Sunday, February 17, 2019

40 năm trước: Nhớ lại

Ngày này 40 năm trước, tôi đang học lớp dự bị đại học tại Hungary (chủ yếu là học tiếng Hung) bằng học bổng toàn phần của Chính phủ (theo ngôn ngữ ngày nay/nếu tôi nhớ không nhầm đó là viện trợ của Hungary cho VN). Rất biết ơn Chính phủ đã tạo điều kiện cho tôi, trong giai đoạn đất nước còn muôn vàn khó khăn sau chiến tranh thống nhất Tổ quốc. 

Những ngày hôm sau, chúng tôi vẫn đến lớp, những các chị năm trên đang học đại học “sướng hơn”, bỏ giờ học, tham gia biểu tình cùng nhân dân, sinh viên học sinh Hung và các nước khác đang học ở đây đã tham gia biểu tình tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Budapest (chỉ cách Sứ quán VN hơn 1km) bằng gạch đá, cà chua và trứng (chưa thối, vì phải mua, kiếm được quả thối cũng rất khó). Cảnh sát nước chủ nhà chỉ đứng từ xa trông chừng biểu tình không để đi quá giới hạn (chắc có chỉ đạo hoặc do họ thấy cần làm như thế để thể hiện tình cảm của họ với cuộc chiến đấu chính nghĩa của VN). Tại Liên Hợp Quốc, Trung Quốc cũng gửi 1 tài liệu làm văn bản ban hành chính thức rằng VN tấn công xâm chiếm nhiều lần biên giới TQ, TQ chỉ tấn công tự vệ. Tôi vẫn nhớ trên các báo, truyền hình của Hung đưa các hình ảnh nhiều cửa sổ của Sứ quán TQ bị vỡ được che bằng những tấm nilon trong những ngày lạnh giá cuối đông ở Budapset (mấy hôm vừa rồi, tôi tìm trên mạng những hình ảnh đó, nhưng không thấy). Sau đó cả tháng báo chí và truyền hình Hung không ngày nào không có tin chiến sự tại Việt Nam.

Năm nay, thực sự vui, khi cách đây một tuần, trên nhiều trang mạng lớn của VN, trên VTV, TTXVN đưa nhiều tin tức về cuộc chiến tranh khốc liệt để lại nhiều đau thương uất hận nhưng cũng không ít chiến công oai hùng của nhân dân và quân đội ta. Trên các trang mạng xã hội, biết bao nhiêu bài viết về chiến tranh biên giới theo góc độ của bản thân, hay chia share các bài mình tâm đắc cho anh em bạn bè.
TÌNH YÊU TỔ QUỐC CỦA DÂN VIỆT LỚN BIẾT NHƯỜNG NÀO!


Còn phía TQ, tôi xem trên trang của Tân Hoa Xã (tiếng Anh, Trung), Global Times (Toàn Cầu) hay China Radio International CRI tiếng Trung, tiếng Việt… đều không nói gì về cuộc chiến này.
Hôm qua, sinh nhật cô em tôi, cùng dự có ông ngoại của các con tôi (sinh năm 1934, cựu chiến binh, nhập ngũ từ 1947). Trong lúc con cháu nói nhiều về cuộc sống, hay người chăm chú vào màn hình tivi hay điện thoại di động, ông lặng lẽ ngồi, không biết tham gia vào việc gì. Tôi chợt hỏi: “Ông có nhớ 17/2/1979, ông đã ở đâu không?” Ông như bừng tỉnh, hào hứng và hăng hái nói: “Bố nhớ chứ, ngày đó bố đang quay phim ở Lạng Sơn” (ông là đạo diễn điện ảnh). Ông còn nhắc lại sự hy sinh của một nhà báo Nhật tại đây (tôi đã đọc mà không nhớ). Tôi hỏi ông có nhớ bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên thời gian này không? “Bố nhớ chứ!”. Tôi lấy điện thoại, bật bài “Chiến đấu vì độc lập tự do” cho ông nghe. Ông cầm nghe, khuôn mặt của ông rất xúc động. Nét mặt của cựu chiến binh gần 90 tuổi cũng làm con cháu cảm động.


Mong sao đất nước ta liên tục hòa bình và phát triển!


(cám ơn bạn Thông về bức ảnh)


12 comments:

  1. Tuyên Hà Nguyễn: Cám ơn bạn đã nhắc lại cái thời khắc lịch sử không thể nào quên vào ngày 17.02.1979 (cách đây 40 năm) khi Trung quốc xua quân xâm lược Nước ta. Chúng tôi, những lưu học sinh, thực tập sinh Việt Nam đang nghiên cứu, học tập tại Budapest và vùng phụ cận thời đó đã tổ chức xuống đường, điểm đầu là Quảng trường Tự do, đi dọc phố tiến tới toà Sứ quán Trung quốc (đối diện toà đại Sứ quán VN). Với lòng yêu nước và căm thù quân xâm lược, bất chấp sự có mặt của cảnh sát sở tại, chúng tôi đã đập vỡ các tủ kính ảnh phía ngoài; công kênh nhau để gỡ cờ và quốc huy trung quốc treo ở sảnh ngoài sứ quán; đốt hình nộm Đặng Tiểu Bình ném vào sân khuôn viên sứ quán... mà không bị sự phản ứng nào từ nhân viên sứ quán TQ cũng như chính quyền sở tại (dù chúng ta đã phản ứng quá khích và không đúng luật).
    Nhớ lại thời khắc lịch sử đó đủ biết sức mạnh dân tộc sẽ chiến thắng bất kể kẻ thù nào giám xâm lược nước ta. Thật tự hào lắm thay!

    ReplyDelete
  2. Quang Thang Trinh: Hôm đó tôi đang trên đường vào phòng thí nghiệm thì thấy một oắt con người Hung khoảng 10 tuổi chặn lại hỏi mày có phải VN ko, TQ đang tấn công Cao Bằng, tai nó vẫn dí vào cái đài con. Đó là ấn tượng ko thể nào quên: trẻ em Hung cũng theo nhịp cuộc chiến biên giới (nó phát âm rất chính xác từ Cao Bằng các cụ ạ).

    ReplyDelete
  3. Nguyễn Quốc Bình: Ngày này 40 năm trước tôi chính thức nhận nhiệm vụ tại trung đoàn thông tin 604 quân khu 2 và tới chiều 23-2-1979 thì lên tới mặt trận tiền phương của quân khu 2. Quân khu bộ tiền phương của QK2 khi đó đang đứng chân tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc Lào Cai). Địch đang ép rất dữ dội, đạn thiếu, người thiếu, gạo thiếu ghê gớm. Trên hướng tả ngạn sông Hồng (từ Lao Cai xuôi về theo đường sắt HN-Lao Cai hay theo đường QL70, khi đó vẫn gọi là đường Hữu nghị 7 do TQ giúp làm những năm 1960s) quân ta chỉ có khoảng cùng lắm là 3000 tay súng, đang phải đương đầu với hơn 1 quân đoàn TQ (khoảng >3 vạn lính và dân binh). Chiều tối 23-2-1979 thì địch đã đánh xuống tới khoảng cây số 17 đường Hữu nghị 7. Tổng cộng hướng Hoàng Liên Sơn, cho đến lúc chiến tuyến và việc phòng ngự tương đối ổn định từ 26-2-1979, ta có khoảng 8 trung đoàn bộ binh và công an vũ trang, 1 trung đoàn pháo, thêm dân quân, tự vệ nữa, không có xe tăng, phải chống lại hơn 3 quân đoàn địch có hàng ngàn đại bác và hàng trăm xe tăng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hai LE: Quốc Bình viết đúng. Có thể nói chúng ta đã hoàn toàn bất ngờ trước cuộc xâm lăng này nên lực lượng tại chỗ khi đó chỉ có 50 ngàn bộ đội trang bị thô sơ nhưng phải đương đầu với 600 ngàn quân xâm lược Tầu có xe tăng, pháo binh, thiết giáp tấn công ồ ạt. Cuộc chiến đấu rất chênh lệch nhưng chúng ta đã thắng.

      Delete
    2. Nguyễn Quốc Bình: Hai LE, Thưa chú, cũng không hoàn toàn bất ngờ đâu ạ. Chẳng hạn như chúng cháu, khi đó mới chỉ thiếu úy, cũng đã biết chắc nhất định có đánh nhau. Tết năm ấy và sau đó bộ đội miền Bắc báo động cấp 1, trường ĐHKTQS là nhà trường mà Tết năm ấy sĩ quan cũng không được về Tết (chúng cháu sau Tết đi biên giới nên được cho đi tranh thủ mấy ngày Tết). Tuy nhiên, báo động cấp 1 thì không thể cứ kéo dài mãi (báo động cả năm thì còn gì là báo động nữa ạ) nên đến giữa tháng Hai thì cũng phải xuống cấp báo động. Cũng là công sự về cơ bản đã xây dựng xong (đào-đắp là chủ yếu vì cho đến đầu 1979 biên giới ở sâu trong hậu phương nên công sự phòng ngự không nhiều và chưa kiên cố), binh lực cũng đã bố trí về cơ bản xong (lực lượng chủ lực thiện chiến nhất đang ở CPC, còn phải căng ra giữ các địa bàn trong yếu khác trên cả nước nên các QK 1 và 2 chỉ có chừng đó quân thôi, có thêm cũng chưa chắc đã biết nhét vào đâu vì căn cứ, hậu cần, công sự đều chuẩn bị không kịp). Cái bất ngờ là thời điểm địch đánh (cái này thì chiến tranh nào cũng vậy) và quy mô lực lượng địch huy động, cũng như các mũi hướng tiến công của địch (cái này thì hầu như chiến tranh nào cũng thế cả thôi). Quân ta chỉ bị động chừng 1 tuần đầu (là hướng Hoàng Liên Sơn của chúng cháu), sau 25-2-1979 thì đã tương đối ổn định tuyến phòng ngự và bắt đầu có chọc sâu phản công, chia cắt địch, địch bị đánh trả ác liệt, tiến rất chậm và thiệt hại lớn.
      Hướng Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) là hướng phụ (từ xưa kia đã vậy, luôn chỉ là hướng phụ từ TQ đánh sang VN) thì cho đến tận ngày địch rút, chủ lực tinh nhuệ của Bộ Tổng vẫn chưa có tiếp cứu, chỉ chủ yếu là lực lượng tại chỗ của QK2 và thêm 1 số đơn vị của QK3 đang làm kinh tế dâng lên ứng chiến thôi ạ.

      Delete
    3. Hai LE: Cảm ơn Q Bình. 40 năm đã qua mà vẫn nhớ như in. Trí tuệ nhà toán học thật uyên bác.

      Delete
    4. Nguyễn Quốc Bình: Hai LE Dạ, thưa chú, cháu vẫn giữ lại được 1 số trang sổ tay ghi chép trong đợt đi phục vụ chiến đấu năm ấy ạ (cháu lên tới QK bộ QK2 ở Thậm Thình chiều 16-2-1979, 17-2-1979 thì về C2 của trung đoàn 604 để triển khai trạm tải ba 3 đường dùng máy VBO-3-2T của Hung mới viện trợ, phục vụ chỉ huy sở cơ bản của QK2, nối tuyến lên mặt trận, tới 22-2-1979 lắp trạm và huấn luyện lính trực máy xong thì 23-2-1979 lên tiền phương phục vụ - sửa chữa máy móc, khôi phục thông tin liên lạc phục vụ Bộ chỉ huy tiền phương QK2. Tới 8-3, khi TQ rút quân, bọn nó rút từ 5-3-1979, thì mới quay về ĐHKTQS).

      Delete
    5. Nguyễn Quốc Bình: Tới cuối năm 1984, trước khi chuyển đảng chính thức (cháu đi bộ đội 11 năm, đã thượng úy mới được vào đảng), để thử thách, chi bộ lại cử lên tuyến chốt tiền tiêu của sư đoàn 347, Quân đoàn 14, QK1, tại sát đường biên trên Thất Khê, Lạng Sơn để thực hiện đề tài phục vụ chiến đấu cho lính các chốt. Sau đợt ấy, đề tài chúng cháu được tặng 1 giấy khen về thành tích phục vụ chiến đấu (sư đoàn có thư báo công gửi về HVKTQS đề nghị khen thưởng vì đã giúp họ có phương tiện liên lạc, kịp thời phối hợp, bắt sống được bọn thám báo TQ trước đây vẫn ngày đêm quấy nhiễu, trước đó trung bình cứ 2 ngày nó luồn vào thịt một lính hay sĩ quan của mình, cả trên các chốt lẫn sâu trong đất ta đằng sau tuyến chốt, sau lần bị vây bắt mất những thằng tinh nhuệ nhất ấy thì tạnh hẳn).
      Lần đi năm 1979 chúng cháu cũng được trung đoàn 604 viết nhận xét rất tốt, đại để 'Các đ/c Báu và Bình - là 2 anh em GV của ĐHKTQS lên trung đoàn phục vụ chiến đấu trên tiền phương - đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, xông xáo, dũng cảm, giúp đơn vị được nhiều vấn đề về kỹ thuật'. Ngày 1-3-1979, chúng cháu đã khai thông được liên lạc từ cánh trái sang cánh phải sông Hồng, phục vụ tư lệnh QK chỉ huy sư 345 và sư 316 đang tác chiến chống TQ, bảo vệ mỏ Cam Đường và thị trấn Sa-pa sau khi máy hỏng, mất liên lạc giữa 2 cánh đã 2 ngày đêm.

      Delete
    6. Xuan le Khanh: Nguyễn Quốc Bình, tôi đi lính sau 19 năm mới được vào Đảng

      Delete
    7. Nguyễn Quốc Bình: Xuan le Khanh, Ngày ấy nó thế. Tôi đỗ đầu Hải Phòng đợt thi ĐH trong số các HS được đi nước ngoài năm 1972, đã lên tới Đại Từ, Thái Nguyên (năm đó máy bay Mỹ đánh rất ác liệt nên học sinh đi nước ngoài học được tập trung lên Đại Từ, từ đó mới đi lên Đồng Đăng, đi bộ sang Bằng Tường mới lên tàu), sau 1 tháng thì lại viết đơn tình nguyện cùng 22 người khác quay về đi bộ đội (14 người về ĐHKTQS, 9 về ĐHQY). Khi đó, anh trai tôi đang chiến đấu trong Quảng Trị, cha tôi là chỉ huy QS của Thành phố HP. Học xong, ra trường được giữ lại làm GV mà mãi tới khi lên thượng úy được hơn 1 năm mới được vào đảng. Tận 1988 mới được đi thi NCS và 1989, thiếu tá rồi, mới được sang Hung làm NCS theo đường Bộ ĐH.

      Delete
  4. Nguyễn Quốc Bình: Hai LE, Thưa chú, năm 1979 chưa vợ con, ra đi vẫn còn nhẹ nhàng lắm. Tới năm 1984, đã lấy Tuyết, thằng lớn nhà cháu đã gần 3 tuổi, đi mặt trận năm ấy mới 'tâm tư'. Năm ấy TQ nó đánh rất to suốt từ Hà Giang, Cao Bằng, Thất Khê, Lạng Sơn. Riêng hè 1984, tại khu vực Hà Giang hàng ngàn bộ đội ta hy sinh. Lúc chúng cháu từ Thất Khê quay về trường, trên xe còn mang theo 7 cái ba lô liệt sĩ (họ hy sinh ngay trước khi chúng cháu tới các chốt của họ chưa đến 3 tuần) đưa về nộp cho Cục chính trị quân đoàn 14 để chuyển về cho gia đình cùng giấy báo tử. Trên tuyến chốt chúng cháu lên, hầu như hôm nào cũng có bắn nhau, nhẹ thì cối, nặng thì đại bác bắn vào chốt ta, cả súng bộ binh nữa. Thám báo nó lần mò cả vào trong hầm chốt tiền tiêu của lính ta nữa. Đêm hôm trước ngày chúng cháu lên cao điểm 820, thám báo nó chui vào hầm lính ta nằm phục, lính ta đi gác về, đang bàn giao gác ở cửa hầm thì từ trong nó bắn ra, gãy đùi 1 cậu, ở chính cái chốt mà bọn cháu mang máy tới.

    ReplyDelete
  5. Nguyễn Quốc Bình: Hai LE, Bọn thám báo TQ ấy rất tinh khôn, đơn vị phục bắt rất nhiều lần mà không được vì thiếu phương tiện liên lạc hiệp đồng. Rừng thì mênh mông, cây cối bịt bùng, có động là bọn thám báo lủi rất nhanh ra đường biên là thoát (các chốt của ta chỉ cách đường biên xa nhất là khoảng 300-350m, gần thì chỉ mấy chục mét). Sau khi có máy liên lạc, sư đoàn lập kế hoạch và hiệp đồng, phục bắt được 1 toán 2 thằng. Trong 2 thằng ấy có 1 là lính biên phòng VN bị địch bắt từ chiến tranh năm 1979, đầu hàng địch và dẫn đường cho thám báo Tàu luồn sâu. Nó thuộc lòng cách lính ta gài mìn, nghe lỏm mật khẩu, đường đi lối lại... nên trước đó bắt mãi không được.

    ReplyDelete