Wednesday, March 20, 2019

KỸ NĂNG MỀM, TỰ HỌC VÀ XÃ HỘI

Ngày nay trẻ con rất bận. Học suốt ngày. Trường bắt học thêm. Bố mẹ lại bắt học thêm nữa. Học bài trên lớp chưa đủ, còn học năng khiếu. Nếu còn chút thời gian thì chỉ telephone, nhắn tin, chit chat trên FB và/hoặc game điện tử.
Không biết cách dạy, chơi và sống như vậy có ích lợi gì. Đó liệu có phải là cách tốt nhất đi đến thành công. Và thành công như vậy có ích lợi gì cho xã hội, hoặc chí ít là cho đứa trẻ nhỉ.
Theo tôi có lẽ cần suy nghĩ lại về việc có nên và có quyền áp đặt cho trẻ con một cuộc sống như vậy hay không. Xin các vị phụ huynh đừng biện hộ dối trá đó là cách quan tâm của mình đối với con cái nữa. Các doanh nghiệp nhà nước được quan tâm quản lý nhiều thì càng èo ọt, ăn hại, mất sinh khí và sinh thú. Gương đó tày liếp ra rồi, ai bắt ta đi vào vết xe đổ.
Tất nhiên trẻ con cần hướng dẫn đúng, nhưng chúng cũng cần được tham gia vào quá trình đó. Do đó tôi nghĩ việc quan trọng nhất là dạy kỹ năng mềm để trẻ có thể tự học. Kinh nghiệm cá nhân của tôi, 90% thời gian ngồi trong lớp là nhảm nhí, phí thời gian. 10% có được là những hướng dẫn định hướng về nhà tự học. Không gì ngu xuẩn hơn nghe ông thầy lải nhải từng câu từng chữ mà tôi chỉ đọc có vài phút, nếu như ông thầy không chỉ ra ý nghĩa, các trường hợp áp dụng điển hình và các trường hợp ngoại lệ của các khái niệm.
Điểm cơ bản nhất là tự học, suy nghĩ và đặt câu hỏi. Nếu chỉ thụ động nghe thầy thì không bao giờ học được cách gì mới. Thầy chỉ có thể dạy phương pháp và định hướng. Muốn học như vậy thì phải có kỹ năng mềm. Xin các bạn tập trung vào hai kỹ năng chính đọc và viết. Đọc không chuẩn đừng nói chuyện viết. Không viết được chứng tỏ đọc có vấn đề. Đọc và viết cũng như nghe và nói. Trẻ bắt đầu học kỹ năng nghe và nói trước, nhưng nghe và nói thành thục lại phải đến sau đọc và viết.
Đọc và viết đúng cách sẽ làm trẻ hình thành tư duy, biết phân tích, phê phán, sắp xếp kiến thức, lập luận, đặt vấn đề, nêu hướng giải quyết, tìm các kiến thức liên quan để giải quyết. Sau này các kỹ năng này có thể giúp trẻ đi vào bất cứ lãnh vực nào. Kỹ năng mềm là chìa khóa phá bỏ các huyền thoại "tôi chỉ có khả năng làm toán, viết văn hay hoạt động tay chân thôi". Kỹ năng mềm phải rèn luyện từ bé để trở thành bản năng. Tôi đã bỏ công suy nghĩ về nó hơn 20 năm nay và thấy rằng nhiều vấn đề rất đơn giản với trẻ con sẽ rất khó khăn đối với người lớn. Tôi thực sự xót xa nhìn các thế hệ tài năng chôn vùi thời gian vào việc nhồi luyện kiến thức hoàn toàn không có niềm vui sáng tạo nào. Nếu cha mẹ các em dũng cảm dạy cho các em kỹ năng mềm từ nhỏ, không phải tranh giành những giải thưởng nhỏ nhặt, vì được luyện một vài bài tủ, thủ thuật tủ. Để các em tự học và gặt hái cho mình những thành công nhờ được trang bị kỹ năng.
Theo tôi trẻ cần có môi trường để phát triển kỹ năng mềm. Bởi nếu chỉ có một đứa trẻ học kỹ năng mềm. Nó sẽ biến thành kẻ lập dị, một con cừu đen trong xã hội giáo dục kiểu nhồi sọ để tạo ra những cái máy ngu ngốc hôm nay.
Trí tuệ theo tôi là việc sử dụng ngôn ngữ. Đọc để tiếp thu kiến thức và viết để vận dụng nó, phải là một tổ hợp. Nghe để tiếp thu thông điệp và nói để truyền tải thông điệp lại là một tổ hợp khác. Chắt lọc kiến thức thành thông điệp hoặc nhận thức được thông điệp kết nối với kiến thức là sự liên hệ các tổ hợp này cần được tổ chức sao cho hợp lý.
Đừng tưởng điều này là hiển nhiên, không những giáo dục có vấn đề với nó. Ngày nay chúng ta đang lãnh đủ hậu quả của việc sắp xếp không hợp lý kỹ năng trong quản lý xã hội, nghiên cứu khoa học, hoạt động chính trị, kinh doanh,.... Nghiên cứu khoa học Việt Nam càng đầu tư càng suy thoái thành cắt dán. Các buổi báo cáo nghiệm thu đề tài cấp Bộ, nhà nước chỉ thấy trình chiếu các kiến thức thông thường, nhai lại như vẹt các kiến thức trên giấy, mà bản thân được viết ra cũng sống sượng không theo một logic nào. Các buổi họp giao ban đáng lẽ thảo luận các vấn đề để phối hợp, các thông điệp chỉ đạo, trở thành việc phổ biến các văn bản hoặc các tin tức ai cũng biết. Các diễn văn đại cà sa hoàn toàn không có chút thông tin, kích thích chút suy nghĩ nào vẫn nhan nhản. Nếu được rèn luyện kỹ năng mềm tử tế, chí ít là biết xấu hổ với các bài viết, bài trình bày theo tiêu chí chấm điểm chỉ đáng liệt. Thậm chí vỗ tay những bài viết nói như thế cũng phải biết xấu hổ. Xã hội chí ít phải như thế mới mong tiến lên.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

1 comment:

  1. Nguyễn Ái Việt: Các phụ huynh tham khảo quan niệm của tôi về dạy trẻ.

    ReplyDelete