lịch sử. Chiến trường Điện Biên mới đó mà đã sạch bong, toàn chứng tích giả.




Thêm các ảnh chụp tại bãi cát Thuân, có lẽ là bến đò Bô Cô
Ngày xưa đây là xã Hiếu Cổ huyện Vọng Doanh (có sách gọi là Phong Doanh) nay là xã Yên Bằng, huyện Ý Yên. 
Tuy thuộc Nam Định nhưng vùng này các xã đều có tên Yên giống vùng Yên Mô Ninh Bình. Ninh Bình vốn tên là Trường Yên. Yên Mô chính là Mô Độ nơi Trần Triệu Cơ đưa Giản Định Đế lên ngôi. Ninh và Bình cũng có nghĩa liên quan đến "yên". Ở Ý Yên cũng có nhiều di tích nhà Đinh. Tôi thấy có địa danh Đinh Xá.
Trong ảnh có ngã ba sông. Trong trận Bô Cô Đặng Dung chỉ huy Thủy quân đánh nhau với quân của đô đốc Giang Hạo. Có lẽ Giản Định đứng trên Núi Thuý thúc trống.
Mộc Thạnh thua tan tác phải chạy về Cổ Lộng Các tướng Minh đều bị chém tại trận. Trước kia tôi tưởng tượng, địa hình ở đây phải có những vạt núi tiện cho ém quân để Đặng Tất thả quân từ đỉnh núi đánh xuống, thế sẽ rất mạnh. Nay không thấy núi. Vả lại vùng này núi đá vôi thường đứng trơ trọi, làm đài quan sát thì được chứ không tiện dùng quân.
Một câu hỏi: Nếu đánh nhau ở Bô Cô thì Đặng Tất tựa lưng vào bờ sông bày trận? Địa hình bằng phẳng, không có lợi thế hiểm trở nào. Trong lịch sử chiến tranh Việt-Trung, đa số là ta phòng ngự bên kia sông, đợi địch sang đánh. Đó là cách bày trận theo binh pháp truyền thống và ở thế yếu đánh mạnh. Các chiến tuyến Như Nguyệt, Bình Than, Bạch Đằng đều như vậy.
Dựa lưng vào sông bày trận chỉ có Hàn Tín làm ở Tuy Thủy, nhưng quân binh cũng xấp xỉ như nhau. Mặt khác tại Bô Cô, Giang Hạo dẫn vài trăm chiến thuyền theo cửa biển tiến vào. Nếu Đặng Dung thất bại, quân ta sẽ ở thế bị chặn sau lưng và bị tiêu diệt toàn bộ. Hàn Tín dựa lưng vào sông nhưng kiểm soát hoàn toàn sông.
Tôi có một giấc mơ thấy Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân bàn mưu tính kế phục quốc tại cửa biển Thần Phù, trước động Từ Thức. Kể cũng lạ.


Nguyễn Ái Việt (Devrecen,VIDI72)

4 comments:

  1. Bùi Xuân Hải: Mấy năm trước em đã rất tò mò hỏi anh rất nhiều về cái tên của phần mềm BOCOHAN. Hôm nay biết chuyện càng kính phục anh Ái Việt.

    ReplyDelete
  2. Nguyen Leanh: Mình dựng một cái tượng (một ngôi chùa?) ở đấy đi anh.

    ReplyDelete
  3. Phuong Thao Dang: Chị cũng giống Việt, đi đâu cũng thích đi tìm mộ để tưởng nhớ 1 giai đoạn lịch sử, nhớ tới danh nhân và những người anh hùng dân tộc.

    ReplyDelete
  4. Nguyễn Du Long: Ở xã Yên Bình huyện Ý Yên hiện có rất nhiều người họ Đinh thầy ạ. Trong đó có Đinh LT :p

    ReplyDelete