Thursday, September 12, 2019

Về việc ExxonMobil rút khỏi dự án Cá Voi Xanh

Một tin về việc ExxonMobil rút khỏi dự án Cá Voi Xanh. Để tham khảo
‘ExxonMobil muốn gây sức ép lên chính phủ Việt Nam’
Bởi
AdminTD -
12/09/2019
BBC
Mỹ Hằng
12-9-2019
Nguồn tin trong ngành dầu khí nói với BBC rằng việc Tập đoàn Mỹ ExxonMobil có thể rút dự án Cá Voi Xanh là có thật, nhưng không phải do Trung Quốc mà là để gây sức ép lên chính phủ Việt Nam.
“Việc ExxonMobil có thể rút dự án tại Cá Voi Xanh là có thật, nhưng là để gây sức ép lên chính phủ Việt Nam để rút ngắn tiến độ, tiến tới đi vào khai thác thương mại, chứ không phải do sức ép từ Trung Quốc,” Chuyên gia Nguyễn Lê Minh, thành viên Hội đồng Biên tập và Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, nói với BBC hôm 11/9 từ TP Hồ Chí Minh.
Ông Minh từng tham gia tư vấn cho một số dự án dầu khí của chính phủ Việt Nam, đồng thời từng làm cho một số công ty dầu khí quốc tế có mối liên hệ với ExxonMobil của Mỹ.
Không phải do sức ép Trung Quốc
“Bản chất của dự án Cá Voi Xanh hoàn toàn khác với dự án Cá Rồng Đỏ [Chính phủ Việt Nam chính thức hủy dự án khai thác dầu khí tại mỏ Cá Rồng Đỏ hợp tác với Công ty Repsol của Tây Ban Nha năm 2019 do sức ép từ Trung Quốc],”chuyên gia Nguyễn Lê Minh nói với BBC.
“Lô Cá Rồng Đỏ nằm ở khu vực Nam Côn Sơn xa bờ, cách 550km, không thuộc khu đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam nhưng vẫn thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi Cá Voi Xanh chỉ cách bờ 90km, nhằm sâu trong EEZ, và nằm rất xa Đường Chín Đoạn của Trung Quốc. Do đó nếu nói ExxonMobil rút Cá Voi Xanh do sức ép từ Trung Quốc là một cách hiểu không vững về chính trị.”
“Ít ra thì thời điểm hiện tại việc này không phải do vấn đề sức ép. Còn về sau nếu ExxonMobil rút đi và chính phủ Việt Nam muốn thay thế vào đó bằng Rosneft của Nga thì vấn đề lại khác, do Nga và Trung Quốc có nhiều ràng buộc về kinh tế và chính trị. Rosneft hiện tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga, trong khi Trung Quốc có 9% cổ phần trong tập đoàn Rosneft nên chắc chắn có tiềm lực kinh tế ở đó,” ông Lê Minh nói.
‘ExxonMobil muốn gây sức ép lên chính phủ Việt Nam’
Theo ông Minh, nguồn tin cấp cao từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xác nhận với ông rằng có việc ExxonMobil đang gây sức ép lên chính phủ Việt Nam để rút ngắn quy trình phê duyệt, nhằm giúp dự án kịp tiến độ. Hiện hợp đồng dầu khí (PSC) dự án Cá Voi Xanh của ExxonMobil có thời hạn 20 năm (2009 – 2029), nhưng 10 năm trôi qua kể từ khi ký kết, hiện dự án mới dừng ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật (FEED), còn xa mới có thể đi vào khai thác thương mại. Điều này khiến tập đoàn dầu khí của Mỹ lo ngại.
Ông Minh phân tích: “Có ba vấn đề mà ExxonMobil đang gây sức ép lên chính phủ Việt Nam.”
“Thứ nhất, ExxonMobil muốn chính phủ Việt Nam nới thời hạn hợp đồng thêm 2 năm – thời gian mà họ đã dùng để triển khai công tác giải phóng mặt bằng và các hợp đồng mua bán khí, vận chuyển khí. Như vậy, thời hạn PSC sẽ được kéo giãn từ 2009 – 2029 thành 2009 – 2031. ExxonMobil đã gửi công văn cho Bộ Công thương về việc này từ năm ngoái.”
“Do các hạng mục của dự án đang gặp một số khó khăn về mặt cơ học, tiến độ đấu thầu thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo, lắp đặt và chạy thử vận hành sẽ bị chậm lại, thay vì cuối năm 2023 như dự kiến sẽ kéo sang quý 3 năm 2024 mới kéo được dòng khí thương mại đầu tiên về. Nghĩa là ExxonMobil sẽ chỉ có 5 năm để khai thác thương mại (2024 – 2029). Nếu ExxonMobil quyết định tự gia hạn hợp đồng thêm 5 năm nữa (theo điều khoản của PSC), cộng thêm 2 năm yêu cầu ở trên, tối đa họ cũng chỉ có 12 năm khai thác thương mại, trong khi họ đã đổ hàng tỷ đô la vào dự án này. Do đó họ đang hết sức lo ngại.”
“Thứ hai, ExxonMobil muốn chính phủ Việt Nam xúc tiến Bảo lãnh chính phủ (GGU), đồng thời phê chuẩn các hợp đồng bán khí (GSAs) giữa nhà điều hành ExxonMobil với ba nhà đầu tư nhà máy điện, gồm PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Semcorp Singapore. Theo quy trình, sau khi hoàn tất thiết kế tổng thể (FEED), nhà điều hành ExxonMobil/PVN sẽ trình FEED lên Bộ Công thương phê duyệt. Sau đó ExxonMobil/PVN có thể lập Kế hoạch phát triển mỏ (FDP) và Phê duyệt đầu tư (FID). Chính phủ Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt FDP và FID sau khi ExxonMobil và PVN hoàn tất FEED và các hợp đồng vận chuyển khí, mua bán khí, mua bán điện trước khi tổ chức đấu thầu quốc tế 2 gói hợp đồng tổng thầu (EPC trên bờ và EPCIC ngoài khơi).
Tuy nhiên, các hợp đồng này vẫn chưa ký kết do đang bế tắc về điều khoản Hợp đồng dầu khí (PSC) và Bảo lãnh Chính phủ (GGU). Tổng mức đầu tư phía Việt Nam (PVN và PVEP) chiếm khoảng 4,6 tỷ đô la và nếu không có Bảo lãnh Chính phủ sẽ rất khó thu xếp vốn vay từ các ngân hàng hay các định chế tài chính quốc tế cho dự án này, dẫn đến chậm dự án. Ngoài ra, các thủ tục và Luật Dầu khí, luật liên quan để triển khai dự án Cá Voi Xanh hiện đã lỗi thời, chậm chạp, rắc rối, làm chậm tiến độ dự án. Nếu không có Bảo lãnh chính phủ, dự án Cá Voi Xanh của ExxonMobil khó lòng kịp tiến độ.”
“Thứ ba, ExxonMobil muốn chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy nhanh việc phê duyệt giá bán điện của PVN và EVN cho các nhà máy điện. Dù việc phía Việt Nam bán điện không liên quan đến lợi ích kinh tế của ExxonMobil, nhưng nếu không được phê duyệt sớm thì cũng dẫn đến làm chậm tiến độ dự án của ExxonMobil. Việc chậm trễ trong phê duyệt giá bán điện là do giá này không do PVN và EVN quyết mà phải do Bộ Công thương thẩm định rồi chính phủ quyết, quy trình rất rườm rà phức tạp.”
Chuyến đi Mỹ của ông Trọng là ‘cứu cánh’?
Chuyên gia dầu khí Lê Minh cũng cho hay nếu không đảm bảo được tiến độ, việc ExxonMobil rút dự án Cá Voi Xanh là hoàn toàn có thể.
Theo ông Lê Minh, mấu chốt vấn đề là Việt Nam cần sửa Luật Dầu khí vốn đã lỗi thời, không thích ứng với luật pháp quốc tế và không thu hút được các tập đoàn lớn của nước ngoài. Nhưng từ nay đến khi sửa được, nhanh nhất cũng phải mất 6 tháng, muốn nhanh hơn thì phải mang lên Bộ Chính trị.
“ExxonMobil nhận thấy các rủi ro đối với dự án của họ do các vấn đề nói trên nên họ gây sức ép lên chính phủ Việt Nam là đương nhiên. Chậm ngày nào ảnh hưởng đến dự án của họ ngày đấy. Nhiều đại gia dầu khí đã rút khỏi Việt Nam, như BP (Anh, 2008) Chevron (Mỹ, 2015), Repsol (Tây Ban Nha, 2018), ConocoPhillips (2012). Do đó, nếu Việt Nam không thỏa mãn dược các yêu cầu được cho là thỏa đáng của ExxonMobil thì họ đương nhiên sẽ rút thôi.”
“Việc ExxonMobil có rút đi hay không và Việt Nam có giữ lại được ExxonMobil theo tôi hiện là 50-50. Nó phụ thuộc vào chuyến đi Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào trung tuần tháng 10/2019,” ông Lê Minh cho hay.
“Về mặt chủ quan, một số lãnh đạo cao cấp của PVN cũng hi vọng chuyến đi sẽ giải quyết được các bế tắc hiện nay. Mỏ Cá Voi Xanh quá quan trọng với PVN. Nếu dự án này được thực hiện đúng tiến độ thì có thể cứu được vận mệnh của cả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – hiện đang duy trì một cơ cấu đầu tư dàn trải, ngoài ngành, với 6, 7 tổng công ty, 20.000 nhân sự chuyên về dịch vụ kỹ thuật mà không có một dự án nào.”
“Năm ngoái, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 8 về Kinh tế Biển, trong đó, nhóm quan trọng nhất vẫn là thăm dò và khai thác dầu khí, và Petro Việt Nam là trọng tâm. Còn ưu tiên hiện thời của Bộ Chính trị và ông Trọng thì vẫn là hợp tác với Mỹ.”
“Theo tôi, vấn đề bây giờ là, song song việc chỉnh sửa Luật dầu khí, Trung ương và Chính phủ cần hỗ trợ tối đa PVN để thông quan dự án Cá Voi Xanh. Cần biết, PVN hiện vẫn là ngọn cờ đầu của nền kinh tế Việt Nam, hiện giá dầu giảm sâu nhưng vẫn đóng góp 10% cho ngân sách quốc gia. Việc triển khai dự án Cá Voi Xanh không chỉ mang lại nguồn thu rất lớn cho nền kinh tế (20 tỷ đô la trong vòng đời 20 năm khai thác) mà còn giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Chưa kể, việc đưa dự án sớm triển khai, còn là cam kết và là câu trả lời thỏa đáng cho các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư ổn định, phát triển bền vững trong tấm nhìn dài hạn ở Biển Đông,” ông Lê Minh nói với BBC.
Những ý kiến khác
Cũng có một số các ý kiến trên mạng xã hội bàn tán xung quanh tin đồn ExxonMobil rút khỏi Việt Nam. Trong khi báo chính thống của Việt Nam không hề đề cập đến vụ việc, các đồn đoán tập trung phân tích lý do ExxonMobil muốn rút (nếu có).
Bill Hayton, tác giả cuốn “Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á” (2014), hiện ở Anh Quốc, viết trên Twitter hôm 11/9 rằng theo nhận định của cá nhân ông, ExxonMobil nếu rút Cá Voi Xanh thì là lý do thương mại chứ không phải do sức ép từ Trung Quốc.
“Exxon đang chịu áp lực phải tăng giá cổ phiếu vì vậy họ phải bán tài sản để mua lại cổ phiếu – ví dụ như bán dự án ở Na Uy trị giá 4 tỷ đô la cho ENI, bán dự án 1 tỷ đô la tại Vịnh Mexico cho Enron, bán dự án 2 tỷ đô la ở Vương quốc Anh v.v..”
“Exxon đã mặc cả với chính quyền Việt Nam về giá khí đốt của dự án Cá Voi Xanh trong nhiều năm mà không đạt thỏa thuận. Đây là một dự án lớn với lợi nhuận khổng lồ.”
“Tuy nhiên, tin đồn về việc mỏ này nhiễm CO2 có nghĩa là có thể tốn kém để phát triển mỏ này hơn là suy nghĩ ban đầu.”
“Vì vậy, việc này theo tôi nghe có vẻ như là do áp lực thương mại từ trụ sở chính (bán tài sản) hoặc từ văn phòng khu vực (có giá tốt hơn cho khí đốt) – chứ không phải do áp lực chính trị từ Bắc Kinh.”
Trong khi đó, theo ông Carl Thayer, trả lời BBC hôm 10/09/2019 qua điện thư, một quan chức Việt Nam cho ông hay hôm 13/08 rằng sau vụ Tư Chính và Rosneft, sẽ đến lượt dự án Cá Voi Xanh (Blue Whale) bị Trung Quốc để ý đến.
Tin đồn về việc Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ rút khỏi Việt Nam lan ra trên mạng xã hội vào thời điểm căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Bãi Tư Chính chưa có hồi kết. Trung Quốc từ đầu tháng Bảy đã mang tàu thăm dò và các tàu hải giám vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính.
Trước đó, vào cuối 2017, đầu 2018, Việt Nam đã phải cho tạm dừng dự án khai thác dầu của Công ty Repsol, Tây Ban Nha ở khu vực Cá Ròng Đỏ và mới đây vừa chấm dứt hẳn, dưới sức ép của Trung Quốc.

copy từ FB-anh Nguyễn Qúy Phương (ELTE.VIDI68)

No comments:

Post a Comment