Thursday, October 22, 2020

Hãy tự biết mình

 

1. Theo  truyền thuyết Hy Lạp, “Hãy nhận thức chính mình” là câu cách ngôn được ghi tại đền Apollo ở Delphes, nơi Socrates thường viếng thăm. Tấm văn bia này đã thu hút tâm trí ông, thôi thúc ông không ngừng tìm tòi khám phá về con người, nhất là về phương diện đạo đức – tinh thần của nó. “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng” cũng là một câu nói nổi tiếng trong binh pháp Tôn Tử. Chiến thắng ở đây, hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là thắng trong chiến tranh, mà còn  là thành công trong cuộc sống nói chung, nhất là chiến thắng chính bản thân mình. Ở chiều ngược lại, việc không lượng đúng sức mình dẫn tới thất bại hay thậm chí thiệt mạng là điều có thể tìm thấy ở nhiều thí dụ trong sách vở, lịch sử cũng như cuộc sống thường ngày quanh ta. Trong kho tàng truyện cổ tích VN có truyện “Ếch và bò”, kể rằng một con ếch nghĩ rằng nó có thể phồng bụng lên để to được bằng con bò, và thế là nó cứ phồng bụng lên mãi đến nỗi bị nổ tung như một chiếc bong bóng. Chuyện Quan Vân Trường mất thành Kinh Châu cũng là một bài học đắt giá về sự kiêu ngạo, tự cao. Được giao phó trấn giữ một địa bàn trọng yếu, nhưng sau trận thắng quân Ngụy, Vân Trường vốn đã  tự cao lại càng thêm chủ quan, ví mình như loài hổ, còn quân Đông Ngô chỉ là loài chó, cuối cùng thảm bại dưới tay đối phương, thành mất, hai cha con bị bắt và bị chém đầu.  Ít năm trước tôi có một người quen với đường công danh đang rộng mở. Ngày Tết anh ta đến thăm một người bạn và uống khá nhiều. Lúc ra về mọi người khuyên anh ấy để xe máy lại và bắt taxi về cho an toàn, nhưng anh gạt đi mà nói rằng uống thế chưa là gì so với tửu lượng của mình. Kết cục là anh bị ngã xe, chấn thương sọ não, tuy được cứu sống, nhưng trở thành người tàn phế, suốt đời gắn chặt với xe lăn.

2. Vậy chúng ta cần biết những gì về bản thân mình? Theo "bản đồ tính cách", đi từ ngoài vào trong, nó gồm sáu lớp như sau: Môi trường (nơi bạn đang công tác/học tập, những người xung quanh bạn), Hành vi (những gì bạn thật sự nói và làm), Năng lực (các kỹ năng, kiến thức và năng khiếu, những việc bạn làm tốt và đam mê, ngay cả những điều bạn không thật sự tự hào), Niềm tin và các giá trị (những điều mà bạn tin tưởng và có ý nghĩa quan trọng đối với bạn), Đặc điểm nhân dạng (những điều làm bạn trở nên khác biệt), Mục đích (ý nghĩa cuộc sống cũng như mục đích trong đời bạn.) Có thể thấy rằng hai lớp ngoài cùng là những gì bạn có thể quan sát được và không khó để trả lời. Còn bốn lớp bên trong là những gì nằm dưới bề mặt và để khám phá chúng bạn cần có thời gian và phương pháp. Sau đây là một số cách mà bạn có thể làm: 1) Tự vấn:  đặt các câu hỏi chi tiết và trả lời chúng một cách thành thật, chẳng hạn để biết được năng lực  của mình bạn có thể đặt câu hỏi để xác định những điều bạn yêu thích nhất ở các công việc mà bạn  trải qua, những việc tiêu tốn nhất thời gian của bạn, những gì bạn đã làm được tốt nhất v.v. Hãy ghi lại tất cả những gì liên quan để từ đó có thể rút ra các kết luận thích hợp. 2) Suy ngẫm và ghi chép: bình thường chúng ta rất tất bật với các lo toan và công việc, nhưng mỗi ngày hãy dành cho bản thân một khoảng yên lặng nhất định, thoát ra khỏi những kỳ vọng, những cuộc trò chuyện, ồn ào, dư luận, để tâm sự với bản thân, viết ra những điều mình quan sát, cảm nhận và suy nghĩ. Hãy ghi chép một cách khoa học để đơn giản hóa việc xem lại và cập nhật, qua đó bạn có thể đánh giá được quá trình trưởng thành của bản thân. 3) Hoạt động: “Để biết bơi thì phải nhảy xuống nước!”, chỉ thông qua hoạt động thực tiễn chúng ta mới biết rõ những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, mới học hỏi được các kinh nghiệm từ thành công cũng như thất bại, vì thế hãy thử sức trong nhiều hoạt động khác nhau, kể cả những việc “kỳ lạ”, “chưa từng làm bao giờ”. 4) Nhờ sự tư vấn của những người mà bạn tin tưởng, cũng như các công cụ tra cứu trên mạng Internet như Google, wikiHow, nơi mà bạn có thể tìm thấy sự tư vấn tốt nhất từ các chuyên gia.

3. Benjamin Franklin viết “Có 3 thứ cứng rắn nhất: thép, kim cương và biết chính mình”. Hãy hiểu rằng đây là cả quá trình chứ không phải là đích đến, và cố gắng không đánh giá bản thân khi chưa thấy kết quả tích cực ngay lập tức. Hãy kiên trì và giành thời gian để hiểu mình, vì đây cũng chính là bước khởi đầu để bạn có thể thay đổi và hoàn thiện bản thân trong suốt cuộc đời.

No comments:

Post a Comment