Wednesday, September 30, 2015

TRÒN 50 NĂM LỚP CHUYÊN TOÁN Ao KHOÁ I CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỔNG HỢP HÀ NỘI

Quyết định thành lập Ao được ký ngày 14/9/1965 và Lễ kỷ niệm 50 năm Ao được tổ chức ngày 15/9/2015 tại Hà Nội. Tôi viết bài này để ôn lại một số kỷ niệm cá nhân không thể nào quên trong nửa thế kỷ đã qua về Ao, về tầm nhìn của các bậc thầy, về sự phát triển, về thành tựu, về niềm tự hào và những bài học

Chúng tôi vào Ao

Một may mắn có tính chất bước ngoặt đối với chúng tôi là vào năm 1965 được dự cuộc thi học sinh giỏi toán lớp 8 toàn miền Bắc để tuyển vào học Lớp Toán đặc biệt (sau này gọi là Lớp chuyên Toán), Khoá I (1965-1967), của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTH HN, nay là ĐHQG HN). Tên viết tắt thời đi sơ tán trong chiến tranh chống Mỹ là Lớp Ao. Cả Trường ĐHTH Hà Nội sơ tán trên Thái Nguyên được gắn ký hiệu mật là T104, Khoa Toán là A, Khoa Lý là B, Khoa Hoá là C,...  Trùng hợp làm sao khi chúng tôi vừa học xong lớp 8 thì Lớp Toán đặc biệt Ao lại ra đời bắt đầu từ lớp 9 và chúng tôi được vào học với học bổng toàn phần 20 đồng/tháng do Nhà nước cấp. Nếu Lớp này chỉ cần ra đời muộn hơn một, hai năm hoặc chỉ bắt đầu từ lớp tám như thông lệ sau này của nó thì số phận của chúng tôi sẽ ra sao? Thật vô cùng may mắn! Tôi không những đã không phải bỏ học ở quê Hải Hậu mà lại còn được vào học Lớp Toán đặc biệt Ao khoá I, được nghe những bài giảng sâu sắc, hấp dẫn và rất sư phạm của các giáo sư toán học tài năng và giàu nhiệt huyết như Hoàng Tụy, Phan Đức Chính, Hoàng Hữu Đường, Nguyễn Thừa Hợp, Lê Minh Khanh, Nguyễn Duy Tiến, Nguyễn Viết Phú, Đặng Hữu Đạo,...
Còn nhớ vào một ngày tháng 9 năm 1965, tôi đã may mắn nhận được giấy gọi vào học Lớp 9 Chuyên Toán khoá I, trường ĐHTH HN, do nhà Toán học, cố GS TSKH, Phó Hiệu trưởng Lê Văn Thiêm ký. Từ một vùng quê của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, tôi đã về Hà Nội tập trung cùng các bạn mình thành một lớp gồm 38 học sinh và đã di chuyển ngay lên khu sơ tán của trường ĐHTH HN tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi được triệu tập từ nhiều tỉnh, thành phố trên miền Bắc, trong đó có cả những học sinh miền Nam theo gia đình tập kết ra Bắc.

Ao đã ra đời và lan tỏa

Về lịch sử hình thành của Khối chuyên Toán (ĐHTH HN), sau này tôi được nghe GS TSKH Nguyễn Duy Tiến, Nhà báo Hàm Châu và một vài người khác kể lại rằng: Ý tưởng đầu tiên về việc mở Lớp chuyên toán này thuộc về GS. Hoàng Tụy, nguyên là Chủ nhiệm khoa Toán, trường ĐHTH HN, trên cơ sở tham khảo cách làm của Liên Xô (cũ) và được sự ủng hộ mạnh mẽ của GS. Lê Văn Thiêm, Phó Hiệu trưởng, người anh cả của nền Toán học Việt Nam hiện đại; của GS. Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng; của GS. Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ ĐH và THCN và của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người mà khi còn sống luôn luôn quan tâm đến giáo dục, nói riêng là việc đào tạo học sinh giỏi (Quyết định thành lập Lớp Toán đặc biệt đầu tiên năm 1965 do Phó Thủ tướng Phạm Hùng ký thay Thủ tướng Chính phủ). Lúc đầu, Lớp được gọi là “Lớp Toán đặc biệt”, sau được đổi thành “Lớp Toán dự bị” rồi “Lớp Chuyên toán”, được dùng cho đến ngày nay. Việc ra đời của Lớp chuyên Toán đầu tiên này vào năm 1965, giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước sang giai đoạn vô cùng khốc liệt trên cả hai miền Nam, Bắc, càng chứng tỏ thêm sự quan tâm to lớn đến giáo dục, nói riêng là việc đào tạo học sinh năng khiếu, học sinh giỏi, của Đảng, Nhà nước.
Một năm sau khi Lớp chuyên Toán, trường ĐHTH HN ra đời, các lớp chuyên Toán tại Khoa Toán, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Khoa Toán, trường ĐH Sư phạm Vinh và một số nơi khác ở Hà Nội và các địa phương cũng đã ra đời, để từng bước, sau 50 năm, có được một hệ thống các trường, lớp chuyên ở bậc THPT trong cả nước, không chỉ cho môn toán mà nhiều môn học khác. Hiện nay cũng có một số ý kiến không hoàn toàn ủng hộ việc hình thành các trường chuyên lớp chọn. Nhưng chúng tôi cho rằng nếu ta làm việc này một cách không cực đoan, hợp với khoa học giáo dục hiện đại và có tham khảo những kinh nghiệm, bài học hay của chính Việt Nam và quốc tế thì vẫn tốt. Ví dụ: Không nên thành lập các trường chuyên, lớp chọn sớm quá và luôn chú ý cho học sinh được học tập toàn diện nhất có thể được, chú ý rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, tăng cường thể lực để đủ sức ”chạy marathone” trong cả cuộc đời. Điều rất quan trọng là dù trong tương lai các em có trở thành một nhà khoa học, một chuyên gia giỏi, một tài năng lớn hay một người bình thường chăng nữa, các em vẫn cần phải có hiểu biết, kiến thức rộng nhất, toàn diện nhất có thể được, cảm nhận được cái đẹp trong con người, trong xã hội, trong thiên nhiên, biết sống nhân hậu, vị tha, để nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình, của gia đình và cộng đồng. Chính Albert Einstein, nhà bác học vĩ đại của mọi thời đại, đã lưu ý chúng ta: "Nhà trường phải luôn luôn tạo cho học trò một cá tính cân đối chứ không nên biến chúng thành một nhà chuyên môn".
Cũng cần nói thêm rằng, mô hình và thiết kế lớp chuyên Toán (Lớp Toán đặc biệt) đầu tiên, mặc dù còn rất bỡ ngỡ, nhưng cũng rất khoa học với chủ trương đào tạo học sinh khá toàn diện. Đương nhiên, các môn toán như đại số, hình học, lượng giác, lôgic toán, toán học hữu hạn,... được dạy rất bài bản và nâng cao, chuyên sâu hơn so với mức phổ thông, bởi các giáo sư, các nhà toán học trẻ tài ba lúc đó, còn các môn học khác như lý, hoá, sinh, văn, sử, địa, triết học, ngoại ngữ,... cũng được các thày, cô giáo từ các khoa của trường ĐHTH HN lúc đó ở khu sơ tán huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, sang dạy. Vì thế, không chỉ các môn toán, mà cả các môn khác cũng được dạy dỗ bởi các chuyên gia có uy tín của trường ĐHTH HN. Riêng kỹ năng thi cử về toán thì, ngày ấy, chúng tôi chưa được tôi luyện tốt như các đội tuyển Olympic toán quốc gia và quốc tế sau này. Ví dụ, khi dự thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc năm 1967, tất cả chúng tôi ở Lớp chuyên toán khoá I chỉ được nghe những bài giảng đầu tiên của GS. Phan Đức Chính về phép tính đạo hàm và, vì thế, chưa có được các kỹ năng khảo sát hàm số! Lý do là giáo trình toán năm đầu tiên (lớp 9) không hoàn toàn dựa theo sách giáo khoa toán phổ thông, vốn khá đơn giản, mà dựa theo và dùng một phần sách giáo khoa những năm đầu của khoa toán các trường đại học sư phạm, có tham khảo các tài liệu của Nga và Pháp. Những năm sau, sự chậm trễ và quá mở rộng này đã được khắc phục ngay và kết quả thi học sinh giỏi từ khoá II trở đi rất tốt.

Tổ chức, quản lý và thành tích

Người thầy Chủ nhiệm Lớp Chuyên Toán khoá I của chúng tôi ngày ấy là thầy Phạm Văn Điều (đã mất), nguyên là một học sinh miền Nam quê Phú Yên tập kết ra Bắc, một con người rất tâm huyết và tận tụy với học trò. Khối phổ thông chuyên Toán - Tin có được thành tựu xuất sắc sau 50 năm phát triển là nhờ các bậc thầy tiền bối nói trên và nhờ sự tiếp nối của nhiều thế hệ lãnh đạo trường ĐHTH HN, của các Ban Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học, từ các Chủ nhiệm Khoa, GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy, GS Phan Văn Hạp, GS Hoàng Hữu Như, GS Trần Văn Nhung, GS Nguyễn Duy Tiến, PGS Phạm Trọng Quát, GS Đặng Huy Ruận, GS Phạm Kỳ Anh, GS Nguyễn Hữu Dư, PGS Vũ Hoàng Linh và PGS Lê Minh Hà, của các Ban Chủ nhiệm Khối, các thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên, các bậc phụ huynh và học sinh. Đó là các Chủ nhiệm Khối, từ thầy Phạm Văn Điều, thầy Phạm Tấn Dương, PGS Lê Đình Thịnh, đến PGS Nguyễn Vũ Lương (nay là Hiệu trưởng trường Chuyên KHTN), ThS. Phạm Hùng và cô Đặng Thanh Hoa cùng nhiều thầy, cô giáo toán và các môn học khác đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Khối. PGS Phan Đức Chính, GS Nguyễn Văn Mậu (nguyên Hiệu trưởng trường ĐHKHTN, ĐHQG HN), PGS Hồ Sĩ Đàm, TS Nguyễn Xuân My và GS Đặng Hùng Thắng đã nhiều năm làm trưởng đoàn và PGS Nguyễn Vũ Lương, ThS Phạm Hùng nhiều năm làm Phó đoàn Việt Nam tham dự Olympic Toán hoặc Tin học quốc tế. Mặc dù ít được dạy cho chuyên toán nhưng khi vừa mới ra trường tôi cũng đã được phân công dạy một năm học (1972-73) môn hình học lớp 9 cho lớp Ao khóa 7 của các bạn Hoàng Lê Minh (HCV Olympic Toán quốc tế năm 1974, TS), Nguyễn Quốc Thắng (GS TS), Nguyễn Khắc Minh (ThS), Đặng Hoàng Trung (HCĐ Olympic Toán quốc tế năm 1974, đã mất), Huỳnh Thị Cẩm, Đỗ Thị Thanh Bình, Nguyễn Hoàng Giang, Dương Chí Công (lớp trưởng), ... Trong những ngày đi sơ tán, thầy trẻ và các học trò nhỏ cùng chơi bóng chuyền, bóng đá, tranh giành bóng rất vui với nhau như bạn học, trên ruộng khô vừa gặt xong.
Thấm thoát thế mà đã 50 năm trôi qua (1965-2015), kể từ ngày thành lập Lớp chuyên Toán đầu tiên (khoá I) tại Khoa Toán, trường ĐHTH HN, nay là Khối chuyên Toán - Tin thuộc Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN, ĐHQG HN. Cũng có thể xem đây là cái mốc đầu tiên của hệ thống các trường, lớp chuyên về toán, tin, lý, hoá, sinh, ngoại ngữ, văn,... ở bậc THPT trong cả nước, từ Trung ương đến các địa phương và nói riêng là các khối chuyên toán - tin, lý, hoá, sinh tại ĐHQG HN. Chủ trương sáng suốt và tầm nhìn xa này của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lúc đó (nay là Bộ GD-ĐT), của trường ĐHTH HN và khoa Toán-Cơ-Tin học của Trường, là tiền đề tạo ra một nguồn nhân lực chuyên sâu có chất lượng cao với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và các nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý, doanh nhân,... thành đạt, tài năng, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quá trình CNH, HĐH đất nước.
Việc ra đời hệ thống các trường, lớp chuyên này cũng góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng và thành tích của các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (đã được khởi xướng từ năm 1961), của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế từ năm 1974 cho đến nay về toán, tin, lý, hoá, sinh, ngoại ngữ,... Thật đáng tự hào với bảng thành tích đầy ấn tượng của các đoàn học sinh Việt Nam đi dự thi Olympic quốc tế ở các môn khác nhau. Riêng các đoàn Olympic Toán học Việt Nam đi dự thi quốc tế từ năm 1974 (với giải nhất Toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam của TS Hoàng Lê Minh) cho đến nay thường được xếp (mặc dù không chính thức) vào tốp 10 (top ten) nước mạnh nhất trên thế giới. Cũng cần phải nói thêm rằng, Khối chuyên Toán - Tin và các khối chuyên khác của Trường ĐHKHTN, ĐHQG HN, là một trong những cơ sở đào tạo cung cấp nhiều học sinh tham gia các đoàn của Việt Nam đi thi Olympic quốc tế và giành được nhiều huy chương vàng, bạc, đồng. Trong số các học sinh của Khối chuyên Toán-Tin, ĐHQG HN, giành được hai Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế có GS. Ngô Bảo Châu (sinh năm 1972), được trao Giải thưởng Fields cao quý năm 2010 và được Hội đồng Chức danh GS nhà nước phong đặc cách GS của Việt Nam năm 2005. Với truyền thống và thành tích xuất sắc của 50 năm trưởng thành và phát triển, năm nay 2015 Khối chuyên Toán - Tin đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng hai và danh hiệu Đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Quan hệ quốc tế

Trong 20 năm gần đây, khi tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo, tôi đã trực tiếp cùng các đoàn khách quốc tế và ASEAN về thăm Khối Phổ thông chuyên Toán - Tin và các trường, lớp chuyên ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác và có dịp được trực tiếp nghe các bạn đánh giá tốt về chất lượng, về trình độ của hệ thống đào tạo năng khiếu này của chúng ta. Một số nước ASEAN và các nước khác đã đến thăm, trao đổi và hợp tác với chúng ta. Đây là những tín hiệu tốt. Nhưng để có thể hợp tác bình đẳng và hiệu quả, bản thân chúng ta cũng cần phải có sự chuẩn bị khẩn trương và nghiêm túc về trình độ sư phạm, tiếng Anh và công nghệ thông tin; cần phải biên soạn các sách giáo khoa hiện đại bằng tiếng Anh, cần phải chọn lựa, dịch các tuyển tập bài thi và lời giải của các kỳ thi Olympic quốc gia, quốc tế, của Tạp chí “Toán học và Tuổi trẻ” hơn nửa thế kỷ qua ra tiếng Anh, làm tài liệu tham khảo và giới thiệu với bạn bè quốc tế. Cũng phải nói thêm rằng trong những năm gần đây các nước ASEAN đã tiến bộ rất nhanh và giành được nhiều thành tích cao tại các Olympic quốc tế về Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh, ..., mà chúng ta cần phải tiếp tục phấn đấu, phải học tập, nếu không sẽ tụt hậu.

Kết luận

Khi ôn lại chặng đường 50 năm của Khối chuyên Toán – Tin và nay là Trường THPT chuyên KHTN, trường ĐHKHTN, ĐHQG HN, chúng ta tự hào và rút ra bài học kinh nghiệm cho việc đào tạo chất lượng cao ở bậc THPT, ĐH và SĐH trong nhiều lĩnh vực, trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay. Như chúng ta đã biết: Quá trình đào tạo nói chung, đào tạo nhân tài nói riêng, gồm ba giai đoạn là phát hiện tài năng, đào tạo và sử dụng tài năng đó. Thiết nghĩ, ở giai đoạn đầu, Việt Nam chúng ta làm không đến nỗi kém, nhưng cả hai giai đoạn sau ta còn phải cố gắng làm tốt hơn bằng những cơ chế chính sách cụ thể và khả thi, để tránh ”chảy máu chất xám” ra nước ngoài và tại chỗ. Mục đích cuối cùng của quá trình đào tạo là phải sử dụng hiệu quả được các sản phẩm, các tài năng.

Trần Văn Nhung
Nguyên là học sinh chuyên toán A khoá I (1965-1967), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

Ghi chú: Phần cơ bản của bài này đã được đăng trên Thông tin Toán học của Hội Toán học Việt Nam, Tập 9 số 4, tháng 12 năm 2005, và gần đây được bổ sung thêm nhân dịp kỷ niệm 50 năm ra đời của Ao (1965-2015).

Bổ sung: Khi chuẩn bị tái bản cuốn sách này (Trần Văn Nhung: "Về GD-ĐT, đôi điều ghi lại", NXBGDVN, Hà Nội-2011) lần thứ hai vào năm 2015 thì cũng là lúc kỷ niệm 50 năm ra đời của Ao. Tác giả xin bổ sung một vài thông tin sau.
Cuộc không kích ác liệt của máy bay Mỹ vào Hà Nội năm 1967 đã cướp đi bạn Nguyễn Hữu Dần, một học sinh rất chăm ngoan và học giỏi của lớp tôi. Bạn Dần bị chết khi đang xếp hàng mua bánh mỳ và phở "không người lái" để ăn trưa tại Nhà hàng mậu dịch quốc doanh Phố Huế, Hà Nội. Khi ấy, tôi cũng ở gần địa điểm đó, nghe bom nổ rất to, nhưng đã may mắn thoát chết. Trước khi chết bạn Dần đã được xếp vào danh sách những học sinh sẽ đi du học tại CHDC Đức cùng với các bạn Nguyễn Lam Sơn, Đỗ Ngọc Lục và Phan Thị Hà Thanh. Bạn Dần đã ra đi nhưng sau này gia đình và bè bạn gắng tìm mãi lấy một cái ảnh của bạn ấy để thờ cúng mà không được, đành chịu. Trong giai đoạn tổng động viên đầu những năm bảy mươi của Thế kỷ trước, một số bạn Lớp Ao khóa I của chúng tôi, dù đi du học về hay học đại học ở trong nước, đã nhập ngũ để ra trận tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Cũng may tất cả đã trở về sau khi cuộc chiến khốc liệt kết thúc thắng lợi. Có những bạn đã phục vụ khá lâu hoặc trở thành quân nhân hoặc sĩ quan chuyên nghiệp trong quân đội, nếu không đã có thể trở thành những nhà toán học và khoa học tài năng, thành đạt.

Khoá I của hệ chuyên toán Ao chúng tôi không gặt hái được nhiều kỷ lục thi quốc gia, quốc tế và không thành đạt cao như các khoá sau. Xin nêu một số ví dụ: Khoá II có GS. TSKH. Đào Trọng Thi (Uỷ viên Ban chấp hành TW Đảng và Đại biểu Quốc hội nhiều khoá liền, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba, nguyên Giám đốc ĐHQGHN), Khóa XVIII có GS. TS. Đàm Thanh Sơn, nhà Vật lý nổi tiếng thế giới, hiện là GS ĐH Chicago (Hoa Kỳ) và Khoá XXII có "đỉnh cao nhất của nửa thế kỷ Ao Đại học Tổng hợp Hà Nội", đó là GS. TSKH. Ngô Bảo Châu, người được trao Giải thưởng Fields cao quý nhất của toán học thế giới vào năm 2010, hiện là Giáo sư ĐH Chicago và Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Còn có rất nhiều người thành đạt khác hiện đang làm việc ở trong và ngoài nước được sinh ra từ cái nôi chuyên toán Ao của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mà tôi không thể kể hết ra đây được. Âu cũng dễ hiểu và thông cảm được, trong một gia đình nghèo đông con, đứa con cả thường không thông minh và thành đạt bằng các em. Vì lúc đầu bố mẹ chúng chưa có kinh nghiệm và điều kiện về sinh đẻ, nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ con cái.

Post từ GS. Trần Văn Nhung's wall/FB

1 comment:

  1. Tôi thật tình vô cùng cảm ơn cái Lớp Ao này vì nhờ nó mà tôi và các bạn mình mới có được những niềm vui bất ngờ trong kỳ ra Bắc vừa rồi của 2 anh em chúng tôi :)

    ReplyDelete