1. Người ta hay phân các từ trong tiếng Việt thành 1) Từ thuần Việt 2) Từ Hán Việt 3) Từ du nhập.
Chúng ta sẽ không bàn đến từ du nhập như "Internet", "xà phòng", "loát", "tút", "xú páp", "bu gi",..... ở đây. Chúng ta sẽ bàn về việc các từ tiếng Việt được thành lập từ chữ Hán thế nào.
2. Người ta ước lượng một số rất lớn âm vị Việt là âm vị Hán Việt, nghĩa là có phiên âm và "khiêu ý" từ chữ Hán. Cần nói thêm "âm vị" trong tiếng Tây là Syllable chỉ có âm không liên quan đến "khiêu ý" như trong các tiếng đơn âm vị Á Đông như tiếng Việt, Trung, Nhật, Hàn,... (nếu nói cho cùng trong tiếng Việt cũng có một số từ đa âm vị du nhập gần đây hay trong quá khứ xa xưa). Đúng ra phải gọi là "tiếng" mới đúng, vì âm vị chỉ nói đến âm.
3. Sở dĩ nói "khiêu ý" là ở trong âm vị có thể chưa có ý nghĩa trọn vẹn, mà chỉ mới là "mầm ý" khêu gợi ra ý, phải bổ sung thêm âm vì "tiếng" không phải là đơn vị nghĩa nhỏ nhất.
Ví dụ như "hòa" và "bình" đều chưa mang đủ ý nghĩa "hòa bình". Tất nhiên có từ một tiếng hay "đơn âm vị", có thể trùng ý với âm vị, có thể không.
4. Lý do của sự phức tạp "có thể A, có thể B" trong tiếng Việt nằm chính ở phương pháp hình thành các từ khá là vô nguyên tắc của cha ông ta, cũng có thể hiểu là sáng tạo, nhưng nguyên nhân ban đầu là ở việc ... dốt, học không kỹ và tùy tiện. Do đó người ta ước lượng số từ Hán-Việt khá khác nhau, tùy thuộc vào quan niệm thế nào là từ Hán-Việt. Như vậy lượng từ Hán Việt có thể từ 70% cho tới 90% tùy theo cách định nghĩa.
5. Có loại từ Hán Việt thuần, tức là phiên âm hoàn toàn một từ gốc Hán (có thể là cổ, nay không dùng, hoặc một từ Hán mới như "chính phủ", "cộng hòa" là do người Trung Quốc du nhập từ Nhật. Người Nhật sáng tạo ra các từ mới ghép từ âm vị Hán, do họ tiếp xúc với tư tưởng phương Tây sớm hơn người Trung Quốc.
6. Có từ Hán Việt hoàn toàn giống phiên âm của một từ Hán, nhưng nghĩa hoàn toàn khác nghĩa trong tiếng Hán cổ hoặc tiếng Trung.
7. Có từ Hán Việt đảo ngược âm vị của phiên âm từ Hán, và giữ nguyên nghĩa. Chẳng hạn từ "phóng thích" trong tiếng Việt là từ Hán được phiên âm thành "thích phóng".
8. Có một xu hướng nữa giống như cách làm của người Nhật là lấy các âm vị Hán Việt bao gồm cả "khiêu ý" để ghép thành từ mới. Xu hướng này ngày càng nhiều. Nhiều người phê phán là "dốt" vì trong chữ Hán nó phải thế này thế kia. Dốt có nghĩa là phải biết, sau đó biết sai mới gọi là dốt. Đằng này không biết, không quan tâm, tiện tay ghép từ, sao gọi là dốt. Tất nhiên ghép từ cũng cần có một số nguyên tắc thống nhất, vì nhiều nguyên tắc tùy tiện quá thì tiếng Việt sẽ biến thành một nồi cám.
9. Có một loại nữa là đọc trệch cho tiện. Có thể chấp nhận đọc trệch, nhưng do nói ngọng l, n, s, x, tr, ch ở miền Bắc , c và t ở miền Nam, có thể nên xem xét hạn chế để tránh cãi cọ.
10. Cuối cùng là từ "sát nhập"-"sáp nhập" tranh cãi rất nhiều đưa cả chữ Hán ra để tranh luận sát đúng hay sáp đúng. Thực ra cả hai từ này đều không phải gốc Hán, mà là Hán Việt bịa. "Sát nhập" không có từ Hán nào (tôi đã tra baike và google), cho dù từ điển Thiều Chửu lấy làm ví dụ. Một là cụ Thiều Chửu bịa ra chữ này không dựa trên văn bản Hán, Hai là cụ phiên âm ngược trở lại các từ các cụ ta dùng trong tiếng Việt. "Sáp nhập" có nghĩa trong tiếng Trung, nghĩa thông thường là đưa dương vật vào âm đạo, một nghĩa nữa là kỹ thuật chèn gien, chẳng liên quan gì đến nghĩa tiếng Việt.
11. Cuối cùng, trước khi thống nhất các nguyên tắc tạo từ từ âm vị Hán, chúng ta cũng phải xem các cụ ta tạo từ mới thế nào. Cố nhiên phổ biến nhất là do dốt, không biết từ gốc, không có điều kiện tra cứu, đoán mò, nói bừa. Nhưng cũng có một số nguyên tắc khoa học mà ta có thể học và bổ sung thêm. Đề tài này dài sẽ bàn sau.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)
No comments:
Post a Comment