Có lẽ tinh thần pháp luật là điểm phải làm trước khi đưa phong trào Âu
hóa lên thành đại trà. Cũng phải nói, sau phong trào Âu hóa thời Pháp
thuộc (bao gồm cắt tóc ngắn, để răng trắng, cắt móng tay, mặc âu phục,
đi giày và sống hợp vệ sinh) cho đến này người Việt không dám có một
phong trào Âu hóa quy mô nào. Có thể đó là do khi pháp luật phong kiến
rạn nứt đã có một cơ hội mà người Việt không biết tận dụng. Tinh thần
pháp luật hiện nay là tinh thần pháp
luật thuộc địa thoát thai từ phong kiến Tàu pha với xã hội chủ nghĩa Á
Đông. Có vẻ như đã đóng thành bê tông, nên rất khó thay đổi.
Có ba chuyện tôi thấy ấn tượng về tinh thần pháp luật Âu Mỹ.
Chuyện thứ nhất là Tổng thống Bill Clinton tiếp Tổng Bí Thư Giang
Trạch Dân. Khi đó Clinton đang vướng vào vụ lùm xùm với cô Monica
Lewinsky. Giới chính trị Mỹ rất bảo thủ về việc tình ái của chính trị
gia. Ở chính trường Pháp, đào hoa lại là điểm lôi cuốn của Tổng Thống.
Cô bạn cùng phòng người Nhật của tôi cũng nói ở Nhật Thủ tướng nếu có
việc như thế này, người Nhật không ai động tới. Giang tranh thủ kích
Clinton "Xem ra vụ lùm xùm của ông là nhược điểm của pháp luật phương
Tây. Ở Trung Quốc không thể có việc tổn hại tới lãnh đạo như vậy".
Clinton trả lời "Đó chính là tinh thần pháp luật của Mỹ và chúng tôi hy
sinh tất cả để bảo vệ.".
Chuyện thứ hai là một phim do Sophia
Lorentz thủ vai một bà mẹ có con đang bị kết án, do giết người. Tin là
con mình vô tội, để cứu con, bà mẹ bắt cóc vợ của một ông thẩm phán già,
gây áp lực để ông này đổi bản án. Sau khi đứa con thoát tội, vợ chồng
ông thẩm phán tự tử vì thấy mình vi phạm pháp luật. Đứa con cũng nói
thật với mẹ là mình có phạm tội. Người mẹ thất vọng đâm xe vào tường tự
tử.
Chuyện thứ ba cũng là phim "Kẻ sát nhân" do Alain Delon
thủ vai, kể về một tội phạm hình sự mãn hạn tù trở lại cuộc sống lương
thiện. Trong khi có một vị luật sư luôn khuyên anh tôn trọng pháp luật,
làm lại cuộc đời. Lại có một viên thanh tra kiểu Javert luôn gây khó
khăn, xúc phạm, khinh rẻ, thậm chí bỡn cợt cả với bạn gái của anh. Trong
một phút không kiềm chế được anh đã giết viên thanh tra và bị kết án tử
hình. Người luật sư tiễn anh ra tận máy chém. Anh quay lại nhìn luật sư
như một dấu hỏi.
Pháp trị ở châu Á có từ thời Công Tôn Ưởng,
Hàn Phi, Lý Tư... nhưng chưa bao giờ bắt rễ được ở Á Đông. Số phận của
các nhà pháp trị đều kết thúc bi kịch. Phải chăng Á Đông phải trả giá
cho việc đối xử với pháp trị bằng sự chậm tiến ngàn năm của mình?
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
Do Xuan Phuong: Pháp luật được thực thi là nhờ có người bảo vệ mạnh (cảnh sát, chế tài). Ở những nước mà quyền lực cứng bị suy yếu hoặc không bám theo kịp thực tế thì pháp trị kém.
ReplyDeleteChế độ phong kiến hoặc "tập trung dân chủ" có thế mạnh về quyền lực cứng song lại yếu về mặt bám sát thực tế. Nhưng Âu Mỹ đẩy được cả hai mặt là có hội tụ các điều kiện sâu xa hơn như triết học khai sáng hay dự trữ không gian cho phát triển....vv.
Nguyen Binhduong: Bài của AV rất sâu sắc, mình ko biết khi nào VN đạt đc điều này. Mẹ mình khi còn sống đã luôn mong mỏi, luôn đấu tranh...
ReplyDeleteĐào Trương Bích: Bài viết rất hay nhưng không tưởng đối với VN ...
ReplyDeleteNguyen Chuong: Vấn đề này được TT Reagan nói từ năm 1980 là luật pháp ở LX (trước đây hay VN hiện nay) là để chính quyền cai trị dân chúng khác với của HK là để giúp dân chúng kiềm chế quyền lực của chính quyền.
ReplyDeleteNguyen Ai Viet: Cũng không phải là vấn đề chính, vì thực tế có cả hai. Pháp luật chính là quyền lực và cũng để kiểm soát quyền lực. Vấn đề là tinh thần pháp luật phải đúng mới thực thi được. O J Simpson giết vợ, nhưng theo thủ tục của pháp luật không kết tội được tại tòa hình sự, nhưng thua dễ dàng ở tòa dân sự.
Delete