Ngày Phật Đản vừa rồi, cũng là sinh nhật của tôi, có một cháu gái tặng cho một cuốn "Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ" của Stephen Hawking. Tất nhiên, cuốn này có nhiều điều thú vị, nhất là chương cuối khẳng định ý tưởng mà tôi đang đeo đuổi là các chiều không gian ngoại phụ.
Tuy nhiên, đáng chú ý là Hawking để khá nhiều công sức để cổ súy cái mà ông gọi là "quan điểm thực chứng" (positivism). Từ trước tới nay, tôi vẫn cho mình là người "thực chứng". Nhưng có lẽ, thực chứng là tư duy triết học khá rộng, tôi tự nhiên thấy mình xa lạ với thực chứng như Hawking trình bày. Ông nói, không có cách nào khác là chấp nhận quan điểm thực chứng "như Karl Popper". Nhiều người đã chỉ ra chính Popper cũng phê phán quan điểm thực chứng.
Thực chứng là việc phủ nhận những vấn đề như bản thể, hiện hữu,... họ cho các vấn đề như thế là siêu hình và vớ vẩn, không có thật. "Thực chứng" do Auguste Comte đề xuất từ đầu thế kỷ 19. Tuy vậy, sau này Comte đã mưu toan biến nó thành một thứ "Tôn giáo nhân đạo" do ông làm giáo chủ, nên hoàn toàn biến thái. Tuy nhiên, Comte có công khởi đầu cho sự ra đời của xã hội học. Ông cũng được xem là nhà triết học khoa học đầu tiên. Các tư tưởng thời trẻ, trước khi đi về tôn giáo của ông vẫn có nhiều giá trị vĩ đại.
Thực chứng cho rằng toàn bộ tri thức dựa trên kinh nghiệm, mọi khái niệm chỉ là công cụ để mô tả. Một công cụ được cho là tốt nếu đưa ra các tiên đoán khớp với thực nghiệm. Thực tế tự nhiên được quy giản về các hiện tượng quan sát được. Hawking nói đại ý: Với tư cách là một người thực chứng, tôi không thể nói thời gian là gì. Tôi chỉ có thể nói đó là một mô hình khá tốt để mô tả các hiện tượng vật lý.
Cách tư duy này ngược lại hoàn toàn với quan điểm siêu duy tâm của Emanuele Kant là tồn tại những khái niệm tiên nghiệm như không thời gian, Thượng Đế, tồn tại được built-in sẵn trong tâm thức. Nói một cách khác, Hawking là nhà siêu hiện thực, chỉ công nhận các khái niệm hậu nghiệm.
Chúng ta hãy xem các nhà khoa học khác nói gì. Nhà toán học Henri Poincaré nói "Khoa học được xây lên từ sự thực, cũng như nhà được xây lên từ những viên gạch, tích lũy một đống số liệu mà nói đó là khoa học thì chẳng hơn gì nói một đống gạch là ngôi nhà.". Có lẽ không cần bình luận thêm ý tưởng rất rõ ràng. Nhà vật lý Werner Heisenberg nói "Chúng ta phải nhớ rằng, những điều chúng ta quan sát được không phải là tự nhiên, mà chỉ là những cái tự nhiên thể hiện cho phương pháp đặt vấn đề của chúng ta." Ông nói thêm đại ý: Các nhà thực chứng chia vấn đề ra làm phần quan sát được và phần còn lại. Họ đã chọn một cách rất dễ là phủ nhận sự tồn tại của phần còn lại để khỏi phải trả lời những câu hỏi về bản thể mà họ gọi là siêu hình.
Thực tế cho thấy, không có ranh giới giữa cái quan sát được và siêu hình. Nhiều vấn đề có thể là siêu hình hôm nay, có thể là quan sát được ngày mai. Con người không phải là nhà quan sát khách quan, tách rời ra khỏi tự nhiên hoặc kiến thức của chính mình. Quan điểm thực chứng chỉ tốt đối với một ngành khoa học cụ thể với hệ thống quan niệm đã đầy đủ và chín muồi. Đôi khi, nhà khoa học được "mặc khải" hoặc "khải thị" với các quy luật của tự nhiên. Chẳng hạn, thuyết tương đối rộng của Einstein hoàn toàn không có động lực thực nghiệm nào mà dựa trên quan niệm mới về không thời gian do Einstein sáng tạo ra, hoặc được "thông linh" với Tạo hóa để phát biểu ra.
Trong nhiều trường hợp, thực chứng là để loại trừ những ảo giác, các vấn đề siêu hình vô bổ. Nhưng đó chỉ là một phương pháp áp dụng trong những hoàn cảnh nhất định. Không phải là chân lý toàn năng. Cá nhân tôi, triết học cũng như các món ăn đều có ích, ngon lành, nhưng không có nghĩa là phải chén hoài một món. Tuy nơi tùy lúc sẽ có ích. Nhưng nếu trở thành tín điều trói buộc, sẽ rất đáng ghét.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
Do Xuan Phuong: Em đoán là Hawking cũng như hầu hết chúng ta, dùng từ (i. e. thực chứng) trong mạch suy nghĩ hoặc văn cảnh nào đó chứ không nhất thiết luôn luôn bám vào hệ luận từ ngữ đã dùng.
ReplyDeleteGiống như việc đi quen đường không có nghĩa là mất khả năng đi thử đường mới.