Tôi vốn dĩ là một đứa trẻ rất nhạy cảm, đến mức mà đã từng có lần tôi nghĩ việc làm cho tôi khóc, hoặc cười, hoặc xúc động, hẳn là việc dễ nhất thế giới. Ngắm cảnh hoàng hôn, đứng trước biển vào một ngày nắng vàng không một bóng người, bắt gặp nụ cười của một em bé, nhìn thấy một cặp đôi nắm tay nhau đi dạo, thấy người khác khóc, chạm tay vào một người mình thương yêu, vân vân…, tất cả đều có thể làm tôi xúc động đến rùng mình. Là người rất nhạy cảm, tôi cảm nhận mọi thứ sâu hơn, dễ rung động trước cái đẹp, yêu nghệ thuật và dễ động lòng, cũng dễ thấu hiểu với cảm xúc của người khác hơn.
Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó. Đọc đến đây, hẳn là bạn biết tôi định nói điều gì rồi đúng không? Bởi quá nhạy cảm nên từ bé đến lớn, tôi luôn bị “chết” cái tiếng xấu hay dỗi, hay giận, hay làm nghiêm trọng vấn đề lên, hay suy diễn, hay làm người khác khó xử. Cái thứ mà với người khác là “rất bình thường” cũng có thể khiến tôi buồn, vui, suy ngẫm, hay bất cứ một trạng thái cảm xúc nào khác. Và có nhiều người bạn của tôi cảm thấy áp lực hoặc thậm chí là không thể chịu nổi mỗi khi cảm xúc của tôi quá mạnh mẽ (đặc biệt là các bạn nam). Thì cũng đúng, làm thế nào với một đứa cứ hễ nhân vật trong phim khóc là nó khóc theo cơ chứ?
Thế nên, trong một thời gian cũng tương đối dài, tôi cố gắng tiết chế cái sự nhạy cảm của mình lại. Có khóc cũng khóc tí xíu thôi rồi làm việc khác cho “qua cơn”. Có thấy không ổn cái gì cũng nghĩ, “À không thật ra chỉ là vì mình quá nhạy cảm thôi.” Có viết cũng viết tém tém lại thôi. Có cảm xúc gì cũng ngồi cặm cụi viết Nhật ký cho xả bớt ra chứ không dám nói với người khác, nhất là người mang lại cho mình cảm xúc ấy.
Mọi thứ có vẻ ổn cho đến khi tôi nhận ra rằng tôi âm thầm… khó chịu khi nhìn thấy một ai đó được thể hiện sự nhạy cảm của mình, và nhất là khi sự nhạy cảm đó được mọi người đón nhận. Tôi bắt đầu chép miệng, “Tại nó nhạy cảm quá mà” khi nhìn thấy sự nhạy cảm gây ra rắc rối cho ai đó, y hệt như những bạn từng chép miệng như vậy với tôi. Nhưng điều khiến tôi thực sự thấy không ổn, là việc mình không dám thể hiện con người thật của mình mà thay vào đó cố gắng tìm cách kiềm chế nó. Có những cảm xúc, những suy ngẫm cứ thế được nén vào trong cho đến khi chúng khiến tôi thấy ngạt thở.
Cho đến khi một người chị nói với tôi rằng, đó không phải là cách duy nhất, và cũng không phải cách tốt nhất. Chị nói với tôi, một vấn đề không đến từ việc ta có một phẩm chất nào đó quá mạnh, mà là từ việc có một (hay nhiều) phẩm chất khác đang yếu. Ví dụ như, việc tôi quá nhạy cảm chỉ gây vấn đề nếu như tôi không biết cách quan sát tách rời cảm xúc của mình mà để cho mình đắm chìm vào nó, hoặc nếu như tôi không có khả năng thấu cảm với người khác mà chỉ quan tâm đến việc phải thể hiện cảm xúc của mình ra. Nếu coi như chúng ta có một bộ sưu tập những thanh phẩm chất (như các thanh skill khi chơi game ấy), thì thanh “Nhạy cảm” tách biệt với thanh “Quan sát tách rời”, và cũng tách biệt với thanh “Thấu cảm khi thể hiện cảm xúc”. Và một người có thể có đầy đủ tất cả những thanh đó.
Cũng giống như vậy, không phải vì ta “hiền quá nên hay bị bắt nạt” như thiên hạ hay nói, mà là bởi thanh “Trân trọng bản thân” của ta còn yếu. Không phải vì ta “thật thà quá nên bị hay bị lừa” như thiên hạ hay nói, mà là bởi thanh “Sáng suốt” của ta còn yếu. Không phải vì ta “thẳng thắn quá nên hay bị ghét”, mà là bởi thanh “Thấu cảm với người khác” hay thanh “Dịu dàng” của ta còn yếu. Và bởi vậy, không bao giờ vấn đề được giải quyết bằng cách giảm các phẩm chất đã sẵn mạnh (như dữ dội hơn thay vì hiền lành, vòng vo hơn thay vì thẳng thắn, nghi ngờ người khác hơn thay vì thật thà...), mà bằng cách luyện tập các phẩm chất đang còn yếu.
Đối với tôi, góc nhìn này thực sự là một chiếc phao cứu sinh. Nó làm tôi cảm thấy, mình thật ra đang nắm trong tay những “năng lực siêu nhiên”, ví dụ như sự nhạy cảm chẳng hạn. Và cũng giống như các siêu anh hùng trong phim luôn phải luyện tập để biết cách sử dụng những năng lực siêu nhiên ấy, tôi cũng có nhiều cách để luyện tập sự nhạy cảm của mình. Không siêu anh hùng nào có thể sử dụng năng lực siêu nhiên của mình nếu năng lực ấy không được kết hợp với sự bình tĩnh, sự sáng suốt và lòng tốt. Cũng như vậy, thanh “Nhạy cảm” của tôi có thể được kết hợp với thanh “Quan sát tách rời” để tôi có thể học về cuộc sống một cách thật sự sâu sắc, hoặc kết hợp với thanh “Thấu cảm” để tôi có thể học cách chia sẻ với người khác.
Năm mới thường là thời điểm mà mọi người hay viết “New Year’s Resolution”, hay mục tiêu cho cả năm. Và như Táo quân năm nay đã nói rồi, “cần phát huy điểm mạnh và phát triển điểm yếu”, nên tôi chọn chủ đề này để khai bút đầu năm, mong rằng trong resolution của năm nay sẽ không có “năng lực siêu nhiên” nào của chúng ta (mà nhất là của các em bé) phải chịu cảnh bị kìm nén, mà ngược lại, nó sẽ được tỏa sáng khi bạn nhận ra giá trị đẹp đẽ của nó và kết hợp nó với những phẩm chất quan trọng khác.
Gửi lời chúc cho bạn và tôi - cho một năm mới với nhiều trải nghiệm có ý nghĩa trên con đường phát triển những thanh skill của mình!
Lạc
Lý thuyết về các thanh phẩm chất thuộc “bản quyền” của lớp Hogwarts 101
Lý thuyết về các thanh phẩm chất thuộc “bản quyền” của lớp Hogwarts 101
PS: Định viết phần 2 về việc tăng thanh phẩm chất như thế nào, nhưng thật ra tôi thấy cái này bạn biết rõ hơn tôi, và cũng chỉ có bạn biết cách nào có tác dụng với mình. Đối với tôi, thanh “Quan sát tách rời” được luyện tập bằng cách viết Nhật ký và thực hành chánh niệm. Và lớp giao tiếp phi bạo lực (nonviolent communication) của tôi chính là một cách để tôi luyện tập thanh “Thấu cảm khi thể hiện cảm xúc”. Một trong những resolution của tôi trong năm nay là luyện tập thanh “Quyết đoán” (một thanh tôi cực kỳ yếu) để có thể kết hợp với thanh “Ý tưởng”, vì tôi luôn ở trong tình trạng quá nhiều ý tưởng mà không làm cái nào; và cách mà tôi chọn là đi… học võ. Bạn thấy đấy, có rất nhiều cách để luyện tập các thanh skill của mình. Chúc bạn năm mới cày game vui!
copy từ FB-Phan Anh Sơn
No comments:
Post a Comment