Wednesday, September 11, 2019

Nguyễn Cao Kỳ: "Miền Nam Việt Nam cần một lãnh tụ thật sự như Hồ Chí Minh"

Tháng 3/1977, cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ trả lời phỏng vấn của phóng viên Micheal Charlton trong loạt bài Nhiều lý do tại sao: Sự can dự của Mỹ vào Việt Nam (Many Reasons Why: The American Involvement in Vietnam) của Đài phát thanh số 3 thuộc hãng BBC (Anh). Sau đó, tuần báo The Listener đăng lại trên số ra ngày 24/11/1977 ở các trang 670-672 dưới nhan đề: Điều mà miền Nam Việt Nam cần là một người như Hồ Chí Minh (What South Vietnam needs is a man like Ho).
Dưới đây, chúng tôi trích dịch bài báo và thêm một số chú thích.
– Micheal Charlton: Chuyện [Ngô Đình] Diệm bị lật đổ và bị ám sát quan trọng như thế nào đối với anh?
– Nguyễn Cao Kỳ: Chuyện đó rất quan trọng vì nó là một bước ngoặt lớn trong lịch sử, bất kể chuyện lật đổ ông Diệm là đúng hay sai. Ngay sau đó, người ta đã thấy một không khí vô cùng phấn khởi trong dân chúng. Minh “lớn” [Dương Văn Minh] được xem như một người hùng. Nhưng điều sai lầm là họ loại bỏ Diệm và thay ông ta bằng một đám tướng lãnh ngu xuẩn hơn cả ông Diệm. Ít ra ông Diệm còn có một lý tưởng nào đó để phục vụ, chứ nhóm tướng lãnh thay thế ông ta chẳng có lý tưởng nào hết. Tôi nghĩ họ không có khả năng tiến hành cái gọi là cách mạng.
– Việc Mỹ ủng hộ lật đổ Diệm có ảnh hưởng nào đến tương lai của mối quan hệ giữa Mỹ và các anh trong giới quân sự, đồng minh của họ?
– Vì Mỹ giúp nhóm tướng lãnh ấy nắm quyền lực, tôi nghĩ rằng các tướng lãnh cảm thấy mắc nợ Mỹ một cái gì đấy. Vì họ luôn nhìn ông Diệm với sự sợ hãi và kính trọng, bây giờ họ thấy Mỹ có thể làm điều đó đối với ông Diệm, không có cách nào để họ chống lại sự chỉ huy của Mỹ, bởi vì họ cũng có thể bị loại bỏ ngay lập tức.
– Sau khi Diệm bị ám sát là một giai đoạn khủng khiếp trong chiến tranh đối với Nam Việt Nam [chỉ chế độ Sài Gòn]. Các chính phủ kế tiếp nhau chỉ trong vài tháng và rồi cuộc đảo chính của các anh…
– Tôi không hề tổ chức một cuộc đảo chính nào.
– Tôi không định nói cá nhân anh, nhưng giới quân sự tiếp quản chính phủ dân sự.
– Không, trái lại, tôi chống lại đảo chính. Bất cứ lúc nào tôi can dự vào, tôi đều đứng về phía dân chúng chống lại đảo chính. Tôi luôn chống lại đấu đá trong nội bộ giới quân sự để nắm quyền lực.
Khi tôi tiếp quản chính phủ dân sự, không có cuộc đảo chính nào cả. Lúc đó, ông [Phan Khắc] Sửu là quốc trưởng và ông [Phan Huy] Quát là thủ tướng. Tôi không bao giờ yêu cầu họ từ chức và giao chính quyền cho tôi. Ông Sửu và ông Quát thuộc hai đảng phái chính trị khác nhau, do đó họ xung đột nhau. Ông Quát đề nghị một dự án luật nào đó, nhưng ông Sửu từ chối ký thuận.
Vì vậy, tối hôm ấy, Quát mời Hội đồng quân lực đến văn phòng ông ta và nói: “Tôi không thể cầm quyền được nữa, tôi từ chức và tôi giao chính quyền lại cho giới quân sự”. Chỉ có vậy thôi.
– Anh có thể kể cho chúng tôi nghe chuyện đại sứ [Maxwell] Taylor công kích những thủ lĩnh quân sự trẻ các anh được không?
– Đó là sau khi giới quân sự có một số biện pháp chống lại cái gọi là Thượng hội đồng quốc gia. Đó là một cơ cấu bù nhìn gồm có Minh “lớn” và các nhà chính trị già nua khác. Họ ngồi trong dinh thự và bàn chuyện chính trị, họ chỉ nói chứ không bao giờ làm, và Hội đồng quân lực quyết định tống khứ họ. Lúc đó, tướng Maxwell Taylor làm đại sứ.
Ông vừa trở về sau một chuyến đi Washington, ở đó ông nói với Tổng thống Mỹ [Lyndon B. Johnson] rằng: “Chúng tôi có được sự ổn định [ở miền Nam Việt Nam], chúng tôi có quân đồn trú, chúng tôi có chính phủ, chúng tôi có quân đội, mọi chuyện đều tốt”.
Khi ông ta từ Washington về, ông mời chúng tôi – tôi, Tướng [Nguyễn] Khánh và vài thành viên Hội đồng quân lực – đến nhà ông ta ăn tối và nói với chúng tôi đó là những gì ông đã nói với Washington, và ông không muốn thấy bất cứ xáo trộn nào, bất cứ đảo chính nào xảy ra nữa. Hai hôm sau, Khánh quyết định tống khứ toàn bộ Thượng hội đồng quốc gia.
Sáng hôm ấy, chúng tôi gặp nhau tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu và Maxwell Taylor gọi điện cho Khánh. Tôi không biết hai người nói với nhau những gì qua điện thoại, nhưng sau đó Khánh nói với chúng tôi Taylor muốn gặp một vài người trong chúng tôi ở Tòa Đại sứ Mỹ. Khánh nói: “Kỳ, anh hãy đi”. Vì vậy, tôi đi với ông [Nguyễn Văn] Thiệu.
Khi chúng tôi bước vào văn phòng của Maxwell Taylor, ông ta trông tái nhợt và rất giận dữ. Ông ta lên lớp chúng tôi như một vị tướng già dạy dỗ đám sĩ quan trẻ. Ông hỏi tại sao chúng tôi làm điều đó [giải tán Thượng hội đồng quốc gia]. Tôi nói: “Thưa ông Đại sứ, chúng tôi làm điều đó vì chúng tôi nghĩ điều đó tốt cho Việt Nam”.
Ông nói điều gì đó về bữa ăn tối [hôm trước]. Có lẽ, tôi không hiểu hết điều ông nói, nhưng lúc đó tôi hiểu là ông ấy nói với chúng tôi: “Tôi đã mời các anh ăn tối, tôi đã nói với các anh những gì chúng tôi muốn [các anh làm], thế mà các anh lại làm khác đi. Tôi nghĩ tôi đã uổng phí một bữa ăn”.
Tôi nói: “Ông đã không uổng phí bữa ăn đó đâu, bởi vì tôi có thể nói với ông, thưa ông Đại sứ, rằng tôi chưa bao giờ ăn một miếng thịt nướng ngon đến thế. Tôi thật sự đánh giá cao bữa ăn tối của ông”. Sau đó, tôi bỏ ra về.
Khi chúng tôi trở lại trụ sở Bộ Tổng tham mưu, tôi thuật lại câu chuyện trên cho Hội đồng quân lực nghe, mọi người đều tức giận và họ muốn triệu tập một cuộc họp báo ngay. Nhưng phía Mỹ hay tin, cho người tới đề nghị chúng tôi đừng làm như vậy. Tôi còn nhớ người đó.
Anh ta nói: “Chúng tôi không quan tâm đến ông Taylor với tư cách là một đại sứ, nhưng chúng tôi phải tốn nhiều năm mới tạo cho ông ta thành một anh hùng quân đội. Do đó, xin đừng phá đổ điều đó”. Tôi nghĩ người ấy rất khéo léo vì khi anh ta kêu gọi chúng tôi như vậy thì chúng tôi đồng ý ngay (…).
– Có phải anh hoàn toàn không biết việc Mỹ sắp ném bom [miền Bắc]? Có phải anh không được hỏi ý kiến hay được thông báo về việc đó?
– Tôi chỉ là Tư lệnh Không quân nên không được tham khảo ý kiến về những quyết định chính trị giữa Mỹ và [Nam] Việt Nam. Tôi không tin rằng, ngay cả chính phủ [Nam] Việt Nam lúc đó cũng được Mỹ hỏi ý kiến. Với kinh nghiệm của tôi sau đó, tôi nghĩ rằng, mọi chuyện quan trọng về quân sự hay chính trị đều được quyết định ở Washington và họ chỉ thông báo cho chúng tôi biết trước 24 tiếng đồng hồ mà thôi.
– Anh có thử phản đối việc thiếu tham khảo ý kiến về chính sách không?
– Sau khi tôi trở thành thủ tướng, nhiều lần gặp các quan chức Mỹ, kể cả Tổng thống [Lyndon B.] Johnson, và mỗi lần như thế, tôi nói với ông ta điều mà tôi nghĩ là cách ứng xử đúng đắn với chiến tranh, với những người cộng sản, với dân chúng miền Nam. Phần lớn những lần đó, họ chỉ mỉm cười rất lịch sự nhưng họ chẳng bao giờ làm những điều mà tôi yêu cầu.
– Có phải phần lớn những khó khăn trong quan hệ với người Mỹ là do [khác biệt về] văn hóa?
– Đúng như thế. Tôi nhớ lần đầu gặp Đại sứ [Henry] Cabot Lodge, ông ta hỏi tôi: “Chương trình của chính phủ anh là gì?”, tôi trả lời: “Cách mạng xã hội”. Ông nói với tôi: “Tôi không nghĩ nói tới các từ “xã hội” và “cách mạng” với người Mỹ là tốt đâu. Họ không thích nói tới “cách mạng” và “xã hội” vì các từ ấy nghe có vẻ cộng sản”. Tôi nói: “Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội khác nhau xa. Tại sao không nói tới “cách mạng”? Đó chẳng phải là cái mà chúng ta đang cần ở miền Nam hay sao?”.
Theo ý tôi, có một sự khác nhau cơ bản giữa người Mỹ và người Việt Nam. Tôi thấy cần phải thay đổi toàn diện ở miền Nam, nhưng người Mỹ không thấy điều đó hay họ thấy điều đó theo một cách khác (…). Tôi nói với họ rằng, người Việt Nam có nhu cầu rất ít về vật chất nhưng nhiều hơn về tinh thần. Một người Việt Nam có thể hạnh phúc ngay cả khi họ còn nghèo. Thứ đến, tôi nói với họ rằng, miền Nam Việt Nam cần một người như Hồ Chí Minh, một lãnh tụ thật sự, chứ không phải một người của Mỹ. Nhưng họ không bao giờ hiểu được điều đó.
– Có lẽ khó khăn chủ yếu mà Nam Việt Nam đối phó với dư luận thế giới là người ta tin rằng, Mỹ đang ủng hộ một chính quyền tham nhũng?
– Đúng như vậy. Và đúng khi tuyên truyền của những người cộng sản lên án chúng tôi không phải những người theo chủ nghĩa dân tộc mà chỉ là bù nhìn và tay sai của Mỹ. Việt Nam hóa [chiến tranh] được tiến hành một cách sai lầm.
Khi giao trách nhiệm chiến đấu cho [Nam] Việt Nam, họ [tức Mỹ] giao cho những người mà họ cảm thấy yên tâm. [Giao cho] một viên tướng [Nam] Việt Nam nổi tiếng tham nhũng và kém năng lực nhất. [Nhưng] tất cả những người Mỹ đều tới nói với tôi: “Ông ấy đúng là một mãnh hổ”.
Đó là lý do tại sao, vào lúc cuối cùng, toàn bộ một quân đội đông tới 1.000.000 người đã sụp đổ chỉ trong vòng 30 ngày (…) vì toàn bộ các sĩ quan chỉ huy lúc đó đều hèn nhát và tham nhũng (…)
09.09.2019

No comments:

Post a Comment