VietNamNet giới thiệu phần 2 bàn tròn về cải cách thể chế với PGS.TS
Phạm Duy Nghĩa, TS Huỳnh Thế Du và Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh
tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành. Đây là nhóm tác giả chính của báo cáo tư
vấn chính sách mới đây cho Chính phủ VN về cải cách thể chế, được thực
hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa ĐH Harvard, Chương trình Phát triển
Liên hiệp Quốc và Chính phủ VN.
Có hay không lực lượng cải cách ở VN?
Nhà báo Việt Lâm: Ông Nguyễn Xuân Thành có nhắc đến một cụm từ rất
hay là “lực lượng cải cách”. Trong một bàn tròn mới đây với VietNamNet, TS
Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) có chia sẻ rằng
ông cảm thấy những tiếng nói cải cách còn đơn độc quá, chưa được bắt lời một
cách rộng rãi. Vậy thì nhận định về lực lượng cải cách có phải quá lạc quan hay
không?
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Một câu hỏi mà báo cáo đặt ra và cũng được nhiều
người bàn luận trong hội thảo sang nay là liệu đã tới thời khắc cải cách hay
chưa? Nói cách khác, bối cảnh hiện nay đã ép các nhà hoạch định chính sách ở VN
phải cải cách hay chưa?
Nếu cảm thấy sức ép và đánh giá sức ép đó nguy hại, đe dọa đến tính chính danh
của chính quyền, của đảng cầm quyền thì người ta bắt đầu đánh giá những lựa chọn
để tiến hành cải cách. Cách đánh giá và lựa chọn lại tuỳ thuộc vào hệ nhận thức
về gía trị của từng người khác nhau. Để bảo vệ tính chính danh của chính quyền,
có nhóm thì muốn VN cởi mở hơn, chấp nhận ngày càng rõ rệt hơn những chuẩn mực
quốc tế. Ngược lại, có những nhóm đề cao những giá trị, ý thức hệ cũ của họ và
theo nghĩa như vậy chống lại những sức ép cải cách mang tính hội nhập. Chúng tôi
hiểu rằng có thể xuất hiện những lực lượng thúc đẩy cải cách, cũng có thể có
những lực lượng chưa muốn cải cách diễn ra, hoặc diễn ra theo những cách khác
nhau.
Ngoài ra, lựa chọn cải cách cũng rất khác nhau. Tôi nhớ anh Lê Minh Thông, Phó
Ban thư ký Ban biên tập Hiến pháp 2013 cho biết trong khoảng 6-7 tháng thảo luận
về dự thảo Hiến pháp 2013, VN đã tổ chức 28,000 cuộc hội thảo với khoảng 26
triệu ý kiến cử tri. Điều này cho thấy rằng đất nước đứng trước một vấn đề nhưng
các lời giải rất đa dạng.
Vậy thì chọn lời giải nào thuyết phục người khác đây? Bản chất đó là cuộc thương
lượng. Trong cuộc thảo luận về Hiến pháp, chúng ta chứng kiến sự giằng xé của
nhiều ý kiến khác nhau, từ vấn đề kinh tế nhà nước có chủ đạo hay không, nhà
nước nên đóng vai trò gì trong nền kinh tế…Hay kì Đại hội Đảng XI, chúng ta được
chứng kiến cuộc thảo luận giữa ông Võ Hồng Phúc – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư
lúc bây giờ với ông Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về vai trò
chủ đạo của sở hữu công cộng. Những cuộc thảo luận như thế từ trong Đảng, lan ra
xã hội, rơi vào nghị trường, phản ánh những lựa chọn khác nhau của các nhóm khác
nhau.
Bản chất của cải cách thể chế là cho người dân có thêm tiếng nói, để họ được
biết, được tham gia nhiều hay ít vào những cuộc thảo luận như thế. Một số sự vụ
xảy ra thời gian qua cho thấy sự đã rồi dân mới được biết. Nói cách khác, nguy
cơ có những chính sách tồi tệ sẽ ngày càng tăng khi tiếng nói của dân giảm đi.
Nói như thế không có nghĩa là tăng minh bạch và dân chủ thì những sai lầm sẽ ít
đi bởi đã là con người thì đều có khiếm khuyết. Nhưng càng minh bạch, càng thảo
luận công khai, quá trình thương lượng càng khó khăn, buộc anh phải thuyết phục
bằng lý lẽ thì quá trình đó sẽ lọc dần đi những quyết định nóng vội, hoặc che
dấu lợi ích đằng sau hoặc chưa có căn cứ. Toàn bộ quy trình tham gia của người
dân không dễ dàng, thậm chí rắc rối nhưng nó giúp giảm bớt nguy cơ đưa ra những
quyết định thiên lệch.
Lựa chọn tồn tại hay không tồn tại
TS Huỳnh Thế Du: Tôi muốn tiếp ý của anh Phạm Duy Nghĩa về thời khắc cải
cách. Thực ra, các cải cách, thay đổi về cách tiếp cận, về ý thức hệ…chỉ xảy ra
với một chế độ, một nhà nước nào đó khi đứng trước lựa chọn sống hay chết, tồn
tại hay không tồn tại.
Trở lại câu chuyện cải cách năm 1986. Sự sụp đổ của một loạt chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu và khủng hoảng toàn diện trong nước đặt Đảng
Cộng sản Việt Nam đứng trước nguy cơ sống còn. Khi đó, Đổi Mới 1 đã xảy ra.
Hiện nay, nếu nhìn ở khía cạnh kinh tế, chúng ta có thể nghĩ rằng tuy tốc độ
tăng trưởng 5-6% thấp hơn kỳ vọng 7-8% giai đoạn trước nhưng vẫn ổn. Nếu chỉ
nhìn từ khía cạnh đơn giản này thì áp lực không có. Nhưng với sự trỗi dậy của
Trung Quốc, với sự kiện Giàn khoan 981 mà tôi cho rằng có ý nghĩa quyết định, áp
lực đó đã hiển hiện. Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy khi cảm quan về sự tồn vong
của dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được đánh thức thì lúc đó người dân tự
động có yêu cầu chính đáng làm sao phải có cải cách, có chính sách sáng suốt bảo
vệ chủ quyền quốc gia.
Nếu nhìn từ góc độ này thì Đảng và Nhà nước đang đứng trước một thách thức lớn
là làm sao để người dân thấy rõ đường lối phát triển, bảo vệ chủ quyền của mình.
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, bây giờ là thời điểm nước sôi lửa bỏng rồi.
Trở lại câu hỏi về lực lượng cải cách, chúng ta thấy đã có nhiều tiếng nói cải
cách ở cả ba khu vực: khu vực công, khu vực doanh nghiệp và khu vực dân sự.
Trong rất nhiều cuộc hội thảo không mở rộng, chúng tôi đã được nghe những tiếng
nói cải cách từ khu vực công, tức là những mầm ấy, lực lượng ấy bắt đầu lớn lên
rồi. Trong khu vực dân sự, qua câu chuyện về chặt cây xanh ở Hà Nội, xây Văn
Miếu ở Vĩnh Phúc hay dự án lấp sông ở Đồng Nai cho thấy tiếng nói của người dân
ngày càng mạnh mẽ hơn. Người ta biết cách tổ chức như thế nào để tạo áp lực buộc
chính quyền phải điều chỉnh hành vi. Trong khu vực doanh nghiệp, rất nhiều DN
chỉ mong mỏi có môi trường kinh doanh thực sự tốt để người ta tạo ra giá trị,
chứ không phải chỉ để trục lợi.
Bởi vậy, tôi tin rằng, nếu có một quyết sách đúng đắn thì những mầm cải cách sẽ
gắn kết với nhau.
Nguy cơ quyền lực rơi vào tay thiểu số
Việt Lâm: Kể từ khi Đổi mới đến nay, những thời cơ cải cách đúng là đã
xuất hiện. Vấn đề là ngay thời điểm đó, quyết tâm cải cách là có, thậm chí không
kém phần mạnh mẽ nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì mà nó nguội dần đi, không
biến được thành hành động, kết quả thực tế. Có những ý kiến cho rằng giá như
trong 30 năm đổi mới vừa qua, những cơ hội đó được tận dụng thì có lẽ vị thế
phát triển của VN giờ đã khác. Có thể rút ra được bài học nào từ những thời cơ
bị bỏ lỡ như thế không?
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Xét trên lý thuyết, khi anh không phát triển được
thì quyền lực sẽ rơi vào tay thiểu số, nhóm đầu sỏ hay giai tầng nhỏ bé trong xã
hội nhưng khống chế toàn bộ tài nguyên, làm méo mó phân bổ lợi ích quốc gia.
Những thể chế đó được gọi là thể chế khai thác, tức là mang tính khai thác bóc
lột. Những thế chế như vậy tồn tại rất nhiều ở các nhà nước độc tài chuyên chế,
bóc lột. Sau khi đã tạo ra một giai tầng nhà nước có tính bóc lột thì nó sẽ có
sức kháng cự lâu dài, theo một nghĩa tạo ra những thể chế ép dần lập pháp, tư
pháp, báo chí tuân theo những lợi ích của nó.
Mới đây, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ cũng có viết nhiều bài
về nhóm lợi ích, cảnh báo nếu VN bị rơi vào bẫy của thể chế khai thác thì thể
chế khai thác sẽ ngày càng bền chặt, ngày càng kéo quốc gia đi xuống. Khi đó khó
lòng Việt Nam vượt lên được ngưỡng như Hàn Quốc và Đài Loan đã đạt được.
Khó mà định nghĩa được sức ép đó thể hiện như thế nào nhưng cơ may để cải cách
cũng không đợi dân tộc lâu. Nếu mình không tận dụng được, nếu không xuất hiện
những lực lượng cải cách trong xã hội, thiếu những nhà lãnh đạo có kỹ năng,
thiếu một xã hội có nền văn hóa đón nhận cải cách như vậy thì cơ hội cũng sẽ
biến mất.
Liệu Việt Nam có đón được thời cơ cải cách này hay không cũng rất khó nói, không
thể chỉ dựa vào cảm tính được mà phải phân tích kỹ hơn bối cảnh lịch sử, văn hoá
và thể chế. Lấy ví dụ nhiều người vẫn ca ngợi Nguyễn Trường Tộ là nhà cải cách
sớm, thậm chí sớm hơn nhiều nhà cải cách bên Nhật Bản và vẫn tiếc cho Nhà Nguyễn
thiếu những nhà lãnh đạo đón nhận cải cách đó. Nhưng ở góc nhìn lớn hơn nữa,
liệu xã hội Việt Nam thời đó đã đủ trưởng thành để đón cải cách như vậy chưa.
Hiện tại, có vẻ như áp lực bên ngoài đang đặt Việt Nam dưới một sức ép cải cách
nhưng liệu dân tộc Việt Nam đã đủ trưởng thành để đón những cuộc cải cách rộng
lớn hơn chưa? Điều đó cần nghiên cứu kỹ mới trả lời được.
Việt Nam rất giỏi trong việc làm vừa đủ
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Nếu nhìn về mặt lịch sử, Việt Nam rất thành
công trong việc đối phó với thách thức trước mắt và cũng rất giỏi trong việc làm
vừa đủ để vượt qua thách thức trước mắt và dừng lại ở đó, vẫn duy trì được những
thể chế giúp mình tồn tại đến nay và thay đổi một chút để đối phó thách thức.
Đáng lẽ ra trong quán tính của việc vượt qua khủng hoảng, thách thức trước mắt,
anh có thể nhân cơ hội đó mà tiến thêm một bước nữa. Bởi vì trong bối cảnh ấy,
anh có thể huy động sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội mà bình thường anh không làm
được. Nó đòi hỏi anh thực hiện thêm một bước nữa để tạo ra những thay đổi và sau
đó tạo thêm động lực để tiếp tục chuyển đổi lên nấc cao hơn nữa.
Về mặt lịch sử, đây là một điều đáng tiếc của Việt Nam. Thông thường khi vượt
qua được khủng hoảng, thách thức trước mắt, chúng ta đã coi là thành công và
muốn dừng lại một chút, chứ không muốn thay đổi mạnh mẽ. Câu cửa miệng chúng ta
hay nói với nhau là phải có sự kế thừa, duy trì những gì đã có. Một thời gian
sau, bức xúc lại xuất hiện và chúng ta lại quay lại quy trình ấy.
Thực ra, trong lịch sử chỉ có một số ít quốc gia thực hiện chuyển đổi thành công.
Có nhiều nước còn không huy động được tài năng, sức mạnh của dân tộc để vượt qua
thách thức trước mắt và bị sụp đổ. Xét theo khía cạnh này, Việt Nam đã làm vừa
đủ để vượt qua được thách thức.
Chúng tôi đánh giá đây là thời khắc để Việt Nam cải cách thể chế. Nhưng cũng như
những thời khắc trong quá khứ, tôi tin là Việt Nam sẽ vẫn vượt qua được khó khan
trước mắt. Nhưng liệu có những chuyển đổi sâu rộng để trở thành một quốc gia
phát triển trong vòng 20-30 năm nữa hay không thì tôi chưa dám nhận định.
Giấc mơ kiến trúc sư trưởng cải cách
Việt Lâm: Như ông Thành vừa phân tích, có lẽ tâm thế thận trọng, đặc
tính giỏi xoay sở với tình thế nhưng khó đi được đường dài của người Việt đã
phần nào hạn chế tầm nhìn cải cách. Nó cũng quy định hai quỹ đạo cải cách. Nếu
như cải cách ở Trung Quốc là cải cách áp đặt từ trên xuống thì Đổi mới của Việt
Nam lại bắt đầu từ những cuộc phá rào ở địa phương. Bài học thành công của Trung
Quốc, Hàn Quốc, Singapore…là có một kiến trúc sư trưởng dẫn dắt cải cách thành
công. Liệu lần này chúng ta có thể hi vọng quỹ đạo cải cách của VN sẽ thay đổi
theo hướng đó hay không?
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Tôi e rằng hi vọng xuất hiện một kiến trúc sư
trưởng đủ tầm dẫn dắt dân tộc là một mơ ước tương đối hoang tưởng. Bởi vì một
nhân vật như thế chỉ có thể xuất hiện ở những dân tộc có nền học thuật, có những
cuộc tranh luận giữa giới trí thức rất dữ dội, mới tóe ra những triết lý cải
cách; chỉ có được trong những xã hội cónền học vấn, có văn hóa tranh luận dám
chấp nhận cái lạ cái mới; chỉ xuất hiện trong những chế độ, xã hội có tính cai
trị tập trung, nhất quán; trong những quốc gia mà quyền uy áp đặt từ trên xuống
dưới trở thành một thói quen lịch sử.
Theo các nhà văn hoá Kim Định, Trần Ngọc Thêm…người Trung Hoa và những nước
phương Bắc là dân du mục sống trên đồng cỏ, có tầm nhìn phóng khoáng, có kỷ
cương. Họ dùng lưỡi gươm và quyền uy để thiết lập đế quốc của họ. Ngay từ 2000
năm trước, Tần Thuỷ Hoàng thiết lập nên đế chế Trung Hoa với bộ máy cai trị từ
trên xuống dưới, với quận huyện được cấu thành như những mắt xích của TW. Thiết
chế này đã là truyền thống của nước Trung Hoa, cứ thế nới rộng ra thôi.
Ngược lại, ở Việt Nam, cộng đồng làng xã hình thành từ những hàng vạn tiểu quốc
con con, mỗi làng xã có luật lệ riêng. Người Trung Hoa có chữ Hán, thể hiện tư
duy bằng chữ viết, còn chúng ta không có chữ viết riêng, truyền lại tư duy cho
con cháu qua lối truyền khẩu là chính.
Điều đáng nói là với nền móng văn hoá của một xứ sở chưa từng có một chính quyền
TƯ quyền uy, trấn áp một cách thống nhất, rạch ròi từ trên xuống dưới, rất khó
để tạo ra những kiến trúc sư xuất chúng, có tầm nhìn, có sức mạnh phi thường tạo
ra kỷ cương ép những tiểu vương kia phải tuân thủ. Về cơ bản, nước mình vẫn là
nước phân quyền tương đối hài hòa giữa TW và địa phương. Trong lịch sử cũng vậy.
Quyền uy của nhà vua thời phong kiến thực ra chỉ xuống đến ông quan huyện. Xã,
lý trưởng, chánh tổng và tuần phủ sống bằng đóng góp của dân làng, trong dân
làng đó họ tạo ra một chính quyền tự quản. Thậm chí mãi đến năm 90, cán bộ
phường xã của mình mới trở thành công chức chứ trước đó công chức của mình không
bao gồm cán bộ cấp xã.
Với đặc trưng phân tán và tự trị như vậy, nên hệ luỵ cho đến bây giờ là chúng ta
có 500 trường đại học nhưng không thể có một trường đại học đẳng cấp quốc tế.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng khó khăn như ta nhưng chỉ trong vài chục năm, Đại
học Thanh Hoa, Đại học Nhân dân của họ đã vươn lên đẳng cấp thế giới. Chúng ta
đầu tư nhiều nhưng không có cái nào ra tấm ra món.
Các Mác có nói một câu rất hay rằng: Không có bánh mì, không có triết học.
Khi một xã hội đói kém, tích lũy tư bản không được bao nhiêu. Nếu đời cha giàu
đến đời thứ hai chia cho các con đã nhỏ đi rồi, các cháu tranh nhau nữa càng teo
lại. Cứ như vậy các miếng đất Việt Nam không hình thành được điền thổ lớn, con
cháu mỗi người một mẩu như thế, khiến cho tích lũy về trí tuệ, về tầm nhìn hơi
vụn vặt. Nói cách khác, tầm nhìn của chúng ta bị giới hạn bởi thôi thúc về dạ
dày của chúng ta.
Chắc nhiều người cũng mơ như chị, nhưng tôi hoài nghi rằng trong bối cảnh dân
tộc như thế có thể xuất hiện những nhà cải cách đặt ra đường ray cho dân tộc
tiến thẳng lên câu lạc bộ của 30 nước giàu có.
Đảng giữ vai trò trung tâm
Việt Lâm: Vậy thì thay vì đặt cược vào một giấc mơ ít khả thi như thế,
liệu có cách nào bớt rủi ro, bớt ăn may hơn không?
TS Huỳnh Thế Du: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn nói thêm một
chút về đề tài kiến trúc sư trưởng cho cải cách. Mọi người hay lấy Park Chung-hee
của Hàn Quốc, Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc, Lý Quang Diệu của Singapore, hay
Thiên Hoàng Minh Trị của Nhật Bản làm dẫn chứng thành công. Trong khi trên thực
tế, cả khu vực Trung Đông, Châu Mỹ - La Tinh, Châu Phi đã có những thời điểm có
những nhà lãnh đạo mấy chục năm dưới chế độ có quyền lực gần như tuyệt đối,
nhưng hầu hết các nước này vẫn rơi vào tình trạng mắc kẹt trong bẫy thu nhập
trung bình hoặc là mãi không phát triển được. Nếu chúng ta đặt cược vào một cá
nhân thì rủi ro sẽ nhiều hơn khả năng thành công. Lịch sử đã chứng minh như vậy.
Cách đây mấy tháng, ông Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh có nói: “Nếu cải cách nào
mà không có phản đối thì không phải là cải cách”. Sự thực cải cách là một quá
trình cực kỳ đau đớn. Một số người sẽ mất đi quyền lợi, nhưng số đông phải được
hưởng lợi. Anh Thành có nhắc đến cuốn “Vì sao các quốc gia thất bại?”. Ở đây,
thể chế bao trùm hay dung hợp đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Khi chúng ta nhìn
tất cả các nước đã phát triển thì vai trò của một cá nhân chỉ ở một mức độ nào
đó, nhưng nghị trình phát triển phải có sự tham gia của đông đảo từ tầng lớp
tinh hoa đến người dân thường.
Trở lại câu chuyện của Việt Nam hiện nay, vấn đề mấu chốt phải được đề cập đến
là vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng phải đóng vai trò trung tâm, đứng ra tập hợp
được tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia vào tiến trình cải cách, giống như
Đảng đã tập hợp được đông đảo lực lượng giành chính quyền năm 1945. Muốn thế,
Đảng cần tạo ra một môi trường cởi mở để tất cả người dân có thể tham gia và làm
sao để các mầm cải cách, mầm tiến bộ càng ngày càng được nuôi dưỡng.
Chúng tôi có làm một nghiên cứu và thấy rằng trong lịch sử, các mầm cải cách của
VN hay bị thui chột. Thời phong kiến, Phố Hiến, Hội An là những mầm phát triển
kinh tế cực kỳ tốt nhưng cuối cùng bị coi là ngoại lai, bị bóp nghẹt.
Những mầm cải cách gần đây như hiện tượng Bình Dương, hiện tượng khu Nam Sài Gòn
đã từng tạo ra hiệu ứng phát triển tốt cũng đang dần yếu đi.
Bởi vậy, câu chuyện hiện nay là làm sao Đảng có chính sách huy động sự tham gia
của mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp tinh hoa vào công cuộc cải
cách. Như anh Phạm Duy Nghĩa vừa nói, trước tiên phải để mọi người cãi nhau toé
lửa ra đã. Khi cãi nhau toé lửa ra thì các ý tưởng hay ho mới hình thành, mới va
chạm, từ đó may ra chúng ta tìm được đường lối phát triển phù hợp. Cần có một cơ
chế để tất cả 90 triệu người Việt Nam cùng nghĩ, cùng tìm hướng phát triển cho
Việt Nam chứ không phải câu chuyện của 3-4 triệu hay một số ít người nào đó.
(còn nữa)
No comments:
Post a Comment