Nhân quả là một khái niệm người ta nói nhiều. Những gì nói nhiều thì thành sáo mòn. Không mấy ai chịu suy nghĩ thêm, thành thử, nó biến thành một thứ giáo điều. Kẻ tìm cách bóp méo để lợi dụng, và cố nhiên sẽ có vô số kẻ bị lợi dụng, đến mức phồng mang trợn mắt, sẵn sàng ăn thua đủ với người khác để bảo vệ cho kẻ đang lợi dụng mình.
Trong vật lý, cho đến nay nhân quả vẫn là một đề tài chưa ngã ngũ, nhưng đã có những trường phái sẵn sàng khẳng định những điều trái ngược nhau hoàn toàn không có cơ sở gì chắc chắn. Có người lại hiểu đơn giản hễ sinh sau đẻ muộn ắt phải nằm dưới ô của ông đi trước là đạo lý nhân quả. Có những trường phái triết học chữ nghĩa nhiều khủng khiếp để bàn về vấn đề này. Từ nhân quả lại lan ra quan điểm về hiện thực, về định xứ. Các nhà khoa học rất thơ ngây và dễ tính về nhân quả. Đến nỗi nói cánh bướm vỗ sinh ra bão cấp 12 họ cũng nhẹ dạ cho rằng đúng. Từ con mèo chết suy ra con mèo sống, cũng vỗ tay khen hay. Trong khi 1+0 = 1 lại đòi có chứng minh chặt chẽ.
Tuy bàn nhiều như thế, nhưng cái gọi là nhân quả vật lý, chẳng ăn nhập gì với nhân quả người ta vẫn bàn trong tôn giáo hoặc xã hội. Chúng ta thử suy nghĩ xem cái gọi là nhân quả mà chúng ta vẫn nói đến trong đời sống, xã hội, tôn giáo có hay chỉ là một tín điều, hay một thói quen dễ tính, lười suy nghĩ được Thượng đế thích đùa dai, cấy sẵntrong ADN của động vật có trí khôn.
Chúng ta hãy bắt đầu từ điều người ta hay khuyên nhau "Gieo nhân nào gặp quả ấy" để tìm ý nghĩa rộng nhất có thể có được của nhân quả. Câu nói trên hàm ý đe dọa, như mọi giáo huấn đạo đức trên đời. Bản chất con người là phi lý tính, không bao giờ chịu theo điều đúng, mà nghe theo điều có lợi, dễ chịu, rồi tới điều ít phiền toái. Lý tính dùng để giáo huấn, không phải để nghe giáo huấn. Nói trắng ra tức là nếu anh làm điều tốt, anh sẽ gặp điều tốt. Nếu anh làm điều xấu, anh sẽ gặp điều xấu. Tuy vậy, xấu tốt trong đa số trường hợp có tính quy ước, mang tính lập trường. Xấu cho tôi có thể là tốt cho anh, cho nên dù kết quả thế nào cũng có một cách giải nghĩa phù hợp. Giống như một thầy bói tồi, sai đúng thế nào cũng đòi công 50 nghìn ở cửa phủ.
Như vậy, nếu suy nghĩ kỹ thì người nghe đều tự giải nghĩa xấu tốt là đối với người tạo ra nhân. Một lần nữa thế nào là xấu hay tốt. Xấu có nghĩa là gây tổn hại cho người tạo ra nhân. Cố nhiên người tạo ra nhân một cách có ý thức là vì họ muốn mưu cầu một điều gì đó có lợi lộc gì đó cho họ, dù chỉ thỏa mãn một ý thích. Vậy quả xấu có nghĩa là sẽ có một sự kiện đi ngược lại ý muốn, lợi ích, cảm xúc của người gieo nhân. Chúng ta hãy giả thiết người gieo nhân là một người có ý thức về ý muốn, lợi ích, cảm xúc ổn định, không thay đổi xoành xoạch từng phút một. Như vậy nhân quả theo lương năng, có nghĩa là anh làm một điều gì xấu, dù có mang lại cho anh chút thỏa mãn, sẽ có một sự kiện khác đi ngược lại ý muốn, lợi ích hoặc cảm xúc của anh. Ở đây, định nghĩa "xấu" của nhân vẫn hàm ý mập mờ. Dĩ nhiên đối với người gieo nhân, nếu việc đó phù hợp với lợi ích, cảm xúc, ý muốn, thì họ phải thấy là hay, là tốt. Như vậy, "xấu" là quan niệm của người khác. Nếu tranh cãi về đạo lý nó sẽ là quan niệm chung của xã hội, của đa số. Nhưng đa số trường hợp nó chỉ là quan niệm cá nhân của người đang dạy dỗ, đa số có quyền hoặc có tiền (hoặc cả hai). Nói trắng ra, nghĩa đen là anh làm điều gì tôi (hoặc chúng tôi) không dễ chịu, anh sẽ gặp điều chính anh sẽ không dễ chịu (tất nhiên là chúng tôi sẽ dễ chịu). Như vậy thì đó không phải là quy luật phổ quát mà là biện pháp xã hội. Điều đó không hẳn là tồi. Nhưng điều đó đúng hoặc khả thi hay không thì còn tùy.
Có những xã hội, khái niệm tốt xấu không phải bao giờ cũng đồng thuận, hoặc mất mọi giá trị 5 phút sau khi họp. Cái họ khuyên người ta chẳng ăn nhập gì với cái họ làm. Như vậy chúng ta phải hiểu hẹp lại một chút: Các nỗ lực phản ứng của xã hội phải hạn chế cảm giác dễ chịu của "kẻ xấu", tức là kẻ đi ngược lại cảm giác dễ chịu của đám đông, hoặc một giai tầng có đặc quyền (ý thức, tinh thần hay vật chất). Điều đó dễ hiểu, vì nếu cảm giác dễ chịu và hành động cộng hưởng với nhau, ngày một tăng thì đã không có cái tiêu chí đạo đức, mà thực chất là cảm giác dễ chịu "chính thống" của xã hội (chưa chắc đã đúng quy luật hay của đa số).
Trong vật lý, nó cũng giống như các định luật chuyển hóa. Lấy ví dụ như định luật Faraday, biến đổi của từ sinh ra điện, theo hướng chống lại sự biến đổi của từ và ngược lại biến đổi của điện sẽ sinh ra từ để chống lại việc biến đổi điện. Ở đây không có ai đứng ra hy sinh thân mình, hoặc thậm chí thừa hơi rao giảng cho việc biến đổi từ trường hay điện trường là tốt hay xấu. Chỉ biết rằng thế giới sẽ sụp đổ, nếu không có sự ngăn chặn chuyển hóa đó. Từ trường và điện trường trong nháy mắt sẽ tăng vô cùng với mỗi biến đổi nhỏ nhoi và phá hủy mọi trật tự.
Như vậy nhân quả không phải là tốt hay xấu (vốn không có một nội hàm bất biến, nếu quả thật là quy luật, tức là sẽ có xu hướng bảo vệ trật tự ổn định. Như vậy, chúng ta có thể thấy miền áp dụng của quy luật này chỉ đúng nếu hệ thống quả thực ở gần trạng thái ổn định. Nếu trật tự là mạnh, mọi hành động mưu toan rời xa trạng thái ổn định sẽ tạo ra một hấp lực kéo anh quay trở lại.
Tuy nhiên, nếu hệ thống ở xa ổn định, có vẻ như sẽ có những hành động tăng tốc đưa anh ngày càng xa trật tự cũ. Nếu anh may mắn không rơi vào trạng thái lưỡng lự hoặc trạng thái hỗn loạn, anh sẽ được rơi vào một trật tự mới.
Chúng ta xét nốt vế còn lại của nhân quả "Nếu anh gieo nhân tốt (không nhất thiết làm anh dễ chịu, nhưng chúng tôi dễ chịu), anh sẽ có được quả mà anh thấy dễ chịu (chí ít là không đến nỗi khó chịu, hoặc ít khó chịu nhất)".
Câu này đã hàm ý con người sinh ra đã có bản năng lười làm điều tốt, giống như Đường Tăng thích nghe Trư Bát Giới hơn Tôn Ngộ Không, vì thế mà phải có câu này. Bởi vì nếu quả thật làm điều tốt mà dễ chịu cho mọi người, hoặc đa số người thì thế giới của chúng ta đã tốt từ lâu. Ngược lại, những người chiến đấu cho chân lý thường phải trả giá nặng nề, thậm chí lên giàn hỏa, mặc dù được ai ủi muộn màng khi họ không còn nữa.
Nhân quả trong cuộc sống là quy luật hay giải pháp xã hội là do cách quan niệm. Chúng ta lười suy nghĩ về nó, có thể cũng do những câu chuyện cổ tích có hậu, đôi khi tàn bạo, sét đánh chết Lý Thông hoặc Cám bị làm mắm. Dù như thế Lý Thông và Cám vẫn ra đời. Vì thế đối với tôi, nhân quả không phải là quy luật. Nhưng điều đó không ngăn cản việc cố gắng và kiên trì làm những điều mình mình cho là đúng. Có những hoàn cảnh phải sẵn sàng trả giá cho điều đó.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
No comments:
Post a Comment