Thursday, July 9, 2015

Giữ nguyên ngữ hay phiên âm tên tiếng nước ngoài trong tiếng Việt: Cần tiếp cận từ nhiều phía

Gần đây lại thấy một số bài bàn về phiên âm hay để ngôn ngữ gốc nhưng không xem xét toàn diện các thứ tiếng (mà chỉ nhắm vào tiếng Anh) và thiếu phân tích thấu đáo, tôi post lại bài đã đăng trên TTCT ngày 3/6/2012. 

Giữ nguyên ngữ hay phiên âm tên tiếng nước ngoài trong tiếng Việt: Cần tiếp cận từ nhiều phía

Gần đây báo chí sôi nổi bàn chuyện phiên âm hay không tên riêng tiếng nước ngoài. Hầu hết ý kiến đều ủng hộ cách để nguyên dạng, hoặc phiên tự Latin nếu ngôn ngữ gốc không dùng bộ chữ cái Latin.
Tuy nhiên các ví dụ dẫn ra để so sánh, để chứng minh tính ưu việt của nguyên dạng phần lớn chỉ là tên riêng tiếng Anh. Cái tưởng là nguyên dạng thật ra là lối viết theo tiếng Anh, và thực tế hiện nay các báo đều "Anh hóa" tên riêng chứ không phải viết nguyên dạng ngôn ngữ gốc (dù là dưới dạng Latin hóa).

Không có nguyên dạng Latin cho mọi tên riêng
Khó khăn ở chỗ không có nguyên dạng Latin cho mọi tên riêng. Ví dụ, có ý kiến bảo rằng hãy để nguyên dạng tên nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan. Thế nhưng đó chỉ là tên tiếng Anh, còn nguyên dạng tiếng Bồ Đào Nha phải là Fernão de Magalhães và nếu theo tiếng Tây Ban Nha, nơi ông này là công dân và phục vụ lâu nhất lại là Fernando de Magallanes!
Dòng chữ Brazil trong cuộc thi Rung chuông vàng cũng chỉ là tên tiếng Anh, còn đúng nguyên ngữ (tiếng Bồ Đào Nha) phải là Brasil, chính vì thế ta mới có từ phiên âm theo nguyên ngữ là Bra-xin.
Rất nhiều ngôn ngữ hiện đang dùng chữ cái Latin nhưng ghi tên riêng khác với tiếng Anh. Nếu chiếu theo quan điểm giữ nguyên dạng ngôn ngữ gốc thì Hung-ga-ry phải viết là Magyarország (thay vì theo tiếng Anh: Hungary), Ba Lan phải là Polska (tiếng Anh: Poland), Đức phải là Deutschland (tiếng Anh: Germany), CH Czech phải là Ceská Republika (tiếng Anh: Czech Republic). Các thành phố hay bang của Đức như Munich, Cologne, Bavaria phải viết nguyên dạng là München, Köln, Bayern.
Các ví dụ như vậy nhiều vô kể. Thủ đô của Ba Lan nguyên ngữ là Warszawa, biến thành Warsaw (tiếng Anh), Varsovie (tiếng Pháp), Warschau (tiếng Đức), Varsovia (tiếng Tây Ban Nha), Varsóvia (tiếng Bồ Đào Nha), liệu có chính xác hơn phiên âm tiếng Việt Vác-sa-va? Và làm gì có cái gọi là cách viết thống nhất hay giữ nguyên dạng giữa những ngôn ngữ cùng hệ Latin?
Đấy là mới chỉ nói trong phạm vi các ngôn ngữ có cùng mẫu tự Latin, nếu nói sang các ngôn ngữ không dùng mẫu tự Latin thì sự không thống nhất nguyên dạng còn lớn đến đâu.
Chỉ xin lấy một ví dụ về họ tên cố lãnh đạo Libya Mu-am-ma Ca-đa-phi bằng tiếng Anh: đã có hẳn một bài báo trên tờ The Christian Science Monitor luận về cách viết nào nên theo: Gaddafi, Kadafi, Qaddafi, Qadhafi hay thậm chí Kaddafi; còn tên của ông này là Muammar, Moammar, Mu'ammar hay Moamar. Thậm chí người ta còn liệt kê (tất nhiên hơi cường điệu) là có tới 112 cách phiên tên Gaddafi sang tiếng Anh.
Bangkok quen thuộc với chúng ta qua tiếng Anh nhưng tiếng Thái gọi thành phố này là Krung Thep, chẳng gần nhau một tí nào. Đất nước Ai Cập gọi theo tiếng Anh là Egypt, nhưng nguyên ngữ Ả Rập lại là Misr (phiên tự), còn thủ đô Cairo nguyên ngữ là Al-Qahirah.
Như vậy có thể nói để nguyên dạng theo đúng nghĩa là không khả thi, vì người viết hay người dịch không thể ngồi tra cứu từng tên nguyên ngữ (và các cách phiên tự Latin hóa có thể có) để thay cho tiếng mà mình đang dịch từ đó.

Âm một đằng, chữ một nẻo
Đúng ra đó là lỗi của tiếng Anh hay của ngôn ngữ gốc chứ không phải do lỗi phiên âm (tất nhiên cũng có khi người phiên âm không chuẩn). Đồng thời chúng ta cũng không nên quên một nhược điểm của tiếng Anh, vì khi đọc hay nói tên họ của một người Anh có khi người ta không dám chắc viết tên họ đó thế nào cho đúng và phải hỏi lại cách viết. Chẳng hạn: Lee, Li hay Leigh đều đọc/nói là "Li", Green hay Greene cũng đều đọc là "Grin".
Nhiều người chê phiên âm gây nhiều dị bản nhưng họ đâu có biết tiếng Anh cũng gặp rắc rối đúng như thế khi gặp các ngôn ngữ khác ngữ hệ như tiếng Ả Rập, các ngôn ngữ châu Á. Ngoài ví dụ về Ca-đa-phi ở trên, một ví dụ khác là tiếng Anh thiếu âm "ư", do đó âm này hoặc bị phiên thành "y" (như trường hợp đối với tiếng Nga, trong khi "y" cũng dùng để phiên chữ/âm i ngắn), hoặc thành "u" (như trường hợp đối với tiếng Nhật và tiếng Việt): Xôn-gie-nít-xưn (hay Xôn-gie-nhít-xưn) thành Solzhenitsyn; Cô-i-dư-mi thành Koizumi.
Phiên âm tiếng Việt có ưu điểm hơn hẳn tiếng Anh khi dùng cho những ngôn ngữ có thanh điệu như tiếng Lào hay tiếng Thái. Và nói cho cùng thì ngay tên họ người Việt cũng đâu phải vùng nào cũng nói/đọc như chữ viết: Võ Văn Dân ở miền Nam sẽ được phát âm thành Dỏ Dăng Dâng kia mà!

Phiên tự - "tam sao thất bổn"
Có tồn tại một cách phiên tự thống nhất cho những ngôn ngữ không dùng chữ cái Latin không?
Nhiều người lầm tưởng rằng đối với những ngôn ngữ không dùng chữ cái Latin, cứ việc phiên tự theo những quy tắc mà người bản ngữ áp dụng là xong. Nhưng sự đời đâu có đơn giản vậy? Có ba lý do dẫn đến việc "tam sao thất bổn" trong phiên tự:
- Ngôn ngữ đích khác nhau. Nếu bạn đang đọc ấn bản tiếng Anh, văn hào Pu-skin sẽ thành Pushkin, còn trong tiếng Pháp sẽ là Pouchkine, tiếng Đức là Puschkin.
Chính vì ngôn ngữ đích thay đổi mà tên riêng vẫn như cũ nhưng sang tiếng Anh mỗi thời một khác. Đó là trường hợp các nước cộng hòa cũ của Liên Xô tách ra: Môn-đa-vi ngày xưa là Moldavia (phiên theo tiếng Nga) nay thành Moldova (theo bản ngữ), thủ đô của nó từ Kishinev thành Chisinau, Byelorussia thành Belarus.
- Có nhiều lối phiên khác nhau. Nếu áp dụng lối phiên hàn lâm của chính người Nga thì Mai-a-cốp-xki sẽ thành Majakovskij, nhưng phiên theo tiếng Anh sẽ là Mayakovsky.
- Không thống nhất ngay trong cùng một ngôn ngữ đích. Ví dụ trong tiếng Anh, nhiều khi người ta cũng không thống nhất khi phiên tự từ tiếng Nga, như: Nikolay/Nikolai, Alexander/Alexandr/Aleksandr, Korolev/Korolyov, Mendeleyev/Mendeleev.
Họ tên của người CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc cũng được họ phiên sang tiếng Anh theo nhiều cách. Chẳng hạn anh hùng dân tộc Lý Thuấn Thần sẽ có các dạng Yi Sun Shin, Lee Sun Shin, Yi/Lee Soon Shin, Ri Sun Shin, Yi/Lee Sun Sin, ta theo cách nào? Cũng họ Lý ấy của Lý Thừa Vãn tiếng Anh vẫn quen phiên là Ree (Syngman) thì sao?
Hàn Quốc đã ban bố quy tắc phiên mới thay cho quy tắc McCune-Reischauer trước đây, nhưng CHDCND Triều Tiên vẫn dùng cách phiên cũ. Do đó thành phố Kê-xâng (Khai Thành) sẽ có hai kiểu phiên là Kaesong hoặc Gaeseong, Pu-xan sẽ là Pusan hoặc Busan.
Kể từ khi Chúa Trời làm thất bại việc xây tháp Babel thì vấn đề phiên chuyển tên riêng giữa các ngôn ngữ đều không được giải quyết hoàn toàn trong bất cứ ngôn ngữ nào. Lập lại trật tự trong lối viết tên riêng nước ngoài là cần thiết, nhưng cần một cách tiếp cận từ nhiều phía, thấu đáo và điều tra xã hội học nếu có thể.
Bộ Giáo dục đã từng quyết định cách viết "theo chữ viết của nguyên ngữ" (năm 1984) nhưng đã phải quay lại lối phiên âm (năm 2003) hẳn phải có lý do. Gần đây Bộ Nội vụ cũng ra thông tư số 01/2011/TT-BNV quy định "phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ", hẳn cũng không phải chỉ vì "bảo thủ".
                                                                                     NGUYỄN VIỆT LONG

Ghi chú thêm:
1. Trong phụ lục VIẾT HOA TRONG VĂN BẢN HÀNH CHÍNH của thông tư số 01/2011/TT-BNV (Bộ Nội vụ) ngày 19 tháng 01 năm 2011 có quy định:
... 2. Tên người nước ngoài được phiên chuyển sang tiếng Việt
a) Trường hợp phiên âm qua âm Hán – Việt: Viết theo quy tắc viết tên người Việt Nam.
Ví dụ: Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông, Thành Cát Tư Hãn…
b) Trường hợp phiên âm không qua âm Hán – Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong mỗi thành tố.
Ví dụ: Vla-đi-mia I-lích Lê-nin, Phri-đrích Ăng-ghen, Phi-đen Cat-xtơ-rô…

2. Tranh luận viết họ ông Gaddafi trong tiếng Anh thế nào cho đúng:
http://www.csmonitor.com/layout/set/r14/World/2011/0222/Gaddafi-Kadafi-Qaddafi-What-s-the-correct-spelling
và bài nói Muammar Gaddafi có 112 cách viết:
http://abcnews.go.com/blogs/headlines/2009/09/how-many-different-ways-can-you-spell-gaddafi/


Thêm bài cũ hơn trên SGTT 29/12/2009:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/27676/

Những ý kiến thiên vị tiếng Anh
LTS: Tiếp tục các ý kiến tranh luận sau bài viết Phiên âm hay viết theo tiếng tiếng Anh?, tòa soạn xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Nguyễn Việt Long vừa gửi đến.

Vừa qua mục Diễn đàn có nêu vấn đề: Nên phiên âm hay để nguyên tiếng Anh. Đa số các ý kiến chê bai phiên âm tiếng Việt, như một hình thức cổ lỗ sĩ, “không chính xác”, thậm chí “không thể chấp nhận được”, còn cách để nguyên tiếng Anh được khen ngợi hết lời.
Những lối nói đầy cảm tính như “phải đọc theo kiểu viết phiên âm thì thật là vô cùng khó chịu” không phải là tranh luận khoa học (nếu tôi vô cùng khó chịu với mắm tôm thì liệu những người khác có khó chịu với nó không và có phải bỏ ăn mắm tôm theo sự áp đặt của tôi không?). Những kết luận khơi khơi không cần chứng minh hay điều tra được dùng làm phán quyết muốn khai tử cho phiên âm tiếng Việt.
Tất nhiên không thể đòi hỏi một sự phiên âm chính xác tuyệt đối trong tiếng Việt, nhưng ở mức có thể chấp nhận được và điều này cũng đúng với mọi ngôn ngữ, chẳng riêng gì tiếng Việt.
Tại sao ta lại đi dùng một thứ tiếng “viết một đàng, đọc một nẻo” (tiếng Anh) làm chuẩn tên riêng cho tiếng Việt, chỉ vì nó phổ biến? Trong khi chê tiếng Việt phiên âm không chính xác, không thấy ai hỏi liệu tiếng Anh nói riêng và các tiếng châu Âu gốc La-tinh nói chung có chính xác với tên gốc? Có rất nhiều ví dụ nói không, chẳng cần phải tìm ở những ngôn ngữ không dùng chữ cái La-tinh, mà ngay ở những ngôn ngữ cũng dùng chữ cái La-tinh như tiếng Anh.
Ta biết rằng nhiều địa danh của nước Đức được phiên sang tiếng Anh (và sang các ngôn ngữ khác, ví dụ tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha…) chẳng chính xác tẹo nào. Tên nước Đức: Deutschland (hậu tố land nghĩa là “đất nước”, “xứ sở” sẽ bị bỏ đi khi trở thành tính từ hoặc chỉ ngôn ngữ Đức: Deutsch) sang tiếng Anh là Germany, tiếng Pháp là Allemagne, tiếng Tây Ban Nha Alemania, tiếng Bồ Đào Nha Alemanha,… đều không chính xác bằng tiếng Việt.
Các ví dụ khác: München thành Munich (tiếng Anh và Pháp), Bayern thành Bavaria (tiếng Anh) hay Bavière (tiếng Pháp); Köln thành Cologne (tiếng Anh và Pháp). Hay như Vác-sa-va nguyên ngữ là Warszawa, biến thành Warsaw (tiếng Anh), Varsovie (tiếng Pháp), Warschau (tiếng Đức), Varsovia (tiếng Tây Ban Nha), Varsóvia (tiếng Bồ Đào Nha) cũng không hơn gì phiên âm tiếng Việt.
Tiếng Pháp bao đời nay vẫn phiên London thành Londres, Scotland thành Écosse, Wales thành Galles, liệu có chính xác hơn Luân Đôn, Xcốt-len, Uên?   Nước Hung-ga-ry (Magyarország) thì hầu như chẳng ngôn ngữ châu Âu nào phiên đúng cả: Hungary (Anh), Hongrie (Pháp), Ungarn (Đức)…
Bạn hãy kiểm nghiệm với kết luận của cố GS Cao Xuân Hạo dành cho phiên âm tiếng Việt mà bạn Thư Hoài đã trích dẫn: “người đọc sách báo bị bắt buộc phải vừa viết sai lại vừa đọc sai, chứ nếu viết theo nguyên dạng, ít ra ta cũng còn có được một mặt chắc chắn đúng” (không biết GS nói đến “nguyên dạng” nào, nguyên dạng tiếng Anh hay nguyên dạng tên gốc? Nếu là nguyên dạng tiếng Anh thì kết luận trên không đúng, vì người Anh cũng bị bắt buộc vừa viết sai lại vừa đọc sai, còn nếu nguyên dạng tên gốc thì không khả thi). Tại sao người Anh, người Pháp, người Đức… cứ điềm nhiên để sự không chính xác kéo dài bao đời nay mà hình như họ chẳng lớn tiếng chê bai phiên âm tiếng nước họ như chúng ta?
Một ý kiến khác cho rằng tiếng Việt đẻ ra nhiều phiên bản, như Lexus thì thành Lét-xù, Lét-sớt, Lét-sút. Tất nhiên phải bỏ những phiên âm sai do trình độ kém (bạn Đoàn Tiểu Long nói rất chí lý rằng làm sai không phải là lý do để bỏ không làm nữa), nhưng vẫn có thể chấp nhận vài biến thể (do quan điểm phiên: hoàn toàn theo âm; một phần theo âm, một phần theo chữ; cách phiên đã quen theo tiếng Pháp chẳng hạn), và chuyện này thì bất cứ thứ tiếng nào cũng có chứ chẳng riêng tiếng Việt.
Bạn có biết lãnh đạo nước Li-bi là Mu-am-ma/Mô-ha-mét Ca-đa-phi được phiên mấy kiểu sang tiếng Anh không? Tên Mu-am-ma/Mô-ha-mét của ông ít nhất có các dạng Moamer, Muammar, Muammer, còn Ca-đa-phi được phiên là Kadhafi, Gadhafi, Khadafi, al-Khadafy, al-Gaddafi, al-Qadhdhāfī. Lét-xù, Lét-sớt, Lét-sút đã thấm gì! Hay như vua Thái Lan cũng có 2 cách phiên: Bhumibol Adulyadej và Phumiphon Adunyadet.
Khẳng định của bạn Thư Hoài rằng tiếng Việt không đủ chữ cái để phiên âm tên riêng đã bị bạn Đoàn Tiểu Long bác bỏ một phần. Tôi chỉ xin bổ sung bằng cách lật ngược vấn đề: tiếng Anh và các thứ tiếng khác có đủ chữ cái để phiên âm tên riêng không?   Câu trả lời cũng lại là không. Một ví dụ điển hình: tiếng Anh, Pháp thiếu âm “ư”, do đó âm này hoặc bị phiên thành “y” (như trường hợp đối với tiếng Nga), hoặc thành “u” (như trường hợp đối với tiếng Nhật và tiếng Việt): Xôn-gie-nít-xưn (hay Xôn-gie-nhít-xưn) thành Solzhenitsyn (tiếng Anh) hay Soljenitsyne (tiếng Pháp); Cô-i-dư-mi thành Koizumi. Chưa kể chuyện không có thanh điệu cũng gây lầm lẫn: Trần Văn Lắm hay Trần Văn Lâm khi sang tiếng Anh là như nhau, và liệu điều này có diễn ra với một ngôn ngữ có thanh điệu nào khác?
Một khía cạnh nữa là việc chuyển tự (transliteration) có đơn giản, dễ dàng và nhất quán như kỳ vọng, còn phiên âm thì gây khó khăn cho người đọc như nhiều ý kiến khẳng định?
Tôi hiểu chuyển tự ở đây là theo quy tắc được áp dụng trong các ngôn ngữ, chứ không phải cách chuyển tự cực đoan mà bạn Đoàn Tiểu Long hình như muốn “chọc” bạn Thư Hoài qua ví dụ Shakespeare. Thế nhưng muốn chứng minh hay biện luận, ít ra thì bạn phải thử nghiệm: nói một số tên riêng tiếng Anh, rồi thử làm một cuộc điều tra nho nhỏ đối với nam, phụ, lão, ấu, thuộc nhiều tầng lớp, nông thôn có, thành thị có, xem viết ra nguyên dạng có thật dễ hay không.
Tôi không cần thử nghiệm đã có thể kết luận là không dễ, bằng phản chứng.
Cái sự đơn giản, dễ dàng kia chỉ có được khi bạn có trong tay văn bản tiếng Anh và dịch nó sang tiếng Việt, rồi để nguyên tên riêng. Một từ khá thông dụng là Ha-vớt, nhưng trên sách báo và mạng bị viết sai khá phổ biến: Havard (đúng ra là Harvard). Một từ rất hay bị phát âm sai trên ti-vi là Macedonia, thường được đọc là Mác-xê-đô-ni-a (trong khi nếu có phiên âm, người ta sẽ đọc đúng: Ma-xê-đô-ni-a).
Một lần khác, tôi thấy 2 phát thanh viên đọc địa danh Gibraltar, người trước vừa đọc Ghi-bran-ta, thì người sau tường thuật theo hình ảnh lại đọc là Gi-bran-ta. Phát thanh viên có bằng cấp, ngoại ngữ đã vậy thì làm sao những tầng lớp khác tránh được lầm lẫn.
Hay như nhiều dịch giả tiếng Pháp, Đức, Nga, Hán không có thời gian, phương tiện, công sức để tra cứu xem một tên riêng trong các thứ tiếng đó sang tiếng Anh là gì, hoặc khi cố gắng làm việc đó thì thường dẫn đến kết quả đáng buồn là sai. Nếu đọc truyện dịch từ tiếng Nga, bạn sẽ bắt gặp những tên riêng Anh dù khá thông dụng nhưng chẳng ra Việt, càng không ra Anh: Đjon (John), Đjonx (Jones), Braun (Brown).
Trong cuốn Tiếng chim hót trong bụi mận gai, một cố dịch giả nổi tiếng đã phiên địa danh Queensland qua tiếng Nga thành Kvinxlenđ. Những thành phần có học vấn khá, biết ngoại ngữ mà còn sai như thế thì không thể nói rằng để nguyên dạng là dễ đối với quần chúng. Kết quả là, như chúng ta chứng kiến, sách dịch từ tiếng nào thì để nguyên tiếng nước ấy, và tiếng Việt trở thành “mớ hổ lốn” đựng những tên riêng kiểu đó (Algeria và Algérie, Morocco và Maroc).
Một anh bạn tôi là tiến sĩ ở Tiệp cũ có nói, nếu cho anh ấy viết chữ Sếch-xpia bằng tiếng Anh thì chưa chắc anh ấy đã viết đúng (ngay trong bài trao đổi của bạn Đoàn Tiểu Long, từ Shakespeare bị viết sai thành Shakespear là một minh chứng).
Vả lại, trong một số ngôn ngữ có vài cách chuyển tự được áp dụng. Lấy ví dụ trong tiếng Nga (nhất là trong giới hàn lâm), Высшая школа (tên NXB) được chuyển tự thành Vysšaja škola, trong khi sang tiếng Anh là Vysshaya shkola. Hay như trong tiếng Triều Tiên (Hàn Quốc) các nàng Dae Chang Gum, Dae Jang Geum hay Tae Chang-gǔm chỉ là một, Pusan cũng chính là Busan… Tôi cũng không hiểu sao họ Lý (Hàn Quốc) thường được phiên chuyển thành Lee (như Lee Myung-bak), nhưng đôi khi lại chuyển thành Rhee (như Lý Thừa Vãn thành Syngman Rhee)?
Cũng chính vì kiểu chuyển tự “khác thường” của Nga mà hồi xưa, đồng hồ Полёт (nghĩa là “chuyến bay”, nếu phiên theo kiểu Anh là Polyot) được viết trên mặt kính là Poljot, để rồi được người Việt Nam đọc là Pôn-dốt, khác hẳn tên gốc. Vậy thì chuyển tự cũng có ba bảy đường.
Vả lại, người Pháp, người Đức đâu có áp dụng cách phiên tên riêng kiểu Anh, mà dùng lối phiên của họ: Pushkin thành Pouchkine (kiểu Pháp) hay Puschkin (kiểu Đức), vậy thì tại sao chúng ta cứ phải lụy tiếng Anh?
Còn một số điều bất tiện khác của giữ nguyên dạng tiếng Anh so với phiên âm: viết một đường đọc một nẻo, có những chữ cái thừa so với tên gốc. My-an-ma nếu chuyển tự chính xác chỉ là Myan-ma, nhưng sang tiếng Anh phải đèo thêm chữ “r” ở cuối, chỉ cốt để nó được đọc chính xác là “ma” chứ không phải “mơ”: Myanmar. Hay ông Ban Ki Mun, việc gì cứ phải viết Ban Ki-moon, vừa nhiều chữ cái hơn vừa dễ đọc sai hơn?
Trước đây, trên tạp chí Tia sáng còn có một bài báo cực đoan hơn, cổ súy cho việc dùng chữ cái La-tinh (pinyin) cho tên riêng Trung Quốc. Tác giả bài viết không hiểu rằng làm như thế “để hội nhập quốc tế” thì vấp phải những nhược điểm lớn sau đây:
a) mất đi nghĩa của tên riêng: khi viết Bắc Kinh, người ta hiểu đây là kinh đô phía bắc, so với Nam Kinh, mà nếu viết Beijing và Nanjing thì không lột tả được;
b) gây thêm sự lộn xộn do trùng tên: Lu Xun có thể là Lỗ Tấn, cũng có thể là Lục Tốn, Pingxiang có thể là Bằng Tường (ở Quảng Tây), hoặc Bình Hương (ở Giang Tây);
c) khó đọc khó nhớ vì trúc trắc và không có liên hệ ngữ nghĩa, không gợi cảm xúc, mà cái mục đích đặt ra cũng ít khi đạt được (đã có bài phản bác, tôi không nhắc lại).
Cố GS Cao Xuân Hạo đã tự mâu thuẫn khi viết rằng luận điểm viết tên riêng nước ngoài theo nguyên dạng La-tinh làm cho quần chúng không đọc được là “không dựa trên một quá trình nghiên cứu nào, trên một cuộc thử nghiệm nào: nó chỉ dựa trên một sự khinh miệt đáng lấy làm lạ đối với cái “quần chúng” mà người ta làm ra vẻ quý trọng”.
Nếu chưa có nghiên cứu hay thử nghiệm, làm sao GS kết luận được rằng “nó chỉ dựa trên một sự khinh miệt quần chúng” mà không phải ngược lại?
Tôi có thể thay đổi lời GS ngược lại vì có bằng chứng phản chứng ở trên: luận điểm dùng nguyên dạng La-tinh “không dựa trên một quá trình nghiên cứu nào, trên một cuộc thử nghiệm nào: nó chỉ dựa trên một ảo tưởng đáng lấy làm lạ đối với cái “quần chúng” mà người ta làm ra vẻ quý trọng”.
Tôi không phản đối hoàn toàn cách viết nguyên tiếng Anh có khi vì lý do thuận tiện, không cần động não, và nó cũng có một số ưu điểm, nhưng cần cân nhắc tùy đối tượng nhắm đến, và phải đưa lên bàn cân xét ưu nhược một cách công bằng của hai phương pháp bằng lối tư duy thật sự khoa học, chứ không phải lối nói đầy cảm tính của một số ý kiến.
Ngay cả khi đã chọn cách viết nguyên dạng tiếng Anh, thì cần phải tạo địa vị hợp pháp cho nó trong tiếng Việt nữa, chứ không chỉ đơn giản cứ viết là viết.
Trong mọi ngôn ngữ (có lẽ chỉ trừ tiếng Việt) mọi từ dù là tên riêng hay tên chung, đều được phát âm theo quy tắc của tiếng nước đó (trừ một vài ngoại lệ dùng tiếng nước ngoài, châm ngôn La-tinh in nghiêng).
Học sinh phổ thông Việt Nam chỉ được dạy bảng chữ cái tiếng Việt cùng với các quy tắc phát âm, ghép vần của tiếng Việt. Vậy là phải bổ sung thêm chữ cái, hướng dẫn mọi quy tắc phát âm của tiếng Anh, mà điều này theo tôi vừa bất tiện, vừa tạo nên một sự lộn xộn lớn, vừa không khả thi. Chỉ mới như hiện nay mà đã có những trường hợp đọc và viết lẫn lộn giữa “d” và “đ” rồi (ví dụ tháng Ramadan nhiều khi được đọc là Ra-ma-dan, mà đúng ra là Ra-ma-đan).

Nguyễn Việt Long

9 comments:

  1. Trần Linh: Thực ra nhiều lúc nhìn một cái tên không biết phiên là gì đó anh. Như cái Queensland qua tiếng Nga thành Kvinxlenđ đó.

    ReplyDelete
  2. Nguyễn Việt Long: Cái này lại do trình độ người dịch. Tuy nhiên không phải dịch giả nào (từ các tiếng khác như Nga, Pháp, nhất là Hán) cũng khôi phục được tiếng Anh.

    ReplyDelete
  3. Nguyễn Việt Long: Còn mình ngày trước đọc truyện tranh NXB Kim Đồng dịch từ tiếng Hàn hay Nhật gì đó có gặp từ "người Hi tai to", sau đó mình luận ra là người Hittite.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trần Linh: em nghĩ cái này chả nhất thống thiên hạ được, dịch cuốn nào thống nhất cuốn đó đã khó lắm rồi. Còn báo chí thì thống nhất trong nội bộ tờ báo chưa chắc đã xong, ví dụ như Nhân Dân thì kiên trì phiên, chứ các báo khác thì mỗi người một phách, mỗi bài 1 phách, tốt nhất nói đến ai làm ơn cho cái ảnh vào

      Delete
  4. Nguyễn Việt Long: Báo viết ND, QĐND thường vẫn phiên. Hà Nội mới không biết bây giờ còn phiên hay không, nhưng trang website của Bộ Ngoại giao có chỗ phiên chỗ không. Tuy nhiên một số tên riêng châu Á nên phiên trực tiếp (như tiếng Hàn, Thái) sẽ chính xác hơn Anh hóa. vấn đề là phải có người biết tiếng đó phiên trên ấn phẩm chính thức, hoặc trong Từ điển BK.

    ReplyDelete
  5. Lien Khanh Nguyen: Thật tình phiên âm ra tiếng Việt viết như thế nào không quan trọng lắm, mà là quy tắc đọc những phụ âm ghép nhu thế nào: vi dụ th, tr .. thaek đọc là tha-ec (tha trong từ "tha thứ") hay nuốt âm "h"- để đọc vẫn là ta-ec ??
    Chưa kể trong bản thân tiếng Việt, xét yếu tố vùng miền và việc nói ngọng nờ cao lờ nùn nẫn nộn thì còn lộn xộn nữa. he he

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Việt Long: Đấy đọc Lien Khanh Nguyen cmt mới để ý thêm 1 bất cập nữa của lối dùng tiếng Anh để ghi tên riêng Hàn Quốc: ae trong tiếng Anh không phát âm rời thành 2 âm, mà chỉ là 1 âm. Lý do là trong tiếng Hàn có 2 âm rất giống nhau, đều đọc na ná là e, viết khác nhau: ㅔ được phiên thành e (miệng há nhỏ) và ㅐ (miệng há to hơn) được phiên thành ae để phân biệt với nhau.

      Delete
  6. Nguyễn Việt Long: Vấn đề thứ 2 là th hay t. Cặp phụ âm ㄷ/ㅌ (đều phát âm na ná là t/th) là cặp không bật hơi/bật hơi nên phiên sang tiếng Anh thành cặp t/t'. Thế nhưng người ta hay bỏ sót dấu ' nên có người phiên thành cặp t/th. Còn trong hệ cải tiến người dùng cặp phiên d/t cho khỏi lẫn lộn. Do đó chữ taek hay thaek đọc sang tiếng Việt chỉ là théc mà thôi, không phải tha-ec như khi nhìn tiếng Anh.

    ReplyDelete
  7. Nguyễn Việt Long: Một số cặp phụ âm không bật hơi/bật hơi trong tiếng Hàn sẽ được phiên theo nhiều cách khác nhau tương tự như trên: ㄱ/ㅋ thành k/k' (hệ cũ) hay g/k; ㅂ/ㅍ thành p/p' hay b/p. Một cặp nữa cũng phát âm rất giống nhau, mới nghe khó phân biệt là ㅈ/ㅊ thì phiên thành ch/ch' (hệ cũ) hay j/ch. Vì thế ta có 2 cách viết Pusan hoặc Busan.
    Tiếng Hàn hay Triều Tiên viết theo hệ thống chữ cái Hangul do Vua Sejong cho soạn ra vào thế kỷ 15, ăn đứt cách viết chữ Nôm của người Việt (vẫn là chữ tượng hình như chữ Hán nhưng lại khó, rắc rối,nhiều nét hơn chữ Hán). Mỗi âm tiết được viết thành 1 ô gồm các chữ cái. Như vậy Jang Song-thaek 장성택 có 3 ô vuông nên chỉ gồm 3 âm.

    ReplyDelete