Thursday, October 15, 2020

Vẫn từ Tự do và Dân chủ

Dường như 1 gã nhà báo háo danh lại đang tìm cách kích động gã “giáo sư kỳ nhông” chuyên biến màu, nhằm mục đích moi lại miếng bánh màu mỡ vẫn được gọi là “cải cách giáo dục” để trục lợi trên thân xác học trò (!)

Xin đưa lại bài viết của cố nhà giáo PHẠM TOÀN để hình dung rõ nét hơn về gã “giáo sư kỳ nhông “ chuyên biến hình đổi màu nọ 

**********

NÓI MỘT LẦN CHO XONG

#Đôi_Điều_Sự_Thật_Về_Trường_Thực_Nghiệm

#Phạm_Toàn

Một cô phóng viên gọi cho tôi, gạ “bác không chịu trả lời chuyện xô đổ cổng trường thực nghiệm, hôm nay bác trả lời cho em chuyện nhà giáo ở Cà Mau …” Tôi nghe loáng thoáng chuyện ông giáo nào đó đòi ngủ nghê gì đó với học trò. Tôi quát to để chấm dứt chuyện nhì nhèo: “này nhé… cái ông giáo ấy, nếu là đảng viên, thì bảo đảng ông ấy xử, nếu là công chức, thì bảo nhà nước ông ấy xử nhé… phần tôi, tôi chỉ xử lý nội dung giáo dục định giở trò với trẻ em thôi nhé…”

Tưởng là yên thân, sáng nay tháng năm ngày mười chín, bật máy lên đã thấy chình ình một bài của hãng VTC chạy tít lớn “Trường Thực nghiệm: Từng bị phản đối ở cấp nhà nước”, liền kề bên dưới còn chạy thêm cho hấp dẫn: Cuối năm 1995, Hội đồng cấp nhà nước (gồm 9 hội đồng chuyên môn) do GS.TS Phạm Tất Dong làm Chủ tịch, đã không ủng hộ chương trình thực nghiệm - GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

Tôi đành bớt chút thời giờ nói về mấy điều đó. Tôi tránh nhắc đến những người đã chết trừ phi vẫn còn người đang sống làm chứng và sẵn sàng trả lời những cú điện thoại kiểm chứng. Xin bắt đầu.

… bắt đầu từ 1984 cho tới 1990

Cuối năm 1984, nhờ bà bộ trưởng Nguyễn Thị Bình có cái nhạy cảm của người mẹ với đàn con học sinh, nên chương trình Giáo dục thực nghiệm của Hồ Ngọc Đại (dù còn rất sơ sài) vẫn được triển khai thực nghiệm phạm vi hẹp. 

Hồ Ngọc Đại sang nhà tôi (chiều nào cũng sang, đến độ vợ tôi đùa “hai ông đồng tính”) để bàn chuyện mở những đâu. Đại thường quen miệng dùng từ “thằng”, có “thằng Nga, thằng Mỹ”, có cả “thằng Hà Bắc, thằng Hải Phòng”… nói to và say sưa cho tới khi ông hàng xóm gõ nhẹ vào vách cót ép nhắc “ông tiến sĩ với ông giáo nói hơi to đấy” – ý ông nhắc chúng tôi gọi khẽ cái “thằng” thành phố sắp triển khai thực nghiệm khi đó.

Sau khi mọi việc ngã ngũ triển khai ra 12 tỉnh và thành phố, một mình tôi phải lên Đại học sư phạm Xuân Hòa huấn luyện cả một khóa Ngữ-Văn sắp tốt nghiệp để họ tỏa đi 12 địa phương theo dõi triển khai năm học đầu tiên. Vốn liếng “khoa học” chỉ đủ huấn luyện trong vài bốn ngày. Anh Lê Khanh đón lên, khi về anh thả ở bến xe. Ngày bận huấn luyện, đêm ở một minh, và Lê Khanh còn dặn “chú ý các cậu đặc công đói nó chui vào”, nên không ngủ, ngồi soạn cuốn Thiết kế dạy tiếng Việt lớp Một đầu tiên.

Sau khi triển khai ra các tỉnh được một năm thì ông Nguyễn Minh Thuyết được ông Đại nhận về làm việc – ông Đại giao ông Thuyết cho tôi hướng dẫn mọi việc. Một bữa cuối năm, tại nhà ông Đại, có Nguyễn Tài Cẩn, Lê Khanh, Nguyễn Minh Thuyết, và tôi, mọi người uống bia hơi trong cái can nhựa trắng và bàn chuyện triển khai tiếp giáo dục thực nghiệm. Anh Tài Cẩn sắp đi Nhật, tôi dặn anh khi về mang cho tôi tấm hình Kawabata… Rồi tôi và Thuyết ra về, chúng tôi ngồi nán ở vườn hoa, tôi dặn dò Thuyết nhiều điều… thân thiết, chân thành, nên sau đó Thuyết và vợ còn đến nhà tôi học tiếng Pháp nữa.

Thuyết khéo, nhưng vì khéo nên nhiều khi hiểu và diễn giải sai lệch khái niệm. Có lần Hồ Ngọc Đại tổ chức cho một số người thuyết trình nội dung cuốn Bài học là gì?, Thuyết dùng thí dụ để diễn giải khái niệm “công nghệ” như sau: ví dụ như tôi sắp tắm, thì tôi tiện thể mang theo thùng rác đi đổ … Nhưng Thuyết rất giỏi viết báo khen Hồ Ngọc Đại (không cần chính xác lắm về khoa học) tập trung vào điểm nào người ưa nịnh muốn đọc. Năm 1995 khi Thuyết viết bài gọi Hồ Ngọc Đại là “thằng điên”, thì các cô giáo trường thực nghiệm có hỏi tôi “sao không đưa các bài báo trước đó vẫn khen “thằng điên” ra?” Tôi chỉ giữ im lặng. 

Còn một điều nữa Thuyết giỏi là “tham gia” vào các bản thảo đã có để cùng ký tên. Sách Tiếng Việt lớp Một Hồ Ngọc Đại và tôi làm đã mõm ra rồi, Thuyết “tham gia” chữa vài chữ, rồi ký tên ghé vào sau người chủ biên, lại là phó tiến sĩ nên đứng trên cả tên tôi, đồng thời lôi cả đống tên tuổi giáo viên vào mục “tham gia dạy thực nghiệm” cho nó khách quan –  cần kiểm chứng thì cứ tới kho sách mà xem. Khi Thuyết gọi Đại là “thằng điên” vào năm 1995 (chuyện này nói ở mục dưới), Đại xóa tên tuổi tất tật, chỉ còn lại một tên. Xong! 

Thuyết làm tổ trưởng tổ Văn-Tiếng Việt, chuyện này có lỗi của tôi đã hết sức ủng hộ anh vào vị trí này. Tôi còn đề nghị Đại cho Thuyết và một người nữa làm phó giám đốc. (Cả cơ quan ấy đùa: cử anh Toàn kiêm nhiệm trưởng ban Tổ chức trung ương hai đảng của Mỹ thì Mỹ thua là cái chắc). Một người kia tên là H. sau này phát hiện ăn cắp tiền dự án chính tôi xin về, nhưng vì khéo che chắn nên thoát tội. Người này giữa đêm gọi điện cho Đặng Ngọc Riệp (người kế nhiệm giám đốc Hồ Ngọc Đại) bảo Riệp “ông lui ra cho tôi chơi nhau với thằng Đại”. Thật rất buồn vì cô bé này thường nhận là học trò yêu của Đại. Khi cô ta bảo vệ luận án, phó tiến sĩ  Trần Sĩ Nguyên (viện Giáo dục dân tộc) giơ tay xin nêu câu hỏi, Đại bảo vệ “học trò”, nói với cậu Nguyên: “Ừ hỏi thì được, nhưng đừng hỏi lưu manh”.

Bây giờ tôi nói nốt về điều Nguyễn Minh Thuyết nói sai và hãng VTC đưa thành tít bài “Trường Thực nghiệm: Từng bị phản đối ở cấp nhà nước”.

Năm 1990, chương trình thực nghiệm đã được nghiệm thu ở cấp Nhà nước. Tôi được Hồ Ngọc Đại cử đi báo cáo riêng cho hai người, anh Nguyễn Văn Hạnh, thứ trưởng giáo dục sau làm phó ban Khoa giáo, và anh Hoàng Tuệ, viện trưởng viện Ngôn ngữ học. Trong cả hai cuộc, Thuyết đều đi theo tôi. Vụ báo cáo anh Hạnh ở trụ sở góc đường Phan Đình Phùng Hoàng Diệu (nhà cũ bà Hà Quế) thôi không cần nói. Nhưng vụ báo cáo anh Hoàng Tuệ thì cần nói. Vì anh Tuệ khi nghe một khái niệm mới luôn luôn hỏi lại “cái ấy tiếng Pháp gọi là gì?” Thuyết thừa nhận “hôm nay không có anh thì em chết”. Và giáo sư Hoàng Tuệ sau đó đã nhận lời tham gia Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước (cùng với Lương Ngọc Toản, thứ trưởng giáo dục khi đó). Sau đó, anh Tuệ còn cho cháu ngoại (con của Hương) vào học trường thực nghiệm. 

Tôi nhắc lại cho khỏi hiểu nhầm: hệ thống thực nghiệm đã được một Hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu cuối năm 1990 nhờ đó mới được thành lập Trung tâm Công nghệ Giáo dục (trước đó chỉ được gọi là “trường thực nghiệm” hoặc nâng lên thành “Cơ sở thực nghiệm giáo dục phổ thông”). 

Có hai việc liên quan đến Thuyết trong giai đoạn này, cần nói, cốt để hiểu đời và hiểu người.

Việc một: năm 1987, trên bờ một thác nước ở Đà Lạt, anh Nguyễn Văn Bào (bí thư chi bộ, hiệu trưởng hay hiệu phó trường thực nghiệm tôi quên rồi) gọi tôi lại bàn vài ba việc của trường. Nhân đó tôi nói với anh Bào: “ông cho cậu Thuyết vào Đảng đi chứ?” Bào: “Ông lạ thật đấy. Ông cứ thích tìm đảng viên cho Đảng!” Tôi: “Ông đừng báo cáo mà chết tôi. Đảng của ông tôi chẳng lạ gì. Nhưng tổ Văn và Tiếng Việt chỉ có nó là phó tiến sĩ, lại trẻ, tôi già rồi, đây là chuyện lâu dài, chứ tôi có coi những danh hiệu đó là quái gì đâu”. Bào: “Ờ, để từ từ sang năm”. Tôi: “Không! Năm nay! Không định làm gì thì thôi. Định thì phải dứt điểm!”. Và tôi nhớ khoảng tháng 11 năm 1987 Thuyết được kết nạp vào Đảng thì phải.

Việc hai: để chuẩn bị nghiệm thu năm 1990, Thuyết phải viết báo cáo môn Tiếng Việt, tôi được phân công viết báo cáo môn Văn. Nhưng Thuyết vô tình hay cố ý không bảo tôi viết. Một ngày trước cuộc họp trù bị, tiến sĩ Nguyễn Kế Hào nổi cáu lấy xe ô tô đến tận nhà tôi hỏi báo cáo đâu, tôi ngớ ra, nhưng ngay sớm hôm sau tôi đã có báo cáo để cô Ngọc Mùi đem chụp. May là hôm nay cả Nguyễn Kế Hào và Ngọc Mùi vẫn còn mạnh khỏe! 

CUỘC ĐẢO CHÍNH NĂM 1995

VTC chạy hàng chữ làm nốt nhấn: Cuối năm 1995, Hội đồng cấp nhà nước (gồm 9 hội đồng chuyên môn) do GS.TS Phạm Tất Dong làm Chủ tịch, đã không ủng hộ chương trình thực nghiệm - GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

Tôi nói: đó là cuộc đảo chính năm 1995. Khi đó, Công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại đã lan ra 43 tỉnh và thành phố. Tại thành phố Hồ Chí Minh có hơn 60 phần trăm lớp 1 học sách tiếng Việt CNGD. Ở Lao Cai, giáo viên tiểu học dạy CNGD đi thi giáo viên giỏi đều đoạt giải. Thành tựu đặc biệt của CNGD là đã có mặt ở miền núi nơi có những học sinh dân tộc thiểu số: Hòa Bình, Lao Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Thái Nguyên … Quảng Bình, Thừa Thiên, Kông Tum, Đắc Lắc, Bình Thuận … An Giang, Sóc Trăng … CNGD chẳng có biệt tài gì hết: chỉ vì hệ thống đó không cho giáo viên giảng giải, buộc học trò làm việc, nên nó dễ dàng thành công ở vùng dân tộc ít người. Có vậy thôi!  

Nếu khi đó người ta thực lòng nghĩ đến trẻ em, người ta không nghĩ đến sự làm mất thể diện lẫn nhau, thì sự thể đã khác! Về mặt năng lực nghiệp vụ thì có thể thấy phân bố chiến tuyến như sau. Có một “phe” sau cuộc đảo chính đó đã cho ra đời được cái gọi là chương trình nổi tiếng một cách bi thảm có tên CT-2000, đẻ ra rồi mà vẫn không có tên gọi là “cải cách” hay là “thay sách” và vừa dùng mấy bữa đã đòi “giảm tải”, rồi “giảm tải sâu”. Có một phe thực nghiệm chưa hoàn thiện, có môn còn sai, nhưng “ông lãnh tụ” thích dùng quyền lực để ép thiên hạ phải đi theo – chứng cứ rất dễ thấy: trong số nhiều người đi theo, ông Hồ Ngọc Đại có bao nhiêu học trò đủ sức triển khai CNGD, xin các bạn đó giơ tay lên cho bà con biết mặt và biết công trạng!

Lẽ ra, cả hai phe cần phải khiêm nhường hơn, và cả hai phe đều cần nhận rõ mình đều ra lò từ phe xã hội chủ nghĩa ở Nga và ở Trung Hoa, để thực bụng học hỏi, thay đổi, để cùng làm điều gì đó cho trẻ em, cho đất nước. Nhưng đòi hỏi thế là ảo tưởng: trong nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa nhất là khi đã thoái hóa thì chỉ có đấu đá giữa những người tham tiền, tham quyền, và giấu dốt. Đừng nghĩ tôi nói năng hàm hồ: xin cho biết có ai trong số họ đã viết một công trình gì về thày của mình? Tuyệt nhiên không! Nói luôn: Phạm Tất Dong, Nguyễn Minh Thuyết có công trình gì không? Tuyệt nhiên không!  

Một bên này tổ chức cho Hồ Ngọc Đại ăn quả lừa thật to. Họ bắn tin cho Nguyễn Kế Hào (khi đó chưa từ chức vụ trưởng tiểu học) là sẽ mở rộng CNGD ra cả nước. Một cuộc “Hội thảo khoa học” ba ngày được tổ chức ở nhà khách Hùng Vương. Nên nhớ tên của sự kiện là Hội thảo khoa học chứ không phải là Hội đồng cấp nhà nước (gồm 9 hội đồng chuyên môn).  

Bên ngoài Hội nghị, trên tập san Đại học và trung học chuyên nghiệp Nguyễn Minh Thuyết cho đăng bài báo hai kỳ chửi vỗ mặt “một ông tiến sĩ, chẳng hiểu là nhà khoa học, hay là người mắc bệnh tâm thần” … Bên trong hội thào, ba báo cáo do ba người tung hứng nhau: Nguyễn Minh Thuyết, Phan Trọng Luận, và Nguyễn Kỳ (nguyên thứ trưởng giáo dục khi đó đã về hưu).  

Các em giáo viên trường thực nghiệm CNGD bị đánh úp. Thủ trưởng của họ bị đánh úp. Hồ Ngọc Đại vớt vát chịu nhục ôm bộ sách CNGD xin vào họp với cái gọi là “Hội đồng” thành lập khi nào có Giời biết, chỉ cốt bỏ phiếu xóa tên CNGD và chuẩn bị cho đại dự án CT-2000 ra đời. Họ đóng sập cửa trước mũi Hồ Ngọc Đại: “xin lỗi, chúng tôi không mời ông”. Bà già đã biết mùi thế nào là kẻ cắp! Có người am hiểu lại nói: kẻ cắp kiêm bà già xơi nhau với bà già kiêm kẻ cắp!

LÀM GÌ BÂY GIỜ?

Các nhà trí thức Việt Nam trong ngành khoa học xã hội và nhân văn có nhiều thói xấu. Thói xấu nhất hạng là không biết và không quen, dần dà thành không thích làm những việc cụ thể. Nhưng do trót có mảnh bằng, lại được “cơ cấu”, nên dần dà cũng thích làm quan chức chỉ đạo chung chung, nghe vỗ tay và không chịu trách nhiệm. Thói xấu đó đang dẫn dắt dân tộc đến ngõ cụt như hiện thời, chẳng cần chứng minh cũng rõ.

Thói xầu kéo theo của tình trạng trên là tính kèn cựa, mất đoàn kết, bè phái, thủ đoạn chống đối nhau. Họ chống đối nhau quanh năm, chỉ đến ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười thì gặp nhau run run hát bài “Bạch dương” ngợi ca những dáng ục ịch uyển chuyển đã trôi đi, hoặc ngợi ca nàng Ka-chiu-sa nay hầu như chỉ còn là vũ khi để duyệt binh.

“Giới trí thức” Việt Nam đương thời rất yếu kém về khoa học xã hội, đó là kết quả một thời gian khá dài công việc đào tạo bị lệ thuộc vào Liên xô và Trung Quốc, đó là một sai lầm tuy có thể không do cố ý nhưng hết sức trầm trọng. Song nói vậy cũng không có nghĩa là nên quay sang giới trí thức các môn khoa học xã hội và nhân văn phương Tây. Xin đừng chú ý nữa đến nguồn gốc “xuất thân” – xin hãy quan tâm đến việc làm thực tế.

Hãy chú ý đến TỰ DO và DÂN CHỦ. “Tự do” là các nhóm trí thức hãy thi đua nhau đem lại sản phẩm tốt hơn cho xã hội. “Dân chủ” là có cơ chế để các nhóm trí thức đang thi đua nhau được đối xử công bằng. Hết sức đơn giản như vậy thôi!

PHẠM TOÀN, tháng 5/2012

No comments:

Post a Comment