Monday, October 3, 2016

Nhật ký đường số 4

Chiều hôm qua, đang nghiên cứu về "Mặc khải" thì có tiếng gõ cửa. Mở cửa chạy ra thấy "Đệ tứ Quốc Lộ Đại Vương" Đặng Văn Việt, đang đứng ở cửa.
Bác bảo: Đang cấp cứu ở bệnh viện trốn về. Bác có sao đâu. Hơi ho một chút, vào bệnh viện xin thuốc. Nó thấy mình năm nay hơn 95 bèn bắt vào cấp cứu. Quả tình "Đại vương" ho khù khụ. Nước nôi xong, bác khoe tháng 9 bác lên báo 9 lần và vừa hoàn thành "Bản án bá quyền Trung Quốc" sẽ dịch ra 4 thứ tiếng gửi khắp thế giới.
Sau đó ngồi bàn luận về đường số 4. Bác nói chủ trương đánh Cao Bằng là do cố vấn Trung Quốc áp đặt. Đánh vào đó thì thua cầm chắc. Bây giờ cũng khó tranh luận với bác, cũng không nỡ làm bác thất vọng. Chủ trương đánh Cao Bằng hoàn toàn là do Bộ Tổng Tham Mưu và Trung Ương quyết định ở Đại Từ.
Bây giờ nhìn lại mà phân tích có thể hiểu được tại sao Bộ Tổng và TW lại quyết như vậy. Đây thuần túy là tính toán chính trị: Cao Bằng gần "hậu phương" Trung Quốc hơn. Nếu chiếm được có thể nối với Trung Quốc để giữ. Kinh nghiệm những lần trước đánh Đông Khê, Thất Khê đều không giữ được và bị quân Pháp tái chiếm. Như vậy Bộ Tổng và TW lúc đó chưa tính đến việc bóc được toàn bộ đường số 4, mới tính đến khả năng chia đường số 4 và lấy phần sát biên giới hơn. Trần Canh sang thì đã có quyết định đánh Cao Bằng. Chính ông cũng phân vân. Tuy nhiên, ông đã được Mao dặn kỹ không can thiệp vào những việc phía Việt Nam đã quyết.
Công lớn của Đặng Văn Việt là đề nghị đánh Đông Khê. Với kinh nghiệm của người cầm quân ở chiến trường, ông thấy rằng không thể đánh Cao Bằng, nếu đánh phải bằng giá máu rất cao. Cao Bằng do Charton trấn giữ, có vũ khí nặng, quân đông và thiện chiến, đóng đồn rất kiên cố, cơ động. Ông lập luận rằng nếu đánh được Đông Khê, Cao Bằng bị cô lập phải bỏ. Charton ra khỏi huyệt, mất vũ khí nặng và chiến lũy, sẽ mất ưu thế. Đặng Văn Việt nói với Hoàng Văn Thái. Lúc đầu tướng Thái hơn ngần ngừ do đã có nghị quyết. Nhưng Đặng Văn Việt đã thuyết phục được Hoàng Văn Thái trình bày ý tưởng đánh Đông Khê với Võ Nguyên Giáp. Võ Nguyên Giáp lập tức ra thị sát trực tiếp mặt trận. Sau khi quan sát, ông đồng ý sẽ trình bày ý tưởng này với Trần Canh. Trần Canh nhiệt liệt ủng hộ ý tưởng này, và đích thân soạn thảo phương án tấn công.
Ngày nay nhìn lại chúng ta có thể thấy việc đánh Đông Khê là hiển nhiên. Cao Bằng và Lạng Sơn có thể xem là hai mỏ neo mà Pháp đã chốt chặt để giữ đường số 4. Đương nhiên, đánh vào khúc giữa là phù hợp với quan điểm quân sự. Tất nhiên lúc đó lý luận quân sự của ta chưa được sáng sủa như vậy, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và những lý luận chính trị phức tạp vòng vèo.
Cũng may cho phía ta là đối thủ của tướng Giáp lúc đó chưa phải là De Lattre de Tassigny như sau này. Tổng chỉ huy của quân đội Pháp là tướng Carpentier, tài và kinh nghiệm tham mưu thì có thừa vì đã làm việc dưới quyền tướng De Lattre de Tassigny trong chiến tranh thế giới 2. Nhưng ông này không hề có tố chất của người chỉ huy, ông luôn luôn chần chừ trước khi phải bóp cò hay quyết định thêm một thời gian, đủ để đối phương hành động. Sau này, người chiến thắng viết sử nên mô tả đối phương có phần phiến diện. Trận chiến đường số 4 là nơi những hiệp sĩ mã thượng với lòng tự ái bị tổn thương, nên cả hai phía đều có những người lính chiến đấu anh dũng. Mặc dù phía Việt Nam mô tả những người lính dù Pháp như những kẻ ngây ngô ham sống sự chết, khóc lóc. Những biểu tượng anh hùng từ phía họ, cũng mang tính đại diện. Rất nhiều anh hùng không được tuyên dương và có những anh hùng dựa trên những huyền thoại không có thực, mặc dù chúng chẳng thấm gì so với thiên hùng ca thực sự đã diễn ra.
Những người lính Pháp là những người thiệt thòi hơn về hình ảnh sau trận chiến. Bên thua trận luôn vô ơn với những người lính đã đổ máu cho tổ quốc của họ. Phải nửa thế kỷ sau họ mới được các nhà chính trị tôn vinh. Bây giờ nhìn lại, chúng ta có thể hiểu được lý tưởng của những người lính Pháp, sau khi dân tộc Pháp đã bị hạ nhục, làm tổn thương tự ái và điêu linh sau chiến tranh. Đối với họ, khôi phục thuộc địa là cách duy nhất để nước Pháp có thể hồi phục và ngẩng cao đầu trước các cường quốc như Anh, Mỹ, Nga. Đó là một lý tưởng thực sự mà mọi người có kiến thức, dù ở phía đối địch, đều phải kính trọng. Phía Việt Nam, lẽ dĩ nhiên cũng có tâm lý tương tự, thậm chí còn da diết hơn, sau 80 năm mất nước.
Trong chiến tranh, luôn có những anh hùng và những kẻ ngu ngốc nắm quyền với những sai lầm tệ hại nhất. Trong chiến dịch đường số 4, những sai lầm ngu ngốc nhất lại ở phía Pháp, những sai lầm ở phía Việt Minh không phải không có nhưng rất may mắn được bổ khuyết.
Theo phương án của Trần Canh, trung đoàn cứng nhất của Việt Minh là trung đoàn 174 của Đặng Văn Việt sẽ là chủ công tấn công Đông Khê từ phía chính Bắc, trung đoàn 209 của Lê Trọng Tấn sẽ là thứ công kìm quân tiếp viện từ Lạng Sơn lên và tấn công từ phía Nam, khi mặt Bắc Đông Khê thất thủ.
Đặng Văn Việt nghiên cứu lại Đông Khê rất kỹ. Ông đã đánh và chiếm được Đông Khê một lần từ phía Bắc, nhưng lần này quân Pháp đã rút kinh nghiệm. Ông nói với Hoàng Văn Thái xin phép được tấn công theo phương án của mình. Nhưng lần này ông không gặp may như lần trước. Tướng Thái không dám ủng hộ ý kiến của Đặng Văn Việt mà chỉ sắp xếp cho ông vào gặp Trần Canh để tự bảo vệ phương án. Đặng Văn Việt vào gặp Trần Canh, thấy tướng Canh bệ vệ ngồi rất hách. Sau khi nghe Việt trình bày, Trần Canh cười mũi, tỏ ý khinh rẻ ý tưởng điên rồ của một anh trung đoàn trưởng nhãi nhép và nói "Tôi đã nghe. Cậu cứ theo phương án tôi đã quyết mà đánh".
Quân ta đánh Đông Khê từ tối đến gần sáng mở đột phá khẩu ba lần không vào được. Đặng Văn Việt nói với Hoàng Văn Thái: Báo cáo anh, đánh thế này quân tôi chết hết cũng không thắng được. Xin cho theo phương án của tôi. Tướng Thái quyết định rất nhanh: Bây giờ ta có quyền quyết theo thực tế chiến trường. Tớ chịu trách nhiệm, cậu đánh đi. Việt bố trí một tiểu đoàn làm cỏ một đồn ở phía Đông Bắc trong vòng 1 tiếng. Đây là một ngọn đối sơn nhỏ ở tầm cao hơn pháo đài Đông Khê. Cũng giống như ở Thiên Đãng Sơn, Hoàng Trung và Pháp Chính chiếm được đối sơn, Việt tập trung hỏa lực nã xuống đồn Đông Khê như giã giò. Mọi vận động, bố trí tổ chức trong đồn ta đều nhìn rõ mồn một. Bộ đội ta xếp hàng tràn qua lấy đồn Đông Khê. Sau đó tỏa xuống phố Đông Khê. Mọi lỗ châu mai và súng của các bunker trong phố Đông Khê đều chĩa ra ngoài chờ Việt Minh. Khi quân 174 từ trên pháo đài sau lưng đánh xuống, quân Pháp không thể quay súng bắn lại.
Đông Khê mất, quân Pháp bị đánh trúng tử huyệt ở sống lưng. Carpentier ra lệnh cho Charton bỏ Cao Bằng, Lepage có nhiệm vụ lấy lại Đông Khê để hội quân với Charton rồi cùng rút về theo đường số 3. Nhưng Carpentier theo thói quen của một tay tham mưu, trù chừ khá lâu. Khi Charton lên đường thì đã quá muộn. Sau này có người phê phán Charton đã tiếc của nên mang theo vũ khí nặng, nên ngày đầu tiên chỉ tiến được 17 km. Đến khi buộc phải bỏ vũ khí nặng, Charton mới phân tán binh đoàn của ông, để chạy vào rừng tiếp tục đi về Đông Khê. Le Page không lấy lại được Đông Khê, đành củng cố chiến lũy để đợi Charton.
Cuối cùng hai cánh quân cũng gặp nhau, nhưng ở trạng thái tan tác tả tơi và quá muộn màng, không còn sức chiến đấu. Cả hai viên sĩ quan cao cấp đều bị bắt sống.
Khi đó số phận đường số 4 từ Cao Bằng tới Lạng Sơn coi như đã định đoạt. Một yếu tố khác chưa được nhắc tới là các diễn biến sau đó, nhổ sạch các cứ điểm của Pháp trên đường ra duyên hải. Đặc biệt là trận đánh đồn Bình Liêu, nếu không thành công, Pháp vẫn còn có thể trụ lại trên phần đường số 4. Sau này khi De Latrre de Tassigny sang, cứ điểm này có thể đã gây khó khăn rất khó lường cho Việt Minh, hơn nhiều so với trận Đông Triều.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

48 comments:

  1. Duy Nguyen: Bác ơi có quyển nào viết về chiến dịch đường số 4 ko ah?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Có cuốn sách của chính bác Việt viết Nhưng tầm nhìn khác bác

      Delete
    2. Duy Nguyen: Bác cho cháu xin cái tên sách ah. Cháu kiếm về đọc ah. Cháu cũng muốn đọc về những góc nhìn khác nhau

      Delete
    3. Nguyen Ái Viet: Bác Việt có hai cuốn Đường số 4 rực lửa và Người lính già

      Delete
  2. Tien Hoang Nam: Ba em có bài hồi đánh chiến dịch Hoà Bình. ông từ chối tấn công cứ điểm vì chắc chắn thua. cấp trên bắt đánh, ông xin từ chức, nhưng quân đội mà, quân lệnh như sơn, cấp trên xuống ra lệnh bắt chỉ huy đánh. 2/3 hy sinh, ông cay đắng mãi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Anh cũng vừa hỏi bác Việt câu đó. Bác ấy nói: mình đánh bao giờ cũng chắc thắng và thương vong ít mới đánh, không bao giờ nướng quân để thắng. Anh hỏi: Nếu cấp trên vẫn bắt đánh thì sao. Bác mới kể chuyện Đông Khê và cũng đau xót nói sau này 174 chết gần hết ở A1 (lúc đó ông đã bị đưa sang TQ).

      Delete
  3. Nguyen Binhduong: Đọc hay lắm, nhưng AV nén khuyên bác ấy quay lại Bv vì già mà ho thế dễ bị K phổi lắm, ko chủ quan đc đâu. Bác ấy nói chuyện quá nhiều và ở với AV quá dài đấy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Phần bác kể ngắn thôi Mình phải đọc rất nhiều mới viết được phần còn lại đấy

      Delete
    2. Nguyen Binhduong: Khuyên bác cố gắng điều trị. Có vđ họ mới giữ đấy

      Delete
  4. Pham Quan: Bác Việt có đánh tennis với sân em vài lần có bác gái đi cùng vui lắm! Chiến dịch Biên giới Bố em chỉ huy Trung đoàn 36

    ReplyDelete
  5. Pham Quan: ... Tối ngày 1 tháng 10, chúng tôi được tin địch đã lên đến Đông Khê, đang bị Trung đoàn 209 chặn đánh, và chúng đã chiếm các điểm cao quan trọng dọc đường số 4 như Lũng Phầy, Trọc Ngà, Khâu Luông, Nà Pá.
    Tôi được lệnh của Đại đoàn trưởng xuất quân ngay đánh địch đang đóng ở Khâu Luông - Nà Pá. Từ dưới chân núi, tôi quan sát thấy địch có khoảng vài trăm tên đang đào công sự trên bốn mỏm trọc, còn ở trong rừng và Nà Pá dọc đường số 4 thì không rõ. Theo phương án đã định trước, tôi phân công cho Tiểu đoàn 80 tiến theo suối cạn phía đông bắc đánh địch ở mỏm số 1 và 3, Tiểu đoàn 84 theo khe suối bên đông nam đánh địch ở mỏm số 4 và 2. Hỏa lực của trung đoàn gồm hai khẩu sơn pháo 75 ly, một đại đội cối 80 và một đại đội trọng liên 12,7 ly sẽ bắn chi viện cho bộ binh. Đường tiến quân theo khe suối rất khó đi, ban ngày đi vài người cũng phải hai giờ mới lên tới mỏm trọc. Cuộc chiến đấu kéo dài liên tục bốn ngày đêm không nghỉ từ Khâu Luông sang phía tây đường số 4 đến Cốc Xá, Trung đoàn tôi được tăng cường Tiểu đoàn 154 của Trung đoàn 209 đã tiêu diệt binh đoàn Bay-a thiện chiến của quân đội Pháp gồm bốn tiểu đoàn (tiểu đoàn 1 ta-bo, tiểu đoàn 11 ma-rốc và hai tiểu đoàn dù BEP). Đay là trận đánh lớn nhất của trung đoàn từ khi thành lập (ngày 10 tháng 1 năm 1946), cũng là trận oanh liệt và khó khăn nhất. Chúng tôi cùng các đơn vị bạn tăng cường đã bắt toàn bộ bộ chỉ huy binh đoàn Lơ-pa-giơ cùng trên một nghìn tù binh Âu - Phi. Còn bao nhiêu người ở tại đơn vị đều tiến quân, những người đã đi lấy gạo ở Trung Quốc về được người nào là ra chiến đấu ngay. Cán bộ đi trước, quân theo sau, gặp địch đâu đánh đó, liên tục ngày đêm không nghỉ, bom đạn mịt mù, núi rừng cheo leo, tìm địch mà đánh, gặp bạn quân là phối hợp, người trước ngã, người sau tiến lên; vượt qua xác địch, xác lừa ngựa, súng ống, đạn dược địch bỏ lại mà đuổi tiêu diệt bắt hết quân thù, đúng như thơ của Bác:
    Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu,
    Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
    Bác luôn ở bên cạnh chúng tôi, trong những lúc ác liệt khó khăn của trận đánh; chúng tôi phấn chấn hẳn lên khi nhận được điện và thư của Bác: “Bác theo dõi cuộc chiến đấu anh dũng của các chú từng giờ” (Điện gửi các chiến sĩ Mặt trận Cao - Bắc - Lạng, ngày 6-10-1950).
    “Từ ngày kháng chiến đến nay, trận này là trận đầu tiên bộ đội ta đánh vận động liên tiếp luôn mấy ngày. Đó là một thử thách lớn. Các chú không quản nhọc mệt, đói rét, chỉ ra sức thi đua giết địch, các chú đã đánh tan đoàn quân tinh nhuệ của địch” (Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các chiến sĩ ở Mặt trận Đông Khê sau khi binh đoàn Lơ-pa-giơ bị tiêu diệt, ngày 8-10-1950).
    Cả binh đoàn Sác-tông rút từ Cao Bằng về đến cao điểm 477 để hội quân với binh đoàn Lơ-pa-giơ cũng cùng chung số phận. Đến ngày 8 tháng 10, Đại đoàn 308 tiêu diệt và bắt toàn bộ hai binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông đúng như phương án của chiến dịch. Trên đường truy kích địch về Thất Khê, có lúc tôi phải chạy đến đứt hơi trên quãng đường hai cây số đầy xác địch trương lên trắng lốp như xác trâu mộng, mùi hôi thối nồng nặc. Đâu cũng thấy tù binh, ai cũng bắt được tù binh; anh nuôi, chị dân công với nắm cơm cũng bắt được tù binh Âu - Phi cao to, gớm ghiếc. Đại bác, lừa ngựa, đạn dược, súng ống các cỡ nằm la liệt trên bãi chiến trường cùng với thương binh, xác chết của địch. Đồn bốt ngả nghiêng, căn cứ tan hoang. Từ Thất Khê về đến Lạng Sơn, Lộc Bình, Đình Lập, An Châu ra đến Tiên Yên, Móng Cái, địch đã bỏ chạy, rồi cả Lào Cai ở phía Tây Bắc. Toàn bộ biên giới Việt - Trung vắng bóng quân thù xâm lược. Các căn cứ vững chắc, cả pháo đài kiên cố còn nguyên vẹn, địch cũng bỏ chạy để thoát thân. Tại các thị xã, thị trấn dân cư đông đúc hân hoan đón mừng đoàn quân giải phóng.
    Sau một ngày quân ta vào Thất Khê, Đại tướng Tổng tư lệnh đã đến xem căn cứ địch bỏ lại. Và cũng ở Thất Khê, Bác Hồ đến thăm Đại đoàn Quân Tiên phong - đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, toàn Đại đoàn ra quân trận đầu đã chiến thắng oanh liệt.

    ReplyDelete
  6. Pham Quan: khi bị bắt, Le Page xin gặp Bố em, người chỉ huy đơn vị đã tiêu diệt Binh đoàn của ông ta và khi thấy ông già trẻ quá thì kinh ngạc hỏi :" ông đã tốt nghiệp trường võ bị nào"? trung đoàn 36 do Bố em chỉ huy có 6 tiểu đoàn còn Binh đoàn cơ động của Le Page có 4 tiểu đoàn thiện chiến nhất của Pháp vừa từ Triều tiên sang. Bố em không có súng cối cho bộ đội cầm đạn cối thu được của Pháp đứng trên các vách núi phóng thẳng bằng tay xuống quân Pháp đang di chuyển dưới các khe núi!!!

    ReplyDelete
  7. Pham Quan: "Sáng sớm ngày 6 tháng 10, trung đoàn 36 bắt đầu tấn công Cốc Xá[3]. Tình hình phòng thủ của các đơn vị Bắc Phi bắt đầu xấu đi rất nhanh vào buổi sáng, những khẩu súng máy và súng cối của Việt Minh đã bao phủ hoàn toàn vị trí phòng thủ của các đơn vị này. Trong cả ngày hôm đó những bức điện liên tục được gửi cho Le Page bởi Constans cho thấy tình hình đầy kịch tính của chiến trận. Vào 10 giờ 15 ngày 6/10/1950, lần đầu tiên bom napan được sử dụng ở Việt Nam bên cạnh những quả bom thường. Đại úy Jean-Pierre, trong 1 cuộc tuần tra đã phát hiện ra lính Bắc Phi đã rút lui bỏ vùng "hẻm núi" phía Cốc Xá, và hiện nay vị trí này đã được quân Việt Minh đã chiếm đóng.

    Đến buổi trưa thì gần như toàn bộ binh đoàn Le Page đã bị xoá sổ chỉ còn 650 trên tổng số 2500 người, số ít còn lại cố chạy sang điểm cao 477 cùng với chỉ huy Le Page. Nhưng tại 477, 5 tiểu đoàn của đại đoàn 308 và của trung đoàn 209 đã vây chặt quân Charton. Buổi chiều, tiểu đoàn 89 đã chiếm lĩnh con đường độc đạo đi về phía Cốc Xá, bắt đầu đặt ở vùng "hẻm núi" những ổ súng máy, thành lập 1 hệ thống phòng thủ chiều sâu, đơn vị tiền tuyến là đại đội 395 của đại đội trưởng Nguyễn Tiến Trang với sự yểm trợ của 2 đại đội 397 và 399 cùng tiểu đoàn bộ ngay phía sau. Chưa kể các khẩu súng máy trên 2 điểm cao kề bên Cốc Xá có thể bắn chéo cánh sẻ vào toàn bộ con đường hành lang.

    Vào 17 giờ, Le Page họp tất cả các tiểu đoàn trưởng của binh đoàn và cho biết cuộc tấn công phá vây vào hẻm Cốc Xá sẽ bắt đầu vào 3 giờ sáng hôm sau. Tiểu đoàn dù lê dương sẽ là đơn vị tiên phong. Lúc này, Le Page nói chuyện lần đầu tiên trực tiếp qua điện đàm với Charton, cho biết tình hình của binh đoàn đang bị bao vây và sắp phải phá vòng vây này, ông ta cũng hẹn găp Charton ở 477 vào cuối đêm.

    Đơn vị đi đầu trong cuộc xung phong ban đêm này là trung đội của trung úy Chauvet, liền sau đó là đại đội 2 của đại úy Bouyssou rồi tiểu đội sinh viên sĩ quan của trung úy Faulques. Ở bên phải, phía bãi đá phía nam là đại đội 3 của đại úy De Saint Etienne. Bên trái, phía bắc là đại đội 1 của đại úy Garrigue cùng với đại đội chỉ huy của đại úy De Borde. Tất cả có khoảng hơn 350 lính dù lê dương còn lại sau những trận đánh trước dó.

    Trong 1 cuộc xung phong được nhiều nhân chứng xem là "ghê rợn nhất trong lịch sử chiến tranh Đông Dương", với tiếng nổ liên hồi của lựu đạn và cối, súng tự động của Việt Minh "đã gặt những người lính dù Lê Dương như gặt lúa". Chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ, cả tiểu đoàn đã bị tiêu diệt, tất cả các chỉ huy đại đội đều đã tử trận, đa số các trung đội trưởng đều đã bị chết hoặc bị thương. Vượt qua những xác lính dù lê dương, tiểu đội sinh viên sĩ quan của trung úy Faulques đã đến được cách "nguồn suối" chỉ còn vài chục mét trước khi bị tiêu diệt, trung úy Faulques bị trúng 3 viên đạn vẫn cố gắng cùng những lính lê dương cuối cùng lết về phía mục tiêu để bị bắn hạ hết người này đến người khác. Trung úy Stien, chỉ huy phòng nhì của tiểu đoàn, cùng nhóm Pác-ti-dăng, vượt qua được vách đá để xuống thung lũng trước khi bị tiêu diệt ở đây.

    Vào khoảng 6 giờ 30 sáng, những người lính Bắc Phi sống sót đã đến được vị trí "nguồn nước", nhưng ở đây họ vẫn còn phải vượt 1 vách đá để xuống vùng thung lũng, nơi binh đoàn Charton đang đợi, trong khi đó những khẩu súng máy ở các điểm cao xung quanh vẫn không ngớt rải đạn vào họ."

    ReplyDelete
  8. Pham Quan: "Những quân lính còn lại của Le Page cùng với chỉ huy của mình mất liên lạc với Charton đã tìm cách rút theo đường rừng để về Thất Khê nhưng sang ngày 8 tháng 10, Le Page cũng đã bị các binh sĩ của trung đoàn 88 đại đoàn 308 bắt làm tù binh cùng với các sĩ quan tham mưu của mình.[4] Thiếu tá Arnaud và đại úy Faugas đều bị bắt và làm tù binh của Việt Minh trong vòng 4 năm."

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Giá chú Sơn còn sống và minh mẫn để hỏi chuyện thêm thì hay nhỉ. Đọc quân sử của ta hơi bỏing vì quân định cứ như gình nộm

      Delete
    2. Pham Quan: Hồi đó hai bên chiến đấu với nhau như những người quân tử, nhất là các sĩ quan chỉ huy anh AiViệt ạ! Đến khi đi bộ đội em vẫn thấy trong tủ khẩu súng ngắn Le Page trao nộp khi bị Trung đoàn Bố em bắt. Bác Việt cũng vậy! Gặp em bảo "tao là bạn thân của Bác Vinh mày!"

      Delete
    3. Tu Tung Phan: Cụ ĐV Việt và PT Vinh đều là những trí thức thông minh có học có tài nổi trội góp những chiến công lớn cho CM thời CP còn ở trong "rừng". Nhưng từ sau khi CP "ngã" vào vòng tay của Chủ nghĩa Công Nông, thì CS Ngoại bang (cả Xô lẫn Trung) đều muốn phế những người này để "thành phần cơ bản" cướp công nắm quyền. Đó chính là chính sách ngu Dân để trị cho dễ bề sai bảo của bất cứ ông lớn Ngoại bang CS nào. Cả hai Cụ đều bị trù dập một cách bất công và đau đớn về cả vật chất lẫn tinh thần....Ta phải nhìn lại LS, để "xem" sau nửa thế kỷ có gì "đổi mới" ở cái đất nước đáng thương này hay không chứ nhỉ !

      Delete
    4. Nguyen Ai Viet: Tu Tung Phan, PH Sơn em ông PT Vinh

      Delete
    5. Nguyen Ai Viet: Pham Quan Bây giờ còn không Hôm nào cho đến sờ một cái

      Delete
    6. Nguyen Ai Viet: Pham Quan, Chỉ huy của mình kém Tây ở đào luyện quân sự Nhưng hơn ở trí thức đều là sinh viên trí thức ưu tú xếp bút nghiên lên đường trang đấu

      Delete
    7. Nguyen Ai Viet: Tu Tung Phan, Thực ra CM nào cũng đều phản bội những người thúc đẩy nó Chỉ một số ít được bày tủ kính thôi

      Delete
    8. Pham Quan: Mai em sẽ gửi anh cả đoạn viết về trận đánh tiêu diệt Binh đoàn Le Page trong đó bố em có kể lại gặp Le Page và Trần Canh

      Delete
    9. Pham Quan: Anh Ái Việt, có câu về " con quái vật ăn thịt chính con mình" đó anh

      Delete
    10. Nguyen Ai Viet: Pham Quan, Nói thế cũng đc Nhưng cách mạng Pháp đưa Robespierre lên đoạn đầu đài. Người ta nhân danh CM ám sát Marat và Danton. Khốc liệt hơn CM VN nữa chứ.

      Delete
  9. Nguyen Binhduong: Ko làm lại đc lịch sử rồi bạn ơi

    ReplyDelete
  10. Do Xuan Phuong: Bài này của anh Việt như ôn lại một triết lý của biến hóa, rằng việc mà mọi người đều thấy thì không có nghĩa là chẳng còn gì bất ngờ. Cố vấn TQ thấy, Tư lệnh chiến dịch thấy, đến quân Pháp cũng thấy, nhưng thắng lợi của Việt Minh đến từ một điểm bất ngờ nhỏ qua quan sát (rất có thể là trưc giác hay mặc khải) của một chỉ huy trung đoàn. :)

    ReplyDelete
  11. Pham Quan: Không hoàn toàn như vậy tuy có một phần đúng vì đó là trận mở màn chiến dịch! Mai sẽ gửi anh Aiviet Nguyen phần hồi ký của bố em về trận này

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Mở màn quan trọng chứ. Giả sử mở màn Cao Bằng thì chắc sa lầy.

      Delete
    2. Pham Quan: Anh Ái Việt, sẽ có cả phần về trận mở màn anh ạ, hôm nay em post mấy lần không được, chắc dài quá mà lúc đó lại bận

      Delete
  12. Nghia Doan: Hay quá, cứ như đọc Tam Quốc Chí anh Ai Viet a.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Phải viết cả hai phía mới hay. Hôm trước kiếm được bài kể về bất đồng của một tay tướng Pháp với Alessandri trước RC4. Phải kể các chi tiết đó mới thú vị.

      Delete
  13. Pham Quan: Gửi anh Ai Viet thêm tư liệu về Chiến dịch Biên giới 2. Trận tiêu diệt binh đoàn Bay-a, trong chiến dịch Biên giới, Thu đông năm 1950
    Chiến dịch Biên giới năm 1950 lịch sử phá tan thế bao vây Việt Nam của đế quốc Pháp mở đầu bằng trận tiêu diệt đồn Đông Khê để diệt viện binh địch từ Lạng Sơn lên Cao Bằng và đánh địch từ Cao Bằng về.
    Trung đoàn 36 của chúng tôi được nhận nhiệm vụ chiếm lĩnh Khâu Luông - Nà Pá, đánh địch nhảy dù và làm dự bị cho lực lượng tiến công Đông Khê.
    Núi Khâu Luông cao nhất trong khu vực Đông Khê có bốn chỏm trọc khoảng 200 mét lên đến đỉnh, còn dưới là toàn rừng cây to. Ngày 16 tháng 9 năm 1950, trận đánh Đông Khê mở đầu chiến dịch Biên giới. Trung đoàn và Tiểu đoàn 84 bố trí ngay trong rừng cây chân núi, còn Ban chỉ huy trung đoàn ở ngay sườn núi chỗ có rừng cây sát đỉnh trọc. Ngồi ở Chỉ huy sở, tôi quan sát trực tiếp Đông Khê cách vài cây, trông rõ cả các hầm hào, ụ súng, đồi Lên Ngựa, đồn to, cứ điểm Phìa Khóa, Cầm Phầy dưới thung lũng.
    Đúng 6 giờ sáng, pháo của ta bắt đầu nổ - Đông Khê chìm trong ánh sáng nổ và khói pháo. Từ đó đến 9 giờ sáng, phía bắc và đông bắc Đông Khê đạn nổ liên tục, Trung đoàn 174 đã chiếm được đồi Lên Ngựa, rồi Phìa Khóa, nhưng phía nam dưới chân chúng tôi, từ Khâu Luông nhìn sang khu vực chiến đấu của Trung đoàn 209 vẫn im lìm. Máy bay địch lồng lộn lao xuống bắn phá hướng bắc dồn vào lực lượng tấn công của Trung đoàn 174. Được thông báo của Ban chỉ huy mặt trận chúng tôi mới biết Trung đoàn 209 đi lạc không vào chiến đấu cùng Trung đoàn 174. Trận đánh kéo dài suốt ngày 16 tháng 9, có lúc tôi đã nghĩ cần chuẩn bị sẵn sàng vì trung đoàn chúng tôi là dự bị. Tôi theo dõi trận đánh cẩn thận hơn và ra lệnh cho các đơn vị sẵn sàng đề phòng địch đổ bộ đường không. Nhưng tôi vẫn tin tưởng chắc quân ta sẽ tiêu diệt Đông Khê. Trận Đông Khê kéo dài đến 10 giờ sáng ngày 18 tháng 9, sau 52 giờ chiến đấu, quân ta toàn thắng nhưng cũng bị thương vong lớn hơn bình thường.
    Chúng tôi để lại một bộ phận lực lượng ở lại Khâu Luông, còn đại bộ phận rút về Bố Bạch phía bắc đường số 4 khoảng bốn cây số, sẵn sàng cơ động đánh địch trên đường số 4 ở khu vực Khâu Luông, Nà Pá nếu chúng lên. Một tuần chờ đợi trôi qua, địch không lên, chúng tôi hết gạo và ngày 25 tháng 9 năm 1950 được lệnh của trên chuẩn bị đánh Thất Khê và cho 2/3 lực lượng đi lấy gạo ở Thủy Khẩu.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Như vậy trận mở màn cũng phù hợp với những gì bác Việt kể

      Delete
  14. Pham Quan: Đùng một cái, tối ngày 1 tháng 10, Đại đoàn báo cho biết địch đã đến Đông Khê, Trung đoàn 209 đang đánh địch ở quanh Đông Khê, Trung đoàn 36 phải nhanh chóng xốc lại bộ đội dồn lại mỗi tiểu đoàn thành một đại đội tiến công địch tại Khâu Luông và Nà Pá, trong ngày 2 tháng 10 phải nổ súng. Địch đóng ở Khâu Luông, Nà Pá là bao nhiêu quân, hiện tình hình trên đường số 4 và Đông Khê ra sao, ta đều không biết. Được cái lợi là đơn vị chúng tôi đã biết địa hình khu vực trong mấy ngày bố trí ở đây. Thực tế ngày 2 tháng 10, trung đoàn chúng tôi chỉ dồn lại được hai đại đội chiến đấu của hai tiểu đoàn 80 và 84, bốn khẩu 82 ly và trên tăng cường cho hai khẩu sơn pháo 75 ly.
    Sáng ngày 2 tháng 10, tôi ra quan sát trận địa với cán bộ tiểu đoàn và đại đội sơn pháo, đại đội hỏa lực cối của trung đoàn và làm công tác tổ chức chiến đấu. Buổi chiều xuất quân, khoảng 3 giờ 30, tôi cho hỏa lực sơn pháo và cối bắn thẳng vào bốn mỏm trọc cao của núi Khâu Luông chi viện cho bộ đội vượt qua cánh đồng dưới chân núi Khâu Luông, tiếp cận địch. Tôi cùng bộ đội vượt qua cánh đồng vừa đi vừa quan sát đỉnh núi Khâu Luông nơi địch chiếm lĩnh. Theo ước lượng bằng mắt trên bốn quả đồi có khoảng một tiểu đoàn địch. Pháo ta quan sát trực tiếp bắn thẳng lên bốn mỏm trọc địch mới chiếm ngày 1 tháng 10, công sự còn nông nên địch thương vong nhiều. Trên trời sáu chiếc King Cobra lồng lộn bắn chặn quân ta tiến vào chân núi. Súng bộ binh của địch bắn trực tiếp vào quân ta. Dưới chân núi toàn rừng cây to, Tiểu đoàn 80 chủ công đã tiêu diệt đồn Á Lữ, Yên Phụ, vốn là một tiểu đoàn dày dạn của Trung đoàn 36 đã đánh nhiều trận ở Chi Nê, đò Hồ năm 1947. Bắt đầu tiến công từ mép rừng lên mỏm đồi phía Đông Bắc lúc 18 giờ, tiểu đoàn này liên tục tiến công địch suốt từ chiều đến 11 giờ đêm. Địch đông quân, liên tục đánh chặn trên sườn đồi cỏ tranh trơn tuột, dốc đứng. Ta có khoảng một trăm tay súng, nhiều lần xung phong không chiếm được mỏm đồi, Tiểu đoàn 84 lại đi lạc không phối hợp chiến đấu nên tôi cho dừng cuộc chiến đấu. Bộ đội đào công sự ngay ở mép rừng cách địch khoảng trên 100 mét, giữ vững bàn đạp tiến công. Quân địch có một tiểu đoàn trên bốn mỏm núi, ta có một đại đội làm sao diệt được địch. Nhưng địch cũng thương vong nhiều do bị pháo cối bắn trực tiếp. Tối ngày 2 tháng 10 năm 1950, bộ đội đi lấy gạo về không ai được nghỉ một giờ, các tiểu đoàn, đại đội ổn định lại tổ chức, xốc lại lực lượng. Sáu giờ sáng ngày 3 tháng 10, Tiểu đoàn 84 vẫn chưa tới kịp, chúng tôi lại cho pháo cối bắn tới tấp trên bốn mỏm núi đầy địch và Tiểu đoàn 80 tiếp tục tấn công đợt 2. Địch thương vong nhiều, quân ta liên tiếp xung phong nhiều đợt, bám sát địch, quần lộn với địch. Phi cơ liên tục sà xuống bắn chặn và thả bom trên đường tiến công của ta. Đến trưa ngày 3 tháng 10, ta chiếm được một phần sườn núi trọc, Tiểu đoàn 80 đã bị tiêu hao nhiều và mệt mỏi suốt hai ngày liền chiến đấu, phải dừng lại ở sườn núi và giữ vững bàn đạp tiến công. Địch từ Nà Pá lên tăng cường cho Khâu Luông, tiểu đoàn da đen trên núi Khâu Luông cũng đã kiệt sức.

    ReplyDelete
  15. Pham Quan (tiếp): Buổi trưa ngày 3 tháng 10, Tiểu đoàn 84 đã tới chân núi trọc của mỏm phía đông nam Khâu Luông và Đại đoàn tăng cường Tiểu đoàn 11 do đồng chí Dũng Mã làm tiểu đoàn trưởng cho trung đoàn tôi, thay cho Tiểu đoàn 80. Đợt tấn công thứ 3 của chúng tôi bắt đầu lúc 15 giờ. Sơn pháo, cối, đại liên, trung liên ta liên tục dội bão lửa lên đỉnh núi.
    Tiếng kèn xung phong của Tiểu đoàn 11 thổi liên hồi. Tiểu đoàn 84 xung phong mãnh liệt lên quả đồi đông nam; Tiểu đoàn 11 liên tục tấn công mỏm núi đông bắc. Đến 17 giờ 30, Tiểu đoàn 84 đã chiếm được mỏm núi đông nam và Tiểu đoàn 11 đã ở sát với quân địch ở mỏm đồi phía đông bắc.
    Trên trời, từng đợt bốn chiếc King Cobra thay nhau liên tục ném bom bắn vào đội hình quân ta, ngăn chặn các đợt tiến công liên tục; nhiều cuộc chiến đấu giáp lá cà diễn ra trên đỉnh núi. Tiểu đoàn 84 chiếm được mỏm núi cao nhất, đặt đại liên cùng súng cối bắn thẳng vào ba mỏm còn lại của địch. Sau này chúng tôi mới biết Trung đoàn 36 chúng tôi đã đánh hai tiểu đoàn (1 dù và tiểu đoàn 1 ta-bo) trên núi Khâu Luông. Cuộc tiến công tạm dừng lúc sẩm tối, hai bên ở sát nhau cách vài chục mét. Chúng tôi chuẩn bị cuộc công kích thứ tư lên ba mỏm núi còn lại. Tiếng súng tạm yên, chiến trường khét lẹt mùi bom đạn. Thỉnh thoảng có vài loạt súng liên thanh của địch và của ta. Đến 12 giờ đêm, ta phát hiện địch đã rút khỏi các mỏm núi, lập tức đuổi theo quân địch. Tôi ra lệnh cho Tiểu đoàn 84 và Tiểu đoàn 11 chiếm trận địa còn ngổn ngang súng đạn và xác địch. Mờ sáng, từ chỉ huy sở trung đoàn tiến lên mỏm núi phía đông bắc, tôi còn gặp trên mỏm núi một vài đồng chí thương binh của ta.
    Trung đoàn tôi đã tiến xuống Nà Pá và đuổi theo địch rút lui theo đường mòn về hướng tây đường số 4. Tiểu đoàn 11 của Dũng Mã và Tiểu đoàn 89 của Trung đoàn 36 đang đuổi địch theo đường mòn. Sáng ngày 4 tháng 10, trên đường địch rút ngay sát cửa rừng vài trăm mét, xác lừa, ngựa của địch chết nằm lại trên lưng còn cõng pháo 75 ly địch mới thả dù xuống Nà Pá ngày 2 tháng 10 chưa kịp lắp, bông băng đầy máu địch còn rơi vãi khắp mặt đường mòn. Tôi cùng bộ phận cán bộ của Ban Tham mưu tiến vào đường mòn. Cứ theo vết địch rút, quân ra đến cao điểm 765 vào chiều ngày 4 tháng 10. Trên đỉnh núi 765, tôi đứng quan sát về phía Tây và phía Bắc. Trời xanh biếc, mây trắng trong vắt. Một dãy núi đá vôi tai mèo năm ngọn nhọn hoắt sừng sững bên kia thung lũng. Trên trời, chiếc Đa-cô-ta bay lượn đang thả dù tiếp tế xuống cho quân Pháp. Về phía Tây cách đó ba kilômét theo đường chim bay, trên một dãy đồi trọc kéo dài từ phía Bắc xuống phía N

    ReplyDelete
  16. Pham Quan: Không gian im ắng không một tiếng súng, sao mà thanh bình và đẹp quá! Đang đứng quan sát thì điện thoại tôi cho kéo theo từ Khâu Luống xuống reo, đồng chí điện thoại viên báo cáo có điện thoại từ Bộ chỉ huy chiến dịch cần gặp tôi trên máy.
    Tôi cầm máy và nhận ra tiếng anh Văn. Từ chỉ huy sở chiến dịch, đồng chí Tổng tư lệnh hỏi: “Anh đang ở đâu đấy?”. Tôi đáp: “Thưa anh, tôi đang ở đỉnh núi 765 trước dãy núi đá vôi, đang có Đa-cô-ta bay thả dù tiếp tế cho địch”.
    “Chỗ anh có nhìn thấy cao điểm 477 không?”.
    “Báo cáo anh tôi không biết cao điểm 477 ở đâu nhưng trước mắt tôi về phía Bắc có dãy núi đá vôi, địch đang thả dù, về phía Tây cách khoảng ba cây số có một dãy núi trọc hướng Bắc - Nam, ở đó rất nhiều quân địch và cả thường dân”.
    Anh Văn nói to: “Đúng rồi, đấy là cao điểm 477 đấy. Anh theo dõi kỹ rồi báo cáo cho tôi”.
    Sau đó khoảng một giờ, tôi gặp đồng chí Chu Phương Đới - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 154 Trung đoàn 209. Anh được lệnh trên, xuống phối thuộc Trung đoàn đánh địch ở Cốc Xá. Hiện nay, đơn vị đang bám sát địch ở phía đông bắc dãy núi đá vôi gọi là hang Cốc Xá.
    Tôi thảo luận qua với đồng chí trong mười phút và lệnh cho tiểu đoàn tiếp tục đánh từ phía tây nam lên theo đường khe Cốc Xá và Tiểu đoàn 89 cắt ngang giữa dãy núi. Lúc đó, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 89 - Văn Nhân - cũng có mặt ở đấy. Sau đó, tôi tiếp tục theo đường mòn, theo suối đi về phía tây nam Cốc Xá và đến chiều tôi gặp đồng chí Dũng Mã - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11, đơn vị đang bám sát đánh địch ở đường mòn vào cửa hang ở phía tây nam.
    Như vậy là toàn bộ quân địch mà trên cho biết là binh đoàn Bay-a do Đại tá Lơ-pa-giơ chỉ huy gồm bốn tiểu đoàn (3 tiểu đoàn Bắc Phi: 1 ta-bo, 11 Marốc, 1/8 RTM và tiểu đoàn 1 (1er BEP) bị đánh từ Đông Khê, Khâu Luông về đây trên đường đón binh đoàn Sác-tông rút lui từ Cao Bằng về hiện đang ở dãy núi 477 phía tây.
    Hai binh đoàn này hẹn gặp nhau ngày mai ở điểm cao 477. Quan sát địa hình tại đó, tôi quyết định đặt sở chỉ huy trên sườn đồi bên tây suối trước dãy núi đá.
    Trong khi đang chỉ huy cho Ban Tham mưu kéo dây điện thoại đến các tiểu đoàn 11, 89 thì tôi gặp đồng chí Hồng Long - Chính trị viên Tiểu đoàn 18; đồng chí cho biết theo lệnh trên đêm qua, đơn vị đồng chí đã đến đồi này có nhiệm vụ chia cắt hai binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông. Trong ngày đơn vị đồng chí có đánh một số địch từ dãy núi đá sang. Tôi được biết Trung đoàn 102 đã có đơn vị đang tiến về hướng Quang Liệt chặn binh đoàn Sác-tông rút lui từ Cao Bằng về.

    ReplyDelete
  17. Pham Quan (tiếp): Trên cơ sở tin dịch qua điện đài mà Cục Quân báo bắt được, Bộ chỉ huy chiến dịch đã nắm được tình hình địch khá rõ và đã điều động Đại đoàn chặn đánh binh đoàn Sác-tông chạy từ Cao Bằng về và binh đoàn Đờ La-bôm từ Thất Khê lên tiếp viện, không cho gặp nhau; đồng thời ra lệnh cho Trung đoàn 36 được tăng cường thêm Tiểu đoàn 54 của Trung đoàn 209 lĩnh nhiệm vụ tiêu diệt binh đoàn Lơ-pa-giơ ở Cốc Xá, Tiểu đoàn 18 của Trung đoàn 102 chặn giữa hai binh đoàn,Trung đoàn 88 được tăng cường Tiểu đoàn 84 của Trung đoàn 36 chặn binh đoàn Sác-tông ở Bản Ca.
    Suốt đêm 5 tháng 10, Tiểu đoàn 11 bốn lần chặn đánh tiểu đoàn 1 ta-bo, có nhiều tên chạy cả vào chỉ huy sở của tôi ở trước cửa khe. Tảng sáng ngày 6 tháng 10, sương mù còn dày đặc, tiếng súng nổ liên tục. Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã báo cáo quân địch đang cố gắng mở đường xuống thung lũng Cốc Xá nhưng đều bị quật ngã dưới mũi súng trung liên, đại liên của tiểu đoàn, địch tan vỡ chạy tán loạn. Ngay trước chỉ huy sở của tôi có nhiều tên chạy qua, trên vách núi đá cách tôi khoảng 100 mét có nhiều tên lê dương của tiểu đoàn 1 BEP (tiểu đoàn lê dương dù số 1) thả dây leo từ độ cao 4 mét nhảy bừa xuống suối. Giữa đỉnh núi đá, Đại đội 395 Tiểu đoàn 89 do Đại đội trưởng Tiến Trang chỉ huy từ trên cao đánh xuống ngay vào bộ chỉ huy binh đoàn Lơ-pa-giơ, phía sau Tiểu đoàn 154 đánh thốc hậu. Chỉ trong gần một giờ, toàn binh đoàn Lơ-pa-giơ còn lại ở hang Cốc Xá đã tan vỡ, quân địch chạy tứ tung như bầy thú bị bẫy, gặp ta đâu là đầu hàng đấy. Chỉ huy sở trung đoàn cũng bắt tù binh, anh nuôi, dân công cũng bắt tù binh, hàng chục tốp lính Âu - Phi mặt tái mét, giơ tay súng ngang trên đầu xin hàng. Tây trắng, Tây đen, quân dù, quân Ta-bo, Ma-rốc, chỉ sau một ngày các đơn vị báo cáo bắt hàng mấy trăm tên; đặc biệt sáng hôm sau,

    ReplyDelete
  18. Pham Quan: Đại đội 42 của Tiểu đoàn 84 Trung đoàn 36 phối hợp với Trung đoàn 88 ở Bản Ca trên đường về trung đoàn bắt được toàn bộ bộ chỉ huy tham mưu của binh đoàn Bay-a, có cả đại tá Lơ-pa-giơ chỉ huy và đại tá Đuy-rích bác sĩ quân y của binh đoàn, và các sĩ quan bộ tham mưu binh đoàn. Đại tá Lơ-pa-giơ và đại tá Đuy-rích trước khi về trại tù binh có được gặp tôi. Đại tá Lơ-pa-giơ cao gầy, khoảng bốn mươi tuổi, đầu đội mũ chào mào, mặt còn tái vì mệt nhọc. Trong buổi gặp tôi, thấy tôi nói được tiếng Pháp, cuối buổi, ông ta lễ phép hỏi tôi: “Xin ông cho biết ông học quân sự ở trường nào mà đánh giỏi thế? Tôi tốt nghiệp trường Xanh-xia, trường Pô-li-téc-ních, mà cũng phải thua các ông”.
    Tôi cười, trả lời: Trước năm 1945 tôi là sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, sau đó tôi tham gia quân đội cách mạng và trường học của tôi chính là chiến trường. Thực tiễn chiến đấu từ năm 1945 đến năm 1950 trên các chiến trường miền Nam và miền Bắc đã rèn luyện cho tôi nhiều bài học quân sự
    quý báu.
    Lơ-pa-giơ cảm ơn chúng tôi và bộ đội Việt Nam rất nhân ái, đối đãi hết sức nhân từ đối với tù binh.
    Tôi đã gặp tù binh lính dù lê dương, lính da đen ta-bo mà năm 47, 48 còn là mối đe dọa của nhân dân ta. Có tên run rẩy quỳ xuống vái, miệng lẩm nhẩm cầu xin tha chết. Từ chiến dịch này trở về trước, chúng tôi cũng đã bắt được tù binh, nhưng chỉ vài tên, bây giờ hàng trăm, hàng nghìn, có cả sĩ quan các cấp đến đại tá của quân đội Pháp. Trước chiến dịch, ai mà nghĩ được thực tế những ngày qua trên chiến trường Biên giới. Sau khi tiêu diệt xong binh đoàn Bay-a, trung đoàn tôi được lệnh tiến thẳng theo đường số 4 về Thất Khê. Trên đường tiến về Thất Khê, tôi còn nhớ mãi cuộc chạy nín thở, toát mồ hôi để vượt qua quãng đường hơn 200 mét đầy xác địch, khoảng trên hai trăm tên, toàn người da trắng thuộc tiểu đoàn lê dương nằm chết dọc đường. Mùi hôi thối xông lên, tôi vừa bịt mồm, mũi vừa chạy qua tưởng đứt thở. Nghĩ lại càng cảm thấy lờm lợm cảnh chết chóc trong chiến tranh. Suốt trên mười ngày chiến đấu căng thẳng, mọi người trong trung đoàn ai cũng gầy sọp đi, nhưng ai nấy đều phấn chấn. Niềm vui chiến thắng át đi những mệt nhọc. Sức trai ở tuổi trên hai mươi (lúc đó tôi mới hai mươi bảy tuổi, các bạn chiến đấu của tôi cũng ở tuổi đó, các cán bộ trung đoàn, người lớn tuổi nhất lúc đó cũng chỉ ba mươi), đã giúp chúng tôi vượt mọi khó khăn gian khổ.
    Trong ngày hội chiến thắng ở Cao Bằng sau ngày giải phóng, tôi cùng các cán bộ từ trung đoàn trở lên tham gia chiến dịch, dự hội nghị tổng kết chiến dịch. Tại hội nghị, chúng tôi hết sức vui mừng được gặp Bác Hồ - lãnh tụ của dân tộc, linh hồn của chiến dịch. Bác rất vui. Còn tôi nhớ mãi lúc anh Hoàng Văn Thái chúc rượu Bác, cả hội trường đều vỗ tay khi anh chúc Bác lấy vợ. Còn Bác thì dí dỏm đùa lại: Các chú giới thiệu cho Bác. Lúc đó phần lớn cán bộ trung đoàn đều chưa có vợ. Riêng tôi được đồng chí Trần Canh (Phó tư lệnh dã chiến quân Trung Hoa sang cùng dự chiến dịch Biên giới theo lời mời của Bác Hồ), chúc rượu, mừng trung đoàn đã có công tiêu diệt binh đoàn Bay-a, bắt cả Bộ chỉ huy trung đoàn. Tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất - tấm huân chương đầu tiên tôi được tặng thưởng trong chiến tranh.

    ReplyDelete
  19. Nguyen Ai Viet: Trận Đông Khê có cụ La Văn Cầu

    ReplyDelete
  20. Nguyen Ngoc Tuan: Ba tấm ảnh - ba câu chuyện về Tướng Giáp
    http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/suyngam/331983/ba-tam-anh-ba-cau-chuyen-ve-tuong-giap.html

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Ngọc Tuấn: Trong bài này có nhắc đến chi tiết cụ Giáp đến thăm cụ Đặng Văn Việt thầy ạ

      Delete
    2. Nguyen Ai Viet: Trong ảnh, cụ Việt trông như ghép vào.

      Delete
  21. Pham Quan: Có chi tiết không chính xác trong bài này là:"Ông từng được người Pháp mệnh danh là "Con hùm xám đường số 4" do thành tích chỉ huy đơn vị mình trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả 2 chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton."

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: "Hùm xám đường số 4" thì đúng. Phần "bắt sống..." viết hơi nhập nhèm về ngữ pháp. Cụm này có thể hiểu là bổ ngữ cho "Chiến dịch biên giới thu đông 1950", thì cũng đúng. Nhưng hiểu là 174 bắt sống Lepage và Charton thì không đúng.

      Delete
  22. Nguyen Ai Viet: Thực ra đoạn này mình muốn viết về tâm lý cả hai bên. Bên ta chưa chuẩn bị cho thắng lớn như vậy. Trong chiến thắng này, việc đánh Đông Khê là then chốt, đẩy Charton ra khỏi Cao Bằng. Các cánh quân của Lepage cũng phải vận động chiến. Hồi ký của chú Hồng Sơn cũng viết rõ, công sự của họ không chắc chắn. Sai lầm của Pháp là vô số, nhưng quan trọng nhất là khả năng quyết định của Carpentier và vô số sai lầm về tác chiến của chỉ huy cấp tá. Phía bên ta cũng tích tắc mà thoát được sai lầm. Thí dụ như đánh Cao Bằng, hay kiên trì đánh Đông Khê theo phương án của Trần Canh. Nếu ta không chiếm được Đông Khê hay đánh vào Cao Bằng mà không lấy được, thì không có chuyện Charton cố hội quân với Lepage. Có tài liệu nói về việc Charton phòng thủ Cao Bằng rất kỹ, sẵn sàng nghênh chiến, thì phải rút. Hôm trước mình có tìm được tài liệu nói về việc Mao trực tiếp phân tích quân sự về RC4 với Trần Canh thế nào (có chụp cả công điện). Mao nắm tình hình khá chắc. Tất nhiên, có nhiều cách retrospect khác nhau. Nhưng phải có các nhân vật mới hấp dẫn, mặt khác phải có bình diện tổng thể, liên hệ với cả chiến trường Nam Bộ. Tại Nam Bộ ta khó khăn rất nhiều, Pháp có ưu thế hơn.

    ReplyDelete