Saturday, September 26, 2015

"Minden lében két kanál": Hà Nội mùa Thu (2)

Các bạn trở lại phần trước ở đây 

Note 2:  Haverok - Hà Nội, thần núi Tản Viên và ngôi làng cổ

   Tàu đến ga Hàng Cỏ lúc 15h30 chiều ngày 14.09.2015. Rất đúng giờ. Như đã hẹn trước, Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72) đến đón tôi và Lê Minh rồi đưa về nhà mình. Đây là lần đầu tiên tôi đến nhà Ái Việt và ở lại đây, còn anh Minh thì ở nhà anh Phước, hai anh cũng là bạn chí thân với nhau từ hồi là học sinh phổ thông trường An Lão (Hải Phòng). Nhà anh Phước ở đường Vũ Ngọc Phan, gần nhà Ái Việt nên qua lại rất tiện, không cần dùng xe.
   Từ Nha Trang, tôi đã định gọi cho Phan Nguyễn Khánh (Vár.VIDI72) vì không muốn để bạn bất ngờ như lần trước, thế nhưng lại quên mất nên ra Hà Nội mới báo cho Khánh biết. Tôi và Ái Việt gặp Khánh vào buổi sáng hôm sau ở một quán đối diện với chỗ Ái Việt ở (trên đường Láng Hạ) còn anh Minh thì đến dự Lễ kỷ niệm của Lớp Ao.

Bữa ăn tối đầu tiên ở nhà Việt & Hồng
   
   Vợ chồng Ái Việt ở/làm việc trong cùng một cao ốc nên tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại cũng như rất tiện để kết hợp giải quyết/thu xếp mọi việc trong nhà (nhất là vào thời điểm thường xuyên kẹt xe như hiện nay). Dù bận rộn với công việc, cả hai đều lo cho tôi rất chu đáo trong mọi chuyện. Tôi cảm thấy rất thoải mái trong thời gian ở đây.


Chỗ ngủ ở nhà Việt & Hồng

   Vào buổi sáng hôm diễn ra Lễ kỷ niệm Lớp Ao, khoảng 11h30, Lê Minh gọi cho tôi và nói tôi đến một địa chỉ ở đường Trần Duy Hưng. Sau khi ăn trưa với Việt và Hồng, tôi đi một mình đến chỗ hẹn 
vì cả Hồng và Việt phải đi làm. Đến nơi, ngoài những người đã biết, anh Minh giới thiệu một người mà tôi mới gặp lần đầu tên là Hưng. Hưng còn trẻ và rất thành công trong lĩnh vực làm ăn của mình. Anh Minh và Hưng biết nhau qua những người cha. Trong thời gian chúng tôi ở Hà Nội, Hưng cho thấy anh ta là Thổ Công ở đây, rất tận tình và lái xe rất giỏi.

Đại ca và Hưng

   Cũng vào buổi chiều hôm đó, nhóm bạn VIDI72 chúng tôi gặp nhau ở Hoa Viên. Tôi gặp lại Chu Đình Chí (Giao thông.VIDI72), Bùi Thúc Yên (Vár.VIDI72) cùng với Ái Việt và Khánh. Sau đó, Ái Việt đưa tôi đi một vòng quanh Bờ Hồ, qua các con phố đẹp nhất với những kiến trúc của Pháp ở khu trung tâm. Chúng tôi cũng đi qua chỗ ở thời thơ ấu đầy kỷ niệm của Ái Việt và gia đình trong một căn nhà trên đường Tràng Tiền (gần đường Ngô Quyền). Một vị trí thật lý tưởng ở trung tâm Hà Nội. Nhìn cái cửa sổ mà Ái Việt chỉ trên căn gác ấy, tôi lại nghĩ với sự nuối tiếc rằng, giá mà bọn tôi biết nhau từ bé nhỉ, chắc hẳn là sẽ có thêm nhiều chuyện hay để kể ra ở đây trong dịp ra thăm Hà Nội lần này. Tôi bồi hồi ngắm nhìn Nhà Hát Lớn trong đêm rực rỡ ánh đèn, Bắc Bộ Phủ uy nghiêm, vườn hoa Con Cóc tuyệt đẹp và khách sạn Metropole sang trọng... những điều vô cùng tương phản với Khu tập thể Kim Liên là nơi gắn liền với một thời trẻ thơ của tôi. Tôi thật sự ngỡ ngàng khi trở lại nơi đây sau tròn 40 năm xa cách. Tất cả làm tôi không tin nổi vào mắt mình dù là sự thật. Tôi không thể nhận ra khu nhà của ngày xưa nay trở nên một đống nhà chen chúc hỗn độn. Chúng tôi đã rất khó khăn để có thể tìm được đúng đường vào nhà B6 là nơi gia đình tôi đã sống ở đây. Tôi đã chỉ cho Ái Việt đâu là nhà của cụ Đào Duy Anh, của chú Cao Xuân Hạo, của triết gia Trần Đức Thảo và các GS Hoàng Tụy, Hoàng Xuân Nhị. Tôi đứng trước ngôi nhà với một nỗi buồn muôn thuở, một nỗi buồn còn day dứt hơn  cả "nỗi buồn chiến tranh" khi tận mắt nhìn thấy những gì dân chúng tàn phá đất nước còn hơn cả lũ giặc ngoại xâm. Không còn những khoảng trống, cây xanh giữa các khu nhà. Dân chúng đã tự cơi nới, mở rộng chỗ ở hết toàn bộ khoảng trống còn lại giữa các tòa nhà vì lợi ích riêng. Trên tầng 3, nơi trước đây là nhà của GS toán học Hoàng Tụy, tôi thấy một khối lớn lù lù phình ra khỏi tòa nhà. Ở tầng trệt, hành lang vào các nhà bị bít kín, các nhà ở tầng trệt đều mở rộng ra hết khoảng đất với lối vào riêng của từng căn. Thật tùy tiện và không hề dựa trên bất kỳ một nguyên tắc quản lý đô thị nào. Dù ở Thủ Đô nhưng cung cách vẫn hỗn loạn như ở bất kỳ đâu trên đất nước này. Không biết đến khi nào chúng ta mới có thể lập lại trật tự một cách đúng đắn để có thể phát triển vì một tương lai thật sự tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người?
   Buổi sáng hôm sau, Khánh đưa tôi đi chơi cùng với Yên bằng xe của mình. Mới đầu, Khánh định đưa tôi đi thăm Đền Hùng (Phú Thọ) nhưng sau đổi lại sẽ đi Sơn Tây thăm Đền thờ Sơn Tinh (Đền Thượng) và làng cổ Đường Lâm theo gợi ý của Ái Việt. Sau khi ăn sáng tại 1 quán phở đông đúc khó lòng chen chân vì ở đây phở rất ngon với những lát thịt bò mềm, thịt ăn rất ngọt, chúng tôi lên đường.
   Tôi thật sự thích chuyến đi này vì ấn tượng mà nó để lại. Thật thú vị khi cùng những người bạn tri kỷ khám phá những nơi thần bí và nhiều cảm hứng như vậy. Cả ba chúng tôi đều đến đây lần đầu nên vừa đi vừa hỏi đường. Đền Thượng thuộc địa phận Tản Lĩnh nằm trong Vườn Quốc gia Ba Vì.
   Ở cổng vào, chúng tôi mua vé tham quan (40.000đ/người) và vé đậu xe (20.000đ/từ 4-9 chỗ). Trước khi chúng tôi xuất phát, anh gác cổng gửi chúng tôi một người xin đi quá giang. Đó là một cô gái làm việc tại Trung tâm Dịch vụ Du lịch ở đây. Cô lái một chiếc Zace đi làm nhưng thường chỉ chạy đến cổng rồi gửi xe lại đây để đi nhờ vì chưa dám tự lái xe lên núi. Ái Việt cũng dặn là đường lên Đền Thượng có nhiều khúc quanh tay áo nguy hiểm nên Khánh phải chạy thật cẩn thận làm tôi cũng thấy lo vì không biết Khánh sẽ xoay xở như thế nào.
    Khánh cuối cùng cũng đưa được chúng tôi đến nơi sau khi chạy hết con đường ngoằn ngoèo 10km dẫn lên gần tới đỉnh núi. Đường lên núi là một con đường hẹp, chỉ vừa đủ cho 2 chiếc xe nhỏ tránh nhau. Đường rất vắng, chỉ có vài chiếc xe chạy ngược chiều. Hai bên đường cây cối thật đẹp, vì muốn để Khánh tập trung lái xe nên tôi không muốn dừng xe để lao ra ghi lại phong cảnh ở những chỗ mà tôi rất thích, cho đến giờ tôi vẫn thấy tiếc vì không có được những tấm hình ấy. Sau khi tới nơi, Khánh cho biết đã lái xe lên Tam Đảo, đường còn dốc và khó chạy hơn nên tôi cũng yên tâm vì biết là chạy xuống còn khó hơn lên.

Trước cổng Đền Thượng

Khánh và Yên

   Từ cổng Đền Thượng còn phải leo bộ một đoạn nữa mới tới ngôi Đền nằm sát đỉnh núi. Cả ba chúng tôi leo một cách khó nhọc và phải nghỉ 2 lần mới lên tới nơi vì càng lên cao lối đi càng dốc. Tôi rất phục Khánh vì thấy tên này leo khỏe hơn tôi (trước đó thì tôi nghĩ mình leo giỏi hơn), trong khi tôi vừa đau bắp chân, vừa phì phò thở thì trông Khánh vẫn khá thoải mái và giữ được nhịp thở bình thường. Như thế là việc hắn khổ luyện lâu nay đã có kết quả rất tốt. Tôi cũng nói với Khánh và Yên rằng leo chỉ một khúc như vậy mới càng thấm thía và cảm thông hơn với các anh bộ đội ngày xưa vượt Trường Sơn phải chịu gian khổ hơn nhiều so với bọn tôi chỉ đi người không, còn các anh phải mang theo vũ khí đạn dược và ba lô lỉnh kỉnh đủ thứ.

Lối lên Đền Thượng

Quang cảnh nhìn từ Đền Thượng

Một góc Đền Thượng bên vách núi

Gian thờ Công chúa Ngọc Hoa (bên trái)

Gian thờ Sơn Tinh (chính giữa) với pho tượng chế tác (không biết tượng Sơn tinh thật bây giờ nằm ở đâu?)

Gian thờ Thái Bạch Kim Tinh ??? (bên phải)

   Lúc ở đền Thượng, tôi còn muốn lên tận đỉnh (bàn cờ), nhưng vì sương mù nhiều, thêm nữa, cả Khánh và Yên đều không muốn lên nên tôi cũng trở xuống. Tụi tôi cũng bỏ ý định leo lên Đền thờ Chủ tịch HCM ở mỏm bên cạnh vì sợ lại phải leo cực nhọc một lần nữa. Lúc về đến Hà Nội, nghe Hồng nói Thần Tản Viên linh lắm tôi lại tiếc vì không thành kính khấn vái xin thần phù hộ, hình như Khánh đã rất thành kính xin ơn trên chứ không vô tâm như tôi.

   Xuống núi, bọn tôi ăn trưa ở quán Lá Cọ (Ao Vua, Tản Lĩnh) rồi đi thăm làng cổ Đường Lâm. Khánh nói rằng đây là làng duy nhất của Việt Nam là quê của hai vua (Bố Cái Đại vương - Phùng Hưng và Ngô Quyền). Làng này cách Hà Nội 50km, nằm trên một vùng gò đồi phía Tây TP Sơn Tây. Phía Tây Nam làng là núi Tản Viên sừng sững, thần núi được coi là Thành hoàng che chở cho dân làng. Lúc về Hà Nội, kể lại cho Việt nghe, tên này cho biết: nói là đất sinh 2 vua nhưng thật ra chỉ có họ Phùng thôi, còn họ Ngô thì phát tích ở 1 làng khác thuộc miền trong. Tôi nghĩ cũng có thể, vì sau này các họ có sự di chuyển từ các vùng phía trong ra, nên việc nhận là dòng dõi hoàng tộc vẫn có thể chấp nhận được.
   Lúc ăn trưa, tôi và Yên uống hết một chai vodka Hưng Yên nên tôi ngủ suốt chặng đường cho đến khi Khánh đánh thức và bảo đã đến Đường Lâm rồi. Mở mắt ra, tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú nhìn ngó xung quanh. Chỗ chúng tôi dừng xe là một cái sân lớn giữa thôn Mông Phụ (ở đây có 4 thôn: Cam Thịnh, Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp gọi chung là Kẻ Mía). Dân làng xưa kia sống bằng nghề trồng mía, từ đó có tên làng Mía, chùa Mía. Bao bọc xung quanh sân là những ngôi nhà cổ và một cái đình làng rất to.


Đình Mông Phụ

   Cả bọn chọn ngôi nhà gần nhất và bắt đầu quan sát từ bên ngoài, sau đó bước vào và xem xét từng gian cũng như đồ đạc bày biện bên trong ngôi nhà.

Nhà thờ họ Phan

   Đây là ngôi nhà của dòng họ Phan được làm vào năm 1820 (Minh Mạng). Kiến trúc của căn nhà đậm nét truyền thống/dân gian với khuôn viên khép kín. Khuôn viên trong làng thường có hình chữ nhật với lối vào mở ngay trước cửa nhà chính hoặc bên ngách thông với sân/vườn nằm ngay giữa khuôn viên của ngôi nhà.

Sân trong ở giữa khuôn viên 

   Các ngôi nhà trong làng phổ biến là nhà 5 gian ngang, từ ngoài vào trong lại chia thành 3 gian, ngoài cùng là hiên. Việc phân chia bên trong bằng đồ đạc (không dùng vách ngăn) hoặc xây tường tùy theo từng nhà.

Hiên nhà họ Phan

   Các ngôi nhà cổ ở trong làng thường có khung sườn bằng gỗ. Cột, vì kèo và đồ gỗ trong nhà thường được trang trí và chạm khắc theo phong cách riêng. Ở đây có thể thấy các bộ vì kèo được làm giống phong cách của vùng Sơn Tây, Bắc Ninh và Thanh Hóa, những nơi tương truyền là quê hương của nhiều dòng họ trong làng.
   Đồ đạc trong nhà phổ biến nhất là bàn thờ tổ tiên, trang trí với hoành phi cùng với rương, phản, bàn ghế tiếp khách và tủ, giá để đồ các loại...

Bàn thờ ở nhà sau (Chính điện)

Phản đặt ở Bái điện (nhà trước)

Đồ đạc ở 1 góc nhà

   Vì thời gian không nhiều nên chúng tôi muốn được giới thiệu một ngôi nhà khác vào loại cổ hơn ngôi nhà của họ Phan mà chúng tôi đã xem. Và chúng tôi thật may mắn được bà Phan Thị Hồng, một người có trí nhớ và kiến thức tuyệt vời về ngôi làng của mình dẫn đến ngôi nhà thứ 2.

Đường làng với những căn nhà được xây bằng đá ong, loại vật liệu phổ biến của địa phương

   Ba phía của ngôi nhà truyền thống ở đây thường bằng đá ong. Một phần các bức tường đá ong này kiêm tường bao ngăn khuôn viên nhà với đường làng và các ngôi nhà bên cạnh. Cổng được quét vôi, có khi lợp ngói. Cánh cổng bằng gỗ. Những bức tường đá ong, tường bao và cổng chạy dọc 2 bên đường làng đã tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn riêng của ngôi làng cổ này.

Cổng vào các nhà

Trước cổng vào ngôi nhà thứ 2

   Ngôi nhà thứ 2 này là nhà cổ loại 1 (trong nhà có treo Bảng xếp hạng Di tích cấp thành phố, khoảng 400 năm). Ngôi nhà này gồm ngôi nhà chính ở giữa và 2 nhà ngang ở hai bên. Nhà chính có 4 cột chính ở giữa và các cột phụ chia ngôi nhà thành 3 gian. Hiên thường mở nhiều cửa và nhìn ra sân/vườn. Giữa nhà đặt bàn thờ, hai bên là khu sinh hoạt. Bố mẹ thường ở nhà chính, con cái ở nhà ngang. Ngoài ra nhà ngang còn dùng như kho chứa hay nơi sản xuất. Bếp thường ở nhà phụ, thức ăn được bưng lên nhà chính. Bếp củi vẫn được dùng phổ biến. Hiện nay, một số nhà đã chuyển bếp lên nhà chính với việc sử dụng bếp ga.
   Chúng tôi đã có 1 cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hùng (chủ nhà). Trước khi chia tay, tôi đã mua mấy chai rượu và tương bày bán cho khách tham quan để làm quà. Trên chai ghi rõ: sản phẩm làm tại thôn Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây, Hà Nội. Rượu được làm theo phương pháp truyền thống từ gạo nếp và men (made by 4 kinds of rice) còn tương gồm gạo nếp, đậu nành, đậu xanh là những thành phần chính, cũng là sản phẩm truyền thống của làng.
 
   Dân làng chủ yếu sống bằng nghề nông với 2 vụ lúa 1 năm. Khoai được trồng trong vụ Đông và cũng là 1 đặc sản của vùng. Làng Mía xưa còn nổi tiếng bởi 1 đặc sản Tiến vua nữa là gà Mía. Trong 4 thôn thì Đông Sàng là thôn có nhiều người sống bằng nghề buôn bán, tập trung ở chợ Mía nằm ngay trước cổng chùa Mía.

Khu nhà phụ (nhà ngang)

Sân và vườn

   Trước khi về, chúng tôi được bà Hồng đưa vào Đình Mông Phụ tham quan. Đây là nơi dân làng thường tập trung trong các dịp lễ hội, vừa là nơi thờ Thành hoàng của làng nên ngôi đình là kiến trúc đẹp và trang trọng nhất nằm giữa làng. Hai bên đình là 2 gian phụ có không gian lớn, còn được bảo tồn khá tốt. Điện thờ ở chính giữa đình. Theo hàng chữ khắc ở đây, điện được xây dựng năm Kỷ Mùi thời Tự Đức (1859). Điện có cấu trúc hoành tráng với nhiều chi tiết chạm khắc công phu.Từ đây, chúng tôi cũng được nghe bà Hồng kể những câu chuyện liên quan đến nhiều phong tục cổ truyền của dân làng. Rất tiếc là thẻ nhớ trong máy chụp hình của tôi đã full nên không thể chụp thêm hình ảnh chi tiết của ngôi đình này.
   Đường Lâm là 1 trong những làng cổ giữ được kiến trúc và truyền thống được hình thành từ xa xưa. Ở đây có nhiều công trình được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia như lăng, miếu thờ các vị anh hùng dân tộc, chùa, đình làng... Chỉ tiếc là chúng tôi không đủ thời gian để biết thêm về lịch sử của ngôi làng này. Tuy vậy, tôi cũng rất cảm ơn các bạn của mình đã giúp tôi có thêm những hiểu biết cụ thể về những giá trị thuộc về truyền thống của những vùng quê đặc trưng cho văn hóa dân tộc ở miền Bắc. Tôi đã thấy được ở đây 1 phần bản sắc của văn hóa Việt Nam, 1 ngôi làng cổ tiêu biểu được bảo tồn rất tốt trong khi nhiều nơi khác có nhiều di tích/kiến trúc quốc gia và dân gian đang có nguy cơ bị xâm hại, phá hủy và hư hỏng. Tôi mong dân làng sẽ giữ được nguyên vẹn những giá trị còn lại, những gì từng thuộc về nền văn minh lúa nước của cha ông và đã trở thành di sản của 1 làng nông nghiệp truyền thống tiêu biểu ở Việt Nam.

Các bạn xem tiếp phần sau ở đây

6 comments:

  1. Note: Về hình chụp trước cổng ngôi nhà thứ 2 ở Đường Lâm, Nội dung trên 2 tấm bảng phía sau (Bảng trên bằng tiếng Anh, bảng dưới bằng tiếng Việt)

    UNESCO
    Giải thưởng Châu Á - Thái Bình Dương,
    BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA, 2013
    (ghi rõ ngôi nhà này là 1 trong 5 công trình được chọn/bảo tồn của làng cổ Đường Lâm về kỹ thuật xây dựng truyền thống. Đây là kết quả từ việc trao đổi kiến thức & hợp tác giữa các thợ mộc ở địa phương, các nhà nghiên cứu về kiến trúc và các chuyên gia Nhật Bản trong việc thực hiện công tác bảo tồn tại các vùng nông thôn ở VN)

    ReplyDelete
  2. Để leo trèo núi non, chắc phải 1 lần nữa Bắc tiến để cùng các bạn lên cao nguyên đá Đồng Văn và nhiều nơi khác ở Hà Giang :)

    ReplyDelete
  3. Bùi Thị Nghi: Chúc mừng bạn sắp thành nhà văn rồi,hay lắm mình xem mà tưởng tượng như đi du lịch cùng các bạn!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị quá khen. So với bạn mình em còn kém xa, còn lâu mới sắp được như danh của chị nêu trên. Nhưng mà nếu chị thích là em cũng thấy vui lắm.
      Cảm ơn chị đã khích lệ thằng em.

      Delete
  4. Phan Văn Hải: Bài viết hay vì trí nhớ tốt, tình cảm sâu đậm với bạn cũ. Thời nay không hiểu lớp trẻ có những suy tư như thời chúng mình không?👍🌹

    ReplyDelete
  5. Hoàng Quôc Thành: Giông giống Nguyễn Tuân, trí nhớ dai, văn hiền, dễ đọc, chỉ tội uống rượu thua. Várok a továbbra .

    ReplyDelete