Nếu như có một thế giới huyền bí không thể nhận biết, bất khả tri, hoàn toàn không tương tác với thế giới của chúng ta, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm sống không cần tới giả thiết về sự hiện hữu của thế giới đó, cho dù định nghĩa hiện hữu là thế nào đi nữa mặc lòng. Chúng ta sẽ bàn tới kiểm tra thực nghiệm sự tương tác đó, nếu chúng thực sự tồn tại. Niềm tin không có kiểm chứng của chúng ta đã bị lợi dụng nhiều đến nỗi chúng ta không thể dung túng cho niềm tin chỉ dựa trên mong muốn, nhất là chúng sẽ ảnh hưởng tới nhiều người khác trong đó có con cháu của chúng ta.
Chúng ta sẽ chỉ quan tâm tới sự huyền bí có thể kiểm nghiệm bằng thực nghiệm hoặc bằng tư duy (tốt nhất là bằng cả hai). Huyền bí phần nào giống ngẫu nhiên. Không ai giải thích được tại sao số đề tuần này lại về như vậy hay lần gieo xúc xắc này ra mặt 6 hay không, cũng như trong trường hợp này ý Chúa là như vậy, lần khác thì Chúa lại không muốn như thế. Người ta thường gán ghép cho Chúa những thiện ý theo quan niệm của mình. Thực sự, đó là mong muốn và hy vọng nhiều hơn. Nếu Chúa luôn thiện ý, toàn năng và điều khiển huyền bí và ngẫu nhiên, tôi không thể giải thích được vì sao chị thư ký khoa Vật lý lý thuyết đại học Debrecen, một người ngoan đạo và hiền lành, lại bị ung thư. Có vẻ Chúa khá tùy hứng và bản năng, không hề để ý tới lý tính.
Loài người bị những kẻ nhân danh Chúa, hoặc sự huyền bí-ngẫu nhiên lừa bịp, nhiều đến nỗi cần phải phân biệt Chân lý với những kẻ nhân danh Chân lý đang rao giảng. Chắc chắn Kinh Thánh, cũng như mọi kinh bổn giáo lý trên đời này đều do con người viết, vì chúng cũng đầy rẫy sai sót, mâu thuẫn. Các giáo hội lý giải, đó chính là ý Chúa được truyền tới chúng ta thông qua sự mặc khải (revelation). Trong kinh văn, có hai chữ "mạc khải" và "mặc khải", tuy có gốc Hán Việt, nhưng không hề có từ tương đương trong Hán ngữ hay Hoa ngữ. Đó có thể là những từ do người Việt sáng tạo ra để chuyển tải một ý tưởng của Tây phương. "Mạc" là sự "mờ mịt", "mặc" là sự "yên tĩnh" như trong chữ "trầm mặc". "Khải" là việc "mở ra". Do đó "mặc khải" có thể hay hơn về từ nguyên.
Một số người, được Chúa chọn một cách ngẫu nhiên (lại ngẫu nhiên), để tương tác với Chúa và viết ra kinh văn. Kinh văn có thể tạm xem như là bằng chứng của tương tác giữa thế giới huyền bí và thế giới của chúng ta, nếu quả thực có điều đó. Một khái niệm có liên quan là "khải huyền", tức là "mở cửa vào cõi huyền bí", đó là thiên cuối của Cựu Ước, liên quan tới thánh John. Nhưng, thực ra cùng lắm đó là dấu vết của thế giới huyền bí vào thế giới của chúng ta. Hoàn toàn không có điều gì đảm bảo việc khai thác dấu tích này sẽ mở cửa cho chúng ta đi vào thế giới bên kia.
Một thuật ngữ khác thường được nhắc tới là "thông linh" (spiritism). Hiện tượng này ở ta là "đồng bóng" (medium), "gọi hồn", "ngoại cảm", ở phương Tây cũng có từ xưa. Đó là những thực hành hy vọng liên lạc tới thế giới huyền bí, trong đó có thể giới của những người đã chết (chỉ là một phần của thế giới huyền bí). "Thuyết Thông linh" hay "Thông thiên học", do Allan Kardec chủ trương từ thế kỷ 19, có khá nhiều tín đồ. Đặc biệt, quan niệm của họ về tương tác với thế giới huyền bí khá hoàn thiện, do có nhiều khái niệm hiện đại. Một mặt họ chấp nhận nhiều giáo lý của Thiên Chúa giáo, mặt khác họ tin có sự luân hồi, là điều gần với các tôn giáo phương đông.
Allan Kardec viết một bộ 5 quyền có thể xem như kinh văn cơ bản của "Thông linh giáo", mô tả việc giao lưu với những linh hồn của thế giới huyền bí là:
1. Hồn thư (Book of Spirits)
2. Đồng cốt thư (Book of medium)
3. Phúc Âm theo Thông linh (The Gospel according to Spiritism)
4. Thiên đàng và Địa ngục (Heaven and Hell)
5. Sáng thế theo Thông linh (The Genesis according to Spiritism).
Ngoài ra còn có các tác giả và tác phẩm theo trường phái Thông linh sau đây:
- Swedenborg: Nhà khoa học, tâm linh học người Thụy điển, sống trong thế kỷ 18. Ông là nhà khoa học và phát minh. Tuy nhiên, ông đã viết sách nói rằng ông đã nói chuyện được với thần linh, linh hồn người chết, từng xuống địa ngục và thiên đàng.
- Frank Mesmer: Thế kỷ 19, phát minh ra thuật thôi miên.
Nhà văn Arthur Conan Doyle cũng được cho rằng theo phong trào Thông linh.
Những người theo Thông linh thường thực hành bói chén để nói chuyện với các linh hồn. Giáo phái Cao Đài của Việt Nam được cho là gần gũi với Thuyết Thông Linh về quan niệm.
Như vậy, tương tác với thế giới huyền bí trước tiên là kiểm chứng Thuyết Thông Linh. Cần nói thêm, một trong những nhân vật nổi tiếng của Thông Linh là chị em Kate và Margaret Fox (thế kỷ 19, New York) đã cho là bị bóc trần là trò bịp bợm.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
No comments:
Post a Comment