Saturday, July 11, 2015

Bình Tam Quốc: Có túi khôn cũng không biết dùng

Tào Phi chết. Các đại thần cố mệnh là Tào Chân, Tư Mã Ý và Chung Do. Tào Chân làm Đại Tướng Quân, Tư Mã Ý làm Thái Úy cùng giữ binh quyền. Chung Do làm Tư Đồ. Tào Chân chết, con trai là Tào Sảng lên thay, được nhiều người giúp rập, trong đó có Hoàn Phạm, nổi tiếng là túi khôn.

Hoàn Phạm xui Tào Sảng tâu với vua Ngụy thăng chức Tư Mã Ý lên Thái Phó, tước hết binh quyền. Dần dần, Tào Sảng đưa tay chân nắm hết các chức vụ xung yếu, quyền át vua. Sảng cử em trai coi cấm quân, nhất cử nhất động ở kinh thành đều kiểm soát. Tư Mã Ý phải giả ốm, không nhìn ngó gì tới triều chính. Sảng tưởng Ý già yếu lẩm cẩm không còn lo lắng gì nữa, bèn nghĩ đến chuyện ra ngoài thành đi săn.

Hoàn Phạm nói: Đại tướng quân đi săn lỡ ở nhà có chuyện gì thì làm thế nào? Sảng nói: Ta ra ngoài mang theo cả vua, hiệu lệnh thiên hạ ai dám chống. Bèn đưa vua, các quan văn võ và cấm quân xuất cung đi săn.

Ý nghe Sảng xuất cung bèn nai nịt gọn gàng, cùng hai con trai, cầm ấn Thái Phó đến mở kho vũ khí phát cho thân binh, rồi chia nhau phong tỏa tất cả các công sở và vị trí xung yếu, đóng cửa Kinh thành, ra lệnh nội bất xuất ngoại bất nhập. Lại cho người vào cung xin Thái Hậu ra chiếu chỉ bắt Tào Sảng vì tội chuyên quyền.

Hoàn Phạm nghe tin bèn lấy ấn Đại Tướng Quân và binh phù của Tào Sảng bỏ vào tay áo, một mình một ngựa phóng qua cửa thành mà đi. Vừa may, quan giữ thành lại là học trò Hoàn Phạm, không dám cản thầy.

Phe Tư Mã Ý nghe tin Hoàn Phạm chạy thoát đều biến sắc mặt nói: Túi khôn lọt ra ngoài mất rồi biết làm thế nào. Ý nói: Sảng tính tham lam, ngu dốt, lười biếng có túi khôn cũng không biết dùng. Nay đem lợi ra nhử chắc bắt được.
 Lại nói Tào Sảng nghe tin Tư Mã Ý nổi loạn sợ luống cuống chân tay. Em Sảng chỉ huy cấm quân khóc hu hu "bây giờ biết làm thế nào". Ngay lúc đó Hoàn Phạm phóng ngựa tới nói "Tư Mã Ý làm loạn. Nhưng tôi đã mang ấn Đại Tướng Quân và binh phù tới. Nay ngài rước xa giá ra miền đông, hiệu triệu các châu đem quân về bắt Tư Mã Ý, ai dám không theo." Anh em Tào Sảng quen ăn chơi sung sướng, nghĩ chuyện xa kinh thành, đi xa mệt nhọc, ngại ngùng.

Hoàn Phạm lại nói: "Chuyện gấp lắm rồi. Xin ngài quyết định ngay, nếu không sẽ chết cả họ.". Sảng nói "Ngươi để ta suy nghĩ thêm." Sảng nghĩ suốt một đêm vẫn không quyết được gì. Đến sáng chợt có sứ của Tư Mã Ý đến nói chỉ muốn tước bớt binh quyền, vẫn cho Sảng giữ chức vụ và tài sản. Sảng mừng lắm. Em Sảng cũng nói: Thái Phó chắc không phụ ta đâu. Sảng nói: Cùng lắm bỏ binh quyền làm một ông nhà giàu.

Hoàn Phạm ngửa cổ lên trời khóc mà nói "Than ôi! Tào Tử Đan tự phụ tài trí hơn người lại sinh một lũ con toàn chó lợn."

Tào Sảng về đến thành, bị Tư Mã Ý sai bắt giết cả ba họ. Đồng đảng của Sảng, trong đó có Hoàn Phạm đều bị tận diệt. Quyền bính nước Ngụy từ đó rơi và tay họ Tư Mã.

Lời bình của Lệnh Lỗi Dương: Xét ra Hoàn Phạm vẫn chưa thể gọi là túi khôn. Khôn thì đã không bày kế cho kẻ ngu. Mưu hay, thì chúa phải cầu. Chúa không cầu mà tự mình phải bày mưu, thuyết phục chỉ có hai trường hợp. Chúa ngu không dùng như Tào Sảng, cùng như ngọc dưới chân trâu. Chúa sáng biết dùng như Tào Tháo dùng Tuân Úc, cũng không khỏi bị nghi ngờ chịu họa sát thân.
Đã gọi là chúa sáng phải tự biết tài và cầu lấy mưu hay. Cố tình bày mưu cho vua, đều không có kết cục tốt.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

12 comments:

  1. Nguyễn Tuấn: Khổng Minh cũng chẳng hơn là mấy khi phò tá cho Lưu Bị.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Thực ra Lưu Bị giỏi hơn và Khổng Minh kém hơn La Quán Trung tả nhiều. Do đó, không phải trường hợp túi khôn không được dùng mà là túi không khôn lắm được dùng. Tuy vậy, xét về dùng người, Lưu Bị hơn hẳn Khổng Minh: Lưu Bị dùng được Ngụy Diên, Khổng Minh ghen ghét chèn ép Ngụy Diên, Lưu Bị không tin Mã Tốc, Không Minh khoái Mã Tốc làm thất thủ Nhai Đình.

      Delete
  2. Aiviet Nguyen: Ở Việt Nam bây giờ các loại túi khôn đều phải tự tiến cử, cố vấn. Đến nỗi có người thốt lên: người ta có cần có vấn đâu mà cứ cố.

    ReplyDelete
  3. Tung Nguyen: Đọc Tam Quốc em thấy giỏi nhất là Tào Tháo, tuy nhiên La Quán Trung mô tả không khách quan.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu vậy thì La Quán Trung mô tả rất giỏi. Vấn đề là ở thái độ của người đọc.

      Delete
    2. Aiviet Nguyen: Cố nhiên cái giỏi trong Tam Quốc trước hết là đánh nhau. Cái đó thì Tào Tháo giỏi: đánh thắng Viên Thiệu, Lã Bố, Viên Thuật, Lưu Biểu, Mã Siêu Hàn Toại, Ô Hoàn và phần lớn các sứ quân. Chỉ có 2 lần thua đáng kế là thua trận Xích Bích và Hán Trung. Hai trận này đều được La Quán Trung ghép cho Gia Cát Lượng. Thực ra không phải. Trận Xích Bích hoàn toàn là công của Chu Du. Lấy Hán Trung là công của Lưu Bị và Pháp Chính. Về đánh trận có lẽ Lưu Bị cũng là tướng chỉ huy chiến dịch vào loại giỏi nhất bên Thục. Chiến dịch Ích châu và Hán Trung đều trực tiếp chỉ huy cắt cử các tướng. Tất nhiên cũng giống Tào Tháo, phải thua Đông Ngô ở Hào Đình. Nhìn chung Đông Ngô giỏi phòng ngự, nhưng tấn công kém. Tuy nhiên ở đây đang nói về vai trò của người cố vấn. Trong Tam Quốc mình tiếc nhất là Bàng Thống. Được Tào Tháo biết tài, lại đâm đầu về theo Lưu Bị, số phận chẳng ra sao.

      Delete
  4. Nguyen Xuan Hoai: Giá em đọc bài này của anh sớm hơn nhỉ :)

    ReplyDelete
  5. Tung Nguyen: Thời tam quốc thì Việt Nam do Tôn Quyền quản lý, em ko có thông tin về sử ta thời điểm này, a Việt nói thêm cho e đc ko?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Thời Tam Quốc quản lý trực tiếp nước ta là một nhân vật rất có công, là Sĩ Nhiếp, đáng lẽ phải có tên phố, nhưng do tự ti dân tộc, gần đây có xu hướng lãng quên. Dân tôn Sĩ Nhiếp là Sĩ Vương hay còn gọi là Nam giao học tổ. Ông này có công dạy bảo chữ nghĩa, tiến cứ nhân tài, mở mang học vấn cho Việt Nam, đồng thời quản lý kinh tế và ngoại giao tốt, nên thời Tam Quốc ở Trung Quốc chiến tranh loạn lạc nhưng ở Giao Chỉ rất bình yên. Sĩ Nhiếp được vua Hán bổ nhiệm Thái Thú Giao Chỉ. Thái Thú là dưới quyền Thứ Sử Giao Châu gồm thêm các quận Cửu Chân, Nhật Nam,...và một số quận phía Bắc. Lúc đầu vua Hán cử Thứ Sử nhưng sau đó vì đường đất xa, các sứ quân lớn như Lưu Biểu và Tôn Kiên bắt đầu tranh chấp việc cử Thứ sử Giao Châu không cần hiệu lệnh nhà Hán. Cuối cùng Sĩ Nhiếp quy thuận Tôn Quyền và giúp Tôn Quyền thu phục các châu quận khác. Thứ Sử là Bộ Chất (Ông này có xuất hiện trong Tam Quốc cãi nhau với Khổng Minh) Sử Tàu có ghi Hoàng Cái (ông tướng làm khổ nhục kế trong trận Xích Bích) cũng đã từng sang làm Thứ Sử Giao châu nhưng tham lam quá bị dân đuổi về. Chắc là giai đoạn trước Bộ Chất. Chi tiết này không có trong sử Việt Nam. Khi Sĩ Nhiếp chết, nhà Ngô cử người khác thay Sĩ Nhiếp nên con là Sĩ Huy nổi loạn, bị nhà Ngô giết. Sau đó quan nhà Ngô khá tham tàn, nên có bà Triệu nổi lên đánh nhau với tướng Ngô là Lục Dận, cháu Lục Tốn. Trong Tam Quốc có đoạn Gia Cát Khác bị Tôn Tuấn giết, bè cánh cũng có người bị đày đi Giao Châu. Sau Tôn Tuấn bị vua Ngô giết, trước khi chết cũng xin đi Giao Châu, nhưng không được.

      Delete
  6. Nguyễn Du Long Ko hiểu sao em cứ có cảm giác trong TQ giỏi nhất là Thủy Kính tiên sinh cơ :)

    ReplyDelete
  7. Hải Nguyễn Thúc: Đặt câu hỏi góp vui với Aiviet Nguyen: (1)Nếu không đưa ra dùng để thẩm định thì ai biết được cái "túi" đó là khôn hay dại?; (2)Suy diễn cho thời hiện tại: Những người mới tốt nghiệp ĐH hoặc TS ở nước ngoài thường hay nghĩ là mình có "túi khôn" nhưng trong nước chả có minh quân nào biết dùng nên đi tìm minh quân ở bên ngoài vậy. Điều đó đúng hay sai?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Chào bác Hải Nguyễn Thúc (1) Thẩm định có thể quan trọng với minh quân, hoặc với xã hội, nhưng đối với người tài, không quan trọng mấy. Khi Khổng Minh ở Long Trung đã tự biết mình, ví mình như Quản Nhạc, ngâm bài "Lương Phụ Ngâm", cần gì biết đến ai đỗ hiếu liêm (tiến sĩ), ai là thái thú, thứ sử (bí thư, chủ tịch). (2) Giả sử họ là những người có tài thật, nếu chưa có minh quân thực sự, chưa nên về, mà nên trau dồi kiến thức, đem học thuật mài sắc bén đợi được dùng. Nếu không được dùng thì cũng có ích cho đời. Hơn là đem túi khôn tự tiến cử cho kẻ ngu, rồi lại phải đấu đá với các tiêu chí mà mình là ngu vụng, phí hoài thời gian, công sức, tài năng. Em nhớ hồi mới về em có nói với đ/c thủ trưởng đơn vị "Đơn vị này không biết dùng, thì đơn vị khác. Bộ này không biết dùng, thì bộ khác. Nước này không biết dùng, thì nước khác." Cho đến nay, em đã xong hai vế đầu :)

      Delete