Có đa số ngu và đa số thông minh. Đa số thông minh thì đất nước đã đi lên cần gì suy nghĩ.
----------
Vấn đề này tôi đã bàn tới hơn một lần. Có những vấn đề cần quyết định bằng phổ thông đầu phiếu. Đó là những vấn đề cơ bản, ai cũng hiểu, cố nhiên là theo những cách khác nhau.
Có những vấn đề chuyên môn, hoặc quyết định có độ phức hợp cao, thuộc về trách nhiệm quyết định của một số cá nhân. Việc đưa các vấn đề thuộc loại này ra bỏ phiếu để quyết chính là vô trách nhiệm và phản dân chủ.
Nếu đa số luôn đúng thì đã chẳng có cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa, đã không giết Socrates, không đưa Jesus lên đinh câu rút. Khi đó đất nước cần gì có chính phủ, quốc hội, mỗi người sắm một smart phone, khi có vấn đề gì cần quyết định, như xử bắn một ai đó, hay tha bổng cho một tên giết người, chỉ cần đếm số nhấn nút là xong. Chắc chắn là oan sai còn nhiều hơn các vụ báo chí đang làm om sòm hiện nay. Nếu một chị lao công có quyền bỏ phiếu về hướng nghiên cứu của một Viện ngang như các nghiên cứu viên, đã bỏ hàng chục năm nghiên cứu, thì đó mới thực là bất công.
Thượng Nghị Viện ra đời là một cơ chế kiểm soát dân chủ, đảm bảo ý chí của đám đông ngu dốt không luôn luôn thắng thế đè bẹp các ý tưởng khai phóng đang mới manh nha.
Năm 1945, Hồ Chí Minh ký pháp lệnh Bình dân học vụ,cưỡng ép xóa mù chữ là đúng. Không thể trưng cầu ý kiến đa số khi đa số đang mù chữ và chưa thể thấy được sự cần thiết của chữ nghĩa.
Chương trình dạy toán phổ thông có tích phân, số phức hay xác suất không, không phải là chuyện đưa ra phổ thông đầu phiếu. Cũng như bắn hay không bắn địa chủ trong cải cách ruộng đất, không thể trao quyền cho nông dân. Đám đông dù sao cũng không thể nào quan trọng bằng khế ước xã hội. Ba ông lập hội với nhau bằng một thỏa thuận tự nguyện, hai ông không thể lấy đa số xé thỏa ước ăn thịt ông kia. Sở dĩ cần lãnh đạo là để quyết định trong trường hợp có nguy cơ đám đông muốn lấy thịt đè người chà đạp khế ước xã hội. Lãnh đạo sử dụng đám đông để chà đạp khế ước xã hội thì không còn gì để nói.
Mặc dù xác suất chọn bừa chọn láo về lý thuyết là 50%, đa số các vấn đề chuyên môn hoặc quyết định quan trọng bằng đầu phiếu là sai lầm thảm hại, ở các nước dân trí thấp lại càng tồi tệ hơn.
Trở lại chuyện học chữ Hán. Tôi nghĩ rằng về chuyện này, tôi bỏ thời gian và công sức nhiều hơn so với 90% dân nước Nam, có thể có ý kiến có đôi chút giá trị khả tín, nhưng vẫn không đủ tư cách ra quyết định, thậm chí bỏ phiếu. Đây không phải là chuyện để bỏ phiếu, mà phải quyết định từ các học giả về ngữ văn, văn hóa và giáo dục. Đám đông biết gì về chuyện này mà bi bô. Tôi không hoàn toàn tán thành ý kiến cho rằng không học chữ Hán thì tiếng Việt sẽ sụp đổ. Nhưng ý kiến này sai không có nghĩa là không nên dạy chữ Hán. Thực ra phe chống dạy chữ Hán nói sai, nói dốt nát cũng vô khối, thực không đáng tốn bút mực. Những người nói rằng tiếng Việt đã trong sáng, hoàn chỉnh, chắc chắn ra chưa hề nghiên cứu tiếng Việt, đang lẫn tiếng sột soạt "bóng chữ" là nhà thơ Lê Đạt đã từng cố mò mẫm với ngôn ngữ. Tiếng Việt đang manh mún, chưa hoàn thành, đang nát như tương, cần chấn chỉnh và cải cách gấp. Nhưng đó là một việc khác, không liên quan tới học chữ Hán.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)
03.Sep.2016
Cần hiểu dân chủ ở xứ ta khác với dân chủ ở Tây. Muốn có dân chủ ở VN phải chứng tỏ được sự sáng suốt thật sự của giới lãnh đạo, lúc đó cái đa số sẽ khác.
ReplyDeleteNhưng phải chấp nhận: cái đa số này chưa phải là những người đi trước thời đại.
Phan Khánh Hưng: Quả thực tiếng Việt đã mất đi năng lực tạo từ mới khi rời bỏ chữ Hán, những nỗ lực tạo từ kiểu “đa thức bất khả quy” cũng chỉ đâu đó còn vương vấn ở một số học giả già còn giới trẻ chuyển sang dùng tiếng Anh cho từ mới.
ReplyDeleteXét ra với các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật có giữ Hán tự cũng không khá hơn.
Tiếng Việt còn điểm yếu nữa ở sự lỏng lẻo của ngữ pháp, ngữ nghĩa quá phụ thuộc ngữ cảnh, cái này cũng ko có cửa tiến bộ dù có sử dụng bộ từ và ký tự gì.
Em trộm nghĩ “đào núi và lấp biển, không làm được thì thôi”. Bỏ đi dùng tiếng Anh cho lành.
Aiviet Nguyen: Phan Khánh Hưng, Chữ “bất khả quy” là các cụ ta dùng sai. Irreducible có gốc reduce là “quy giản” đưa về dạng giản đơn. Giữa “quy” và “giản” thì “giản” mới là nghĩa chính. “Quy” là nghĩa phụ có thể bỏ, chẳng hạn reduce có thể là “giản lược”. Lập từ mới dựa vào chữ Hán cũng phải biết các nguyên tắc tối thiểu.
DeletePhan Khánh Hưng: Aiviet Nguyen, dạ cũng vừa phải tìm lại đúng nghĩa của từ để dạy ông con giai ạ. Hôm trước em còn vướng từ “order of magnitudes” cũng đang đơ ra tìm từ sao cho đúng, mà nghĩ mãi vẫn chưa ra :’)
DeleteAiviet Nguyen: Phan Khánh Hưng, Các cụ có thói quen cứng nhắc một phía, thành thử cãi nhau mãi vẫn sai. Cụ thì muốn dùng chữ Hán Việt cho dễ hiểu và tiện tra từ nguyên. Cụ thì muốn dùng tiếng Anh, tiếng Pháp. Thực tế nên phối hợp nhiều cách. Ngô Tùng Phong bàn về cải cách tiếng Việt thực sự sâu sắc đáng suy ngẫm làm dẫn đạo cho phát triển tương lai
DeleteDiem Hang Phan Vu: Em nghe đâu đó rằng "thế gian người khôn thì ít người ngu thì nhiều", chả rõ thật hư.
ReplyDeleteAiviet Nguyen: Diem Hang Phan Vu, vì vậy bàn chán chê sẽ ra phưong án ngu nhất.
DeleteDui Nguyen: Hoàn toàn đồng ý với A.Việt. Thêm nữa cần nhiều người biết tiếng Hán, nôm, chỉ nói riêng về dân tộc Việt Nam ta,dân ta hiểu ta còn rất hạn chế.100 năm về trước ông cha ta viết gì trong gia phả,tôi không hiểu. Còn vấn đề trưng cầu dân ý lại khác,dân chủ vvvv lại còn khác...
ReplyDelete