Sáng nay, trong cái rét mướt cận Tết, đang thẩn thơ trên đường
vào làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), bỗng giật mình vì đập vào mắt ba câu biểu ngữ
nền vải đỏ rực giăng ngang trên mái ngôi nhà hoang lạnh bên đường: “10 năm nhân
dân Đường Lâm sống trong kìm kẹp và oan ức vì danh hiệu di tích làng cổ Đường
Lâm”, “Nhân dân Đường Lâm chúng tôi yêu cầu ban quản lý làng cổ - UBND thị xã
Sơn Tây phải công khai quy chế chính thức cho toàn dân”, “Chính quyền thị xã
Sơn Tây và xã Đường Lâm phá nhà dân trái quy định của pháp luật phá nhà của người
tàn tật”.
Ngồi uống chén nước chè trong quán trước đình Mông Phụ, hỏi
chuyện bà cụ chủ quán. Bà chép miệng: “Nhà ấy bị cưỡng chế vì xây nhà cao tầng,
sai quy chế của xã”. “Sai thì bị cưỡng chế, oan ức gì mà phản ứng, thưa cụ?”.
“Oan thì không. Nhưng ức thì có. Thì nhà ông Chủ tịch, cách nhà bị cưỡng chế có
mấy bước chân, xây đến ba tầng, to vật vã, mà nào ai dám động đến?”.
Chẳng biết bà cụ nói đúng sai thế nào, nhưng không cưỡng
lòng được, vội vàng hỏi thăm nhà ông chủ tịch, chụp môt cái ảnh để bà con thưởng
lãm.
Nói thêm: Nhà ông ấy bốn bề tường gạch vây cao, đứng ngoài
không thể chụp được, buộc phải trèo lên cột điện, một tay bám lấy cột, một tay
giương máy ảnh. Nhà ngự trong một ngôi vườn rộng, có ao cá trước nhà, đúng lối
“tụ thủy”. Chiều dài vườn dễ đến trăm mét. Đã thế, trước mặt nhà là một vườn
cam, có cùng chiều dài và cũng của ông chủ tịch. Mừng cho ông chủ tịch may mà
không sống vào thời Cải cách ruộng đất.
Xưa nói: “Lễ bất hạ thứ dân. Hình bất thượng đại phu”. Dân
thì chẳng cần xử theo lễ; chỉ cây roi mây cũng đủ. Còn pháp luật thì chừa đại
phu ra. Nay chỉ một chức chủ tịch bé con con mà đã được xếp hạng “đại phu” rồi.
DZUNG HOANG's Note (posted from A Nguyen Quang's wall/fb)
No comments:
Post a Comment