Từ năm 1966, cường độ chiến tranh tăng lên mức ác liệt. Chi viện bằng đường bộ không đủ. Con đường vận tải trên biển bị kiểm soát gắt gao từ sau "Vụ Vũng Rô" (tháng 02/1965). Con đường qua cảng Sihanoukville càng trở nên trọng yếu. Tháng 07/1966, Trung ương Cục quyết định thành lập Đoàn Hậu cần 17, chuyên trách việc tổ chức tiếp nhận hàng chi viện từ miền Bắc qua cảng Sihanoukville, rồi từ đó qua nhiều tuyến vận tải khác nhau vào tới tận B2, tức Nam Bộ.
Hàng hóa do nước bạn viện trợ khi chở đến cảng này được chuyển vào một kho riêng mà các bạn Campuchia hay gọi là "kho Việt cộng". Từ đây, có các “đường dây" của Ban Kinh - Tài đến nhận và chuyển về vùng giải phóng. Người phụ trách chính công tác này tại Phnom Penh là ông Nguyễn Gia Đằng, tức Tư Cam, ủy viên Ban Cán sự Việt kiều Campuchia (bí danh là ban Cán sự K).
Có những thời kỳ, phải chấp nhận mức giá "lót đường” rất cao: Tiền lót đường được tính theo giá 2 đô la/1 kg vũ khí và 1 đô la/1 kg các loại hàng khác. Mức giá này luôn thay đổi, tùy theo tuyến đường nào và viên tướng nào quản lý tuyến đường đó. Có những thời kỳ các viên tướng không chịu lấy tiền, mà đòi đổi vũ khí. Cũng theo ông Tư Cam, có trường hợp phải chấp nhận chia cho họ 30% số vũ khí quá cảnh. (Phỏng vấn ông Tư Cam tại nhà riêng ngày 30/07/2004.)
Bản thân Sihanouk sau này cùng có kể lại với sử gia Pháp Jean Lacouture về việc này và với nội dung khá trung thực:
"Các vũ khí chở đến càng Sihanoukville được chia 1/3 cho Chính phủ của tôi, 2/3 cho phía Việt Minh, chưa kể còn những khoản hối lộ khác cho tướng Tham Mưu trưởng Lonnol...” (Norodom Sihanouk. L’Indochine vue de Pekin. Entretiens avec Jean Lacouture. Paris )
Trong Báo cáo tổng kết công tác ngoại tệ đặc biệt từ 1964 - 1975, tác giả có nói về việc vận chuyển theo tuyến này như sau:
“Từ 1966 - 1969, việc đưa vũ khí và vật tư hàng hóa cho chiến trường từ Liên Xô qua đường sắt liên vận gặp trắc trở, ta đã vận dụng sách lược với chính quyền Sihanouk và Lonnol, đưa hàng từ Liên Xô vào cảng Sihanoukville, sử dụng cảng và địa bàn K để đưa vào miền Nam. Quỹ ngoại tệ đã chi trả chi phí vận tải và chi phí "lót đường” cho nhà chức trách Campuchia số tiền là 36.642.653,52 USD, nhờ vậy mà chiến trường đã nhận được:
20.478 tấn vũ khí,
1.284 lấn quân trang,
731 tấn quân y,
65.810 tấn gạo;
5.000 tấn muối ".
(Mai Hữu Ích. Báo cáo tổng kết công tác ngoại tệ đặc biệt từ 1964 -1975. Lưu trữ Ngân hàng nhà nước Việt nam)
Trong hệ thống tổ chức của Đoàn 17, có Công ty Thương mại Vận tải Hắc Lý. Công ty này được chính quyền Campuchia cấp giấy phép kinh doanh trong các tỉnh và trong thành phố Phnom Penh. Đoàn vừa làm nhiệm vụ thu mua khai thác các nguồn hàng hóa tại Campuchia, vừa tổ chức tiếp nhận hàng chi viện của Trung ương qua cảng Sihanoukville, tiếp chuyển hàng về khu vực thuộc chiến trường B.52.
Biên chế của đoàn chỉ có 84 người nhưng sử dụng lực lượng ngoài biên chế là 564 người, chủ yếu là Việt kiều và hàng trăm dân thường, binh lính, sĩ quan quân đội hoàng gia Campuchia hoạt động cho ta. Đây là chuyến vận tải hoàn toàn bằng cơ giới, có tới 150 xe ô tô vận tải, có lúc thuê mướn thêm 300 xe ô tô, 500 ca nô để vận chuyển hàng hóa đi các hướng, nên đã vận chuyển và khai thác được một khối lượng hàng lớn và quan trọng. Ngoài ra, đoàn còn có các cơ sở kinh doanh mua bán sản xuất, sửa chữa ở các thành phố của Campuchia như xưởng sửa chữa xe đạp, thực phẩm, may mặc quần áo
Đại tá Nguyễn Việt Phương viết:
"Một cán bộ đầy tài năng của Tổng cục Hậu cần là Đức Phương được cử vào đóng vai nhà tư sản kinh doanh, làm chủ Công ty Thương mại Hắc Lý. Đức Phương có dáng người to cao, đường bệ, nước da ngăm nâu, trán hói..., đủ điều kiện để đóng vai một ông chủ hãng buôn lớn xứ Chùa Tháp.
Miền Bắc đã cung ứng cho Đức Phương đủ vàng và ngoại tệ mạnh để hoạt động kinh doanh, ông đã mở rộng quan hệ với các quan chức cao cấp ở Campuchia, trong đó có Tư lệnh thành phố Phnom Penh là Unxiut. Unxiut đã nhanh chóng kết thân với Đức Phương. Viên sĩ quan phụ tá của Unxiut cũng được Đức Phương ưu ái, cho nên tận tình giúp đỡ. Với mối quan hệ đó, Công ty Hắc Lý có thể thuê cả một đoàn xe nhà binh của quân đội Campuchia chở vũ khí và hàng hóa từ cảng Sihanoukville về đến tận biên giới Việt Nam.
Đức Phương còn chơi thân với Bộ trưởng An ninh của Chính phủ Campuchia. Có lần nhân ngày sinh nhật vị Bộ trưởng này, Đức Phương đã gửi một món quà tặng đặc biệt: một chiếc Mercedes mới. Để đáp lễ, Bộ trưởng an ninh đã tặng lại Đức Phương chiếc xe cũ mình đang đi để làm lưu niệm. Với chiếc xe này, Đức Phương và các cán bộ của Hắc Lý đi đến đâu cảnh sát cũng không đụng tới, chỉ nhìn thấy chiếc xe và số hiệu là đã giơ tay cúi chào. Chính Đức Phương đã tổ chức những chuyến xe đặc biệt chở hàng Z, tức tiền Sài Gòn, vào cho Trung ương Cục."
-------
Theo cuốn sách: 5 đường mòn Hồ Chí Minh của tác giả Đăng Phong, Nhà xuất bản: Tri thức (2008)
-------
Theo cuốn sách: 5 đường mòn Hồ Chí Minh của tác giả Đăng Phong, Nhà xuất bản: Tri thức (2008)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk khi ông tới Hà Nội tham dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969. Ảnh: AFP
Oun Sromlanh- Group VNW
No comments:
Post a Comment