Phần lớn danh xưng Việt Nam là học của Trung Quốc. Nhưng xem kỹ mới thấy có khác biệt. Những khác biệt đó cũng dùng các danh từ học của Trung Quốc. Nhưng hoàn toàn không có quy tắc gì cả.
Trước hết, sĩ quan cấp tá, từ thiếu tá đến đại tá, Trung Quốc gọi là "hiệu" từ "thiếu hiệu" đến "đại hiệu". Hạ sĩ quan của Trung Quốc nhiều hơn đến 7-8 cấp. Đều có lý do, nhưng tạm không bàn.
Danh xưng "giáo sư" ở ta khá rối. Vốn ta dịch chữ professor, bao gồm cả giáo sư trung học. Nghĩa của nó chỉ là "thầy giáo" thôi. Trong môi trường có đảo lộn về đạo đức, chữ "giáo sư" hàm nghĩa sạch sẽ và khiêm tốn, ai cũng thích. Nhưng dùng làm một "học hàm" do nhà nước phong, có vẻ gây ra hiểu nhầm và tranh luận, xem "giáo sư" có nên được hội đồng học hàm phong hay không. Tôi sẽ không bình luận ở đây về ý nghĩa của học hàm, cũng như các danh hiệu khác. Vì thực ra cũng chẳng hiểu mấy. Tuy nhiên, tôi thấy nên có "học chức" ứng với các chức vụ tại các trường đại học và trung học, do các trường tự quyết và có số lượng theo biên chế (số ghế), thì tiện hơn. Hệ thống học chức có thể tồn tại song song với học hàm.
Trung Quốc gọi "giáo sư" là "giáo thụ", tên một quan chức phụ trách giáo dục đứng đầu một huyện thời phong kiến. Ở ta cũng đã dùng chức này.
Học vị "tiến sĩ" cũng gây ham muốn và hiểu lầm, do đó vốn là học vị cao nhất thời phong kiến. Nên nhớ rằng, thời phong kiến, nhiều năm mới có một khoa thi. Mỗi khoa chỉ lấy đỗ 5-10 vị. Tiến Sĩ phải vào thi Đình do vua trực tiếp ra đề và chấm, do đó phải có thực tài. Ta dịch chữ "doctor", dùng chung cho cả bác sĩ y khoa và tiến sĩ. Tuy nhiên, chữ "bác sĩ" ở ta đã dùng cho ngành y, nên không dùng cho học vị. Đáng chú ý trong "bác sĩ" không có gốc từ nào nói về y khoa cả. Chỉ là người học nhiều có kiến thức "quảng bác" như trong chữ "bác học". Có lẽ sự liên quan là ở danh xưng này có từ thời Tần Thủy Hoàng, chỉ các quan có tính hàn lâm, chuyên nghiên cứu sách vở. Họ được giao thêm việc tìm cách chế thuốc trường sinh bất lão cho vua.
Trung Quốc theo đúng tinh thần của phương Tây, dùng chữ "bác sĩ" cho cả "bác sĩ y khoa" và "tiến sĩ".
Tôi không cổ động cho việc theo Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng không cổ động việc theo chính họ, mà họ theo thông lệ của thế giới. Đó là điều đáng suy nghĩ. Tôi cổ động cho việc có một nguyên tắc nhất quán để hội nhập dễ dàng. Danh hiệu là chuyện nhỏ, nhưng len lỏi sâu vào tâm thức con người như cỏ dại. Nên những tác hại nhỏ nhặt khó tận diệt. Và nếu tính tổng cộng chưa chắc đã là vấn đề nhỏ, bởi vì con người có tính lười suy nghĩ, cả tin và khiếp sợ.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
Phan Phuong Dat: Em nhớ hồi xưa ông Lương Định Của đc gọi là "bác sỹ nông học" chứ k0 phải "tiến sỹ"
ReplyDeleteNguyễn Việt Long: Thời Pháp thuộc từ bác sĩ chỉ có nghĩa tương đương tiến sĩ bây giờ, Từ điển Khai trí tiến đức chua như vậy. Sau này bác sĩ y khoa là từ được dùng nhiều nhất nên dân gian đã rút gọn lại thành BS, thế là trùng lặp nên nghĩa kia của từ BS chuyển sang cho TS đảm nhiệm.
ReplyDeleteLuong Chi Thanh: Lần đầu biết từ "bác vật".
ReplyDeleteDo Xuan Phuong: "Danh" phải đi kèm với "Thực" mới sinh công hiệu. Nền khoa học của VN liệu đã có "Thực" theo thông lệ quốc tế chưa, trong khi chương trình đào tạo tự biên tự diễn ạ?
ReplyDeleteNguyen Ai Viet: E rằng biết thế nào là "thực" cũng còn khó.
DeleteDo Xuan Phuong: Em nghĩ cái "Thực" nằm trong triết lý và phương pháp đầo tạo nguồn nhân lực chứ chưa xa xôi đến đầu tư hạ tầng và thiết bị. Mà cái triết lý giáo dục ở VN, theo lời Giáp Văn Dương, là tạo ra 'con người công cụ' chứ không phải 'con người tự do'. :)
DeleteNguyen Ai Viet: Do Xuan Phuong, Ý anh nói, khoa học VN nói về tổng thể chưa có hệ thống giá trị để đánh giá, hay dở, sai đúng. Ví dụ như NBC chỉ biết là giải thưởng Fields, ĐTS là GS ở Chicago. Hay dở thế nào mấy người biết. Từ đó mà suy ra mọi việc đều vậy.
DeleteDo Xuan Phuong: Vâng ạ. Giá như hệ thống có môi trường và mạng lưới tin tức khoa học cởi mở thì tốt biết bao.
DeleteNguyen Ai Viet: Do Xuan Phuong, Vấn đề là tầm nhìn của con người chứ không phải hạ tầng hay năng lực của vài người
DeleteDo Xuan Phuong: Dạ, con người lại cần khung cảnh sống, giáo dục ổn định và tương tác phát triển, phải không ạ?
DeleteQuốc Hà: Danh chính ngôn mới thuận
ReplyDelete