Sunday, March 1, 2015

Dằn vặt: Đi và về

Lý do rời Việt Nam để định cư ở nước ngoài của người Việt hiện nay chủ yếu vì tương lai của con em, vì  môi trường trong nước chưa phát triển đủ để ứng dụng/phục vụ những gì được đào tạo công phu, vì cả cuộc sống và xã hội/văn hóa nước nhà đang trong hồi sa sút... Những điều này rất nhiều nên cho đến bây giờ vẫn còn nhiều người ra đi chứ ít người trở về, nhất là những người trẻ tuổi, tài giỏi nhưng không phải là mất gốc, không yêu nước.

Thời gian đầu ở Úc tôi thường tự hỏi mình liệu có đáng không? Đáng để bỏ hết tất cả và đến sống nơi xứ người này không? Nhiều lần tôi đã gần đi đến quyết định mua vé quay trở về. Nhưng rồi mỗi lần như vậy là mỗi lần tôi nhận được những tin tức từ bạn bè ở nhà làm tôi nhớ lại những lý do khiến tôi quyết tâm ra đi.
Tôi ra đi không phải vì lý do gì lớn lao (giáo dục hay văn hóa hay chính trị gì), chỉ là cái nhu cầu đơn giản nhất: tôi không còn thấy an toàn (về mặt vật lý) khi ở VN nữa.
Rất dễ để bạn có thể ngã xuống vì vô vàn lý do:
Tai nạn giao thông.
Đường phố đầy cướp giật.
Công an kết hợp với giang hồ để hành hung người dân (chuyện có thật từ bạn tôi).
Ăn uống, vệ sinh thực phẩm.
Hoặc thậm chí không có chuyện gì xảy ra, môi trường không khí ở VN cũng làm chúng ta bệnh định kỳ – thường là mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.
Và khi đã ngã xuống rồi thì bệnh viện – là nơi chúng ta tìm đến để tìm sự trợ giúp – lại là nơi mang lại bực bội và trong nhiều trường hợp: nguy hiểm hơn.

Năm 2011, ba tôi bị tai nạn giao thông, người đụng bỏ chạy để ba tôi một mình trên đường, người qua lại không ai trợ giúp, cũng may ba tôi còn tỉnh nên gọi điện thoại về cho người thân được. Vô đến Trung tâm chấn thương chỉnh hình (bệnh viện lớn nhất về chấn thương chỉnh hình ở Sài Gòn) người ta để ba tôi nằm từ trưa đến tối vẫn không một ai quan tâm, ai là con đã từng ở trong hoàn cảnh tương tự, chạy quanh khắp bệnh viện gần như năn nỉ từng bác sĩ thì sẽ hiểu được cảm giác đó. Và cuối cùng người ta chụp hình và chuẩn đoán là chỉ cần bó bột là xong. Sau 2 tháng bó bột với tư thế sai hoàn toàn, gia đình quyết định chuyển sang bệnh viện tư (và sau đó phải sang Singapore) để mổ sắp xương lại. Bác sĩ ở Singapore nói rằng ba tôi bị rất nặng, nếu để chậm nữa là có thể sẽ không giữ được chân.
Năm 2013, một lần nữa ba tôi nhập viện vì có vấn đề liên quan đến phổi, sau này mới biết đó chỉ là biến chứng của những năm tháng nằm dưới hầm trú trong chiến khu tránh B52 rải thảm bên trên. Vậy mà bác sĩ ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (bệnh viện chuyên về phổi lớn nhất của miền Nam) bảo rằng ba tôi đã bị ung thư giai đoạn cuối, chỉ còn sống được vài tháng. Ai là người thân trong gia đình khi nhận được tin đó sẽ hiểu cảm giác như thế nào.
Rồi sau đó một thời gian họ lại báo rằng đó là do lao phổi và lên phác đồ điều trị, thuốc để chữa bệnh lao đã làm ba tôi từ 48kg xuống còn 34kg và yếu đến mức tưởng như không qua nổi. Cũng may có một người bác sĩ quen từ xa ghé thăm và lập tức đưa ba tôi về nhà và cho uống thuốc khác, sau đó ba tôi khá lên từ từ và hiện tại cảm ơn trời phật, đã khỏe lại.

Những trải nghiệm như vậy làm tôi nghĩ nếu chẳng may gia đình rơi vào những tình huống nguy hiểm đến tính mạng, với những loại bác sĩ như vậy trong bệnh viện thì biết trông chờ vào ai? Cảm giác bất lực tột cùng khi đứng giữa bệnh viện, khi mà công việc, sự nghiệp, tiền bạc không thể làm bất kỳ điều gì để bảo vệ gia đình.Tôi quyết định đi để tìm một nền tảng y tế tốt hơn cho gia đình, khi mà quê hương không còn là nơi an toàn để sống nữa.
Và đó chỉ là giọt nước làm tràn ly trong vô vàn giọt nước khác đã làm đầy ly nước:
Công an ăn nói vô văn hóa với người dân, phạt và ăn hối lộ trắng trợn vô tội vạ. Có bất kỳ việc gì liên quan đến công an thì càng làm mình sợ hơn là cảm giác được bảo vệ. Công an như một đám kền kền đúng nghĩa.
Cướp giật nhan nhản ngoài đường (đến mức ở Sài Gòn chuyện cướp giật đã được coi là chuyện bình thường).
Quá nhiều lần bị trúng thực khi ăn thức ăn ngoài đường đã làm tôi không còn dám ăn những món yêu thích của mình ngoài đường nữa.
Ra đường thì bất kỳ thằng choai choai nào cũng có thể kiếm chuyện với mình, nếu muốn yên lành thì im lặng mà đi, hoặc xin lỗi nó.
Thậm chí cái việc cỏn con là đi xem phim, 2 năm cuối ở VN tôi đã không còn đi xem phim nữa vì những sự bất lịch sự của những người xung quanh, mười lần như một.
Và còn vô vàn những lý do khác mà ai đã và đang sống ở VN đều có thể dễ dàng liệt kê ra.

Không ai! Không một ai muốn bỏ quê hương đất nước mình mà đi sống ăn nhờ ở đậu một đất nước khác. Do đó theo suy nghĩ của tôi, để các du học sinh, để những người đã ra đi quay trở về thì không phải chỉ là sửa tiêu đề của những bài viết kia, vì dù các em có tin, quay trở về rồi cũng sẽ đối diện với những sự thật diễn ra hàng ngày và rồi cũng sẽ lại tìm mọi cách để đi. Và thực tế tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp quay trở về và sau đó lại đi.

Hôm rồi tôi có ngồi tâm sự với một người bạn, bạn ấy nói rằng: “Chỉ cần ở VN có an toàn và công bằng, hai chữ sao đơn giản mà khó quá”.
An toàn và công bằng! Chỉ cần có 2 chữ đó một cách tương đối (chứ không phải hoàn toàn trái ngược như hiện tại) thì dù có không cho về thì chúng tôi cũng tìm đường mà về.
Vì không đâu bằng được sống trên quê hương mình cả. Lặp lại lời người bạn: “Hai chữ đơn giản mà sao khó quá!”.
Vậy tại sao tôi vẫn chưa về? Và xung quanh bạn bè tôi thì ra đi mỗi ngày một đông?

(Phuong Vo/FB)

5 comments:

  1. Có hai yếu tố tôi cho là quan trọng, mà hai bài viết kia không đề cập và phân tích đến khi so sánh giữa về hay ở (VN hay NN), đó là:
    (i) Ở đâu được sống thật với mình hơn, được sống chính là mình hơn?
    (ii) Ở đâu để cảm thấy mình trong sạch hơn, tử tế hơn, lương thiện hơn, tốt hơn lên?

    Nếu không kể đến tương lai của con cái và môi trường mà chúng sẽ trưởng thành (đôi khi là yếu tố quan trọng nhất với nhiều người) - Thì với những người có điều kiện lựa chọn (tạm tính là có công việc ổn định, đúng chuyên môn hoặc đúng sở nguyện ở cả VN lẫn ở NN), họ sẽ phải cân nhắc hai điều đó nữa, thêm vào các điều khác.

    Cũng còn tuỳ điều kiện và hoàn cảnh từng người, không hẳn là VN hay NN thì hay và tốt hơn. Đọc xong bài bác Phuong Vo giới thiệu, tôi lại muốn về rồi. Những cái bất lợi ở nhà thì không sợ lắm, mà những cái thuận lợi thì nhìn thấy mê! (-:
    (Toan Dam/FB)

    ReplyDelete
  2. Tôi có trãi nghiệm mấy tuần lang thang ở Bệnh viện ở VN năm vừa rồi, cả Bắc Trung Nam, thấy phí điều trị bệnh ở VN và chất lượng điều trị thực sự là một việc rất đáng suy nghĩ.

    “Chỉ một ngày (tối 24/2- tối 25/2), gia đình tôi vay mượn, đóng 170 triệu đồng tiền thuốc thang, viện phí. Chị y tá nói thêm, gia đình chuẩn bị sẵn tiếp 100 triệu nữa để khi bệnh viện cần là có ngay"
    (Lê Chí Hiếu/FB)

    ReplyDelete
  3. Tôi muốn nói đến "impact factor" cho cả bản thân, gia đình & xã hội bác Phuong Vo ơi. Chỗ nào maximize được cái đó thì ta ở, có gì mà phải lăn tăn đâu ... Còn giờ đây tôi mong trong thế giới phẳng này, người Việt không chỉ có quê nhà là giải đất chữ S nữa mà mở rộng nó ra toàn thế giới, đi đâu cũng có thể coi là nhà được ... Vấn đề là về để làm gì, nếu để đỡ nhớ quê thì ở bất kỳ đâu trên thế giới chỉ cần 1-2 ngày là về lại Vietnam, ở vài tuần đỡ ghiền rồi lại đi, lúc nào chẳng được, ....
    (Tuan A Phung/FB)

    ReplyDelete
  4. Tôi cũng quan niệm cả trái đất này là nhà. Có những nơi mình thích đến, có những nơi không thích lắm. Có những nơi để lại nhiều kỷ niệm vui, chốn khác để lại những dư vị buồn. Có những nơi mình dành cho sự quan tâm đặc biệt, có những chốn mình chẳng để ý gì. Về mặt địa lý và không gian - vấn đề là làm sao thu xếp được tiền bạc và thời gian để đi chơi được càng nhiều nơi càng tốt.

    Còn ở, chỗ nào có công việc tốt, ổn định, môi trường tốt cho mình và con cái, cho gia đình - thì ở thôi. Chẳng khác lắm so với chuyện các bác sinh trưởng ở mọi vùng miền nhưng chọn Hanoi hay Saigon làm nơi sinh sống. Bay về VN cũng chỉ 8-9h hay cùng lắm 1 ngày. Vẫn nhanh hơn nhiều so với xe đò hay tàu 36 tiếng Bắc Nam. Chỉ thua các bác "có điều kiện" đi VietJet hay VNA thôi.

    Nhưng chuyện "lăn tăn" về VN hay ở lại vẫn là một chuyện rất khác. Có lúc hay nghĩ về chuyện đó, có lúc quên bẵng đi, rồi lại quay về - nói chung, chỉ những kẻ sống tha hương như tụi tôi mới thấu hiểu. Các bác đang happy và ổn định ở nhà không hiểu được đâu. (-:
    (Toan Dam)

    ReplyDelete
  5. Lê Minh (Debrecen,VIDI69) có lần nói: "Nếu so sánh và chọn nơi sống giữa Hungary và Việt Nam, thì bây giờ nếu có qua Hung cũng chỉ để thăm lại nơi có nhiều kỷ niệm của tuổi trẻ mà thôi chứ không szívesen sống bên đó". Như vậy, cuộc sống ở Việt Nam vẫn có những "ưu việt" để nhiều người như Lê Minh không chối bỏ. Số người đó cũng chiếm 1 tỷ lệ không nhỏ trong chúng ta.
    Điều để Lê Minh chọn lựa, theo tôi biết (có thể chưa đủ) là sự hài lòng. Bao gồm:
    1. Về bản thân, anh ấy nói có nhiều người cho rằng: anh Minh sống như vậy là "sướng" so với rất nhiều người khác, không tính thành công về số lượng/chất lượng từ "của cải" tạo được hoặc thành công về sự nghiệp/làm ăn.
    2. Về quan hệ gia đình và xã hội: với anh ấy, cho đến bây giờ tất cả đã "rendben van". Không còn gì phải lo nghĩ nữa.

    ReplyDelete